Tết đến Gởi bồ bài "Ca khúc Gái xuân ra đời trong hoàn cảnh nào?" đăng trên TN.
Mỗi
dịp Tết đến, những giai điệu quen thuộc của bài hát Gái Xuân lại vang
lên: "Em như cô gái hãy còn xuân. Trong trắng thân chưa lấm bụi trần..."
Ai cũng biết đó là một bài phổ từ thơ Nguyễn Bính, nhưng tên người phổ
nhạc thì rất ít người biết. Một phóng viên báo Thanh Niên cho biết đã
gặp một vài nhạc sĩ "cổ lai hy" để tìm hiểu nhưng chính họ cũng hụt trí
nhớ. Cũng chính vì thế mà phóng viên TN đã đi tìm tác giả bài Gái Xuân
và cuối cùng đã xác định được tác giả bài hát này là nhạc sĩ Từ Vũ, hiện
ở số 19/14 Nguyễn Cửu Đàm (Tân Bình, SG). Phóng viên TN ghi lại chuyện
này như sau.
NS Từ Vũ có vẻ bất ngờ và miễn cưỡng khi tiếp nhà
báo. Nhưng ông cũng cho phóng viên xem một chồng bản nhạc cũ, trong đó
có vài tác phẩm của ông (kể cả bản gốc bài Gái Xuân). Ông kể: "Xuân Quý
Tỵ (1953), tôi đang học lớp điện tử trong khuôn viên trường Petrus Ký.
Lúc ấy tôi 21 tuổi sống xa gia đình, không bạn bè giữa Sài Gòn phồn hoa,
đô hội. Buồn, chỉ biết lục sách báo ra đọc. Tình cờ mớ sách gối đầu
giường có tập thơ Mây Tần của Nguyễn Bính. Tôi đọc thấy bài Gái Xuân,
một bài thơ ngắn (chỉ hai khổ thơ) nhưng lại có hấp lực dẫn dắt tâm trí
tôi quay về với cố hương ở Thường Tín (Hà Đông). Hà Đông là quê lụa nên
câu "Gái Xuân giũ lụa trên sông Vân " như đưa tôi về trong hoài niệm...
Rồi những câu "Lòng Xuân lơ đãng, ý xuân nồng. Cô gái xuân mơ chuyện vợ
chồng. Đôi tám xuân đi trên mái tóc. Đêm xuân cô ngủ có buồn không? ".
Tài tính nét thơ Nguyễn Bính diễn tả tâm trạng cô gái mới lớn. Tôi cũng
là thằng trai 21 tuổi. Thấm nhau lắm anh ạ. Tôi đọc bài thơ dăm lần là
đã ngấm, cầm bút giấy viết luôn một mạch". PV hỏi: Với cây đàn guitar?
Ông lắc đầu và nói: Ồ không, giấy bút và solfé cho đến lúc bản nhạc hoàn
tất, sau đó mới dùng guitar để thẩm âm lại.
Khi phóng viên nói:
"Thưa nhạc sĩ, chúng ta trở về với bài Gái Xuân", thì ông nói ngay: :
Xin đừng gọi tôi là nhạc sĩ. Cho đến bây giờ tôi cũng tự thấy mình là kẻ
ngoại đạo trong lĩnh vực sáng tác và ca nhạc, nhưng tôi vẫn còn đó một
niềm đam mê. Số là năm 1950 tôi theo gia đình vào Sài Gòn, một lần ghé
vô tiệm nhạc trên đường Catinat tôi mua được cuốn L'art de Composition
Musicale. Cuốn sách đã cho tôi những căn bản về sáng tác. Tôi viết Gái
Xuân trong giai đoạn này.
Viết, nhưng bài thơ quá ngắn, tôi mạn
phép tác giả (đến nay tôi vẫn chưa từng gặp Nguyễn Bính lần nào), thêm
vô hai câu của tôi: "Xuân đi, xuân đến hãy còn xuân. Cô gái trông Xuân
biết bao lần" để đủ độ dài thích hợp. Viết xong, cũng không nghĩ bài hát
sẽ được phổ biến. "
Nhạc sĩ Từ Vũ kể tiếp: Dạo đó, tôi quen với
ca sĩ Linh Sơn bèn nhờ cô ấy hát nhưng do cô ấy quá bận rộn, chúng tôi
không có dịp trao đổi nên ngày ra mắt Gái Xuân, thú thật tôi vẫn chưa
ưng ý lắm. Sau đó, tình cờ tôi gặp nữ ca sĩ Tâm Vấn ở Đài phát thanh Sài
Gòn, Tâm Vấn trách: "Sao anh không tặng tôi bài hát của anh". Tôi đã
chép tặng Tâm Vấn trên một tờ giấy. Sau đó tôi phải theo bố ra Phan
Thiết nên cũng chẳng biết Tâm Vấn "xử lý" như thế nào với bài hát của
tôi, chỉ thấy bạn bè viết thư ra cho biết Tâm Vấn hát bài Gái Xuân rất
hay và hát thường xuyên ở đài phát thanh. Ở Phan Thiết, trong một đêm
lang thang ngoài phố, tình cờ tôi nghe Đài Phát thanh Huế phát bài hát
này qua tiếng hát của cô Diệu Hương. Tôi không biết Diệu Hương là ai
nhưng tiếng hát ấy đã làm tôi đứng tựa cột đèn, ngây ngất, đến bây giờ
cảm giác ấy vẫn còn.
Ngoài Gái xuân, Từ Vũ viết khoảng 20 ca khúc
nữa và những ca khúc này đều do ông tự thể hiện. Ngoài ra, ông thích
đặt lời Việt cho một số ca khúc nước ngoài, trong đó có những bài hát đã
trở nên phổ biến tại Việt Nam từ năm 1957 như Cánh bướm vườn xuân (Le
Carisier et le pomier), Cánh buồm xa xưa (La Paloma…). Con gái ông vừa
đầu tư thực hiện đĩa CD Gái xuân gồm 10 ca khúc trong đó có các bài Mưa
cao nguyên (thơ Hoàng Hương Sơn), Mưa tháng 6 (thơ Thường Đoan) và Mưa
đời lãng du (thơ Trần Hữu Ngự).
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét