Thứ Hai, 7 tháng 1, 2013

Những tác giả viết ca khúc Tết Trung thu

Biết bao cuộc rước đèn của thiếu nhi đêm Trung thu trên khắp mọi miền đất nước không thể nào thiếu cảnh múa lân với chiêng trống khua rộn ràng và những bài hát hầu như đã trở thành "dân ca" bởi đã từng được các thế hệ thiếu nhi thuộc nằm lòng qua hơn nửa thế kỷ. Hai trong số những bài hát này là Thằng Cuội của nhạc sĩ Lê Thương và Rước đèn tháng tám của nhạc sĩ Vân Thanh.

Nhất là ở các vùng nông thôn, đêm trung thu nào mà chẳng vang lên những màn đồng ca:

"Tết trung thu rước đèn đi chơi,
em rước đèn đi khắp phố phường.
Lòng vui sướng với đèn cầm tay,
em múa ca trong ánh trăng rằm...
Tùng dinh dinh cắc tùng dinh dinh.
Tùng dinh dinh cắc tùng dinh dinh,
em rước đèn này đến cung trăng.
Tùng dinh dinh cắc tùng dinh dinh,
em rước đèn này đến chị Hằng...
"
(Rước đèn tháng tám).

B
ài hát thì hầu như ai cũng biết, nhưng tác giả thì... chịu, chẳng ai nhớ! Chúng tôi lần theo những hồi ức của các nhạc sĩ lão thành ở miền Nam để dò tìm tác giả bài hát Rước đèn tháng tám và nhạc sĩ Hoàng Châu đã nói "chắc như đinh đóng cột" rằng bài đó của nhạc sĩ Văn Thanh, hiện ở đường Trần Huy Liệu (Quận Phú Nhuận, TP Hồ Chí Minh). Nhưng khi chúng tôi tìm đến nơi thì nhạc sĩ Văn Thanh (sinh năm 1930) lại khảng khái thừa nhận mình không phải là "cha đẻ" của bài hát đó mà tác giả đích thực phải là nhạc sĩ Vân Thanh. Hai chữ (tiếng) "Vân", "Văn" viết và đọc na ná như nhau nên rất nhiều người lầm tưởng. Tuy nhiên, nhạc sĩ Văn Thanh cũng tiết lộ nhiều điều về tác giả bài hát Rước đèn tháng tám bởi hai ông đã có một thời gian dài cùng cộng tác với Đài Phát thanh Pháp Á.

Theo nhạc sĩ Văn Thanh thì Rước đèn tháng tám dù ra đời sau bài hát Thằng Cuội của nhạc sĩ Lê Thương nhưng cũng đã ngót nghét hơn nửa thế kỷ và đã nhanh chóng trở nên quen thuộc với các em thiếu nhi trong mỗi mùa trung thu. Sau đó để tránh nhầm lẫn vì "gần như" trùng tên nhau nên tác giả Rước đèn tháng tám đã đổi tên thành Đức Quỳnh (ngoài ra, Đức Quỳnh còn là tác giả của các bài hát thiếu nhi khác như: Tiếng xuân, Chim chích chòe...). Nhạc sĩ Đức Quỳnh đã mất cách đây khoảng 5 năm tại TP Hồ Chí Minh. Tuy thế, nhiều người vẫn nhầm nhạc sĩ Văn Thanh là tác giả Rước đèn tháng tám, chẳng hạn Hãng phim Trẻ cũng từng tìm đến ông để... trả tiền tác quyền và ông đã không nhận.
Một bài hát dành cho thiếu nhi vui đêm trung thu đã được liệt vào hàng "kinh điển" là bài Thằng Cuội của nhạc sĩ Lê Thương. Bài hát này không chỉ cuốn hút thế giới tuổi thơ mà còn hấp dẫn cả nhũng người lớn tuổi bởi giai điệu trong sáng, ca từ thật dễ thương và ngộ nghĩnh:

 "Bóng trăng trắng ngà,
có cây đa to, có thằng Cuội già,
ôm một mối mơ. Lặng yên,
ta nói Cuội nghe.
Ở cung trăng mãi làm chi?
Bóng trăng trắng ngà.
Có cây đa to...
".
Bài hát này được Nhà xuất bản Tinh Hoa ấn hành năm 1953, chỉ khoảng 300 nhịp 3/4 (kể cả phần intro) nhưng lại có đến 5 đoạn lời mà đoạn lời nào cũng... hay đến không ngờ.
Nhạc sĩ Nguyễn Tôn Nghiêm bảo: "Hồi nhỏ, tôi khoái nhất khi hát đoạn 3: “Có con dế mèn, suốt trong đêm thâu, hát xẩm không tiền, nên nghèo xác xơ... Đền công cho gió nỉ non, trời cho sao chiếu ngàn muôn. Có con dế mèn...". Tuổi thơ ai mà chẳng thích chơi dế, nhưng từ khi nhạc sĩ Lê Thương biến những chú dế mèn thành những nghệ sĩ hát xẩm thâu đêm thì... tôi đâm ra vừa thương vừa quý chúng. Không còn thích chơi bắt dế, đá dế nữa".
Còn nhạc sĩ - Nhà giáo ưu tú Phạm Thúy Hoan thì cho biết: "Tôi thích cả hai bài hát. Bài Rước đèn tháng tám rất hợp với con nít, nét nhạc nhí nhảnh hồn nhiên, nhiều hình ảnh mà hình ảnh nào cũng rất gần gũi với tuổi thơ của các em: những đèn ông sao với đèn cá chép, đèn thiên nga với đèn bươm bướm, những hạt dưa, bánh dẻo luôn hiện diện trong thế giới trẻ thơ của mùa trung thu. Nhất là tác giả đã đưa được vào bài hát tiết tấu sôi động của tiếng trống múa lân "Tùng dinh dinh cắc tùng dinh dinh..." hết sức tượng hình. Còn bài Thằng Cuội, tôi thực sự cảm phục nhạc sĩ Lê Thương bởi ông đã sáng tác bằng cảm xúc, con tim và ánh mắt của trẻ thơ. Ông gợi cho chúng những hình ảnh của thế giới cổ tích, thần thoại khi nhìn lên vầng trăng thấy có in hình cây đa, chú Cuội rồi kích thích trí tưởng tượng của chúng: "Các em thích cười, muốn lên cung trăng, cứ hỏi ông trời, cho mượn cái thang... Mười lăm tháng tám trời cho, một ông trăng sáng thật to. Các em thích cười...". Không chỉ nổi tiếng với 3 bản Hòn vọng phu bất hủ, nhạc sĩ Lê Thương đã để lại một vầng trăng thật trong sáng cho nhiều thế hệ thiếu nhi qua bài hát Thằng Cuội”.
Nguồn sưu tầm by Ngoan Trương Công

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét