‘Cám ơn những người đàn bà đi qua đời tôi’
Bằng chất giọng rất ấm và phong thái cởi mở, thân thiết như thể quen biết từ lâu, giọng ca vàng dòng nhạc bolero chia sẻ về cuộc đời, sự nghiệp âm nhạc cũng như liveshow sắp tới trong bài phỏng vấn đầu tiên khi trở về VN.
- Cảm giác của ông khi về nước?
- Khi máy bay vừa hạ cánh xuống sân bay Tân Sơn Nhất (TP HCM), tôi cảm thấy vô cùng vui vẻ và thoải mái. Một trận mưa mang đến sự mát mẻ cho toàn thành phố, như gội sạch mọi nỗi muộn phiền. Ra khỏi cửa sân bay, rất nhiều bà con dù không quen biết chạy đến xin chụp hình lưu niệm với tôi - những khán giả chưa bao giờ gặp nhưng đã dành cho Chế Linh quá nhiều tình cảm. Tôi cho rằng, không có món quà nào lớn hơn như thế đối với một người con xa xứ trở về nhà.
- Hơn 50 năm theo đuổi con đường ca hát, liveshow ở Việt Nam lần này có ý nghĩa gì trong sự nghiệp của ông?
- Sau hơn 30 năm thăng trầm ở hải ngoại được trở về hát trên quê hương - tôi phải cảm ơn sự yêu mến của khán giả. Nhiều người nghĩ không còn được gặp hình hài này bằng xương bằng thịt, nhưng cuối cùng thì đã thỏa lòng ao ước. Đây là hạnh phúc chung cho cả Chế Linh và người hâm mộ. Liveshow “Chế Linh - 30 năm tái ngộ” là điều rất quý báu trong cuộc đời tôi. Nó là món quà tri ân với những ai đã dành sự ưu ái cho Chế Linh. Có những gia đình, cha mẹ thường xuyên mở nhạc Chế Linh, khiến con cái cũng "nhiễm" Chế Linh lúc nào không hay (cười).
- Sau 30 năm ở trời Tây, giọng hát của ông có gì thay đổi với khi còn ở Việt Nam?
- Giọng hát là sự truyền tải của tâm hồn. Tâm hồn tôi thì vẫn thế, vẫn là sự hòa trộn do tổ tiên Việt và Chăm tạo thành. Người Chăm ít lắm, tôi muốn trở thành một nghệ sĩ để qua lời ca tiếng hát của mình, có thể làm cho mọi người hiểu hơn, yêu hơn dân tộc Chăm. Những ngày đầu đi hát, tôi lo lắng sẽ bị kỳ thị, bị khó khăn về ngôn ngữ và cách phát âm, sợ con đường mình đi sẽ không tới đích. Cuối cùng, tôi mới biết hóa ra bấy lâu nay mình chỉ lo hão. Những đàn anh, đàn chị không chỉ giúp đỡ tôi về nghề nghiêp mà còn nhắc nhở tôi hãnh diện mình là người Chăm.
Hồi ở Việt Nam, tôi rất lơ là trong vấn đề phổ biến âm nhạc của dân tộc, nhưng khi ra nước ngoài, tôi vừa đi hát bằng nhạc Việt, vừa hát bằng nhạc Chăm. Mới đầu cũng sợ khán giả phản đối nhưng họ đã nghe rất say sưa, dù không hiểu chút gì về tiếng Chăm. Tôi cảm thấy hãnh diện vì mình đã góp phần bảo vệ và gìn giữ văn hóa Chăm. Hai văn hóa Việt - Chăm tôi đều phải gánh như nhau. Có điều đến tuổi này rồi, cho phép tôi gánh văn hóa Chăm nặng hơn một chút (cười).
- Dòng nhạc ông theo đuổi được gọi là nhạc sến và đang bị nhiều dòng nhạc mới mẻ khác cạnh tranh chỗ đứng. Ông băn khoăn thế nào về điều này?
- Mỗi người khi chọn con đường đi cho mình đều phải cân nhắc, suy nghĩ rất kỹ. Mỗi dòng nhạc đều phục vụ một nhóm khán giả riêng. Tôi cho rằng chỉ có hai dòng nhạc: nhạc phổ thông và nhạc thính phòng. Nhạc bolero rất gần gũi bình dân. Tôi không hiểu từ đâu người ta gọi nó là nhạc "sến". Nhiều người tức giận khi bị gọi là ca sĩ hát nhạc sến nhưng tôi lại rất hãnh diện. Nửa thế kỷ qua, khán giả vẫn thích nghe tôi hát - đó là một thành công không thể phủ nhận.
Trong một vườn hoa, trăm bông đua nở. Không phải hoa hồng, hoa lan mới là hoa quý. Có những người lại thích hoa dại đó thôi. Không chỉ âm nhạc mà văn học, hội họa, điện ảnh… cũng phân ra thành nhiều thể loại và chính điều đó làm nên sức hấp dẫn cho nghệ thuật. Chúng ta không nên vì thích dòng nhạc này mà khó chịu với dòng nhạc khác.
- Ngoài đi hát, ông còn là người viết nhạc. Chế Linh ca sĩ và Tú Nhi nhạc sĩ có những điểm khác biệt nào?
- Tôi may mắn được học nhạc nên có cơ hội vừa hát vừa sáng tác - thuận lợi hơn trong việc phổ biến nghệ thuật. Tôi viết bài hát từ tâm tư của mình, của bạn hữu và xã hội. Như thế, Chế Linh có thể trải lòng ra để khán giả đo được lòng mình. Tôi vẫn cho rằng, người nghệ sĩ sáng tác bài hát đã khó, người ca sĩ còn khó hơn vì họ là người truyền tải tác phẩm. Họ phải nhập tâm vào bài hát, diễn đạt tốt những tâm tư mà tác giả gửi gắm trong đó.
Tôi sáng tác khá nhiều ca khúc trong đó có những bài tôi tâm đắc và được khán giả yêu mến như: Bài ca kỷ niệm, Đoạn cuối tình yêu, Mai lỡ mình xa nhau… Có nhiều người khi nghe đã thắc mắc, chắc tôi đi qua nhiều cuộc tình và bị phụ bạc nhiều lắm nên mới viết như thế. Không ít khán giả gửi thư san sẻ nỗi buồn với tôi nhưng sau khi nghe tôi giải thích, họ tìm ra ý nghĩa mới của bài hát. Đó chính là sức sống mãnh liệt mà những người khi trải qua đau khổ, bị tình phụ, bạn bè bỏ rơi lúc cơ hàn… tìm được cách để đứng lên. Giống như “dĩ độc trị độc” vậy.
Ngoài đời, tôi không hề yếu đuối như những gì người ta hình dung về Chế Linh trên sân khấu. Tôi chưa bao giờ gặp bi kịch như trong những bài hát. Tôi sống cuộc sống không có nhiều sóng gió, rất mãn nguyện và bình an, luôn biết đặt vấn đề sức khỏe và tinh thần lên hàng đầu.
- Đi qua bốn cuộc hôn nhân, tại sao ông lại nói mình không hề đau khổ vì tình?
- Hai người vợ trước không cùng tôi kéo dài hạnh phúc, nhung chúng tôi vẫn tôn trọng nhau. Họ giúp tôi giải quyết nhiều vấn đề, nuôi các con khi tôi ở xa. Người vợ thứ ba không may mất sớm.
Tôi sống bên cạnh người vợ thứ tư - Vương Nga - tới nay đã được 36 năm. Nga là người hỗ trợ tinh thần cho tôi về mọi mặt và cũng là người động viên tôi về nước để làm liveshow cống hiến cho khán giả. Nga còn lên mạng xem khán giả trong nước đang thích nghe những bài nào, viết ra một danh sách và đặt trên mặt bàn cho tôi tập. Làm vợ một nghệ sĩ, cô ấy hiểu những khó khăn của tôi. Ngay từ khi lấy tôi, cô ấy đã ý thức được rằng, chồng mình không chỉ là của riêng mình, anh ta còn là của công chúng. Chính vì thế, chúng tôi không ai bị buồn phiền vì ai hết.
Từ trước đến giờ, có rất nhiều tin đồn về cuộc đời Chế Linh nhưng tôi không bao giờ biện minh vì tôi biết, mình là người của quần chúng. Họ đi mua đĩa, đi xem những đêm nhạc của mình, nuôi sống mình mà không đòi hỏi điều gì. Mình nợ khán giả quá nhiều nên họ cũng có quyền quan tâm đến đời tư của mình. Một lần nữa, tôi khẳng định, tôi vô cùng hạnh phúc và cảm ơn những người đàn bà đã đi qua cuộc đời tôi.
- Vậy còn những người con của ông, nhiều người theo nghiệp cha nhưng chưa ai có được thành công đáng kể. Ông định hỗ trợ họ thế nào?
- Cám ơn trời đã cho tôi những đứa con rất tốt. Chúng chính là nguồn năng lượng của tôi. Tôi có 14 người con, trong đó có 7 nam và 7 nữ. 7 người con trai đều theo nghề bố, sáng tác và hát dù chưa nổi tiếng nhưng cũng khiến tôi tự hào. Người con đầu của tôi và Nga đã tốt nghiệp kỹ sư tại Canada, nhưng chỉ thích nghiên cứu, hát các loại nhạc đạo và thiền. Người con trai út tên là Chế Đăng Quang đang học nhạc viện tại Canada nhưng lại nghiên cứu và hát nhạc Việt. Tôi mong ước các con tôi sẽ làm những điều tốt nhất cho bản thân và cho cuộc đời.
Ngọc Trần thực hiện.
Chế Linh: Trở về chỉ lời, không lỗ
Ở tuổi 69, ông bồi hồi hát lại những bài ca xưa, nỗi xúc động dâng lên nghẹn ngào khiến ông đôi khi quên lời hát nhưng khán giả vẫn thứ tha bằng những tràng pháo tay dài.
Muốn khóc mà không phải khóc
Cảm xúc của ông sau đêm diễn đầu tiên?
Tôi rất vui và cảm động vì thấy bà con dành cho mình sự ưu ái quá đặc biệt. Đây là niềm hạnh phúc khiến tôi sững sờ.
Kỷ niệm nào đọng lại sâu sắc với ông?
Khi nghe bạn bè gọi điện nói rằng, nhìn thấy trên báo sự đón chào của bà con, tôi hạnh phúc quá, dù cho đến giờ phút này tôi chưa có trong tay tờ báo nào. Mọi sự đến với tôi quá tốt đẹp. Còn nhiều bài hát tôi chưa phục vụ được bà con thì tôi xin hứa sẽ “trả nợ” vào lần sau.
Ở tuổi 69, ông vẫn giữ được giọng ca ngọt ngào, ông có thể chia sẻ bí quyết?
Tôi phải tập, lúc nào cũng phải nhắc nhở mình, dặn mình phải hát để phục vụ khán giả, không được lơ là trong công việc. Bí quyết chỉ là tập và tập mà thôi, để khi nào được mời là hát. Thêm điều này nữa, khán giả đã cho tôi sức mạnh, đã hun đúc cho tôi sức khoẻ, cũng như giọng hát. Nên tôi luôn cố gắng hết sức mình để tri ân.
Bây giờ ông hát những bản tình ca vốn được coi là não nề với tâm trạng khác xưa như thế nào? Liệu trái tim ông có còn đủ trẻ để sầu não với tình không?
Ở tuổi này, tôi không muốn hát những bài ca như vậy, nhưng nếu tôi không hát những bài ca của thời trai trẻ thì tôi sẽ làm phiền những người yêu mến mình. Tôi không muốn người hâm mộ gặp Chế Linh vẫn với giọng ca ấy nhưng ở phong cách khác.
Khi hát lại những bài hát đó ông có nuối tiếc thời tuổi trẻ không?
Khi tôi hát lại những bài hát này tôi thấy mình trẻ lại, khán giả đã cho tôi sức trẻ, bắt tôi trở lại ngày xưa. Tôi nuối tiếc khoảng thời gian xa xưa đó. Quá khứ ai cũng tiếc nuối nhưng không thể nắm được thời gian. Nếu tôi được trẻ lại tôi sẽ làm được nhiều điều khác nữa.
Nếu ông đang trẻ biết đâu ông sẽ thành công với dòng nhạc vui?
Cũng thế thôi. Tôi không thể khiến tôi đi xa hơn khán giả của tôi.
Đêm diễn đầu tiên ông đã quên lời. Tuy nhiên ông đã “chữa” rất giỏi?
(Cười) Có khi xúc động quá, có khi những lời yêu cầu, những cái đưa tay của khán giả ở phía dưới, khiến tôi nhìn xuống tự nhiên khựng lại. Không hẳn quên bài, mà hồn lắng xuống, ứa lại, nghẹn lại, muốn khóc mà không thể khóc. Đây không phải lỗi lầm, không phải sự xúc phạm khán giả đâu. Đêm diễn ngày 21-10 đúng là một đêm ngoài sức tưởng tượng của tôi. Tôi không kiềm chế nổi mình, không biết làm sao để hát ra lời nữa.
Sẵn sàng cho một ngày về thật sự
Khán giả trong nước hiện tại đang được “đãi” no nê nhạc hải ngoại. Nhưng Chế Linh trở về vẫn được nhiệt tình chào đón. Ông có thấy mình may mắn không?
Chủ trương của nhà nước là một trong những may mắn để cho tôi còn có được khán giả. Nếu nhà nước không cho phép lưu hành lại những bài hát này thì chắc tên tuổi của tôi đã mai một rồi.
Sao ông không trở về sớm hơn, lại đợi chẵn 30 năm mới làm việc đó?
Tôi cũng mong mỏi như thế nhưng có điều chưa thuận lợi, chưa có điều kiện như hôm nay. Hôm nay điều kiện dễ dàng hơn, cảm thông nhau được nhiều lắm, được trở về đường đường chính chính để phục vụ bà con với những bài hát tôi đã hát ngày xưa. Nếu trở về từ trước chắc chắn chưa có nhiều ý nghĩa như ngày hôm nay. Tình cảm hôm nay đầy đặn lắm.
Ở nước ngoài, ông còn biểu diễn cho Việt kiều nữa không?
À có, vào dịp cuối tuần đôi khi thứ 6, thứ 7, có khi chỉ thứ 7 thôi.
Khán giả trong nước và hải ngoại có gì khác biệt trong cách ứng xử với ông?
Khán giả hải ngoại cũng nhiệt tình. Nhưng khán giả trong nước nhiệt tình hơn. Có lẽ bởi tại quá lâu họ không gặp Chế Linh. Sự xa cách này khiến họ đón tôi hết sức nâng niu. Khán giả hải ngoại cũng nâng niu nhưng vì thường xuyên gặp gỡ nên đã thành quen thuộc.
Ông có sợ khán giả trong nước quen Chế Linh quá sẽ bớt nồng nhiệt hơn, nên tới đây sẽ hạn chế trở về Việt Nam?
(Cười lớn) Chế Linh không nghĩ điều đó. Tôi nghĩ rằng đây là một cơ hội để tôi và khán giả có những chương trình mềm mại, không chỉ để hát mà để san sẻ tâm tình.
Ông có dự định hát riêng cho đồng bào Chăm của anh nghe không?
Điều đó nằm trong dự định của tôi. Ngày đó không xa, tôi sẽ hát cho đồng bào Chăm tại khu vực đông người Chăm sinh sống.
Trong tương lai, ông sẽ trở về Việt Nam sống và hát?
Chế Linh sinh ra và lớn lên rồi trở thành một nghệ sỹ tên tuổi, một ngày bất chợt ra nước ngoài sống. Nhưng quê hương mình, khán giả của mình còn nguyên ở đây thì chắc chắc tôi luôn sẵn sàng cho một ngày trở về thật sự.
Ông có định để các con phát triển sự nghiệp âm nhạc ở Việt Nam?
Đó là điều mong mỏi lớn nhất cuộc đời tôi. Nhưng tôi nghĩ không biết các con tôi có làm nổi hay không. Vì làm nghệ sỹ không đơn giản, đâu chỉ có mỗi việc hát. Làm nghệ sỹ quần chúng vô cùng khó khăn, không thể bừa bãi, không thể không biết nhịn nhục, biết chấp nhận những sự nói ngược với ý nghĩ, với công việc của mình, biết chấp nhận sự trách móc...
Mình phải làm được những gì khán giả đòi hỏi ở mình, chứ không phải gia đình đòi hỏi ở mình. Để có một sự trở về của các con thì cần phải có sự chuẩn bị chu đáo. Nếu trở về mà chúng làm điều gì đó thất thố thì sẽ là sự phụ tình yêu mến của khán giả bấy nay.
Về quê hương chỉ có lời
Ông cảm nhận thế nào về nhạc trẻ trong nước hiện nay?
Trong một vườn hoa, có rất nhiều loại hoa, tuỳ ở người thưởng thức. Âm nhạc hay văn học nghệ thuật cũng vậy, đều muốn phục vụ khán giả. Trong tương lai, tôi sẽ hát một vài bài thuộc dòng nhạc trẻ. Tôi muốn trả lời khán giả rằng, không có điều gì mà những nghệ sỹ như Chế Linh không làm được.
Cát xê của những nghệ sỹ được coi là ngôi sao ở Việt Nam khá ngất ngưởng. Ông có biết điều đó không và suy nghĩ thế nào?
Nếu cát xê cao quá sẽ gặp khó khăn, làm khán giả xa cách mình. Vì đồng bào mình nhiều nơi, nhiều vùng còn nghèo lắm.
Ông chấp nhận mức cát xê thế nào khi hát ở Việt Nam?
Tôi chấp nhận một giá mềm mại để đồng bào coi được.
Ông có thể tiết lộ cụ thể hơn?
Nếu nói về cát xê thì người ta đang đồn cát xê của Chế Linh cao lắm, tới một, hai chục ngàn đô một đêm. Nhưng tôi với đơn vị tổ chức đã thoả thuận một giá chấp nhận được. Xin cho tôi tạm giữ bí mật này.
Ông có bao giờ tính tới lời, lỗ trong chuyến xuyên Việt?
Với bản thân tôi, chỉ có lời không có lỗ. Tri ân với khán giả là món lời lớn nhất của cuộc đời nghệ sỹ.
Sau chuyến trở về lần này, bao lâu nữa ông lại về đất mẹ?
Tháng 12 tôi trở ra nước ngoài để hát cho kiều bào nghe. Nhưng tôi sẽ trở về Việt Nam, ăn tết trên quê hương mình.
“Ở đâu thì tôi vẫn là Chế Linh, người dân tộc Chăm và quê hương là Việt Nam”. Ông có 14 người con, trải qua bốn đời vợ. Bảy con trai đều theo nghiệp của cha.
Nguồn sưu tầm by Ngoan Trương Công
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét