< Gỏi xương rồng.
Với cư dân vùng cát huyện Thăng Bình, tỉnh Quảng Nam, xương rồng là một loại thực phẩm có thể luộc, nấu canh hoặc làm gỏi ăn thay cơm vào những năm đói kém, mất mùa. Loài cây chịu được nắng nóng, cát bỏng với gai nhọn chi chít quanh thân này là một nguồn rau xanh dồi dào của người dân vùng cát. Xương rồng có thể xào với tôm, trộn với thịt heo ba chỉ, nấu canh chua với cá lóc, cá trê... Hay đơn giản chỉ cần một nắm hạt đậu phộng rang giòn là đã có một đĩa gỏi xương rồng vừa ngon mắt vừa khoái khẩu.
Gia đình cụ ông Phan Lợi (85 tuổi) nhà ở thôn 5, xã Bình Dương đã mời chúng tôi một bữa cơm với món xương rồng xào tôm thơm ngào ngạt. Lần đầu tiên được ăn món lạ, cảm giác của tôi hơi ngần ngại. Nhưng khi đã nếm thử đũa đầu tiên, tôi biết từ nay trong thực đơn của mình có thêm một món ngon từ loài cây gai góc này. Thấy chúng tôi tấm tắc khen ngon, cụ Lợi tự hào: “Xương rồng là loại cây cứu đói cho dân tụi tui hồi những năm đói kém, mất mùa.
< Bà Nguyễn Thị Tăng (vợ cụ ông Phan Lợi) đi cắt xương rồng.
Giờ đời sống khá giả hơn, có tôm cá, thịt đủ thứ, món xương rồng cũng thay đổi theo. Cô thấy đó, xương rồng nấu với thứ gì cũng ngon hết”.
Xương rồng mọc hoang ở các đồi, gò, bãi cát, ai muốn lấy bao nhiêu cũng được, miễn là khéo léo tách các đọt xương rồng sao cho gai không đâm vào tay. Buổi trưa đi làm đồng về, bắc nồi cơm lên bếp, cầm dao ra bãi cát phạt chừng 3-5 đọt xương rồng đem vào là cả nhà đã có một bữa canh mát lòng.
Chế biến xương rồng rất đơn giản. Chỉ cần gọt sạch gai ở bốn phía, tách lớp màng mỏng ở ngoài cho sạch rồi thái mỏng, đem luộc trên bếp chừng 5 phút, khi màu xanh chuyển sang màu vàng là được. Xương rồng luộc lên có màu vàng như dưa cải muối chua, đem vắt ráo nước là có thể xào, nấu món gì tùy thích.
Xương rồng luộc có vị chua chua, thơm nhẹ chứ không chua đậm như khế, không chua gắt như chanh. Cá lóc hay cá trê xắt lát đem ướp mắm muối, gia vị, bắc chảo xào lên cho thấm rồi cho xương rồng vào, đảo qua vài lượt rồi chế nước sôi vào. Nồi canh sôi chừng ba phút, nêm nếm vừa ăn cho thêm ngò gai, hành lá vào là có thể ăn ngay được. Xương rồng khi nhai trong miệng cảm giác dai dai, sần sật, chua chua rất ngon chứ không mềm như dọc mùng. Mùa hè ở xứ cát nóng nực, bữa trưa chỉ cần một bát canh chua xương rồng kèm với chén nước mắm ớt là cả nhà đã có một bữa cơm ngon miệng.
Xương rồng luộc xong vắt ráo nước đem xào với mỡ, nêm thêm muỗng nước mắm cũng là một món dễ đưa cơm. Mùa đông mưa dầm không đi chợ được, các mẹ ở vùng cát chỉ cần ra sau vườn cắt vài đọt xương rồng vào luộc trộn với một nhúm đậu phộng rang giòn là đã có một món gỏi xương rồng thơm nức mũi. Đây cũng là một trong những món nhậu khá bắt mồi của ngư dân vùng cát trong những ngày trăng sáng, thuyền nằm bờ.
Du lịch, GO! - Theo TTO
Cháo thuốc độc ấm đêm cao nguyên đá
Đêm Hà Giang bao giờ cũng mang lại cảm giác rét hơn cái rét thực tế. Có lẽ là ám ảnh từ vẻ mênh mang xám lạnh tỏa ra từ cao nguyên đá. Nhưng hình như ở những miền đất càng khắc nghiệt, thượng đế luôn bù đắp lại bằng những điều độc đáo riêng có.
Từ thuốc độc thành món ăn
Hà Giang hấp dẫn du khách bởi hoa đào hoa, mận tháng giêng, ruộng bậc thang sắc lúa chín vàng ngợp tháng mười, mùa tam giác mạch hồng tím miên man vào độ tháng 11, hoa cải dầu vàng rực tầm tháng 12…
< Bát cháo ấu tẩu thơm lừng.
Còn gì thú vị hơn khi trên dặm đường rong ruổi ấy, một sáng chủ nhật vào phiên chợ, dừng chân trên khoảng đất phẳng vây quanh là lởm chởm đá tai mèo, làm một bát thắng cố, chiêu vài chén rượu ngô mà nghe trời đất trên cao nguyên đá chợt nhẹ bổng như tiếng khèn môi sau bờ rào đá...
Nếm trải cũng gần hết hương sắc mùi vị Hà Giang rồi, ấy vậy mà chuyến trở lại Hà Giang cuối năm 2011, chúng tôi vẫn bất ngờ khi một người bạn Hà Giang bảo: Đã ăn “cháo thuốc độc” chưa? Chưa ăn “cháo thuốc độc” coi như chưa biết Hà Giang. Ừ, thì có là thuốc độc đi nữa cũng ăn cho biết bởi chắc là… không chết, nếu chết hẳn bạn đã không giới thiệu!
< Đông vui khách ăn đêm.
Mười giờ đêm, sau cuộc rượu ngô men lá chuếnh choáng khuya ở thành phố sơn cước vị lạnh tháng mười cứ ngấm dai dẳng, nhưng rồi cả châu thân như tỉnh hẳn ra khi chợt gặp mùi thơm quyến rũ bốc lên lúc xe dừng trước hàng cháo với ánh đèn soi sáng mờ mờ dòng chữ “Hương - cháo ấu tẩu”. À, “cháo thuốc độc” hẳn là món cháo ấu tẩu này đây!
Thật khó tả lại cái cảm giác về bát cháo ấu tẩu mà chúng tôi đã ăn đêm ấy và chúng tôi đã trở lại tìm chị Hương, chủ quán, vào chiều hôm sau, ngay khi chị vừa chuẩn bị các công đoạn cho những nồi cháo phục vụ khách ăn khuya.
Khi chúng tôi bày tỏ mong muốn được tìm hiểu, viết bài, làm phim giới thiệu về món ăn “độc" này, chị Nguyễn Thị Hương - chủ quán "Hương - cháo ấu tẩu” ở 171 Trần Hưng Đạo, TP Hà Giang, một trong số ít quán cháo ấu tẩu ở TP Hà Giang - rụt rè, ngại ngùng “quán cháo bình thường có gì mà viết, mà quay. Mình không nói đâu, các anh quay, chụp thì cứ thoải mái”. Nhưng trước sự nhiệt tình của khách, cuối cùng chị chủ quán người Tày này cũng đồng ý giới thiệu về món ăn mà nếu “chế biến không đúng cách, người dùng sẽ bị ngộ độc, cứng hàm, co rút tứ chi và nếu không cứu chữa kịp thời, không biết cách cứu thì chỉ có đi gặp… ông bà ông vải”.
< Chị Hương bên nồi cháo ấu tẩu.
Theo chị Hương, nguyên liệu chính để làm ra món cháo là từ củ ấu tẩu, một loại củ cứng như đá tai mèo, xù xì, gai góc chỉ mọc trên đỉnh Tây Côn Lĩnh được người Mông, người Dao lấy về ngâm rượu, xoa bóp tay chân, lưng, vai và các vết thương kín khi đau nhức. Vậy nhưng với tài năng chế biến của người dân tộc dưới chân Tây Côn Lĩnh, củ độc đã được “giải độc” để biến thành món cháo giải cảm hữu hiệu, thành món ăn bổ xương cốt khiến người dưới đồng bằng săn lùng để rồi có những quán cháo như chị Hương.
Với kinh nghiệm, tài chế biến của chị chủ quán người Tày, quán cháo nhỏ này dù chẳng quảng cáo nhưng suốt hơn chục năm qua vẫn sáng đèn mỗi tối đến nửa đêm, khách vào ra nườm nượp.
Một người ăn, hai người vui?
Bí quyết ư? Chị Hương chỉ cười lắc đầu: “Chẳng có bí quyết gì đâu, vốn dĩ cái tên cháo ấu tẩu cũng đủ hút khách rồi”. Chị chủ quán cho biết để được bát cháo ấu tẩu sền sệt màu xám, bốc hơi nghi ngút thơm lừng, vị ngai ngái, bùi bùi chợt đăng đắng đầu lưỡi rồi ngọt lịm nơi cuống họng thì cần chế biến cực kỳ công phu, thời gian chuẩn bị và kéo dài suốt một ngày trời.
Đầu tiên, củ ấu tẩu được rửa sạch rồi ngâm với nước vo gạo đặc từ sáng sớm cho đến trưa. Sau tối thiểu 4-5 giờ ngâm, cú ấu tẩu được vớt ra rửa sạch và cho vào nồi ninh từ trưa đến 3 – 4 giờ chiều, khi củ bở lại vớt ra để ráo nước rồi cho vào giã nhỏ, tơi nhuyễn. Trong khi ninh ấu tẩu thì một nồi khác cũng được nổi lửa để ninh chân giò và cháo. Khi củ ấu tẩu ninh nhừ được vớt ra thì nồi nước ninh ấu tẩu đỏ nhừ đó được đổ lẫn vào nồi ninh với cháo, chân giò. Củ ấu tẩu giã nhỏ nhuyễn xong được đổ vào khuấy đều với nồi cháo và tiếp tục ninh với ngọn lửa liu riu đến khi phục vụ khách ăn. Để có bát cháo ấu tẩu chất lượng thì không thể thiếu chân giò heo, thịt nạc băm cùng gia vị ớt tiêu, hành và đặc biệt là lá tía tô. Cũng có khi người ăn yêu cầu đập thêm một quả trứng gà tươi vào bát cháo.
Bát cháo bê lên cho khách sẽ có sắc nâu đậm của củ ấu tẩu, có bị bùi, béo của xương - thịt heo và thơm đặc biệt của gạo nương. Vì là vị thuốc nên đặc trưng của cháo ấu tẩu là vị đắng như tam thất. Tuy nhiên, cái đắng của ấu tẩu quyện với cái ngọt của nước xương ninh và thơm ngậy của trứng đọng lại thành hương thơm, vị ngọt ngào trong cổ, tạo cảm giác lạ miệng và hấp dẫn.
Vì ấu tẩu là dạng củ, để khô giữ được lâu nên cháo ấu tẩu có cả bốn mùa, nhưng nếu là khách lần đầu đến Hà Giang thì ban ngày sẽ không thể tìm đâu ra cháo để thưởng thức. Món ăn này khi thưởng thức xong cần phải nghỉ ngơi tĩnh dưỡng nên hầu hết các quán chỉ mở cửa từ sẩm tối cho đến 12 giờ đêm. Với nhiều người dân ở thị xã vùng cao này, cháo ấu tẩu là món ăn đêm thường nhật.
Là món độc đáo nên trong sử dụng, chị chủ quán người Tày cũng thật thà khuyến cáo: Cháo ấu tẩu chỉ tốt nhất cho người trưởng thành. Dưới 18 tuổi, đặc biệt là trẻ em thì không nên lạm dụng, ăn nhiều quá vì “ăn nhiều trẻ dễ bị giòn xương"(?)
< Củ ấu tẩu khô.
Riêng khách sành ăn còn nói rằng ấu tẩu là một món ăn thuộc nhóm “ông ăn bà khen” - một người khỏe, hai người vui, thực hư thế nào thì không dám nói, tốt nhất bạn cứ thử lên Hà Giang, với một đêm khuya thức cùng bát cháo thuốc độc này và chút rượu ngô men lá rồi kiểm chứng xem nhé! Nếu quả vậy thì ấu tẩu không phải là độc dược nữa mà thật sự là hàng độc!
Hàng độc bảng... A
Ấu tẩu là một dược liệu thuộc bảng độc... A. Củ ấu tẩu có dược danh là ô đầu, tên khoa học là Aconitum sinense paxt, hình dạng cũng tương tự củ ấu. nhiều dân tộc các nước xưa và nay dùng ô đầu tẩm độc săn bắn súc vật (kể cả voi). Độc là do chất aconitin của nó, uống 1 – 1,5 mg có thể chết người. Củ ấu tẩu nếu để tươi, nhai sống thì... vô phương cứu chữa.
Du lịch, GO! - Theo Lê Đức Dục – Đức Bình (TTO)
Nguồn sưu tầm by Ngoan Trương Công
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét