Chủ Nhật, 6 tháng 1, 2013

Tai biến mạch máu não: Nguyên nhân, triệu chứng, cách điều trị

1. Tai biến mạch máu não là gì ?

  • Tai biến mạch máu não còn gọi là Đột quỵ não, là một bệnh xảy ra khi việc cung cấp máu lên một phần bộ não bị đột ngột ngừng trệ.
  • Tai biến mạch máu não có hai loại: nhồi máu não (do tắc mạch) hoặc chảy máu não (do vỡ mạch). Đây là bệnh của hệ thần kinh phổ biến nhất hiện nay.

2. Nguyên nhân gây tai biến mạch máu não.

  • Xơ mỡ động mạch: do có mảng xơ mỡ đóng ở thành mạch máu, ngày càng dày lên làm lòng mạch hẹp dần lại, máu ứ lại và đóng thành cục máu đông gây tắc mạch tại chỗ hoặc chạy lên cao làm tắc các mạch máu phía sau.
  • Bệnh tim: Tim đập không đều (loạn nhịp, rung nhĩ) hoặc van tim bị hẹp… làm máu không lưu thông tốt, phần máu ứ đọng đóng lại thành cục máu đông trong tim. Một mảnh của cục máu này có thể vỡ ra trôi theo dòng máu lên não sẽ mắc kẹt lại tại đó làm tắc nghẽn mạch máu não.
  • Bệnh mạch máu nhỏ: ở người tăng huyết áp, đái tháo đường lâu năm không chữa trị tốt, các động mạch nhỏ trên não bị hư hỏng và tắc nghẽn không cấp máu cho não được nữa cũng gây thiếu máu não, dẫn đến tai biến mạch máu não.
  • Xuất huyết não – chảy máu não: Mạch máu trong não bị vỡ, máu không đến nuôi não được mà chảy tràn ra chèn ép vào não làm não bị hư hại. Tăng huyết áp là nguyên nhân chính gây vỡ mạch máu não.
  • Ngoài ra những người trên 55 tuổi, người bị tăng huyết áp, đái tháo đường, vữa xơ động mạch, rối loạn lipid máu, các bệnh mạch vành, van tim, loạn nhịp tim, hút thuốc lá, béo phì- thừa cân, lười vận động và bị stress nặng hay thường xuyên đều có nguy cơ mắc tai biến mạch máu não.
  • Các nguyên nhân khác: Dị dạng mạch máu não, thoái hóa mạch máu não, u não, bệnh máu khó đông…

3. Triệu chứng của tai biến mạch máu não.

  • Các triệu chứng thường gặp của đột quỵ gồm: méo miệng, yếu, liệt tay chân một bên, tê hoặc mất cảm giác ở một nửa bên thân thể, nói đớ hoặc không nói được, ù một mắt hoặc không nhìn được một bên, lú lẫn, hôn mê.
  • Ngoài ra có thể có nhức đầu, nôn ói hoặc co giật.
  • Phải nghĩ đến đột quỵ ngay nếu một hoặc nhiều triệu chứng kể trên xuất hiện đột ngột, bất ngờ ở một người đang có vẻ rất khỏe mạnh, khi họ đang nghỉ ngơi, đang ngủ hoặc đang làm việc bình thường.

4. Phòng ngừa và điều trị tai biến mạch máu não

Liệu pháp thay đổi lối sống
  • Cai thuốc lá, có chế độ dinh dưỡng giàu vitamin, khoáng chất, hạn chế ăn quá nhiều chất béo và các thực phẩm giàu calo.
  • Tăng hoạt động thể lực sẽ làm cải thiện tình trạng tim mạch và làm cải thiện các yếu tố nguy cơ tim mạch như rối loạn lipid máu, béo phì và tăng huyết áp, giảm nguy cơ mắc tai biến mạch máu não.
tập luyện cho người sau tai biến mạch máu nãoTập luyện cho người sau tai biến mạch máu não
Phòng ngừa tình trạng đông máu bằng thuốc
  • Tình trạng tăng đông có thể ảnh hưởng đến bệnh lý tim mạch. Điều trị bằng aspirin có lợi trong phòng ngừa tiên phát và thứ phát cho các bệnh nhân bị nhồi máu não.
  • Nếu bệnh nhân bị dị ứng với aspirin, các thuốc ức chế ngưng tập tiểu cầu khác như clopidogrel 75mg/ngày có thể được dùng thay thế ở các bệnh nhân có nguy cơ cao.
Điều trị rối loạn lipid máu
  • Những người trên 45 tuổi cần được kiểm tra lipid máu định kỳ 6-12 tháng/lần.
  • Điều trị bằng thuốc phải kết hợp với liệu pháp thay đổi lối sống. Liều thuốc được tăng dần đến khi đạt được nồng độ LDL-C mục tiêu.
Kiểm soát trị số huyết áp
  • Tăng huyết áp rất hay gặp ở người có tuổi. Tăng huyết áp làm tăng nguy cơ bị các biến chứng tim mạch (tai biến mạch máu não, bệnh động mạch vành và mạch máu ngoại biên).
  • Các nghiên cứu gần đây cho thấy việc quan trọng nhất trong điều trị tăng huyết áp là đạt được trị số huyết áp mục tiêu. Nguyên tắc sử dụng thuốc hạ áp là nên bắt đầu với một thuốc liều thấp hoặc phối hợp các nhóm thuốc với liều thấp để vừa đạt được hiệu quả điều trị vừa làm giảm tác dụng phụ.
  •  
    Nguồn sưu tầm by Ngoan Trương Công

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét