Thứ Sáu, 4 tháng 1, 2013

Về Sa Đéc ăn chả cua đồng & Cá lòng tong Phong Điền, ăn một lần đã ghiền!

Anh bạn thân quê ở Sa Đéc (Đồng Tháp) điện thoại lên thành phố mời cuối tuần rảnh về quê anh chơi. Nghe anh nói sẽ đãi một món ăn nhớ đời, đảm bảo không đụng hàng, món chả cua đồng, tôi thích thú nhận lời ngay. 

< Cua đồng, nguyên liệu tươi ngon...

Nhắc đến cua đồng, cả ký ức tuổi thơ trong tôi như sống dậy. Nhớ như in mỗi năm cứ mùa mưa đến, bọn trẻ chúng tôi lại rủ nhau ra đồng bắt cua, ốc… đem về nhà hấp, luộc chấm muối ớt ăn rất ngon lành. Chỉ đơn giản thế thôi!

Sau này được đi nhiều nơi và thưởng thức các món ngon vật lạ của các vùng miền, được biết thêm những món ăn khác từ con cua đồng được các nghệ nhân ẩm thực “nâng lên tầm cao mới” như cua đồng rang muối, rang me, hấp bia, nấu canh chua bắp chuối, lẩu cua đồng... nhưng món ăn bạn giới thiệu lần này thì lạ thật, tôi chưa từng được thưởng thức bao giờ.

Hàn huyên tâm sự xong, bạn kéo ra "quán ruột". Chờ không lâu, chủ quán đã dọn món ăn lên bàn. Nhìn đĩa sứ trắng tinh bên dưới là màu trắng pha lẫn màu xanh của dưa leo, màu đỏ cà chua, chính giữa là một khối chả cua đồng màu nâu sẫm có rắc đậu phộng rang giã giập cùng vài cọng ngò rí điểm xuyết phía trên trông thật bắt mắt. Cạnh đó là một đĩa bánh phồng tôm chiên vàng nóng hổi, thơm lựng.

Không cưỡng được cơn thèm, tôi lấy miếng bánh phồng xúc một ít chả cua đồng bỏ lên miếng bánh đưa vào miệng. Vị ngọt, mềm, thơm của riêu cua, vị chua chua, giòn giòn của cà, dưa leo kết hợp vị béo của bánh phồng tôm giòn tan trong miệng, thấm đẫm mọi giác quan, thật tuyệt vời!

Chủ quán nói làm món này dễ nhưng phải tốn công một chút. Cua đồng bắt được (hay mua ở chợ) về chọn những con còn sống cho vào xô nhựa, đổ nước ngập cua và dùng que tre (hoặc đũa) đảo nhiều vòng, xả vài lần với nước lạnh cho sạch đất. Đập nước đá cho vào cua để cua chìm vào “giấc ngủ đông”, quên kẹp. Kế đến, tách bỏ mai, yếm, chỉ giữ phần thân, ngoe, càng, rửa nước lạnh cho sạch để ráo.

Sau đó cho cua vào cối đá (hay máy quay sinh tố) với nửa muỗng muối bọt cùng một ít nước đăm (hay xay) nhuyễn. Đổ thịt cua đã xay nhuyễn vào thau khuấy đều với nước, cho vào vợt lược (khoảng ba lần nước) bỏ xác đến khi thấy nước cua hơi trong thì thôi.

Sau cùng cho nước cua vào nồi, bắc lên bếp nấu sôi. Chừng vài phút sau dùng vá nhẹ tay sơ đều hớt bọt để riêu không bị dính dưới đáy nồi. Điều chỉnh lửa liu riu (tránh bị trào) cho đến khi từng mảng riêu cua nổi lên, dùng vợt lược hớt riêu cua để ra tô cho ráo. Đập một trứng vịt cho vào tô đánh cho hòa tan. Bắc chảo lên bếp phi mỡ (dầu) tỏi, đầu hành lá xắt nhuyễn cho riêu cua, trứng vịt cùng gia vị (bột nêm + bột ngọt) vừa khẩu vị xào chín, nhắc xuống, múc ra đĩa là xong.

Để món ăn đậm đà hương vị, thêm vào đậu phộng rang giã giập, rau sống (dưa leo, cà chua) xắt miếng. Và, cũng theo chủ quán, món này phải ăn kèm với bánh phồng tôm chiên (hay bánh tráng mè nướng), nếu thích thêm một cốc bia lạnh vào nữa cho “đúng bài”!

Những ngày nghỉ cuối tuần, khách qua lại Sa Đéc tham quan danh thắng nơi đây, có thể dừng chân thưởng thức món chả cua đồng lạ miệng nhưng thơm ngon và cực kỳ hấp dẫn. Và khi ra về có lẽ nhiều người sẽ thêm vào thực đơn món ăn dân dã của quê hương miền Tây yên ả, thanh bình, mến khách này.


Du lịch, GO! - Theo Thanh Tâm (Dulich Tuoitre)

  Cá lòng tong Phong Điền, ăn một lần đã ghiền!
 
Khi những cơn mưa cuối mùa dần lụi tàn, nước sông Hậu bớt đỏ màu phù sa Biển Hồ (Campuchia), là lúc dòng kênh, con rạch nơi đây trở thành nơi quần sinh của những bầy lòng tong. Mặt nước cứ xao động vì những con cá cứ lên ăn móng (đớp bóng).

Đó là lúc bọn trẻ chúng tôi hối hả chặt tre làm cần câu vùi mình vào thú vui thôn dã. Không giống như câu các loại cá khác, nhợ câu cá lòng tong không có chì và phao, chỉ đơn sơ một chiếc lưỡi câu nhỏ.

Chọn chỗ vừa ý nơi bờ sông, móc cơm nguội vào lưỡi câu, thẩy lưỡi câu vừa chạm mặt nước, giật lên, ngay tức thì thấy một chú cá nhỏ cỡ ngón tay, thuôn dẹp, vảy bạc lấp lánh giãy giụa trong nắng trời. Thẩy câu, giật câu, bắt cá lia lịa.

< Cá lòng tong chỉ vàng.

Câu được một mớ lòng tong đủ kho tiêu, tôi đem về khoe má. Tưởng được khen, ai dè bị má mắng một trận nên thân vì dang nắng sợ bị bệnh. Mắng thì mắng, nhưng tôi thoáng thấy má cười mãn nguyện khi đem cá ra sau bếp.

Để có những con lòng tong kho cứng mình, má làm sạch cá, ướp thật nhiều đường. Bắc ơ cá lên bếp lửa, cho nước mắm ngon vào. Khi nước mắm sôi cạn thì chan một muỗng mỡ hoặc dầu ăn vào, nhắc xuống, rắc tiêu bột đều trên mặt. Chỉ ngửi mùi cá kho tỏa ra từ bếp bụng dạ đã réo sôi ục ục rồi.

Cũng như nhiều người sông Hậu, má tôi rất ưa món lòng tong chiên, chiên tươi hoặc chiên bột. Để có những con cá chiên ngon tuyệt, má ướp nước mắm ngon rồi thả cá vào chảo dầu đang sôi. Lòng tong chiên tươi đã ngon, chiên bột còn điệu đà hơn nếu được gói với bún cùng rau sống, dưa leo chấm nước mắm giấm tỏi ớt. Món ngon nhớ đời vì thịt cá lòng tong dai ngọt có lẽ nhờ ăn phù sa sông Hậu, hòa vị ngọt các loại rau trái vườn nhà tinh sạch.

Nhắc đến lòng tong tôi không sao không nhớ những ngày tháng 10 âm lịch ở Phong Điền (Cần Thơ). Người dân nơi đây dùng mấy cái hom như hom bắt chim, hoặc dùng lưới mắt nhỏ chặn một đầu kênh. Sau đó bà con liệng từng bụm đất sình xuống, mặt nước xao động, lũ lòng tong hoảng hốt chui ào ào vô “rọ”. Không phải một nhà mà cả xóm cả làng xúm nhau đánh bắt cá lòng tong. Nên, như một ngày hội đông vui đáo để. Mỗi nhà thu hoạch lòng tong chừng... chục ký.

< Cá lòng tong tam giác.

Cá đem về nhà, cắt bỏ đầu, làm ruột, chà vảy rồi ướp mắm muối, gia vị vừa ăn trước khi trải trên những cái nia đem phơi. Một nắng tốt là những chú cá lòng tong ăn no gia vị quắt lại thành những con khô độc đáo, tôi nghĩ có lẽ chẳng nơi nào có được, ngoài cái xứ Phong Điền này.

Vì là loại cá nhỏ con, lại trở thành khô nên càng thêm nhỏ, cho nên khô cá lòng tong chỉ có mỗi một cách là chiên sơ trước khi ăn. Có thưởng thức khô cá lòng tong rồi, bảo đảm bạn sẽ bị ghiền, vì cái sự ngon quá là ngon của nó. Ăn chung với khô cá lòng tong là dưa nén.

Để làm dưa nén, người Phong Điền rửa sạch cải làm dưa, phơi ba nắng, rửa sạch lần nữa trước khi ướp muối đường. Sau khi nhận cải sơ chế vô hũ da lương, người ta đổ nước muối cùng đường thắng nấu với nước sông (phải là nước sông Phong Điền), khi sôi để nguội đổ vào hũ. Không phải 3 ngày như nhiều nơi khác, muốn ăn ngon dưa cải Phong Điền phải “chầu chực” tới 6 - 7 bữa sau. Đó là lúc dưa cải “chín”  màu vàng nghệ rất đẹp mắt, cho vị chua dịu, giòn tanh tách như nhảy trong răng.

Thưởng thức khô cá lòng tong chiên với dưa cải, uống ly rượu đế chánh gốc Phong Điền - thứ rượu uống tới đâu biết tới đó - mèn ơi, hương vị sông nước miền Tây sao đậm đà, say đắm vậy...

Du lịch, GO! - Theo Phương Kiều (Hậu Giang online).
 Nguồn sưu tầm by Ngoan Trương Công

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét