Từ khoảng tháng 5, 6 đến gần giáp tết, cá rún thường vào gần bờ sinh sản. Đây cũng là mùa ngư dân vùng biển Gành Hào, huyện Đông Hải (Bạc Liêu) vào mùa đánh bắt cá rún. Với người dân trong vùng, đây cũng là lúc trong những bữa ăn gia đình có thêm những món ngon, dân dã.
Đầu cá rún tươi nấu canh chua, thân cá rún chiên tươi sốt cà hoặc chưng tương..., cá rún làm món gì cũng ngon. Nhưng với nhiều người, món khô cá rún nấu sim-lo có lẽ ấn tượng nhất.
Thoạt nghe tên món ăn, không ít người ngạc nhiên vì cái tên sao giống món ăn của người Khmer quá! Đúng vậy, “sim-lo” là phiên âm từ “som lo m’chu” của người Khmer có nghĩa là canh chua nhưng có một phần khác với món canh chua truyền thống Nam bộ là món sim-lo là nấu với khô (khô cá chép, cá tra, cá đuối... ) cùng "phụ liệu" là bắp chuối (hoặc chuối cây xắt ghém).
Để nấu nồi canh chua, chỉ cần 200g khô cá rún (có lẫn xương mới ngon, không lấy phần đầu cá vì khi chế biến thường bị hôi dầu, không ngon), một bắp chuối (hoa chuối), một ít gia vị (ngò om, ngò gai, ớt, cơm mẻ). Bắp chuối (hoa chuối) đem về lột vỏ bỏ những phần già, lấy phần nõn, chẻ đôi, bỏ cùi và xắt thành miếng mỏng (ghém hay xắt khúc cũng được) cho vào thau nước có pha một ít nước chanh cho không sẫm màu.
Cá rún rửa sơ với nước lạnh cho sạch, để ráo, dùng dao bén chặt thành miếng vừa đũa gắp cho vào nồi nước nấu với lửa liu riu (như hầm xương) để các chất ngọt trong xương cá tiết ra. Cơm mẻ múc ra chén, đổ vào vợt lược nhúng vào nồi lấy nước bỏ xác. Nêm nếm gia vị muối, đường, bột ngọt… cho vừa khẩu vị và cho ghém chuối vào.
Chờ nước sôi bùng lên, nhắc xuống ngay, không để ghém chín mềm quá mất ngon. Cuối cùng cho ngò om, ngò gai xắt nhuyễn, vài lát ớt vào múc ra tô dọn lên bàn, cùng chén nước mắm ngon nguyên chất với dĩa bún là xong.
Bữa ăn đã sẵn sàng. Thật hạnh phúc và đầm ấm trong buổi chiều tà yên ả, khi cái nóng ban ngày đã dịu đi và cả nhà sum họp đầy đủ để thưởng thức món canh cá rún nấu sim-lo.
Gắp miếng khô cá rún cùng miếng bắp chuối chấm vào chén nước mắm ngon nguyên chất đưa lên miệng nhai chậm chậm. Vị dai dai, mằn mặn, beo béo của khô cá rún hòa lẫn vị chan chát của bắp chuối, chua chua của cơm mẻ, thơm thơm của ngò gai, cay cay của ớt… lan tỏa vào mọi giác quan.
Thêm miếng bún trắng ngần vào chén, chan một ít nước canh chua và “lùa” một hơi, bạn sẽ khó quên được một “hợp khúc” dân dã của quê hương miền Tây.
Du lịch, GO! - Theo Thanh Tâm (DulichTuoitre).
Tới Võ Nhai ăn bánh cooc mò
Cooc mò trong tiếng Tày có nghĩa là sừng bò, bởi đơn giản là bánh có hình chóp nhọn như chiếc sừng bò. Những người mới nhìn lần đầu tiên thì thường liên tưởng đến những cây kem ốc quế có màu sắc đặc biệt.
Có chứng kiến tận mắt từng công đoạn chuẩn bị, cách gói bánh cho đến khi chiếc bánh đầu tiên ra lò mới thấy hết được tình cảm mà người mẹ, người chị trao gửi đến những người thân của mình qua từng chiếc bánh.
Để có được những chiếc cooc mò vừa dẻo, thơm lại đẹp mắt, người ta phải chọn những chiếc lá dong vừa xanh vừa mượt, không bị rách, bị sâu. Lá lấy về đem rửa sạch, phơi khô, để ráo nước. Công đoạn chẻ lạt làm dây gói bánh cũng được tiến hành rất tỉ mỉ. Lạt được làm từ cây thân giang hoặc cây mỡ, chẻ làm sao cho lạt nhỏ đều, mềm, dai để khi gói không làm rách lá bánh.
Bánh được làm từ loại gạo nếp thơm, trắng, hạt tròn đều, gạo được vo kỹ bằng nước được hứng từ các khe suối trên núi nên càng sáng và mẩy hơn. Gạo phải để ráo nước, sau đó đem trộn lẫn với lạc sống đã giã nhỏ và thêm một chút muối cho vừa ăn.
Công đoạn gói bánh tưởng chừng đơn giản nhưng rất cần sự tỉ mỉ, khéo léo của các bà, các chị. Những chiếc lá dong được cuộn lại như hình cái phễu rồi đổ gạo và lạc đã trộn lẫn vào trong, vỗ nhẹ bên ngoài cho gạo xuống đều hoặc dùng chiếc đũa nhỏ xọc cho gạo nén chặt, sau đó mới gấp mép lá và dùng lạt buộc lại.
Khi buộc bánh không nên buộc chặt quá sẽ làm lá bánh rách, hạt gạo không nở được, dễ bị sượng, không dẻo. Còn nếu buộc lỏng quá, bánh bị hút nước nhiều dễ bị nhão, không ngon. Bánh sau khi gói được ngâm vào nước lạnh khoảng 1 giờ cho đến khi mặt nước không sủi tăm lên, lúc đó bánh đã ngấm đủ nước, khi luộc sẽ nhanh chín.
Bánh được xâu thành chùm hoặc để rời từng chiếc, xếp vào nồi đổ ngập nước, đun bằng bếp củi. Mùa đông cả gia đình ngồi quây quần bên nồi bánh cooc mò, vừa trò chuyện vừa nghe tiếng nổ lách tách của tiếng củi khô cháy, bao nhiêu mệt nhọc trong ngày như được xua tan hết, cũng không còn thấy cái lạnh lẽo của mùa đông trên núi cao tràn vào nhà.
Sau 2 giờ bánh được vớt ra rổ để ráo nước. Bánh sau khi luộc có màu xanh nhạt, vị thơm của lá dong, vị dẻo, mềm của gạo nếp, vị ngậy của lạc nhân đỏ. Bánh có thể ăn cùng mật ong hoặc đường kính để thêm vị ngọt thanh và mát.
Không chỉ thu hút sự tò mò của trẻ con và cả những du khách lần đầu tiên đến với Võ Nhai, cooc mò đã trở thành niềm tự hào của người Võ Nhai bởi nét đặc trưng riêng vốn có.
Cooc mò - món ăn đặc sản của người Tày - từ lâu đã trở thành thứ quà không thể thiếu dành cho trẻ nhỏ trong những ngày lễ đặc biệt: mừng đầy tháng, thôi nôi...
Ngày nay cooc mò đã cùng du khách đi đến mọi miền đất nước, bởi những ai đến với mảnh đất này khi trở về đều chọn mang cho mình những xâu cooc mò vừa thơm ngon, vừa lạ mắt về làm quà.
Du lịch, GO! - Theo Hương Bùi (Dulich Tuoitre)
Nguồn sưu tầm by Ngoan Trương Công.
Bún bì Nam bộ
Ở vùng đất Nam bộ, món bún bì được bán tương đối phổ biến vào buổi sáng như một món điểm tâm gọn nhẹ, và không chỉ ăn sáng, người ta còn làm để ăn trưa, ăn chiều như một món chính.
Để có được một tô bún bì ngon cũng đòi hỏi sự kỳ công trong việc chế biến, đặc biệt là món bì. Thịt để làm bì phải chọn là loại thịt heo nạc đùi ngon, ướp gia vị đều tay và ram cho vàng thơm. Da heo luộc chín và tùy theo cách làm của từng người mà xắt sợi thật nhuyễn. Vo sạch gạo để ráo, cho vào chảo rang vàng, lấy ra để nguội xay nhuyễn làm thính. Cả da heo và thịt ram xắt sợi sẽ hòa quyện vào nhau bởi một lượng thính gạo vừa đủ. Tỏi phi dầu vàng, trộn chung cho bì được thơm.
Tiếp theo là khâu chuẩn bị nước mắm, bởi món bún ngon hay không là phụ thuộc vào sự khéo léo của người pha chế. Nước mắm, pha sao không quá nhạt mà cũng không quá mặn, chanh vắt lấy nước, lọc bỏ hột, cho đường hòa chung, tỏi ớt bằm nhuyễn để khi ăn vị chua ngọt có vị đằm đằm, cay the the nơi đầu lưỡi.
Để có một tô bún ngon, trước tiên cho vào tô một nhúm giá sống, gắp một gắp bún, rải đều bì lên, cho thêm một ít rau thơm xắt nhuyễn, dưa leo bằm, và tùy theo sở thích mà người ăn cho vào lượng nước mắm vừa đủ, rải lên đó ít đậu phụng rang nhưng với người sành ăn họ hay chan cho tô bún nổi nước thì mới thấy đậm đà. Ăn hết tô bún thì húp luôn nước mắm để tận hưởng hết hương vị ngọt ngào thơm tho của món bún bì.
Món bún bì ăn tương đối giống món bún mắm thịt heo ở miền Trung, nhưng cái ngon của tô bún này không chỉ nằm ở cách chế biến nước mắm, mà ở chỗ cái vị thơm thơm, giòn giòn của miếng ram bì khiến người ăn nhớ mãi.
Du lịch, GO! - Theo Thi Hoàng (báo Hậu Giang)
Nguồn sưu tầm by Ngoan Trương Công.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét