Kỳ 6: Yêu nhau kiếp nào
Mối duyên với nữ sĩ Minh Đức Hoài Trinh trải dài gần hết một kiếp người của nhạc sĩ Phạm Duy. Từ những chuyến rong ruổi thời trai trẻ, từ trong kháng chiến, đến mùa đông lạnh lẽo trên đất người... Giai đoạn nào cũng phảng phất bóng hình giai nhân.
Năm 1943, Phạm Duy theo gánh hát Đức Huy tới Huế vào một ngày êm đẹp. Cảm xúc ngày ấy như vẫn ngọt lịm trên từng giác quan người nhạc sĩ. Ông mơ màng hồi tưởng: “Ai tới Huế lần đầu tiên cũng đều cảm thấy như vừa gặp một nơi để biết ái tình ở dòng sông Hương... vì những bầy “Huế nữ” không những đẹp thôi, ăn nói lại mặn mà có duyên. Tôi may mắn được quen biết mấy chị em trong một gia đình quyền quý và được mời tới dinh thự Hương Trang ở Nam Giao chơi... Trong số đó có một cô gái rất trẻ tên là Võ Tá Hoài Trinh. Cô này còn làm thơ nữa, lấy bút danh Minh Đức Hoài Trinh... Nói rằng tôi biết ái tình ở dòng sông Hương là thế, nhưng lúc quen nhau rồi thì cũng phải xa nhau. Tôi tiếp tục sống đời giang hồ, người mới quen dần trôi vào dĩ vãng...”.Nhạc sĩ Phạm Duy, năm 2007 - Ảnh: Diệp Đức Minh |
|
Minh Đức Hoài Trinh, trong ký ức của Phạm Duy là một người phụ nữ có tính cách mạnh mẽ pha chút “bạt mạng”. Thói đời thích ban cho người đàn bà đẹp cuộc sống trắc trở. Có lẽ vì thế mà đằng sau mỗi nhan sắc yêu kiều thường là tâm hồn cứng cỏi vượt lên mọi nghịch cảnh. Cuộc giao duyên thơ - nhạc của nhạc sĩ Phạm Duy và nữ sĩ Hoài Trinh đã kịp cho ra đời hai bản tình: Kiếp nào có yêu nhau và Đừng bỏ em một mình.
“Nhạc tình của tôi trong loại nhạc tình cảm tính, nhạc của lứa đôi, nên tôi rất chú trọng tới chữ “nhau”: Cho nhau, Đừng xa nhau... Một bài thơ cũng ở trong chữ ''nhau'' của Hoài Trinh đã nói lên mối tình xanh vẫn còn lo sợ... Bài thơ nhan đề Kiếp nào có yêu nhau...
Anh đừng nhìn em nữa
Hoa xanh đã phai rồi
Còn nhìn em chi nữa
Xót lòng nhau mà thôi
....
Cả bài thơ là một sự nức nở, nghẹn ngào, tiếc nuối... để có thể làm cho người đọc thấy trong lòng buốt giá, tái tê, chết lặng.
Chắc bạn đọc cũng thấy bài thơ phổ nhạc được tôi thêm câu, thêm chữ. Phổ nhạc là chấp cánh cho thơ bay cao. Bài thơ ngắn ngủi, cô đọng này, vì có thêm chữ nên không còn tiết vần đều đều, bằng phẳng nữa. Bây giờ nó quay cuồng theo nét nhạc, câu nhạc. Giai điệu của câu “đừng nhìn em nữa anh ơi” chuyển rất đột ngột, đi từ nốt trầm lên nốt cao nhất với hai “nhẩy bực” quãng 5 để diễn tả sự tột độ của tình cảm. Cái syncope sau câu “đừng nhìn em” làm cho mọi người thấy được sự nghẹn ngào của bài thơ và bài hát...
Nói thêm cho rõ: ca khúc gồm 154 chữ, dài gấp rưỡi bản gốc. Bản gốc là thơ năm chữ theo luật thi, nhịp lẻ; ca từ nhịp chẵn 6-10 theo sườn lục bát vần lưng kết hợp với vần chân; hai câu ngũ ngôn trở thành bát cú (hémistiche) cho câu 10 từ với vần giữa câu. Như vậy, chỉ về âm luật thôi, bài hát đã khác bài thơ. Những câu, những từ, những âm (đừng... đã) luyến láy tạo ý nghĩa mới cho lời thơ - chưa kể nhạc thuật phong phú, tha thiết mang chất bi kịch.
Hẳn người thôi đã quên ta!
Trăng thu gẫy đôi bờ, chim bay xứ xa mờ.
Gặp người chăng? Gặp người chăng, nhắn cho ta
Hoa xanh đã bơ vơ, đêm sâu gối ơ thờ.
Về bài thơ Đừng bỏ em một mình. Sau khi đã thu xếp gọn gàng cuộc tình mười năm với những tình ca đôi lứa như Ngày đó chúng mình, Đừng xa nhau, Con đường tình ta đi... rồi chia tay với người yêu qua những tình ca một mình như Mùa thu chết, Tình hờ, Giết người trong mộng... tại Midway City, vào năm 1970, tôi phổ nhạc một bài thơ như gửi từ dưới mộ:
Đừng bỏ em một mình
Khi trăng về lạnh lẽo
Khi chuông chùa u minh
Chậm rãi tiếng cầu kinh
...
Đừng bỏ em một mình
Mấy ngàn năm sau nữa
Ai mái tóc còn xinh
Đừng bỏ em một mình
Tôi còn gặp lại Minh Đức Hoài Trinh thêm một lần nữa khi chúng tôi di cư qua Mỹ, tới ngụ cư tại Midway City. Nàng cũng tới thị trấn giữa đàng và ở nhà xế cửa nhà tôi”.
(Trích Vang vọng một thời - Mùa hè 2012)
(thanhnien.com.vn) Hiếu Dũng - Ngân Vi
Kỳ 7: Chút gì để nhớ
Người yêu thơ nói, nhờ Vũ Hữu Định mà Pleiku thành danh phố núi. Người yêu nhạc thì lại tin rằng, Phạm Duy đã đem phố núi đến với đông đảo công chúng khi phổ nhạc vào thơ.
Người ta nghe trong đó tiếng gió, tiếng suối, tiếng đá, tiếng cây rừng... Âm thanh trong trẻo và phóng túng của đại ngàn tràn ngập trong một bài hát mà lạ lùng thay, ca từ lại mềm mại như sương. Còn chút gì để nhớ của nhà thơ giang hồ Vũ Hữu Định kết hợp với những nốt nhạc tài hoa của nhạc sĩ họ Phạm, đã biến một phố nhỏ vùng cao buồn tênh thành một trong những địa danh lãng mạn nhất của thi ca Việt Nam.Những cuộc tao ngộ với thi nhân đã đem lại nhiều cảm xúc khác nhau cho Phạm Duy. Một điều khiến người yêu cả nhạc và thơ mến mộ, đó là trong hầu hết trường hợp, Phạm Duy chưa bao giờ làm biến dạng hồn vía của bài thơ. Thậm chí, bài thơ càng như được chắp cánh để bay về hướng mặt trời, long lanh tươi mới. Đơn cử Ngậm ngùi của Huy Cận - bài thơ lục bát với nhịp điệu chậm rãi, sau khi được phổ nhạc đã trở thành một kiệt tác, được bao nhiêu thế hệ ca sĩ hát từ hàng chục năm nay. Để làm được điều đó, hẳn Phạm Duy phải có một sự đồng cảm đặc biệt với các nhà thơ để nắm được tận cùng ngóc ngách vi diệu nhất của từng câu chữ, như ông từng nói về Ngậm ngùi: "Nguyên bài thơ đã là một giao lưu giữa thơ Đường và thơ lục bát Việt Nam rồi... Về phương diện thẩm âm, thẩm mỹ, bài đó xưng tụng một cái đẹp sắp sửa mất, đang mất hay sẽ mất, với lời thơ êm ả, bùi ngùi, thương tiếc, với nhạc điệu ôm ấp, vỗ về, an ủi. Hãy trả lại chúng tôi mộng bình thường mà có lẽ chúng tôi đã, đang hay sẽ mất”.
Vũ Hữu Định - Ảnh: tư liệu |
“Năm 1972, tôi đi Pleiku để nghiên cứu nhạc Tây Nguyên. Trong một tuần lễ ở đó, tôi được gặp vài nhà thơ trẻ bị động viên đang đóng quân tại miền biên giới này. Lúc đó tỉnh lỵ Pleiku còn nhỏ hẹp lắm. Một nhà thơ trẻ, Vũ Hữu Định, đã mô tả cái thành phố đi dăm phút đã về chốn cũ... trong một bài thơ rất dễ thương. Tôi phổ nhạc ngay lập tức, không thêm thắt hay sửa đổi một chữ nào trong bài thơ. Cũng vì tôi đang nghiên cứu nhạc Thượng nên tôi dùng ngay ngũ cung có bán - cung (do mi fa sol si do) trong phần giai điệu.
Phố núi cao, phố núi đầy sương
Phố núi cây xanh trời thấp thật buồn
Anh khách lạ đi lên đi xuống
May mà có em đời còn dễ thương.
Em Pleiku má đỏ môi hồng
Ở đây buổi chiều quanh năm mùa đông
Nên tóc em ướt và mắt em ướt
Nên em mềm như mây chiều buông.
Phố núi cao phố núi trời gần
Phố xá không xa nên phố tình thân
Ði dăm phút đã về chốn cũ
Một buổi chiều nao lòng bỗng bâng khuâng
Xin cảm ơn thành phố có em
Xin cảm ơn một mái tóc mềm
Mai xa lắc trên đồn biên giới
Còn một chút gì để nhớ để quên
(Vang vọng một thời - mùa hè, 2012).
|
Nhiều người cho rằng, tên tuổi Vũ Hữu Định bắt đầu phổ biến khi bài thơ Còn chút gì để nhớ được nhạc sĩ Phạm Duy phổ nhạc. Thực tế, chính Phạm Duy cũng không ngần ngại thừa nhận đóng góp lớn lao từ bài thơ đối với sự nghiệp nghiên cứu âm nhạc của ông. Phạm Duy khẳng định: "Vũ Hữu Định đã đưa tôi đến âm nhạc của miền sơn cước". Cả đời Phạm Duy say mê tìm hiểu nhất là những giá trị thuộc về văn hóa dân tộc. Mặc dù được học hành ở Pháp, nhưng giống như lời Giáo sư Trần Văn Khê, Phạm Duy biết chọn lọc giữa mới mẻ và truyền thống. Việc phổ nhạc cho thơ cũng là một cách thể hiện sự trân quý giá trị văn hóa của ông. Phạm Duy đã có rất nhiều trường ca, tổ khúc nổi tiếng. Không ngừng lại ở đó, ông đã và đang ngày đêm miệt mài hành trình gieo tiếng nhạc cho thơ. Có thể nói, riêng về lĩnh vực này, Phạm Duy được xếp ở vị trí bậc thầy trong làng tân nhạc Việt Nam.
Năm tháng trôi đi, ẩn sau mỗi khuôn nhạc, bao mối tình tri âm tri kỷ vẫn còn rưng
rưng lay động tâm hồn người yêu nhạc…
(thanhnien.com.vn) Hiếu Dũng - Ngân Vi
Nguồn sưu tầm by Ngoan Trương Công
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét