Thứ Bảy, 26 tháng 1, 2013

Kỳ 27: Chùa Phù Dung trên nền Chiêu Anh các & Kỳ 28: Áo cưới trước cổng chùa

Theo dấu người xưa

 Tọa lạc dưới chân núi Bình San (P.Bình San, TX.Hà Tiên, Kiên Giang), Phù Dung cổ tự là một trong những địa điểm du lịch nổi tiếng của đất Hà Tiên. Những năm gần đây, trên các diễn đàn học thuật có nhiều tranh luận về lịch sử ngôi chùa này. 

Tao đàn Chiêu Anh các
Chuyện bắt đầu từ địa chỉ của Tao đàn Chiêu Anh các cùng đền thờ Đức Khổng tử do Mạc Thiên Tích cất năm 1736. Theo nhà nghiên cứu Trương Minh Đạt, trước đây nhiều người xác quyết rằng Chiêu Anh các chỉ là danh xưng của một hội Tao đàn, ý nói là Chiêu Anh các không có nơi sinh hoạt. Nhưng muốn xác định vị trí ngôi nhà này phải dày công nghiên cứu qua thơ văn của Tao đàn và qua thư tịch, như Kiến Văn tiểu lụcPhủ biên tạp lục của Lê Quý Đôn, Hà Tiên trấn Hiệp trấn Mạc thị gia phả của Vũ Thế Dinh và cả Gia Định thành thông chí của Trịnh Hoài Đức...
 Chùa Phù Dung ở thị xã Hà Tiên
Chùa Phù Dung ở thị xã Hà Tiên - Ảnh: H.P
Cũng theo ông Đạt thì sách Mạc thị gia phả của Vũ Thế Dinh có một chi tiết đáng chú ý là “ông Mạc Thiên Tích có dựng ra Chiêu Anh các để thờ tiên thánh và làm nơi đón tiếp hiền tài”. Ta nên hiểu đền thờ tiên thánh ấy là đền thờ Đức Khổng tử. Đồng thời, qua lời đề tựa của Mạc Thiên Tích khi in quyển Hà Tiên thập vịnh thì ngôi nhà nơi tập hợp các văn nhân thi sĩ, kể cả các nhân sĩ hay các võ quan, gọi là Thụ Đức Hiên - tức mái nhà thờ Thánh Đức.
“Về thơ văn, trong bài Giang Thành dạ cổ của Mạc Thiên Tích có câu mô tả chi tiết liên quan đến nền nhà “Khách phượng trì cũng gồm thao lược/Chốn thi đàn bảy bước tranh phong”. Tôi ngờ ngợ cái “thi đàn bảy bước này” nói thềm nhà có 7 bậc. Ngoài ra, trong bài viết Tương quan giữa nền nhà Chiêu Anh các xưa và chùa Phù Dung ngày nay đăng trên tạp chí Chiêu Anh Các cách đây mười năm, tôi đã có phân tích về những cột đá sa thạch mà tôi nghi ngờ đó chính là những cây cột đá của kiến trúc Tào đàn Chiêu Anh các”, ông Đạt nói.
Di tích Chiêu Anh các và đền thờ Đức Khổng tử có lẽ tồn tại đến năm 1833. Thời điểm ấy, quân Xiêm cử đại binh sang chiếm đất Hà Tiên, theo lời cầu viện của Lê Văn Khôi. Trận đó nhiều công trình, dinh thự ở Hà Tiên đã bị giặc hủy hoại. Cho đến năm 1845, cơ sở này vẫn còn một vài kiến trúc. Vì vậy, khi Tổng đốc An Hà Doãn Uẩn đến đây, có viết như sau: “Cảnh còn đó mà người xưa đâu tá? Vừa rời khỏi yên ngựa ta đã hạ lệnh cho tướng sĩ mau dâng lên tập Hà Tiên thập vịnh của Mạc tướng công... Bấy giờ là nửa đêm… ta đương trầm ngâm đọc bài Giang Thành dạ cổ của Mạc Tướng công, trong thư phòng của chính người xưa”.
Chùa Phù Dung cất lại
Phù Dung là tên một ngọn núi đã có từ trước, ngôi chùa xưa vì cất trên núi nên được gọi cùng tên. Theo sách Hoàn Vũ ký của Nguyễn Thu, được biên soạn vào khoảng năm 1841-1847 thì “Núi Phù Cừ cách tỉnh về phía tây bắc hơn một dặm, hang động xanh rì, chân núi có chùa Phù Cừ, do đó tên núi là núi Phù Cừ”. Đối chiếu với Gia Định thành thông chí của Trịnh Hoài Đức thì thấy chùa Phù Dung ở triền tây nam núi Phù Dung, sang đời Thiệu Trị đổi tên núi và chùa là Phù Cừ.
Tuy nhiên, trên thực tế thì Phù Dung cổ tự trên núi Phù Dung đã không còn kể từ năm 1833. Khi giặc Xiêm chiếm Hà Tiên, chúng bắt hết già trẻ lớn bé ở đây và người trụ trì chùa Phù Dung cũng bị bắt. Sau khi đánh đuổi giặc Xiêm khỏi đất Hà Tiên, nhà Nguyễn không phục hồi ngay mà dời lên Giang Thành đặt lỵ sở Hà Tiên ở đó. Năm 1845, Tổng đốc An Hà Doãn Uẩn về đây và gặp hòa thượng Tiên Giác - Bửu Châu. Hai người ngồi trên nền Chiêu Anh các đàm đạo việc cất lại chùa Phù Dung. Ngài Tổng đốc không muốn cất lại chùa ở chỗ cũ, vì vậy đã quyết định đem chùa về núi Bình San, tức nền Chiêu Anh các. Đại Nam nhất thống chí có nhắc chi tiết này: “Chùa Phù Dung được cất trên nền di tích xưa của Mạc Thiên Tích”. Nhưng “nền di tích xưa” đó lại không được phân định rõ là nền gì, nên người đời sau đã phải vất vả tìm lại di tích Chiêu Anh các.
Khi chùa Phù Dung được cất lại ở núi Bình San nhưng không được tiếp tục duy trì tên cũ vì kỵ húy “tên cúng cơm” của vua Thiệu Trị. Thời đó, từ Bắc chí Nam, các địa danh có chữ Dung đều phải đổi. Chẳng hạn như huyện Phù Dung ở ngoài Bắc đổi lại là huyện Phù Cừ. Còn ở Hà Tiên, núi Phù Dung cũng đổi lại là núi Phù Cừ.  Do đó, sau khi cất lại chùa, ông Doãn Uẩn quyết định đổi tên là chùa Phù Anh (tức Phù Dung và Chiêu Anh các ghép lại). Thời đó lũy chung quanh núi cũng gọi là lũy Phù Anh.  
Nguyên nhân lầm lẫn vị trí và tên gọi chùa Phù Dung, Phù Cừ là từ sách vở. Theo ông Trương Minh Đạt thì: “Đời Minh Mạng có Gia Định thành thông chí, đời Thiệu Trị có Hoàn Vũ ký, đời Tự Đức có Đại Nam nhất thống chí. Khi thực hiện bộ sách Đại Nam nhất thống chí, trình lên vua Tự Đức xem thì vua bảo, sách còn sai nhiều chỗ, đem về làm thêm bản phụ biên để sửa. Nhưng trong lúc tập phụ biên đang làm thì Pháp tấn công Đà Nẵng rồi sau đó chiếm luôn Gia Định và Nam kỳ. Triều đình Tự Đức trong giai đoạn này, văn khố lộn xộn, nhiều tài liệu sách vở bị thất lạc. Bộ sách Đại Nam nhất thống chí được người đời sau tìm những gì còn sót chép lại, còn phần bổ biên không tìm thấy. Sau khi Tự Đức qua đời, đến thời vua Duy Tân, Đại Nam nhất thống chí được làm lại. Bấy giờ Nam kỳ đã không còn là thủy thổ của triều đình Huế, sách không nói đến lục tỉnh, nên không có Hà Tiên”.
Theo ông Đạt thì một người Pháp tìm ra bộ Đại Nam nhất thống chí còn rơi rớt ở đâu đó trong văn khố triều đình rồi đem về Hội Những người nghiên cứu Đông Dương dịch, xem chỗ nào thiếu thì thêm vô và cho ra đời Đại Nam nhất thống chí - Lục tỉnh Nam Việt. Chính việc thêm vô này khiến vấn đề chùa Phù Anh trở nên mờ mịt. Vì vậy người đọc bộ Đại Nam nhất thống chí - Lục tỉnh Nam Việt được ấn hành trước năm 1975 ở Sài Gòn, thì thấy chùa Phù Anh bị sửa lại là chùa Phù Cừ. Còn trong thực tế không có ngôi chùa nào mang tên là Phù Cừ, lỗi là do tác giả sách Hoàn Vũ ký không cập nhật thông tin sau năm 1845, khi chùa Phù Dung đã dời điểm và được ông Doãn Uẩn đổi tên là Phù Anh.
“Trong khi vấn đề còn đang tranh cãi chưa ngã ngũ thì di chỉ người xưa tiếp tục bị hủy hoại. Trụ đá còn sót lại của đền thờ Đức Khổng tử hay Chiêu Anh các hiện thời đã bị đập bỏ, một số công trình của người xưa đã bị xâm hại nghiêm trọng do sự thiếu hiểu biết của người nay”, ông Đạt bức xúc. 

  Chùa Phù Dung ở Hà Tiên (tỉnh Kiên Giang) gắn liền với chuyện kể về bà Dì Tự - dân gian còn đặt một cái tên khác là bà Phù Dung, đồng thời cho đó là vị sư nữ đầu tiên trụ trì chùa. Thực ra giai thoại trên là do dân gian kể theo tiểu thuyết lịch sử  Nàng Ái Cơ trong chậu úp của bà Mộng Tuyết, xuất bản năm 1961. Trước đó ở Hà Tiên chưa hề có câu chuyện này.

Người đẹp trong chậu…
Câu chuyện tóm lược như sau: Mạc Lịnh công tức Tổng binh Đại đô đốc Mạc Thiên Tích có một người vợ thứ tên là Dì Tự “sắc nước hương trời và văn hay chữ tốt”. Do đó Mạc Lịnh công vô cùng sủng ái khiến cho bà chánh thất Nguyễn phu nhân ghen tức, lập mưu hãm hại.
Một hôm, nhân Mạc Lịnh công bận đi duyệt binh, ở nhà, Nguyễn phu nhân đem nhốt bà thứ vào trong một cái chậu, úp lại cho ngộp mà chết. Bất thình lình, vừa lúc đó trời bỗng đổ mưa to và Mạc Lịnh công cũng vừa về đến. Thấy trời đang mưa mà sao chậu to không ngửa lên hứng nước, ông bèn truyền lệnh giở chậu ra thì phát hiện nàng Dì Tự đang thoi thóp, nhưng may mắn hãy còn cứu kịp. Tuy  thoát chết, nhưng Dì Tự trở nên chán chường sự thế, bèn xin Mạc Lịnh công cho phép đi tu. Trước sự tình ngang trái đó, ngài Tổng binh không còn cách nào khác, đành chiều ý, cất một ngôi am tự cho “Ái cơ” của mình tu hành. Bên am tự, ngài cho đào ao, trồng hoa sen trắng, để kỷ niệm mối tình xưa. Đến khi bà qua đời, Mạc Lịnh công cho xây ngôi mộ kiên cố, cấu trúc theo hình cái chậu để tỏ lòng tưởng nhớ đến giai nhân đã vì ông mà phải chịu oan ức, khổ ải...
Áo cưới trước cổng chùa
Một góc Phù Dung cổ tự ở thị xã Hà Tiên - Ảnh: H.P
Đó là câu chuyện hư cấu. Nhà nghiên cứu Trương Minh Đạt phân tích Ái cơ là cách tôn xưng do nữ sĩ Mộng Tuyết sáng tạo trong tiểu thuyết. Trước khi tiểu thuyết Nàng Ái Cơ trong chậu úp ra đời, không người dân Hà Tiên nào tôn xưng bà bằng ngôi vị Ái cơ. Bởi vì gọi Dì Tự là người ta hiểu ngay vai vế của bà là vợ thứ. Trong câu chuyện, tác giả cho rằng người phụ nữ có ngôi vị “Ái cơ” đẹp mà phải đi tu, rồi lâm vào cảnh tuyệt tự. Nhưng trên mộ bia của Dì Tự còn ghi rõ Từ Thành Thục nhân, họ Nguyễn, và người lập bia là con trai của bà: “Nam Chú lập thạch” (Con trai tên Chú lập bia), chứng tỏ khi bà qua đời, con trai bà đã lập mộ.
Theo phong tục, cấu trúc ngôi mộ hình chum này thuộc loại mộ cải táng và chữ nghĩa trên bia không thể hiện bà là người tu hành. Căn cứ dòng lạc khoản này cho thấy mộ được lập vào năm Tân Tỵ (1761), lúc này Mạc Thiên Tích còn sống. Nhà nghiên cứu Trương Minh Đạt nói: Theo sách Hà Tiên trấn Hiệp trấn Mạc thị gia phả của Vũ Thế Dinh chép: “Về sau, các bà thê thiếp sanh trai gái thật đông đảo, tựa hồ Chu Văn, số đến chín chục. Điều này chứng tỏ Mạc Thiên Tích có rất nhiều vợ. Theo tôi thì ít nhất là 7 bà, căn cứ vào 7 ngôi mộ được tìm thấy: vợ chánh và thứ thiếp, chưa kể những cung phi tỳ nữ thời ấy”.
Tất nhiên tiểu thuyết không cần phải ghi chép đúng theo sự thật. Điều quan trọng là các sử quan về sau đừng căn cứ vào tiểu thuyết mà đưa vào chính sử, coi đó là một phần trong lịch sử của chùa Phù Dung.
Áo cưới trước cổng chùa
Ông Trương Minh Đạt kể lại: “Từ năm 1958 tôi đã đi dạy học. Khi nhà văn Sơn Nam từ Sài Gòn về, tìm tư liệu để viết bài về Hà Tiên, trong một đêm tá túc ở chùa Phù Dung, nhà văn đã gặp nhà sư trụ trì. Sư vốn là người trong dân gian không rành lịch sử, nên nảy sinh ý tưởng sáng tác ra câu chuyện về ngôi mộ không theo hình dạng bình thường mà giống như cái ảng chụp lại. Ông lại nghe Mạc Thiên Tích có 2 vợ. Và theo ông người vợ thứ hai là bà Dì Tự, khi bà qua đời được chôn ở gần chùa. Còn bà lớn chôn ở khu vực lăng Mạc Cửu. Ông nghĩ bà này bị ghen, hồi còn sống đã bị bà lớn chụp cái ảng lên đầu, nên khi chôn người ta làm mộ úp lên để làm kỷ niệm”.
Cũng theo ông Đạt thì trước khi kể chuyện cho ông Sơn Nam nghe, nhà sư đã kể cho ông Trần Thiêm Trung viết trong bộ địa phương chí đánh máy. Theo đó: “Ông Mạc Thiên Tích vắng mặt nhiều ngày trong chiến trận, Mạc phu nhân chánh thất ghen tuông, cho nhốt bà Dì Tự vào một cái mái xưa úp lại...” . Rồi “... bà Dì Tự chán chường kiếp sống, xin Mạc Công đi tu. Ngài chiều ý nên cất ngôi am tự cho bà tu hành. Đến khi bà mất, lại xây cất một ngôi mộ đẹp đẽ dưới ao có hoa sen trắng”. Sai lầm lớn nhất của tác giả bộ địa phương chí là nói ngôi chùa được cất lại lần thứ ba, do ông Mạc Thiên Tích cất cho bà thứ thiếp là Dì Tự. Ông Trung cũng đã gửi bản địa phương chí này cho nhà thơ Đông Hồ và nữ sĩ Mộng Tuyết, bấy giờ bà Mộng Tuyết ở Sài Gòn. Khi nhà văn Sơn Nam về Hà Tiên đã phối kiểm với Trần Thiêm Trung rồi viết lại câu chuyện đăng trên báo Nhân Loại, với tiêu đề Hà Tiên đất Phương Thành, trong đó có kể câu chuyện vợ lớn ghen, úp bà vợ nhỏ trong chậu…
Ông Đạt kể tiếp: “Năm đó, Trần Thiêm Trung có gặp tôi và hỏi, em ở Hà Tiên có biết về lịch sử bà Dì Tự không? Rồi bà Mộng Tuyết cũng hỏi tương tự, nhưng tôi trả lời là chưa biết. Bà Mộng Tuyết bảo rồi mai mốt em sẽ hiểu rõ, cô Bảy (tức bà Mộng Tuyết) sẽ dựng lại câu chuyện này. Như vậy, chính bà Mộng Tuyết là tác giả của câu chuyện Nàng Ái Cơ trong chậu úp. Sau khi nhà thơ Đông Hồ qua đời, bạn bè thân hữu tổ chức họp mặt kỷ niệm một năm ngày mất của ông. Buổi đó có bà Mộng Tuyết, Kiên Giang Hà Huy Hà, Trương Minh Hiển, nhà văn Sơn Nam và tôi. Dịp này, soạn giả Kiên Giang đã xin phép bà Mộng Tuyết chuyển thể tiểu thuyết lịch sử Nàng Ái Cơ trong chậu úp thành tuồng cải lương. Từ đó câu chuyện về bà Dì Tự có thêm nhiều tình tiết lâm ly, bi đát qua tuồng cải lương Áo cưới trước cổng chùa của nhà thơ Kiên Giang Hà Huy Hà”.
“Từ tiểu thuyết rồi đến cải lương đã làm cho người ta biết lịch sử chùa Phù Dung chỉ qua nghệ thuật hư cấu, dàn dựng theo cảm hứng của các tác giả. Rồi chùa Phù Dung cũng theo đó lập bàn thờ mới, nói là bàn thờ bà Dì Tự. Điều đáng buồn là những thông tin không xác đáng ấy lại được một số người trong giới học thuật theo hướng đó mà nghiên cứu, tiếp tục quảng bá sự sai lệch”, ông Đạt nói.
(thanhnien.com.vn) Hoàng Phương - Ngọc Phan
Nguồn sưu tầm by Ngoan Trương Công

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét