“Anh cho em mùa xuân
nhạc, thơ tràn muôn lối…”
(Nguyễn Hiền & Kim Tuấn)
nhạc, thơ tràn muôn lối…”
(Nguyễn Hiền & Kim Tuấn)
“ Hôm ấy là ngày mùng 5 Tết năm 1962, tôi đến sở làm trong lúc đất trời vẫn còn hương vị Tết. Một người bạn rủ ra ngoài ăn sáng, lúc trở về, thấy trên bàn giấy có một tập thơ mỏng, tôi bèn lật qua xem thử thì gặp bài thơ năm chữ ‘Nụ hoa vàng ngày xuân’. Ðọc qua thấy hay hay và đang lúc lòng còn hưng phấn với không khí xuân tràn trề, tôi nảy ra ý định phổ nhạc bài thơ ấy. Giấy nhạc không có sẵn, tôi phải kẻ khuôn nhạc bằng tay, và chỉ độ một, hai tiếng là xong bài nhạc. Xong, tôi cất vào ngăn kéo bàn làm việc... Sáng hôm sau có anh chàng trẻ tuổi đến tìm tôi, tự giới thiệu tên mình và cho biết, ‘Hôm qua em có đến tìm anh để biếu anh tập thơ bốn mươi bài, nhưng không gặp được anh.’ Tôi nói, ‘Hóa ra anh là tác giả bài thơ xuân ấy! Tôi vừa mới phổ nhạc bài thơ của anh xong.’ Anh ta ngạc nhiên và rất vui khi tôi lấy bài nhạc trong ngăn kéo ra và… hát cho anh ta nghe. Tôi lấy câu đầu của bài thơ đặt tên cho bài nhạc, ‘Anh cho em mùa xuân’...”
Người kể câu chuyện trên là nhạc sĩ Nguyễn Hiền. “Anh chàng trẻ tuổi” trong câu chuyện ấy là nhà thơ Kim Tuấn. Câu chuyện từng được nhạc sĩ Nguyễn Hiền kể không ít lần ở nơi này nơi khác, với người này người khác, những người muốn biết bài nhạc “Anh cho em mùa xuân” được ra đời như thế nào(?).
Sau mỗi lần kể ấy ông đều kết luận, “Chuyện gì cũng có cái ‘duyên’ trong cuộc đời này.” Ông nói vậy và ông tin như vậy. Ông đã tin như vậy trong suốt cuộc đời mình.
Trăng quê người, trăng quê mình
Cái "duyên" mà nhạc sĩ Nguyễn Hiền nói đến qua câu chuyện ấy là gì, nếu không phải là mối duyên cho ông "gặp" bài thơ ấy và tác giả bài thơ ấy.
Nếu không có mối duyên ấy thì "Nụ hoa vàng
ngày xuân" dẫu có là bài thơ hay vẫn chỉ là bài thơ nằm im lìm trong những
trang thơ.
Nếu không có mối duyên ấy thì sẽ không có
"Anh cho em mùa xuân", một trong những bài nhạc xuân hay nhất của người Việt.
Nếu không có mối duyên ấy thì chàng trai trẻ
trong câu chuyện trên, tác giả "Nụ hoa vàng ngày xuân", chắc sẽ không được nhiều
nhạc sĩ tìm đến thơ chàng để phổ nhạc (để mong có thêm được một "Anh cho em mùa
xuân" khác).
Thế nhưng, "Anh cho em mùa xuân" có thực
sự là một trong những bài nhạc xuân hay nhất? Hầu như trước giờ chúng ta chưa
từng làm công việc tuyển chọn những bài hay nhất trong số những bài nhạc xuân,
thế nhưng, ở trong nước thì đã có làm. Tết Ðinh Hợi năm kia, báo chí trong nước
(Tuổi Trẻ Online, 10/2/2007) đã tổ chức
một cuộc thi gọi là "bình chọn ca khúc Xuân hay nhất". Cách bình chọn: độc giả
chọn ra ca khúc mình yêu thích nhất trong một danh sách... đã được chọn sẵn gồm
22 bài nhạc xuân. Ba bài có số phiếu bình chọn cao nhất sẽ đạt danh hiệu "Những
Ca Khúc Xuân Hay Nhất". Trong danh sách ấy có 8 bài của các nhạc sĩ ở miền Nam trước
năm 1975 (tất nhiên là không có những bài chưa được phép phổ biến ở trong nước).
Ðiều thú vị, kết quả cuộc bình chọn: ca khúc đứng đầu trong số ba "Ca Khúc Xuân
Hay Nhất" là "Anh cho em mùa xuân" của Nguyễn Hiền, một nhạc sĩ miền Nam, sống ở
nước ngoài, và đã qua đời. (Hai ca khúc xếp hạng nhì và ba thuộc về các nhạc sĩ
ở trong nước).
Trước đó, "Anh cho em mùa xuân" cũng từng
góp mặt trong "Tuyển Tập Những Ca Khúc Hay Nhất Về Mùa Xuân" phát hành ở trong
nước (nxb Mũi Cà Mau, 12/2004).
Người Việt ở ngoài nước hát "Anh cho em mùa
xuân", người Việt ở trong nước cũng hát "Anh cho em mùa xuân" (và còn bình chọn
là "Ca Khúc Xuân Hay Nhất").
Không chỉ là một trong những bài nhạc
xuân hay nhất, "Anh cho em mùa xuân" còn là một trong những bài nhạc phổ thơ
hay nhất.
Khi làm công việc "lấy thơ ghép nhạc", nhạc
sĩ Nguyễn Hiền đã không đổi một chữ nào trong ba đoạn thơ đầu của "Nụ hoa vàng ngày
xuân" (từ câu thơ đầu cho đến câu "mùa xuân
này tất cả, lộc non vừa trẩy lá..."). Ông nhớ lại, "Thật là hứng thú khi
tôi lấy ba câu thơ đầu ("Anh cho em mùa
xuân / Nụ hoa vàng mới nở / Chiều đông nào nhung nhớ"...) phổ thành một câu
nhạc, thấy đi rất ‘ngọt' nên cứ thế mà phát triển bài thơ thành ca khúc." Ðiều
gì khiến ông phổ nhạc rất "ngọt", rất nhanh bài thơ ấy? Có phải vì ông "bắt" được
"tình thơ ý nhạc"? Có phải vì ông tìm thấy "trong thơ có nhạc" và ông chỉ làm
công việc ghi xuống những notes,
những ký hiệu âm thanh trên những dòng kẻ nhạc. Công việc có vẻ đơn giản ấy (không
phải là ai cũng làm được) đã chắp cho thơ "đôi cánh nhạc". Nhiều người viết nhạc
chỉ mong phổ được một bài thơ như ông, không chút gượng ép, đi rất "ngọt", đi
rất ngon trớn, rất tự nhiên, như nguồn nhạc hứng dâng trào, như nhạc và thơ
chảy tràn như suối...
"Anh cho em mùa xuân" được nhà xuất bản
Tinh Hoa ấn hành lần đầu, được ca sĩ Lệ Thanh trình bày lần đầu qua dĩa nhựa và
làn sóng đài phát thanh Saigon, và cũng gắn liền tên tuổi cô vào "cái thuở ban đầu"
của bài nhạc ấy. Tuy nhiên, nhà thơ Kim Tuấn-trong một bài trả lời phỏng vấn
trong nước (báo Thanh Niên,
22/01/2006)-cho biết là ông "chịu" Hà Thanh hát bài ấy nhất, và muốn được gửi đến
ca sĩ ấy một lời cám ơn... muộn màng.
Trở lại chuyện "mối duyên trong cuộc đời
này", nói như nhạc sĩ Nguyễn Hiền, tôi chắc nhiều người cũng tin như ông vậy. Nếu
không có cái "duyên" ấy thì dẫu có đi hết cuộc đời mình cũng chẳng ai gặp được
ai, hay nếu có gặp, có "đụng" phải nhau thì cũng lại dạt ra, lại mỗi người một
hướng, mỗi người một dòng chảy, cũng tựa như những anh chàng, những cô nàng vớ
vẩn mà ta có lần gặp gỡ phất phơ đâu đó trong đời này, nói dăm ba câu chuyện
nắng mưa rồi chia tay đường ai nấy đi và chẳng bao giờ còn gặp lại lần thứ
hai.
Không phải chỉ "duyên" thôi, tôi chắc nhạc
sĩ Nguyễn Hiền còn tin cả vào... "duyên số", hay "duyên kiếp", hay "duyên tơ" nữa.
Nếu không có mối duyên tơ ấy, làm sao hơn năm mươi năm về trước lại có cuộc hạnh
ngộ giữa chàng nghệ sĩ tài hoa và cô cháu gái xinh đẹp của nhà thơ Tú Mỡ (khiến
lòng nàng phải xao xuyến, khiến lòng chàng phải bâng khuâng "trăm năm biết có
duyên gì hay không?"). Nếu không có mối duyên tơ ấy, làm sao có ngày lễ vàng kỷ
niệm 50 năm nên vợ thành chồng(?).
Trong một lần tiếp xúc với nhạc sĩ Nguyễn
Hiền, tôi được nghe ông nói thêm một chút về điều mà ông gọi là "cái ‘duyên'
trong cuộc đời này". "Đúng vào ngày đó giờ đó," ông nói, "gặp người nào đó ở
nơi nào đó, một quán ăn, quán nước chẳng hạn, không phải là chuyện tình cờ,
ngẫu nhiên như ta tưởng mà mọi việc đều có bàn tay sắp đặt. Đấy là bàn tay của
định mệnh, hay... định mệnh đã an bài." Những chuyện như thế từng xảy đến trong
cuộc đời tôi và tôi thực sự tin vào điều ông nói. Tôi cũng muốn thêm rằng: thứ
nhất, những mối duyên kỳ ngộ ấy có khi dẫn chúng ta đến một lối rẽ khác trong
cuộc đời; thứ hai, đôi lúc có những con người, tuy chỉ gặp một lần thoáng qua
trong đời-chẳng biết có là duyên hay không duyên-cũng làm ta nhớ mãi nhớ hoài. Những
con người đặc biệt. Cái "đặc biệt" ấy có thể là một vẻ đẹp thu hút, một nhân
cách đáng quý, một câu nói hàm xúc, một hành xử ý nghĩa... Nhạc sĩ Nguyễn Hiền, tôi
vẫn cho rằng ông là một trong những người "đặc biệt" như thế.
Lần tiếp xúc duy nhất ấy kéo dài không
quá... ba mươi phút nên chắc khó có thể gọi là "cái duyên" như ông nói, nhưng
khá thú vị và cũng cho tôi thấy được phần nào tính cách con người ông; hơn thế
nữa, còn gieo vào lòng tôi những cảm xúc sâu đậm. Tôi gặp ông trong một tiệc
cưới ở nhà hàng Dalat Bistro, đường Brookhurst,
Nam Calif. vào một đêm hè cuối tháng 7/2004. Ông đứng lên từ một bàn tiệc, cúi
chào mọi người khi nghe giới thiệu tên mình trong số "khách đặc biệt". Một
"khách đặc biệt" khác tôi nhớ được là ca sĩ Ngọc Minh, chị hát bài gì đó tặng
cho đôi tân hôn... Vào lúc nào đó gần cuối bữa tiệc, đầu óc váng vất vì có uống
chút rượu, tôi đứng dậy, bước ra cửa tìm chút thoáng gió bên ngoài. Trước mặt
tôi là khoảng parking rộng. Một bóng
người đứng ở góc khuất. Người ấy quay lại, mỉm cười khi nhìn thấy tôi. Khi bước
lại gần, tôi nhận ra ông, nhạc sĩ Nguyễn Hiền. Ông đứng đó một mình, hút thuốc
(ông tưởng tôi cùng "phe" hút thuốc với ông chắc). "Anh nói được lắm," ông ngó
tôi, nói, "ngắn gọn, ý nghĩa." Khi ấy tôi mới hiểu ra nụ cười của ông. Ông nhận
ra tôi, người đại diện hai họ có "đôi lời phát biểu" để chào đón khách đến với
buổi tiệc cưới. Tôi nói cám ơn ông (ông không biết những lời ấy tôi gần như...
thuộc lòng vì từng nói đi nói lại nhiều lần) và hân hạnh được biết ông. Ông tỏ
vẻ ngạc nhiên khi biết tôi từ nơi xa đến để làm chủ hôn cho đứa cháu sống một
thân một mình ở Mỹ... Sau ít câu thăm hỏi xã giao, lúc ông lặng yên nhìn ánh
trăng trên ngọn cây, tôi nhắc đến câu hát "trăng
sáng soi liếp dừa" trong bài "Anh cho em mùa xuân" của ông. Tôi cũng "tán"
thêm là tôi rất thích những câu hát mang theo hình ảnh hàng dừa, liếp dừa, như
là:
Đêm trăng ướt lá dừa... ("Tình quê hương", Ðan Thọ &
Phan Lạc Tuyên)
Hàng dừa nghiêng thương nhớ... ("Thuở ban đầu", Phạm Ðình Chương)
Chiều xưa, gió êm lay nhẹ liếp dừa... ("Bóng người đi", Văn Phụng)
Gió mang mùa xuân tới, hôn liếp dừa lên hương... ("Mộng ban đầu", Hoàng Trọng)
Hàng dừa nghiêng thương nhớ... ("Thuở ban đầu", Phạm Ðình Chương)
Chiều xưa, gió êm lay nhẹ liếp dừa... ("Bóng người đi", Văn Phụng)
Gió mang mùa xuân tới, hôn liếp dừa lên hương... ("Mộng ban đầu", Hoàng Trọng)
"Còn nữa," ông nói, dụi tắt điếu thuốc, "‘mắt
xanh là bóng dừa hoang dại', Phạm Ðình Chương phổ thơ Ðinh Hùng."
"Hàng dừa mang hình ảnh rất... quê hương
Việt Nam,"
tôi nói.
"‘Hàng cau' thì đúng hơn, theo tôi."
"‘Hàng cau' thì đúng hơn, theo tôi."
Câu nói của ông làm tôi... "khựng" lại
trong giây phút.
"‘Trăng sáng soi liếp dừa' và ‘trăng lên
bằng ngọn cau' (1)," ông nói. "Hai trăng đều trăng cả,
trăng nào ‘quê hương' hơn?"
Tôi phải chịu là ông nói đúng. "Trăng nào
‘quê hương' hơn?"... Tôi chỉ nghĩ đến vẻ đẹp của những "hàng dừa", "liếp dừa", "bóng
dừa"..., trong lúc ông luôn cất dấu trong đáy tim hình bóng quê nhà. Ngọn cau, hàng
cau, hoa cau, hương cau..., đấy mới là quê hương. Nhạc sĩ Nguyễn Hiền, ngay lúc
ấy tôi nhận ra nơi ông một điều, ông yêu quê hương hơn tôi và hơn rất nhiều người
khác. Ông yêu quê hương theo cách của ông.
Tôi cũng ngước nhìn trời. Trăng chưa thật
tròn, nhưng thật sáng. Vầng trăng như vừa xa xôi lại vừa gần gụi. Đêm bỗng trở
nên yên tĩnh. Trong lòng tôi khi ấy bỗng dâng lên một cảm xúc thật kỳ lạ. Tôi
có cảm giác tựa hồ đã lâu lắm, có khi là từ ngày đến Mỹ, lần đầu tiên tôi mới
nhìn thấy lại bầu trời và ánh trăng, và nhìn thấy trăng sáng đến như vậy. Bầu
trời ấy vẫn có hằng đêm, vầng trăng ấy còn theo tôi mãi, vậy mà bấy lâu tôi nào
có để ý, cứ tưởng rằng phải đi về một nơi chốn nào xa xôi lắm mới mong tìm gặp.
Bầu trời nào cũng chỉ một bầu trời, vầng
trăng nào cũng chỉ một vầng trăng, vậy mà con người nghệ sĩ tôi mới gặp lần đầu
ấy, nhìn trăng viễn xứ phương này lại mơ về bóng trăng soi phương nào.
Ông rút điếu thuốc khác, chìa gói thuốc
về phía tôi. Tôi nói đã lâu tôi không hút lại, nhưng nếu ông mời tôi xin hút
với ông một điếu cho vui. Trong những câu hát, câu thơ về "hàng cau" ông kể ra
sau đó, tôi nhớ đại khái "... thương về
mái tranh nghèo bên hàng cau" (2), và "... bóng tre ru bên mấy hàng cau, đồng quê mơ màng" (3). Nhất thời
tôi không nhớ được bài nào, câu nào để góp chuyện với ông, thế nhưng đến khi
nghe ông đọc câu thơ Hàn Mặc Tử, "Sao anh
không về chơi thôn Vỹ / Nhìn nắng hàng cau, nắng mới lên", tôi buột miệng
nói tôi biết một bài hát cũng nói đến "hàng cau" mà tôi rất thích, có thể là ông
quên, vì đã lâu lắm rồi.
"Bài gì?" ông hỏi.
"‘Người em nhỏ' của... Nguyễn Hiền," tôi
trả lời. "Ngày tôi đi, vàng nắng nghiêng
nghiêng một hàng cau. Mai ta về quê cũ, gửi lời về thương nhau..."
"Làm sao mà quên được," ông nói sau vài
giây im lặng, hạ thấp giọng, như người nói một mình.
Tôi hiểu. Không ai quên được mối tình
đầu. Bài nhạc đầu tay ấy (của chàng trai 18 tuổi ấy), cũng tựa như mối tình đầu
trong âm nhạc của ông.
Tôi nhớ đã nói với ông, không phải chỉ
riêng ông mà rất nhiều người, trong số ấy có tôi, khó mà quên được "Người em
nhỏ" (ông phổ từ thơ một người bạn văn nghệ, Nguyễn Thiệu Giang). Đã nhiều năm,
nhiều năm trôi qua, mỗi lần nghe lại câu hát ngày xưa ấy, những cảm xúc ở trong
tôi vẫn còn nguyên vẹn.
Chiều nay buồn viễn xứ
nhớ người em gái xưa
Tôi thấy phương trời cũ
giăng giăng một hàng mưa...
nhớ người em gái xưa
Tôi thấy phương trời cũ
giăng giăng một hàng mưa...
Và giờ đây, trong cuộc sống nổi trôi nơi
xứ lạ quê người, tôi chắc không ai nghe câu hát ấy mà không khỏi chạnh lòng.
Trong một thoáng, tôi hiểu được vì sao lâu nay tôi, và rất nhiều người, vẫn yêu
thích nhạc của ông. Thật đơn giản, vì trong những bài nhạc ấy tình yêu đôi lứa
quyện lấy tình yêu quê hương, đất nước.
Có một khoảng yên lặng giữa chúng tôi lúc
ấy. Sau đó, có vẻ như không muốn nói thêm về bài hát cũ ấy, ông trở lại chuyện
"hàng dừa, hàng cau" và nhắc đến câu hát trong bài "Lá thư gửi mẹ" được ông phổ
từ bài thơ năm chữ của Thái Thủy.
Con
về tầm đẹp lứa
mẹ cười vun khóm dâu
Mái tranh chiều vươn khói
vườn thơm ngát hương cau...
mẹ cười vun khóm dâu
Mái tranh chiều vươn khói
vườn thơm ngát hương cau...
Những chuyện trò giữa ông và tôi là những
câu chuyện lan man, không đầu không đuôi, nhảy lung tung từ chuyện này sang
chuyện nọ và... không chuyện gì ra chuyện gì. Qua lối nói chuyện của ông và qua
những lời ông nói tôi có cảm giác ông rất thành thực, và hơn thế nữa, rất thẳng
thắn, theo cái nghĩa chuyện gì biết thì ông nói biết; chuyện gì không biết thì
ông nói không biết. Tôi cũng để ý ông có lối nói chuyện thật chậm rãi, thật từ
tốn, với một giọng trầm trầm. Ông cũng tỏ ra chăm chú lắng nghe người đối
thoại. Thật không dễ gì đoán được một người biết chế ngự những cảm xúc như ông
đang nghĩ gì trong đầu. Ở nơi ông như toát ra một phong thái điềm tĩnh, một
dáng vẻ trầm mặc của người đang chìm đắm trong suy tưởng...
Tôi rất "chịu" những bài phổ thơ năm chữ
của ông, tôi nhớ đã nói với ông như vậy. Có một lúc, nhắc đến bài "Anh cho em mùa
xuân", tôi hỏi ông về một "giai thoại" tôi nghe được từ... trước 1975: có đúng
là ông đã đổi một chữ trong câu thơ của Kim Tuấn-"trong nắng vàng ban mai" đổi thành "rung nắng vàng ban mai"-khiến tác giả bài thơ phải "khẩu phục, tâm
phục"(?). Ông mỉm cười, trả lời "đúng mà không đúng" và giải thích: đúng là ông
đã đổi ra thành "rung nắng vàng ban mai"
thật, nhưng câu thơ Kim Tuấn là "nắng
vàng trên ngọn cây" chứ không phải "trong
nắng vàng ban mai". Tôi nói dù đúng sai thế nào tôi cũng rất thán phục tài
dùng chữ của ông, vì thật khó mà tìm ra được chữ nào hay hơn chữ "rung" để đi
với "xao xuyến" trong câu hát ấy.
Bài
thơ còn xao xuyến
rung nắng vàng ban mai...
rung nắng vàng ban mai...
Chữ "rung" ấy nghe mới "xao xuyến", và
mới "thơ" làm sao!
Chữ "rung" ấy được ông sử dụng không phải chỉ một lần.
Chữ "rung" ấy được ông sử dụng không phải chỉ một lần.
Tìm đâu bàn tay che mái tóc huyền rung tơ mềm...
"Trong bản nhạc ‘Tìm đâu' ấn hành lần đầu," tôi nói, "chữ ‘rung' đã bị in nhầm là ‘nung'."
"Đúng thế," ông tỏ ra ngạc nhiên thấy tôi nhớ được chi tiết ấy. "Cũng may là ca sĩ đã... tự điều chỉnh."
Ông rút điếu thuốc khác. Tôi để ý thấy
ông đốt thuốc hai lần trong câu chuyện.
"Có một câu tôi rất thích trong bài ‘Anh
cho em mùa xuân'," tôi nói, ngừng một chút, chờ ông hỏi "câu nào?" Nhưng ông
chưa kịp hỏi và tôi chưa kịp nói thêm thì người nào đó từ trong nhà hàng bước
ra tìm tôi, nói có người cần gặp... Tôi xin lỗi ông, nói rất tiếc phải tạm
ngưng câu chuyện. Ông nói chờ một chút, và lấy từ trong ví ra tấm business card trao cho tôi, nói lúc nào
tiện gọi phone nói chuyện cho vui.
Tôi trở vào. Lúc cánh cửa khép lại, tôi quay nhìn, thấy ông vẫn đứng đó, lặng
lẽ như một cái bóng. Chắc ông muốn hút cho xong điếu thuốc, tôi nghĩ. Và đấy là
hình ảnh sau cùng tôi còn giữ được về ông...
Tấm danh thiếp, gần như đấy là "kỷ vật"
duy nhất tôi còn giữ được của ông, trên đó tôi đọc thấy hàng chữ "Hien Nguyen. Cultural Arts Commissioner".
Tôi tưởng như một ông Hiền Nguyễn nào khác, không phải là nhạc sĩ Nguyễn Hiền
của "Anh cho em mùa xuân", không phải là nhạc sĩ Nguyễn Hiền đứng cạnh tôi giữa
đêm trăng ấy.
Đúng ra, tôi còn cuộc tiếp xúc khác với ông sau lần gặp ấy. Tôi gọi phone đến ông vào một chiều cuối tuần để "nói chuyện cho vui" như lời ông dặn (và nhận ra bốn con số cuối của số phone ông, 1496, trùng với số phone nhà của tôi). Tiếc một điều, lần tiếp xúc này lại còn ngắn hơn cả lần trước vì chỉ kéo dài có... một vài phút. Ông nhận ngay ra giọng tôi khi tôi chưa kịp nói tên mình. Nghe giọng ông có vẻ vui. Sau ít câu thăm hỏi, tôi hỏi ông có bận gì vào lúc ấy không, ông nói đang sửa soạn đi dự... đám cưới. (Lại đám cưới, tôi chắc ông phải mất khá nhiều thì giờ cho những đám cưới vào cuối tuần vì những mối giao tiếp trong công việc, bè bạn). Tuy vậy, ông cũng nói được với tôi dăm ba câu cho đến lúc tôi xin gác máy để ông đi công chuyện. Ông nói sẽ gọi lại tôi sau và có chuyện vui vui muốn kể tôi nghe. Tôi không đoán ra được chuyện gì. Ít hôm sau ông gọi lại cho tôi thật và chỉ để lại... số phone của ông trên caller ID, vì tôi vắng nhà.
Sau đó ít lâu tôi "thấy" ông xuất hiện
trên sân khấu Paris By Night (trong
chương trình ca nhạc DVD mang tên một nhạc phẩm quen thuộc của ông), trả lời ít
câu hỏi nhiều người muốn biết từ người dẫn chương trình, và đệm đàn cho ca sĩ
Lệ Thu hát "Mái tóc dạ hương"-một bài ông phổ thơ Đinh Hùng-đưa người nghe về lại một mùa nào "hoa bướm
ngày xưa".
Nhạc sĩ Nguyễn Hiền đệm đàn cho ca sĩ Lệ Thu hát "Mái tóc dạ
hương" (Paris By Night 74)
Một trong những bài nhạc tiêu biểu của
Nguyễn Hiền được giới thiệu trong chương trình ấy là "Anh cho em mùa xuân".
Giọng hát, cách thể hiện của cô ca sĩ trẻ và giàn nhạc làm tôi thêm nhớ cái
"thuở ban đầu" của bài nhạc ấy. Ít nhất đã có hai thế hệ hát "Anh cho em mùa
xuân". Các ca sĩ và ban nhạc của thế hệ thứ hai (ở trong và ngoài nước) có
khuynh hướng thay đổi tiết tấu của bài nhạc ấy bằng nhịp điệu nhanh, mạnh, sôi
nổi, như muốn làm rộn ràng hơn không khí mùa xuân. Việc "cải biên" này cũng...
tốt thôi, và cũng phù hợp với "phong cách trình diễn" trẻ trung, sống động hiện
đại, tuy rằng bài nhạc, với âm giai La
trưởng và nhịp điệu Tango Habanera
dìu dặt ở "thuở ban đầu", tự nó đã đủ để mang về mùa xuân (mà không cần phải
"đánh nhanh, đánh mạnh" bằng điệu nhạc kích động để... mừng đón xuân về). Việc
thay đổi tiết tấu và cách trình diễn ấy có phần nào đánh mất khí hậu của bài
hát là vẻ lắng đọng của đất trời vừa mới sang xuân, pha lẫn chút thi vị ngọt
ngào của "bài thơ còn xao xuyến", thể
hiện qua lời thơ và từng nốt láy mềm mại ở cuối những câu nhạc.
Mùa xuân của "Anh cho em mùa xuân" là
xuân của trời đất giao mùa, là xuân của "lộc
non vừa trẩy lá", là vẻ e ấp của "nụ
hoa vàng mới nở". Trong cái nắng sớm của ngày đầu xuân có chút se se lạnh
của chiều cuối đông còn rớt lại, có chút vấn vương của "chiều đông nào nhung nhớ", có chút hơi hướng của đông tàn, xuân mới
vừa sang...
Đôi lúc việc thay đổi hoặc hát sai lời
nhạc cũng làm giảm phần nào cái đẹp và độ truyền cảm của bài nhạc gửi đến người
nghe.
Đường
lao xao lá đầy
chân bước mòn vỉa phố
mắt buồn vin ngọn cây... (không phải là "mắt buồn... nhìn ngọn cây")
chân bước mòn vỉa phố
mắt buồn vin ngọn cây... (không phải là "mắt buồn... nhìn ngọn cây")
Chữ "vin" ấy nghe rất thơ. Những chữ "lao
xao" và "mòn" ấy nghe cũng rất thơ.
Hai câu hát trong bài được ca sĩ... hát sai
nhiều nhất:
Đất
mẹ gầy có lúa
đồng ta xanh mấy mùa
đồng ta xanh mấy mùa
Câu thứ nhất, "đất mẹ gầy có lúa", là ước mơ đơn sơ của tác giả bài thơ gửi về quê
mẹ Hà Tĩnh (vùng "đất cày lên sỏi đá"), được nhiều ca sĩ đổi thành "đất mẹ gầy... cỏ lúa", hoặc "đất mẹ gầy... cỏ úa", hoặc "đất mẹ... đầy cỏ lúa"!?!
Câu thứ hai, "đồng ta xanh mấy mùa", ước mơ khác, được nhiều ca sĩ đổi thành "đồng xa xanh mấy mùa", hoặc... "đồng
xanh xa mấy mùa"!?!
"Trong bài ‘Anh cho em mùa xuân' có một
câu tôi thích nhất," tôi nhớ đã nói với nhạc sĩ Nguyễn Hiền như vậy. Có thể là
ông cũng muốn nghe, muốn biết, nhưng tôi lại chưa có dịp nào (nay thì không còn
dịp nào) để bộc lộ với ông.
Bầy
chim lùa vạt nắng
trong khói chiều chơi vơi...
trong khói chiều chơi vơi...
"Bầy
chim lùa vạt nắng...", câu hát tôi thích nhất. "Lùa vạt nắng", tôi chưa nghe ai
nói thế bao giờ. Chữ "lùa" ấy rất mới, rất đẹp, rất thơ. Làm sao mà ông lại có
thể nghĩ ra được cái chữ tài tình đến như vậy? Làm sao mà ông lại dùng chữ ấy
chứ không phải là chữ nào khác? ("Bầy chim... đùa
vạt nắng" chẳng hạn, như thế cũng là hay, nhưng không thể hay bằng "... lùa vạt
nắng"). Ngày ấy chưa ai viết những lời như thế trong thơ, trong nhạc. Mãi về
sau này ta mới nghe "lùa nắng cho buồn
vào tóc em" ("Nắng thủy tinh", Trịnh Công Sơn).
Điều thú vị, câu ấy không phải là câu thơ
Kim Tuấn trong "Nụ hoa vàng ngày xuân", mà là thơ... Nguyễn Hiền.
"Con
chim mừng ríu rít" trong bài thơ được ông đổi ra thành "bầy chim lùa vạt nắng", để tương ứng với
những nốt nhạc thấp cao, trầm bổng, vừa giữ được ý thơ (vẫn "nghe" được tiếng
chim "ríu rít" mừng vui), vừa "thơ" hơn và giàu hình ảnh hơn.
Tôi yêu câu thơ "mắt buồn vin ngọn cây" của Kim Tuấn và tôi yêu câu hát "bầy chim lùa vạt nắng" của Nguyễn Hiền.
Câu thơ ấy rất "Kim Tuấn", câu hát ấy rất "Nguyễn Hiền". Tôi cũng yêu lối sử
dụng những động từ "vin" và "lùa" ấy trong kho tàng tiếng Việt.
"Nhạc
chan hòa đây đó", câu hát ấy không thấy trong thơ Kim Tuấn. Hơn thế nữa, "nhạc, thơ tràn muôn lối", câu hát cuối
của bài hát ấy cũng không thấy trong thơ Kim Tuấn. Trong "Nụ hoa vàng ngày xuân"
không có câu nào nói đến "nhạc" cả. Vậy thì những câu ấy ở đâu ra, nếu không
phải là... thơ của Nguyễn Hiền. Trong nhạc có thơ, trong thơ có nhạc. Nhạc quyện
vào thơ, thơ quấn lấy nhạc. Nhạc thơ, thơ nhạc đã hòa làm một.
"Anh
cho em mùa xuân. Nhạc, thơ tràn muôn lối..."
Câu kết ở phần coda ấy là một "biệt lệ",
(hiếm khi được sử dụng trong nhạc thuật của ông) trong số những bài nhạc
vẫn được ông soạn theo khuôn mẫu "cổ điển" với cấu trúc khá cân phương. Những chuỗi
nốt nhạc rải đều và nốt ngân cuối rướn cao như bay lên cùng mùa xuân và tan
loãng trong không, vẽ lên một nét nhạc đẹp. Cái hay của phần coda ấy là cái hay của một kết thúc đẹp,
tròn đầy, gói trọn tình ý của bài nhạc.
Việc
ông không thay đổi câu, chữ nào suốt khổ thơ đầu của "Nụ hoa vàng ngày xuân"
làm nhớ tới những bài thơ ngũ ngôn khác từng được các nhạc sĩ khác phổ thành ca
khúc cũng rất là "ngọt". Hoặc, giữ nguyên vẹn bài thơ, như "Tiếng thu", nhạc sĩ
Phạm Duy phổ từ bài thơ cùng tên của Lưu Trọng Lư; hoặc, chỉ đổi có... một chữ
trong toàn bài thơ, như "Chiều", nhạc sĩ Dương Thiệu Tước phổ từ "Màu cây trong
khói" của Hồ Dzếnh (chỉ đổi câu thơ cuối "khói
xanh bay lên cây" thành "khói huyền
bay lên cây").
Sau câu thơ "lộc non vừa trẩy lá", những câu nào không giữ nguyên được thì nhạc
sĩ Nguyễn Hiền bèn thay đổi chút ít, trong lúc vẫn giữ ý chính của câu thơ. Lạ
một điều, những câu ông đổi nghe rất thơ, và có phần... thơ hơn cả tác giả bài
thơ. Chẳng hạn:
"Con
chim mừng ríu rít" đổi thành "bầy
chim lùa vạt nắng"
"Ngoài đê diều thẳng cánh" đổi thành "ngoài đê diều căng gió"
"Câu hát hò vẳng đưa" đổi thành "thoảng câu hò đôi lứa"
"Trẻ đùa vui nơi nơi" đổi thành "trẻ nô đùa khắp trời"
"Nắng vàng trên ngọn cây" đổi thành "rung nắng vàng ban mai"
"Ngoài đê diều thẳng cánh" đổi thành "ngoài đê diều căng gió"
"Câu hát hò vẳng đưa" đổi thành "thoảng câu hò đôi lứa"
"Trẻ đùa vui nơi nơi" đổi thành "trẻ nô đùa khắp trời"
"Nắng vàng trên ngọn cây" đổi thành "rung nắng vàng ban mai"
Người nhạc sĩ đã "làm mới" thơ, đã làm
thơ "thơ" thêm một lần nữa.
Tâm
hồn nhạc sĩ Nguyễn Hiền vốn nhạy bén với thơ, dễ bắt được những tần số rung
động của thơ. Ông đã "nâng" thơ lên, đã chắp cho thơ "đôi cánh nhạc". Ngôn ngữ
nhạc quyện lấy ngôn ngữ thơ, khiến thơ bay lên, nhạc cũng bay lên. "Nụ hoa vàng
ngày xuân" đã bước ra khỏi những trang thơ để hóa thành một trong những bài
nhạc xuân hay nhất.
Nếu được phép "bình chọn ca khúc Xuân hay
nhất" cho riêng mình, "Anh cho em mùa xuân" chắc chắn là một trong vài bài nhạc
xuân tôi yêu nhất và luôn muốn được nghe đi nghe lại. Sau bao mùa tang thương
dâu bể, sau bao nhiêu vật đổi sao dời, bài nhạc xuân ấy nghe vẫn cứ "mới", như
mùa xuân vẫn "mới", như những "nụ hoa vàng" vẫn nở trong nắng mới của một ngày
đầu xuân.
Sau "Anh cho em mùa xuân", ta còn có thêm
những bài phổ thơ Kim Tuấn khác của các nhạc sĩ khác, như "Những bước chân âm
thầm" của Y Vân, "Khi tôi về" của Phạm Duy, "Ta ở trời Tây, nhớ trời Đông" của Phạm Ðình Chương, "Khi xa
Saigon" của Lê Uyên Phương... và không ít những ca khúc khác của các nhạc sĩ
trong và ngoài nước. Hai ca khúc phổ biến nhất trong số ấy vẫn là "Anh cho em
mùa xuân" của Nguyễn Hiền và "Những bước chân âm thầm" của Y Vân (phổ từ bài
"Kỷ Niệm" của Kim Tuấn).
Tôi yêu thuở ban đầu của "Anh cho em mùa xuân",
như yêu tiếng hát mềm mại và nũng nịu của Lệ Thanh, như yêu những nốt nhạc
luyến láy của "chiều đông nào nhung nhớ",
của "ngoài đê diều căng gió, thoảng câu
hò đôi lứa..." Tôi cũng yêu thuở ban đầu của "Những bước chân âm thầm", như
yêu những tiếng hát trầm ấm của Mai Trường-Trần Ngọc-Hồng Phúc (và của ban hợp
ca Thăng Long sau này), như yêu vẻ trầm mặc của những "rặng thông già lặng câm", như yêu những mối "tình nở muộn" và những ngọn "đèn
thắp mờ bóng đêm". (Làm như có sự gần gũi nào đó giữa hai bài thơ, giữa hai
bài nhạc, giữa "chân bước mòn vỉa phố"
và "từng bước, từng bước thầm"...).
Đó là những tiếng hát của một mùa kỷ niệm. Đó là thời kỳ của những tiếng hát
thực sự là những tiếng hát, chưa có những phô diễn kỹ thuật và cũng chưa có
những hòa âm phối khí tân kỳ.
Ðến nay thì cả Y Vân, Kim Tuấn và Nguyễn
Hiền đều lần lượt đã ra người thiên cổ (và cả Phạm Đình Chương, Lê Uyên
Phương... cũng đã ra người thiên cổ), thế nhưng những khúc nhạc đẹp tựa bài thơ
ấy sẽ còn đọng lại mãi trong lòng người.
"Ngàn kiếp mây bay không phai niềm nhớ..."
Không phải chỉ những
ca khúc phổ thơ của Nguyễn Hiền mới là những ca khúc "đẹp tựa bài thơ". Có thể
nói, những người yêu cái đẹp cũng sẽ dễ dàng yêu những khúc nhạc êm êm, lâng
lâng, yêu những khúc hát êm đềm, ngọt ngào và đầy thi vị của người nhạc sĩ ấy,
những khúc hát đẹp và buồn như một nỗi tiếc thương...
về một hình bóng
đã xa khuất và những ngày vui qua
mau.
Chiều
tím không gian mênh mang niềm nhớ
mây bay năm xưa còn đó
đâu tìm người hẹn hò... ("Ngàn năm mây bay")
mây bay năm xưa còn đó
đâu tìm người hẹn hò... ("Ngàn năm mây bay")
Tìm đâu bàn tay che mái tóc huyền rung tơ
mềm
tìm đâu muôn màu hoa nắng lung linh vương chân êm... ("Tìm đâu")
tìm đâu muôn màu hoa nắng lung linh vương chân êm... ("Tìm đâu")
Nơi ấy bao ngày xanh qua
hồn thơ mơ màng quá
yêu những khung trời hoa bướm
với nắng tơ vàng êm... ("Hoa bướm ngày xưa")
về một sân
trường kỷ niệm và một mùa nào
lãng mạn.
Mùa thu ánh trăng dõi bên thềm...
nắng loang trên sân trường
một mùa nào... ("Từ
giã thơ ngây")
Những mái tóc chấm vai, sân
trường tìm đâu thấy... ("Em
là vì sao sáng")
Thuở
ấy không gian chìm lắng trong mơ
tà áo em xanh, mầu mắt ngây thơ...
mùa thu lá rơi bên đường thật nhiều... ("Tiếng hát học trò")
về một "quê hương khuất bóng hoàng
hôn" và những mùa xuân thanh bình một thuở.
Ta nhớ tới những phút xa vời
làng cũ nay chìm trong sương mờ rơi... ("Ý nhạc chiều")
Cho nhớ thương về quê xưa
mùa xuân không còn nữa
muôn cánh hoa đào phai úa
lối cũ rơi hững hờ... ("Hoa bướm ngày xưa")
muôn cánh hoa đào phai úa
lối cũ rơi hững hờ... ("Hoa bướm ngày xưa")
Âm nhạc Nguyễn Hiền, nói như ca sĩ
Quỳnh Giao, "là sự mời gọi trở về một không gian đã tắt, một thời gian đã
lặng..." (4) Nghe nhạc
Nguyễn Hiền là nghe những lắng đọng, là đắm chìm trong một ký ức xa vời, là tìm
về những đường xưa "lối cũ chẳng sao quên". Cám ơn ông, cám ơn người nhạc sĩ đã
dạo lên những khúc nhạc êm đềm để giữ cho những giấc mơ ngọt ngào của chúng ta
không bao giờ tắt hẳn.
Có lẽ vì những nét nhạc lâng lâng gợi nỗi
tiếc nhớ mênh mang ấy, các bài nhạc của Nguyễn Hiền thường được các giọng nữ thể
hiện nhiều hơn (mặc dầu ở một đôi bài, giọng nam khá phù hợp). Chẳng hạn, "Lá thư gửi mẹ" với Thái Thanh, Khánh Ngọc, Mỹ Thể, Lệ
Thanh, Thái Hiền; "Mái tóc dạ hương"
(phổ thơ Đinh Hùng, tựa ban đầu là "Những phố không đèn") với Hồng Vân, Lệ Thu, Thanh Lan, Ý Lan; "Anh cho em mùa xuân" với Lệ Thanh, Hà Thanh, Khánh Ly, Lệ Thu; "Từ giã thơ ngây" với Thanh Thúy, Hà Thanh, Xuân Thu, Hoàng Oanh; "Ngàn năm mây bay" với Kim Tước, Mai
Hương, Khánh Hà; "Người em nhỏ" với Lệ Thanh, Mai Hương, Mỹ Thể; "Tiếng hát học trò" với Lệ Thanh, Thanh Lan, Hoàng Oanh; "Hoa bướm ngày xưa"
với Trúc Mai, Lệ Thu; "Thầm ước" với Thái Thanh, Hoàng Oanh; "Tìm đâu" với Lệ Thanh; "Hương thề" (phổ thơ Hoàng Ngọc Liên) với
Thanh Thúy; "Hai mươi câu của tuổi trẻ"
(phổ thơ Song Hồ) với Lệ Thu; "Tiếng sáo diều" với Quỳnh Giao; "Ý nhạc
chiều" với Kim Tước; "Gửi một cánh chim" với Mai Hương...
Trong số những sáng tác của nhạc sĩ Nguyễn Hiền, ngoài những
bài phổ thơ, có những bài đến từ nguồn cảm hứng qua các tiểu thuyết hoặc phim ảnh trong nước thời ấy, như "Buồn ga nhỏ" (từ tiểu thuyết cùng tên của Thanh Nam) hoặc "Ngàn năm mây bay", "Tiếng hát học trò" (từ các tiểu thuyết cùng
tên của Văn Quang, được các đạo diễn Thái Thúc Nha và Hoàng Anh
Tuấn thực hiện thành phim). Đôi lúc ông cũng viết nhạc chung với những
người bạn nhạc sĩ (như "Buồn ga nhỏ", "Từ giã thơ ngây", "Tiếng hát học trò"
viết chung với Minh Kỳ; "Hoa đào năm trước" viết chung với Lê Dinh; "Về đây
anh" viết chung với Nhật Bằng...). Có khi ông viết nhạc, bạn ông viết lời (như
những bài "Hoa bướm ngày xưa" và "Thanh bình ca", lời của Thanh Nam);
có khi ông viết lời, bạn ông viết nhạc (như những bài "Lá rơi bên thềm" và "Màu
tím hoàng hôn", nhạc của Lê Trọng Nguyễn).
Những người từng quen
biết hoặc có dịp gần gũi với nhạc sĩ Nguyễn Hiền, khi nhắc đến ông, đều bộc lộ sự cảm mến, quý trọng và
đều có chung một nhận xét về con người nghệ sĩ tài hoa với một nhân cách lớn, một kiến thức
sâu rộng về âm nhạc đông và tây phương, thể hiện qua mẫu người mực thước, trầm tĩnh và khiêm tốn; đồng thời, cũng tỏ lòng ngưỡng phục về những cống hiến của ông đối với các hoạt động văn hóa, nghệ thuật làm nổi
bật bản sắc của dân tộc, mang lại niềm tự hào cho cộng đồng người Việt.
. .
.
gặp gỡ để chia phôi
cuộc đời như gió thoảng
còn chút tình trong tôi
Quả đúng là "cuộc đời như gió thoảng",
như câu thơ nhạc sĩ Nguyễn Hiền viết gửi cho người bạn thiết, nhạc sĩ Lê Trọng
Nguyễn (tác giả "Nắng chiều", "Sao đêm", "Bến giang đầu", "Chiều bên giáo
đường"...), một năm sau ngày bạn ông lặng lẽ "rời bỏ cõi thế để an nghỉ trên đỉnh
bình yên" (5). Ông gọi bạn mình là "một nghệ sĩ
tài ba khiêm tốn rất mực" (5). Cái danh hiệu ông gán cho người bạn
đã khuất, nay nếu có đem... gán cho ông chắc cũng không sai chút nào.
Nay thì cả ông và nhạc sĩ Lê Trọng Nguyễn
đều đã như những cánh "lá rơi bên thềm" nhà vắng. Những chiếc lá dẫu đã lìa
cành, những người nhạc sĩ dẫu đã ngừng viết nhạc, thế nhưng những khúc nhạc ấy,
những khúc nhạc làm cho cuộc sống thêm ý nghĩa, vẫn luôn được yêu thích, vẫn
được hát lên ở trong nước ngoài nước, ở mọi nơi mọi chốn.
Nhạc sĩ Nguyễn Hiền, cho
đến cả những phút cuối đời, những
phút chênh vênh giữa hai bờ tử sinh, những phút chạm tay vào lằn ranh sống
chết, vẫn còn bày tỏ nỗi niềm trăn trở và ước mơ về một vận hội mới về trên quê hương. Ngọn nến leo
lét tưởng chừng sắp tắt ấy trong
giây phút cuối vẫn còn lóe sáng một niềm tin.
Tin nhạc sĩ Nguyễn Hiền bị ung thư phổi nặng khá bất ngờ đối với tôi và nhiều người, và
cả... chính ông, vì trước đấy,
hầu như không có dấu hiệu xấu nào cho
sức khỏe của ông. Ông qua đời
chỉ ít tuần sau khi nhận được tin xấu ấy, vì bệnh trạng đã ở vào thời kỳ "hết
thuốc chữa".
Tôi nhớ, vào một buổi tối, sau ngày ông mất, lúc đang ngồi ở bàn computer tôi bỗng nghe một giọng hát cất
lên. "Chiều tím không gian mênh
mang niềm nhớ..." Một bài
của Nguyễn Hiền. Người ta đang cho phát thanh lại một bài nhạc cũ của ông. Tôi ngồi yên lặng một lúc, lắng
nghe... Bỗng dưng tôi cảm thấy thèm hết sức một hơi thuốc. Tôi vẫn để gói
thuốc lá trong ngăn kéo bàn làm việc, lâu lâu kéo một điếu khi bè bạn đến chơi. Có khi tôi quên bẵng đi, khá lâu không đụng tới.
Tôi khẽ mở cửa sau, bước ra ngoài. Trời gây gây
lạnh. Đêm tối yên lặng quá. Tôi nhớ, đó là một đêm cuối năm. Tiếng hát vẫn như quấn
lấy chân tôi. "Nhớ nhau khi mây vương vương mầu tím..." Tôi đốt một điếu thuốc, đứng nhìn thật lâu
vào khoảng không. Cứ mỗi lần hay tin một người quen nào đó vừa mới qua đời, tôi
lại có cảm giác thật hụt hẫng như vừa bước hụt vào khoảng không, và nhận rõ được cái vô nghĩa mênh mông
đến tột cùng của đời sống. Trong bỗng chốc, tôi thấy rõ, cuộc sống...
không là gì cả. Cuộc sống nhẹ tênh, như bóng mây qua, như... ngàn năm mây bay mây
vẫn bay.
Bỗng dưng tôi nhớ lại một đêm
nào, tôi cũng mở cánh cửa, cũng bước ra ngoài, và tôi... gặp ông. Tôi quăng
điếu thuốc sau khi bập bập vài hơi, chẳng thấy ngon lành gì cả, và
cảm thấy thiếu thiếu một cái gì(!)... Tôi ngước nhìn trời đêm, và gặp ánh trăng. Trăng chưa tròn, nhưng
thật sáng, và trông thật gần. "Trăng nào ‘quê hương' hơn?" tôi nhớ câu ông hỏi tôi. Tôi đã không trả lời dù biết
câu trả lời.
Tôi dõi mắt hướng về một ngôi
sao xa nhất, khi ẩn khi hiện trên nền trời đen thẫm, trông xa vẫn thấy lấp lánh
như có một linh hồn. Tôi không biết giờ này ông ở đâu, nhưng tôi tin rằng linh hồn ông-như cụm mây
lững lờ-đã bay về lại quê hương cũ, về lại nơi chốn có những thửa ruộng,
có những mảnh "vườn thơm ngát hương cau",
có những chiều "ngoài đê
diều căng gió", có những đêm "trăng sáng soi liếp dừa", có những "bầy chim lùa vạt nắng"
và có những "mùa thu lá rơi bên đường thật nhiều"...
Tiếng
hát vẫn như quấn lấy chân tôi, "ngàn
kiếp mây bay không phai niềm nhớ..." Tôi bước chậm trở vào, tiếng hát như cũng
theo sau, "mây bay năm xưa còn đó, đâu
tìm người hẹn hò..."
Bài hát ấy, "Ngàn năm mây bay" của Nguyễn
Hiền, nói như nhà văn Bích Huyền, "là nỗi buồn thật đẹp, thật nhẹ nhàng, thật
mênh mang như bức tranh thủy mạc..." (6)
Tại sao lại "ngàn kiếp mây bay không phai niềm nhớ"
mà không phải là "ngàn năm mây bay" như cái tựa của bài hát ấy?... Tôi hiểu, ông đã đổi
một chữ trong câu hát cho tương ứng với nốt nhạc trầm bổng. Tôi tự hỏi và tự trả lời. Như ông đã đổi ít câu, ít
chữ khi phổ nhạc bài "Nụ hoa vàng
ngày xuân". Anh cho em tất cả / Tình yêu
non nước này / Bài thơ còn xao xuyến / Nắng vàng trên ngọn cây... Bài thơ đã làm ông "xao xuyến". Bài thơ ông đọc thấy tình yêu đôi lứa quyện lấy tình yêu quê hương, đất
nước. Tôi hiểu được vì sao ông đã chọn bài thơ xuân ấy để phổ nhạc.
Người viết bài hát ấy đã đi xa, thế nhưng bài hát ấy, sau bao nhiêu năm, vẫn còn ở lại, vẫn có một sức sống, vẫn không bao giờ cũ. Như ngàn năm mây vẫn bay, như đất trời vẫn bốn mùa,
như những lứa đôi vẫn yêu nhau, như những nụ hoa vàng vẫn nở khi đất trời vừa mới sang xuân. Và cuộc sống, nhờ thế, nhờ có những bài xuân ca như thế, cũng sẽ đẹp thêm lên một chút.
"Anh cho em mùa xuân", bài nhạc
xuân rất xuân, và rất thơ.
lê hữu
12/2008
(Nhân kỷ niệm ba năm ngày mất của nhạc sĩ
Nguyễn Hiền)
Nguồn sưu tầm by Ngoan Trương Công
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét