Những ngày cuối năm, khi tiết trời trở lạnh, chúng tôi có dịp cùng lão ngư Nguyễn Văn Thành (phường Tân An, thị xã An Khê, Gia Lai) xuôi dọc sông Ba buông lưới để đánh bắt và tìm hiểu về cá Đá. Hơn 30 năm với nghề chài lưới nên ông hiểu rất rõ về đặc tính của loài cá có giá trị kinh tế trên dòng sông này. Ông vẫn gọi cá đá là “đặc sản bình dân” được ưa chuộng nhất tại các địa phương có sông Ba chảy qua.
Sở dĩ hơn 10 năm trở lại đây cá đá “lên ngôi” một phần cũng do những loài cá quý như cá duồng, cá chình mun, cá chình hoa, cá chình nhọn, cá mòi, cá roái… đã bắt đầu đi vào “dĩ vãng” vì chúng trở nên rất hiếm gặp.
Tay buông lưới nhưng ông Thành vẫn không quên chỉ cho chúng tôi về tập quán sinh sống và cách đánh bắt loài cá này. Cá Đá là loài sống theo bầy đàn, chủ yếu tập trung những nơi có thác ghềnh, nước chảy xiết và có độ sâu từ 3 mét đến 4 mét để ăn rong rêu trên đá. Con lớn nhất cũng chỉ bằng ngón tay cái, có màu xanh đen của rong rêu.
Để đánh bắt cá Đá, ngư dân phải sắm những tay lưới có mắt lưới rất nhỏ (ông vẫn gọi là lưới cá trắng) được làm từ những sợi cước mảnh mai, khi buông lưới cần chú ý không nên buông thẳng vào dòng nước, mà chỉ vây quanh những nơi có lèn đá vì đó là nơi kiếm ăn của cá.
Nhưng để đánh bắt được nhiều nhất là vào mùa nước lớn, lúc đó cá Đá sẽ bước vào mùa sinh sản nên tìm vào hai bên bờ sông và bờ ruộng để đẻ trứng. Khi đó ngư dân chỉ cần dùng vợt, đơm, đó là có thể bắt, có khi lên đến hơn 10 kg/lần… Nói đến đây, giọng ông trở nên trầm xuống: “Đó là những cách đánh bắt mà hơn 10 năm về trước mới làm được, vì cá đá còn nhiều. Còn bây giờ do bị đánh bắt quá mức, nhất là bằng xung điện cùng với sự thay đổi của dòng chảy và ô nhiễm nguồn nước nên cá đá không còn bao nhiêu cả, nên chỉ cần mỗi lần đánh bắt được 1 kg đến 2 kg là có thể đem đến các nhà hàng tiêu thụ. Hiện nay, giá của loài cá này từ 140.000 đồng/kg đến 160.000 đồng/kg nên bị đánh bắt ngày càng nhiều hơn…”.
Do sống ở những nơi nước chảy, nên thịt của cá Đá rắn chắc, có vị thơm, béo. Nhưng tuyệt nhất là trong khoảng thời gian từ tháng 9 đến tháng 10 âm lịch đây là mùa sinh sản của cá nên chúng mang trong mình rất nhiều trứng và xương cá cũng trở nên mềm-vị béo của cá cũng tăng lên. Với những người sành ăn, khi chế biến chỉ cần rửa sạch cá, để nguyên ruột, vì loài cá này chỉ ăn rong rêu nên ruột có vị đắng thanh, góp phần cho hương vị của cá trở nên độc đáo hơn.
Cá đá có thể chế biến bằng nhiều cách, như ướp cá với muối ớt sau đó nướng trên than hồng và chấm với nước mắm gừng, hoặc chiên giòn… nhưng ngon nhất vẫn là cá Đá kho tộ trong niêu đất ăn với cơm nóng. Vì khi đó, hương vị cá Đá mang đủ vị mặn của nước mắm đồng (nước mắm làm từ cá đồng), vị ngọt của đường, vị cay của tiêu và chút ngậy của mỡ heo cùng với mùi thơm và vị béo của thịt cá tạo cho người ăn có cảm giác ngon miệng.
Riêng món dân dã cá đá nướng than hồng thì sau khi bắt cá về, mổ bụng lấy ruột rồi rửa qua nước sạch, để ráo (nếu sành ăn có thể để nguyên ruột bởi ruột cá đá có vị đắng thanh, tạo cảm giác lạ miệng). Sau đó ướp cá với muối, để khoảng 15 phút cho ngấm. Chuẩn bị bếp than hồng, xếp cá lên vỉ nướng. Trong lúc nướng phải liên tục dùng đũa trở cá để khỏi cháy. Khi cá chín dùng với nước mắm hoặc muối chanh, lá é sẽ rất lạ miệng.
Những ai đã từng đặt chân đến các địa phương nơi có sông Ba chảy qua, thì không thể nào bỏ qua “đặc sản bình dân” cá Đá sông Ba.
Du lịch, GO! - Theo báo Gia Lai, Người Lao Động
Nguồn sưu tầm by Ngoan Trương Công.
Hấp dẫn món ăn Cái Sơn - Hàng Bàng
Nói đến địa danh này hôm nay (thuộc phường An Bình, quận Ninh Kiều, TP Cần Thơ), du khách sẽ nghĩ ngay đến hai món ăn ngon tuyệt là bánh xèo và bánh khọt. Nhớ lại mấy năm gần đây bánh xèo Cần Thơ bỗng nổi danh cả nước và cả xứ người tận nước Mỹ xa xôi. Người đánh “quả chuông” ấy là nghệ nhân “ Mười Xiềm”, một phụ nữ Nam bộ chơn chất, nông dân 100%.
Không như cách làm của nghệ nhân nổi tiếng ấy, chị Đặng Thi Hương từ huyện Kế Sách, Sóc Trăng rời quê đến đây lập nghiệp với nghề làm bánh xèo, bánh khọt khá hấp dẫn, vừa ngon vừa hợp khẩu vị thực khách. Chị Hương cho biết: “Bánh muốn ngon, cần các yếu tố quan trọng và phải có kinh nghiệm như: cách pha bột, kỹ thuật chiên, độ nóng của lửa lò, đầy đủ các loại rau ăn kèm, đặc biệt là cách pha chế nước mắm sao cho đậm đà, có mùi dịu…”
Hiện tại quán của chị Hương có cái tên khá quen thuộc, bánh xèo “7 Tới”. Tại đây nhưn bánh được làm bằng thịt vịt, thịt heo bằm nhuyễn trộn với củ sắn, đậu xanh, tép luộc, củ hũ dừa và nước cốt dừa. Rau ăn kèm thì tha hồ với xà lách, cải xanh, đọt bằng lăng, rau thơm…
Không chỉ có bánh xèo, quán còn phục vụ bánh khọt cũng thơm ngon không kém. Sau quán 7 Tới, hiện xóm Cái Sơn – Hàng Bàng này xuất hiện nhiều quán bánh xèo, bánh khọt khác cũng thu hút nhiều thực khách; nhất là vào những ngày cuối tuần. Điều đặc biệt, hầu hết các “đầu bếp” đều là thanh niên với những động tác rất thuần thục, điêu luyện và… đẹp mắt.
Thú vị lắm khi ngồi ăn những dĩa bánh xèo vàng ươm, nóng hổi, giòn rụm hay những cái bánh khọt xinh xinh beo béo với đủ loại rau để được nghe kể về cái tên bánh xèo, bánh khọt có tự bao giờ.
Nhiều người cao tuổi kể rằng: cái tên bánh xèo là do đổ bột và nhưn vào chảo phát ra tiếng nghe xèo xèo nên gọi là bánh xèo. Gọi là bánh khọt vì được chiên trong những cái khọt thiếc nhúng vào chảo dầu sôi. Theo giải thích của các chủ quán bánh xèo thì tục lệ xưa, bánh xèo là món ăn chính không thể thiếu trong gia đình vào những ngày giỗ, đặc biệt là tết Đoan ngọ (mùng 5 tháng 5 âm lịch).
Bà Tô Hoàng Khánh, Việt kiều Mỹ cho biết: “Mỗi lần về nước tôi thường cùng gia đình đến đây thưởng thức hai món ăn nhà quê này, nó ngon và hấp dẫn lắm!” Nếu đến Cần Thơ, du khách chỉ mất chừng mười phút, đi khoảng 6km từ trung tâm thành phố đến xóm Cái Sơn – Hàng Bàng là có thể thưởng thức món bánh dân dã này.
Nguồn sưu tầm by Ngoan Trương Công.Du lịch, GO! - Theo Xã Luận
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét