Thứ Sáu, 4 tháng 1, 2013

Đến Sapa, nhớ mua heo gác bếp & Gié bò: món ngon đến từ dân tộc Bana

Người dân ở vùng cao thường làm món heo gác bếp để dự trữ vào lúc mưa bão, đông giá, không ra chợ được. Nhưng với du khách từ miền xuôi, heo gác bếp là món ẩm thực độc đáo.
Heo gác bếp là món ăn phổ biến của nhiều người dân Sa Pa. Hầu như nhà nào cũng có món này. Món heo gác bếp xuất hiện ở chợ và dần trở thành đặc sản đối với khách du lịch.

Hầu như nhà nào trong các bản làng cũng nuôi ít nhất vài con heo. Heo nuôi ở bản được thả rông, không ăn các loại thức ăn tăng trọng mà chủ yếu ăn rau, củ. Người ta nuôi heo chủ yếu phục vụ nhu cầu tiêu dùng trong gia đình. Nuôi nhiều mới bán chợ.

Khi mổ heo, chủ nhà thường ăn phần đầu và chân. Phần thịt còn lại được cắt thành lát dài, tẩm ướp gia vị rồi treo trên giàn bếp. Nhiều ngày, khói bay lên bám vào thịt tạo một màu nâu đen. Ăn thử món này mới cảm nhận được vị ngon độc đáo của nó. Heo vận động nhiều nên thịt săn chắc, phần mỡ cứng và giòn. Gia vị lâu ngày thấm vào thịt cùng với mùi khói tạo hương vị đặc trưng của món ăn. Thịt heo gác bếp mặn mòi nên chỉ ăn với cơm trắng thôi cũng thấy "đã miệng" rồi.

Người dân ở vùng cao thường làm món heo gác bếp để dự trữ vào lúc mưa bão, đông giá, không ra chợ được. Chỉ cần đến giàn bếp lấy xuống miếng thịt heo là có được bữa ăn cho cả gia đình. Nhưng với du khách từ miền xuôi, heo gác bếp là món ẩm thực độc đáo.

Đến Sa Pa, khách đừng quên hỏi mua heo gác bếp về làm quà cho người ở nhà. Và tất nhiên, khách cũng đừng quên thưởng thức món ăn này ngay tại bếp nhà của người Mông.

Du lịch, GO!- Theo Cần Thơ Online
 Nguồn sưu tầm by Ngoan Trương Công.
 Gié bò: món ngon đến từ dân tộc Bana
Gié bò là món ăn của người dân tộc Bana ở vùng cao thuộc hai huyện An Khê và Vĩnh Thạnh. Qua tiếp xúc, món ăn này được người đồng bằng thấy hợp khẩu vị nên đã phát triển trong cộng đồng người Kinh vùng đất Tây Sơn – Bình Định.

Gié bò là loại món ăn bình dân hợp với túi tiền của mọi người, giàu nghèo đều có khả năng thưởng thức ăn chơi hay ăn đến no bụng. Giá một tô gié bò chẳng hơn giá một tô phở là bao.
Tuy nhiên gié bò không phải là món dễ ăn và chỉ người sành ăn mới khoái khẩu. Người mới ăn lần đầu đều cảm thấy “khó trôi” bởi lẽ gié bò nấu hoàn toàn bằng ruột non của bò.

Người ta gọi là gié vì nó có vị đắng và hôi. Để khử vị đắng người nấu phải bỏ thêm lá giang rừng và ớt chín để bão hoà với chua cay.

Khi mổ bò, chọn khúc ruột non ngon nhất, còn tươi, bên trong ruột còn chất nhầy trong xanh gọi là gié. Ruột phải tươi mới thì chất gié này không hôi, mới dùng được. Xổ phần gié trong ruột non ra, ruột để riêng. Ướp muối, tiêu, hành, tỏi băm nhỏ vào gié trong mươi phút cho ngấm.

Sau đó đun nóng dầu, phi hành thơm, cho gié đã ướp vào xào cho chín. Đổ nước dừa tươi vào nấu sôi khoảng 15 phút, vớt kỹ bọt, để nguội lấy nước trong.

Ruột non, gan bò cắt đoạn hoặc miếng vuông, ướp với hành, tỏi, muối, tiêu. Phi nóng dầu xào cho gan và ruột dậy mùi thơm rồi để nguội. Phần huyết bò khi mới cắt tiết đem luộc chín, người địa phương hay lót miếng lá chuối dưới đáy nồi, tránh bị sít. Huyết cũng được cắt cỡ miếng gan. Tất cả các nguyên liệu trên được cho vào nồi nấu chung với nước gié.
Nướ ghé là nước người ta nấu xoong nước cốt gồm cả tiết, phổi, gan bò. Xong vớt phổi gan tiết ra để riêng còn nước cốt đem nấu với ruột non để thành món gié.

Quan trọng ở giai đoạn này là cho vào những gia vị tạo hương để khử mùi hăng của gié. Đó là sả cây, gừng nướng cho thơm, tai vị đập dập cho vào nồi nấu sôi khoảng 15 phút. Sau đó cho thêm lá giang rửa sạch, vò nát vào sẽ làm cho nồi gié có vị chua. Nêm gia vị lại cho vừa ăn là được. Theo người địa phương, ăn gié đúng gu phải cho thêm vài giọt mật bò vào nồi cho có vị hơi nhân nhẫn, đắng đậm mới ngon.

Gié bò càng ăn nóng càng thấy ngon bởi mùi thơm của rau bốc hương, vị đắng cồn cào của nước gié sực lên mùi hoà nhập với vị chua của lá giang, vị cay bỏng của ớt đã lôi cuốn thực khách “vào trận” một cách kỳ lạ mê hồn. Gié bò vừa ăn vừa nhâm nhi ly rượu Bàu Đá nổi tiếng địa phương thì thấy trên cả tuyệt vời.

Gié bò ngon miệng là tô gié vừa ăn không quá mặn mà cũng chẳng nhạt, vừa phải đậm đà. Nước gié tuy đắng nhưng không chát, nếu không đắng thì chẳng còn gọi là gié bò nữa. Tuy nhiên gié bò cũng béo, cái béo dễ ăn vì không ngậy nên đã làm vừa lòng các thượng để khó tính nhất trong giới sành ăn.
Gié bò thường ăn kèm bánh tráng gạo nướng giòn.

Du lịch, GO! - Theo Amthuc365
 Nguồn sưu tầm by Ngoan Trương Công.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét