< Vịt quay 7 vị tại Cao Bằng.
Cao Bằng là cao nguyên đá vôi xen lẫn núi đất, có độ cao trung bình trên 200m, vùng sát biên có độ cao từ 600 – 1.300 m so với mặt nước biển. Núi non trùng điệp. Rừng núi chiếm hơn 90% diện tích toàn tỉnh. Bởi vậy không hề ngoa khi nói muốn ăn vịt 7 vị đặc sắc của Cao Bằng phải khoác balo...lên núi.
Không phải như món vịt thông thường, để có món vịt quay Cao Bằng, ngay từ khâu chọn vịt đã rất công phu. Vịt cỏ không dùng được, ngược lại vịt quá to, nhiều mỡ cũng bị loại. Vịt vừa phải, chắc thịt, sáng lông, nặng khoảng 1,8 kg, 2 kg được làm sạch, mổ moi cho khéo rồi nhúng qua nước sôi làm săn thịt.
Quan trọng nhất là khâu ướp vịt. Mắm, muối hoà lẫn trong nước 7 vị rót từ từ vào bụng vịt để gia vị ngấm sâu vào từng thớ thịt. Một chiếc lạt tre dẻo, chẻ mỏng và chuốt nhọn đầu dựng làm kim, khâu bụng vịt, giữ cho nước không chảy ra ngoài. Theo nhiều người 7 vị đó có lẽ là bí quyết riêng của người Tày sống ở miền đông tỉnh Cao Bằng.
Vịt được thổi phồng và nhúng qua nước sôi một lần nữa, sau đó rưới mật ong và quét dấm lên khắp thân. Cách làm này khiến cho thịt vịt vừa mềm, vừa có vị đậm của mật ngọt, lại không bị khô da khi nướng trên than hồng. Than nướng vịt phải trộn thứ than củi khô, bén lửa đều thì thịt sẽ không bị ám khói.
Con vịt nóng giãy, bị xẻ làm đôi chỉ bằng đúng một nhát dao. Nước dùng trong bụng vịt được đổ riêng ra bát, dùng luôn làm nước chấm hoặc tưới lên đĩa thịt. Con dao nhà nghề phập từng nhát một để tạo ra những miếng thịt sắc cạnh, còn nguyên lớp da. Lớp thịt sau da mầu hồng đào, vừa chín tới, mềm và ngọt. Nhưng quyến rũ hơn cả là mùi thơm vô vùng khó tả.
Vịt sau khi quay được chặt nhỏ xếp ra đĩa, da óng màu mật, rộm vàng cánh gián. Thịt ăn chắc ngọt, mềm nhưng không bở, không dai. Mỗi khi răng cắn ngập vào miếng thịt, người ta phải nhai thật chậm để thưởng thức hết vị ngọt của mật ong rừng quyện với vị béo của dầu, vị ngon của miếng vịt non đầu tháng săn chắc.
Ẩn sâu trong từng miếng vịt quay là một mùi hương ngai ngái như mùi lá non, vị hơi đắng nhưng càng ăn càng đậm thịt. Đó là do thứ nước sốt 7 vị được lấy từ trong bụng vịt rưới lên.
Những người từng được nếm qua đều đoán già, đoán non rằng trong 7 thứ gia vị ấy, có rất nhiều vị là rễ và lá cây được lấy ở trên rừng. Vì vậy, dù nhiều người muốn học tập cách làm vịt quay của người Cao Bằng, nhưng đều không thể gợi nên được mùi vị đặc trưng ấy.
Du lịch, GO! - Theo Nguyên Nguyên (Datviet), Nghị Quế (Amthuc).
Lên Mộc Châu thưởng thức bê chao, cá suối
< Bê chao Mộc Châu.
Với điều kiện thiên nhiên ưu đãi, không khí mát lạnh, trong lành, những thảo nguyên mênh mông xanh cỏ, Mộc Châu tự hào là nơi phát triển đàn bò lớn nhất cả nước cả về số lượng lẫn chất lượng.
Những chú bò non (bê) ở đây khi mới sinh ra sẽ được xác định giới tính. Nếu là bê cái sẽ giữ lại nuôi để lấy sữa. Còn bê đực không cho sinh sản sẽ bị loại. Bê con bị loại được dùng làm nguyên liệu cho một món ăn thơm ngon, độc đáo của vùng đất cao nguyên: bê chao.
< Quán thị bê rất nhiều trên QL6.
Đã từ lâu, bê chao là một món ăn không thể bỏ qua khi bạn đến với vùng đất cao nguyên này. Bê chao Mộc Châu nổi tiếng đến mức mọi người thưởng rỉ tai nhau rằng: “Đến Mộc Châu mà chưa ăn bê chao thì không gọi là đến Mộc Châu”. Nếu sữa tươi Mộc Châu nổi tiếng xa gần vì vị thơm ngậy tự nhiên hiếm có thì thịt bê nơi đây cũng thơm ngon, bổ dưỡng khác thường.
Bê con được nuôi dưỡng trong môi trường lý tưởng nên có hương vị vô cùng độc đáo. Tuy nhiên, theo như lời của người dân địa phương thì món bê chao đậm đà và ngon nhất phải làm từ thịt của những chú bê con chỉ vừa sinh ra được 7 ngày tuổi, chỉ bú sữa bò mẹ mà chưa ăn bất cứ loại cỏ nào trên thảo nguyên. Có như vậy, món bê chao mới thơm ngon tuyệt hảo với từng miếng thịt bê giòn bì, chắc thịt, nhưng không hề khô cứng mà trái lại, rất mềm và ngọt.
Đi dọc quốc lộ 6, đoạn từ Mai Châu sang Mộc Châu và cả trong thị trấn, du khách sẽ thấy vô số hàng quán treo biển “Bê chao” bán dọc đường. Thế nhưng không phải quán nào cũng chế biến được món bê chao trứ danh đâu nhé.
Bê chao ngon đầu tiên từ khâu chọn nguyên liệu. Phải là những chú bê non, khỏe mạnh và mới sinh mới đem lại trọn vẹn hương vị cho món ăn. Cùng với sự phát triển của ngành du lịch, Mộc Châu ngày càng thu hút rất nhiều du khách đến đây. Theo đó mà các hàng quán mọc lên cũng nhiều hơn, cung về thịt bê không đáp ứng đủ cầu nên một số nhà hàng đã nhập bê từ nơi khác về để nấu món bê chao. Bê thường, khi chao sẽ bị khô và dai, không thể mềm và ngọt như những chú bê được chọn làm bê chao truyền thống của thảo nguyên.
< Sữa chua Mộc Châu.
Cách chế biến món bê chao hoàn toàn không cầu kỳ như những món ăn thường thấy từ bê như: bê hấp tái chanh, bê xào lăn... Từ nguyên liệu là thịt bê, người đầu bếp xắt thịt thành từng miếng con chì, đem ướp sả, gừng, gia vị trong khoảng 5 – 10 phút rồi chao nhanh qua dầu sôi. Công đoạn này cũng là khâu quan trọng quyết định hương vị món ăn. Bê nếu chao quá lửa sẽ bị dai và mất đi vị mềm, ngọt của thịt.
Bê chao ăn nóng. Đồ ăn kèm với món ăn này không thể thiếu đi thứ nước tương được pha chế đặc biệt theo công thức riêng của mỗi đầu bếp. Nước tương sánh đặc, ngả màu vàng đất được bỏ thêm gừng, sả băm nhỏ cho dậy mùi, trọn vị. Khi ăn vừa có chút mặn mòi, lại vừa ngọt ngọt, bùi bùi. Ngon khó diễn tả.
< Cá suối chiên giòn.
Điểm thêm vào đó là thứ rau sống xanh mượt, tươi non mỡ màng của đất cao nguyên lộng gió. Khi ăn, nhẩn nha miếng thịt, miếng rau, chấm cùng nước sốt tương càng làm dậy lên cái vị đậm đà của món ngon phố núi.
Nếu có dịp lên cao nguyên Mộc Châu, dừng chân thưởng thức món bê chao, chắc chắn bạn sẽ khó có thể quên được hương vị đậm đà của món ăn mang đậm chất Tây Bắc này. Du khách có thể thưởng thức đĩa bê chao ngon lành tại tất cả các nhà hàng tại Mộc Châu chỉ với giá từ 70 – 100.000đồng/đĩa. Ngoài ra, xin đừng bỏ qua một số đặc sản như: rau cải mèo, canh khoai sọ mán, cá suối... nhé.
Du lịch, GO! - Theo Afamily
Nguồn sưu tầm by Ngoan Trương Công
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét