Thứ Hai, 7 tháng 1, 2013

Nhạc sĩ Trường Sa với những dòng sông xưa

ĐML(Điệp Mỹ Linh): Xin anh vui lòng cho biết anh định cư tại Canada từ năm nào? Tình trạng gia đình anh ra sao? Từ đó cho đến nay anh sáng tác được bao nhiêu nhạc phẩm mới?

TS (Trrường Sa): Tôi định cư tại Canada từ năm 1991. Vợ tôi đã qua đời cách nay 8 năm. Tôi hiện sống một mình, vì các con của tôi đều lập gia đình, 3 cháu ở Toronto, còn một cháu đang sống tại Mỹ. Từ đó đến nay tôi sáng tác những ca khúc sau đây: Xin Yêu Nhau Dù Mai Nữa (được trình bày trong Thúy Nga 70), Mùa Xuân Sao Chưa Về Hỡi Em (Thúy Nga 44), Những Mùa Thu Qua Trên Cuộc Tình Tôi và Khi Chuyện Tình Đã Cuối (Asia Video), Bản Tình Ca Cho Kỷ Niệm (Thúy Nga 70), Paris Em Về (Asia Video), Đôi Mắt Em Tôi (Asia CD), Một Thoáng Mơ Phai (Thúy Nga CD), Saigon Ơi Tôi Còn Em Đó, Thu Vẫn Qua Đây Mình Ta và Hạnh Phúc Hôm Nay đều xuất hiện trong CD "Giòng Thời Gian" của Thùy Dương.

ĐML: Ngược thời gian trở về thời kỳ trước năm 1975, xin anh cho biết qua xuất xứ, không gian, thời gian cũng như cảm hứng của anh vào những lúc anh sáng tác những nhạc phẩm nổi tiếng một thời.

TS: Là một sĩ quan Hải Quân QLVNCH, trước bối cảnh lịch sử, tôi đã viết một số ca khúc đại chúng, trong thời gian 1965-1966, như Hành Trang Giã Từ, Chuyện Người Đan Áo, Một Lần Xa Bến, Trên Đường Về Thăm Em v.v... Sau năm 1966, tôi chuyển hướng, chỉ viết tình ca. Hầu hết các ca khúc đều buồn, từ chuyện tình cảm mất mát. Từ 1967-1969, những ca khúc tôi viết tại Saigon và được Lệ Thu thâu thanh đầu tiên là: Xin Còn Gọi Tên Nhau, Rồi Mai Tôi Đưa Em và Mùa Thu Trong Mưa. Nhạc phẩm Một Mai Em Đi, tôi sáng tác năm 1973, khi đơn vị của tôi đóng quân ở đồn Trà Cú, cũng do Lệ Thu thâu thanh đầu tiên. Ngoài ra, nhiều nhạc phẩm khác của tôi cũng được những ca sĩ khác trình bày, như Tàn Tạ (Thái Thanh), Ru Em Một Đời (Sĩ Phú). Những ca khúc sáng tác tại Trà Cú: Một Mai Em Đi, Ru Em Một Đời, Sầu Muộn Sầu, Như Hoa Rồi Tàn đều do Lệ Thu trình bày. Riêng Sầu Biển được phổ biến rất rộng rãi trong Hải Quân vì bản nhạc ra đời vào thời điểm Hải Quân VNCH tham chiến trận Hoàng Sa.

ĐML: Tôi không ngạc nhiên khi được anh cho biết nhiều nhạc phẩm của anh đã được viết tại Trà Cú. Tôi đã đến Trà Cú. Từ trực thăng nhìn xuống, đồn Trà Cú đơn độc, nằm ngay một vị trí chiến lược rất hiểm hóc của bờ sông Vàm Cỏ Đông và con kinh đào nho nhỏ. Nhưng, khi chiều xuống, ngồi nơi bãi đáp trực thăng, nghe tiếng thì thầm của lau sậy nơi vùng đầm lầy từ phía sau, rồi nhìn những tia nắng úa tàn lướt nhẹ trên dóng nước lặng lờ của dòng sông Vàm Cỏ và thấy từng khóm lục bình quấn quít quanh mấy chiếc khinh tốc đỉnh đang bập bềnh nơi cầu tàu thì, đối với tôi, Trà Cú không còn là một địa thế quân sự mà Trà Cú chính là nơi dễ khơi động những rung cảm thầm kín của những người mang tâm hồn nghệ sĩ. Những bản tình ca của anh thường mở đầu một cách rất dịu dàng, tha thiết, đến đoạn giữa anh tạo những biến âm rất lạ và rất bất ngờ. Chính những biến âm đó xoáy sâu vào hồn và làm nhức tim người nghe. Từ trước 75 cũng như sau 75, tôi nghe rất nhiều ca sĩ hát nhạc của Trường Sa. Họ hát cũng hay lắm, nhưng, đối với tôi, chỉ có tiếng hát Lệ Thu mới thật sự diễn đạt được những biến âm đột ngột đó. Xin anh cho biết anh có cùng nhận xét với tôi hay không?

TS: Những biến âm mà chị đề cập không phải tự tôi cố tình tạo nên mà do những rung động sâu kín trong tôi trào dâng. Tôi đồng ý với nhận xét của chị về tiếng hát Lệ Thu. Vào thời điểm 1964-1965, Lệ Thu hát hay nhất và tôi thích tiếng hát Lệ Thu nhất.

ĐML: Tại sao thời gian đó anh không phục vụ tại phòng CTCT mà lại chỉ huy những đơn vị chiến đấu? Cảnh sắc và những dòng sông mà đơn vị của anh đi qua có đem đến cho anh nguồn cảm hứng nào hay không?

TS: Tôi không thích sống và làm việc gò bó tại văn phòng, mặc dù Phó Đề Đốc Hoàng Cơ Minh đã chú ý và vài lần đề nghị tôi về CTCT. Cảnh sắc và những dòng sông mà đơn vị tôi đã đi qua có đem cảm hứng đến cho tôi, nhưng vì đơn vị của tôi đụng trận liên miên nên tôi không thể sáng tác được.

ĐML: Một lần, tại căn cứ Tiền Doanh Yểm Trợ Rạch Sỏi, thấy mấy chiếc khinh tốc đỉnh nhận nhiên liệu xong, sắp trở lại vùng hành quân, sông Cái Lớn, tôi xin ông Trung úy trưởng toán cho tôi "quá giang". Ông Trung úy bảo để ông ấy xin phép chỉ huy trưởng của ông ấy đã. Sau khi ông Trung úy dùng máy truyền tin trình với anh về yêu cầu của tôi, tôi nghe anh bảo ông Trung úy tả hình dáng của tôi cho anh nghe xem có đúng hay không rồi anh mới quyết định. Lúc đó tôi mới biết chỉ huy trưởng của ông Trung úy là anh, nhưng tôi vẫn chưa biết anh là Trường Sa. Khi vào đến vùng hành quân, gặp anh, tôi mới được biết anh là tác giả những bản nhạc mà tôi rất thích. Xin anh cho biết lúc đó anh chỉ huy Giang đoàn nào? Và khi hành quân ở vùng sông Cái Lớn, anh có cho ra nhạc phẩm nào hay không?

TS: Lúc đó tôi chỉ huy Giang đoàn 63 Tuần Thám. Đơn vị của tôi hoạt động trên sông Cái Lớn chỉ có 3 tháng. Trong thời gian này, đơn vị của tôi cũng đụng trận hoài nên không sáng tác gì được cả. Sau đó, Giang đoàn 63 Tuần Thám phải quay về Đồng Tháp Mười để giải tỏa áp lực địch ở kinh Đồng Tiến. Tại vùng này, vào mùa Hè năm 1972, chúng tôi đã chịu một trận đánh rất ác liệt.

ĐML: Xin anh cho biết một cách khái quát về trận đánh đó để độc giả được biết thêm về một khía cạnh khá đặc biệt của anh.

TS: Tại trung tâm Đồng Tháp Mười và cũng là trung tâm kinh Đồng Tiến, Hải quân thành lập một căn cứ tại Phước Xuyên. Căn cứ này là hậu cứ của Giang đoàn 63 Tuần Thám. Từ căn cứ Phước Xuyên đi về hướng sông Vàm Cỏ Tây, hai bên là rừng tràm dày đặt, chạy dài tới Ấp Bắc. Từ căn cứ Phước Xuyên đi về hướng sông Cữu Long, hai bên là đồng trống, thỉnh thoảng có một khu dân cư ở ven kinh. Ngày 07-04-72, đoàn khinh tốc đỉnh của Giang đoàn 63 Tuần Thám đang tuần tiểu trong khu rừng tràm thì bị lực lượng CSBV, từ biên giới Kampuchea xâm nhập vào lãnh thổ Việt Nam, tấn công. Trong khi đó, đoàn khinh tốc đỉnh, cũng thuộc Giang đoàn 63 Tuần Thám, đang hoạt động nơi khu đồng trống thì bị đánh bằng mìn áp lực, căn cứ Phước Xuyên bị pháo kích liên tục và bị phóng hỏa tiễn. Giang đoàn 63 Tuần Thám được tăng cường một số khinh tốc đỉnh thuộc Giang đoàn Ngăn Chận và Giang đoàn 59 Tuần Thám. Lúc này mọi hoạt động của lực lượng Hải Quân đều phải "co" lại, vì mặt nào cũng bị tấn công. Suốt hai tháng bị bao vây tại Đồng Tháp Mười, lực lượng Hải Quân đã hai lần mở đường máu ra Ấp Bắc, với sự yểm trợ của lực lượng Bộ Binh phối hợp với Không quân Hoa Kỳ, nhưng khi đến khu rừng tràm thì bị đánh dội ngược trở lại. Các Giang đoàn Tuần Thám đều được trang bị bằng khinh tốc đỉnh. Khinh tốc đỉnh được chế tạo bằng vật liệu nhẹ nên ưu thế là tạo được vận tốc cao nhưng yếu thế là khi bị mìn thì tàu vỡ tan. Do đó, lực lượng Hải Quân bị tổn thất nặng trong trận này. Đơn vị chủ động trận đánh này tôi không nhớ rõ, dường như là Công trường 5 CSBV.

ĐML: Sau đó, anh về Trà Cú, đúng không? Vì tôi nhớ khoảng thời gian cuối 72 hoặc đầu 73, tôi gặp anh ở Trà Cú.

TS: Vâng. Sau trận đánh kinh hoàng ở căn cứ Phước Xuyên, tôi được thuyên chuyển về làm chỉ huy trưởng Giang đoàn 53 Tuần Thám, chịu trách nhiệm vùng sông Vàm Cỏ Đông, trú quân tại căn cứ Trà Cú, thuộc tỉnh Hậu Nghĩa. Vì đơn vị của tôi hoạt động trên sông Vàm Cỏ Đông với mục đích cắt ngang thủy lộ xâm nhập của CSBV từ mật khu Mõ Vẹt nên bị đụng độ hoài và căn cứ Trà Cú bị pháo kích liên miên, kể cả bị hỏa tiễn AT3.

ĐML: Ngày đó, ở cương vị của một sĩ quan Hải Quân ngành chỉ huy và tiếng tăm của một nhạc sĩ được mến mộ, nếu buộc anh phải lựa chọn, anh chọn danh xưng nào?

TS: Là một thiếu tá Hải Quân, tôi rất hãnh diện đã phục vụ cho lý tưởng tự do, đó là hoài bảo của một thanh niên đầy nhiệt huyết trước nhu cầu của đất nước, đó cũng là danh dự của cả một đời người, tôi không thể không chọn lựa danh xưng này. Mọi người sinh ra đều có những năng khiếu khác nhau. Viết một ca khúc, trước hết mình đã phần nào là một người làm thơ và mình cũng phải có một giác quan rất bén nhạy mới có thể tạo ra được những chuỗi âm thanh hài hòa để người nghe cùng rung động với tâm tư của mình. Vì vậy, trong âm nhạc, tôi cũng không thể không nhìn nhận đây là nhu cầu vô cùng cần thiết cho đời sống tinh thần.

ĐML: Anh trả lời khéo léo vô cùng. Xin anh cho biết tựa đề nhạc phẩm anh sáng tác đầu tiên và ca sĩ nào trình bày? Cho đến nay, tổng cộng anh sáng tác được bao nhiêu ca khúc?

TS: Bản nhạc do tôi sáng tác đầu tiên là một ca khúc Tango Habanera, tựa đề Mây Trên Đỉnh Núi, để tặng người bạn tên Hoàng, xướng ngôn viên đài phát thanh Đà Lạt. Bản này do Thanh Lan hát. Cho đến nay, kể cả một số ca khúc chưa phổ biến, tổng cộng tôi sáng tác khoảng 50 bài.

ĐML: Anh nhận xét như thế nào về nền âm nhạc VN ở trong nước kể từ khi anh ra tù rồi vượt biển? Thời gian đó có bao giờ vô tình anh nghe lại được những bản nhạc của anh trong số "nhạc vàng" mà người miền Bắc rất thích hay không? Nếu có, lúc đó anh nghĩ gì và cảm nhận được gì?

TS: Suốt thời kỳ chiến tranh, người miền Bắc Việt Nam chỉ được các nhạc sĩ phổ biến những ca khúc động viên tinh thần chống Mỹ. Tuy nhiên, sau khi chiến tranh chấm dứt, khuynh hương phổ biến "nhạc vàng" được nới rộng và quần chúng có dịp thưởng thức phần nào âm nhạc miền Nam. Chính tôi đã nghe được một chương trình nhạc êm dịu do Phạm Trọng Cầu tổ chức và một ca sĩ hát bài Rồi Mai Tôi Đưa Em. Và sau khi vượt biển, ra nước ngoài, tôi được xem một show video, ca sĩ Lan Ngọc trình bày Xin Còn Gọi tên Nhau và Mùa Thu Trong Mưa. Những lúc đó tôi rất xúc động.

ĐML: Anh so sánh như thế nào giữa nền âm nhạc Việt Nam tại hải ngoại và nền âm nhạc tại Việt Nam từ 1954 đến năm 1975?

TS: Có thể chia làm hai thành phần. Thành phần những người viết nhạc từ trước 1975, do hoàn cảnh sinh sống trên quê hương tạm dung khác biệt với quê hương Việt Nam nên bị hạn chế và cái nhìn có khác đi. Thành phần những người trẻ viết nhạc sau 1975, số người sáng tác đông đảo, âm nhạc có khuynh hướng trẻ, tuy nhiên, bị hạn chế về văn chương Việt Nam, vì họ không được hấp thụ như những người sinh ra, lớn lên và viết nhạc tại Việt Nam. Đa số lời ca sáo ngữ, không có chiều sâu.

ĐML: Anh có nhận thấy rằng, trong khi người viết nhạc tại hải ngoại thiếu hoàn cảnh để đưa âm nhạc gần với tình tự dân tộc thì nhiều nhạc sĩ và ca sĩ tại Việt Nam lại có chiều hướng muốn rời xa những gì họ có sẵn đê bắt chước theo nhạc ngoại quốc hay không?

TS: Vâng. Đó là điều thật đáng tiếc.

ĐML: Anh có nhận thấy rằng dòng "Boléro nhàm chán" của thời trước 75 nay không xuất hiện nhiều trong nền âm nhạc Việt Nam tại ngoại quốc hay không?

TS: Vâng. Tôi nhận thấy sự giảm thiểu đó. Nhưng, theo tôi, Rhumba hay Boléro, tự nó không đem đến cho người nghe chút nhàm chán nào cả mà chỉ vì nó dễ đàn, dễ hát, ai đàn, ai hát cũng được nên dễ phổ biến. Người viết nhạc thời đó thích phổ nhạc hoặc viết những ca khúc theo điệu Boléro để phổ biến rộng rãi, nên người nghe, nghe hoài đâm ra không cảm thấy hay nữa.

ĐML: Khi sáng tác, anh thường sử dụng nhạc cụ nào?

TS: Tôi thiếu may mắn. Thuở thư sinh, vừa học văn hóa vừa tự nghiên cứu âm nhạc theo bộ sách giao khoa Traité Dubois, gồm Harmonie Consonante, Harmonie Dissonante, Contre Point, Le Fugue. Đến tuổi động viên, tôi gia nhập Hải Quân, khóa 12 Sĩ quan Hải Quân Nha Trang. Nhịp độ chiến tranh và cuộc đời quân nhân không cho phép tôi thực hiện những điều tôi mong muốn như một số nhạc cụ tôi thích, chẳng hạn như Piano. Tôi chơi Guitar từ khi tôi 14 tuổi.

ĐML: Anh có muốn trở lại thăm những vùng "không gian xưa quen gót lầy" (Lời ca của nhạc phẩm "Rồi Mai Tôi Đưa Em" của Trường Sa) hay không?

TS: Muốn lắm chứ. Tôi và bạn bè của tôi đã trải dài phần đời tươi trẻ của chúng tôi trong những vùng không gian xưa quen gót lầy đó. Chuỗi ngày tươi trẻ ấy tuy triền miên sống trong hiểm nguy, khốn khó, lúc nào cũng cận kề với cái chết, nhưng chúng tôi rất hãnh diện là chúng tôi đã sống một phần đời đáng sống.

ĐML: Sau chương trình do Paris By Night thực hiện, anh có dự định nào khác cho tương lai gần hay không?

TS: Tôi chỉ mong gom góp tất cả những ca khúc tôi viết từ trước đến nay để cho vô một tuyển tập, nhưng tôi vẫn chưa thực hiện được, vì lười.

ĐML: Anh muốn nhắn gửi điều gì đến độc giả không?

TS: Tôi xin cảm ơn độc giả và những người đã yêu thích nhạc của Trường Sa.

 Điệp Mỹ Linh, Nguyệt San Nghệ Thuật
Nguồn sưu tầm by Ngoan Trương Công

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét