Từ TP Ninh Bình chạy xe khoảng 60km thì tới Nga Sơn, rồi lòng vòng, lắt léo hơn chục kilômet nữa mới đến Nga Liên. Bạn bảo gỏi cá nhệch Nga Sơn ăn ở Nga Liên là ngon nhất, đặc biệt ở quán “ông Bảo” như mọi người quen gọi.
Gỏi cá nhệch ở một số địa phương cũng có và đều được chế biến từ thịt cá nhệch đã làm sạch, lát mỏng trộn thính gạo thơm lừng theo bí quyết riêng của từng nhà hàng để khử tanh và tạo mùi thơm cho cá.
Nhưng đặc sắc nhất, tạo hương vị riêng cho gỏi cá nhệch ở mỗi vùng miền là các loại rau, lá ăn cùng, cũng như cách thức chế biến “chẻo” và thưởng thức gỏi. Gỏi cá ở Nga Sơn được ăn với rất nhiều loại rau, lá... mà có lẽ chỉ ăn ở Thanh Hóa mới thưởng thức được hết hương vị đặc trưng của món ăn như lộc nhòn, rau má...
Chế biến gỏi cá nhệch Nga Sơn là một nghệ thuật, mà ăn gỏi cá nhệch Nga Sơn cũng là một nghệ thuật tỉ mỉ không kém. Thấy mấy lữ khách ngơ ngác không biết dùng món thế nào, cô nhân viên quán tươi cười hướng dẫn tận tình.
Gỏi cá không cuốn bằng bánh đa nem mà lấy các loại lá ăn kèm để cuốn. Gỏi cũng không cuốn tròn như các loại gỏi, nem cuốn thông thường mà cuốn thành hình phễu và ăn cả miếng mới ngon. Đầu tiên lấy lá “sung sướng” (lá sung) thật to, lá mới, non đặt ở ngoài cùng. Nêm thêm một, hai lá lộc nhòn, một, hai lá từ bi hỉ xả (cúc tần) rồi ngổ ngáo (rau ngổ), mộng mơ (lá mơ), mùi tàu, đinh lăng, rau má, bạc hà... Ai thích vị nào thì nêm tùy ý. Sau đó cuốn tất cả các loại rau thành hình chiếc phễu, cho lượng cá nhệch vừa ăn vào, rưới chẻo lên trên và nêm vừa phải ớt gió tươi, hành củ tươi, riềng, sả. Ai ăn được mắm tôm thì rưới thêm một chút. Rồi lấy một miếng bánh đa nho nhỏ đậy cái phễu lại và phải ăn hết cả miếng.
Cảm nhận ban đầu là vị bùi, vị thơm, vị mát, vị cay của rau. Rồi đến vị ngọt, vị béo, bùi, ngậy của chẻo, vị mằn mặn vừa phải của mắm tôm, vị cay, nồng, thơm, nóng của riềng, của ớt, của sả. Thêm vị bánh đa bùi bùi giòn tan và cuối cùng là vị ngọt, dai mà giòn giòn của cá nhệch. Tất cả tan dần trong miệng... ngon không từ nào tả xiết... Nuốt miếng gỏi rồi mà dư vị vẫn còn đọng mãi...
Ăn gỏi cá nhệch ngon nhất là chẻo. Mà chẻo không ngon thì chẳng còn gì là gỏi cá nhệch. Chẻo làm từ những gì, làm như thế nào mà lại béo, ngậy, thơm, ngon đến vậy? Những người khách phương xa chẳng thể phân biệt được. Hỏi các nhân viên phục vụ, các cô chỉ cười rất hiền bảo đó là “bí quyết riêng của nhà hàng chúng em”... Ừ, phải giữ “bí kíp” riêng thì mới tạo ra được thương hiệu riêng chứ nhỉ...
Sau lần đầu tiên, mỗi lần thèm gỏi cá nhệch Nga Sơn mấy chị em lại rong ruổi vào tận Nga Liên ăn gỏi. Và bây giờ, nghĩ đến gỏi cá nhệch Nga Sơn lòng cứ bồi hồi...
Du lịch, GO!. - Theo Trịnh Lan Hương (TTO)
Món ăn đường phố Đà Lạt
Bánh tráng nướng hành mỡ
Đây là món ăn đường phố đặc trưng của Đà Lạt, nhưng trên thực tế, nó món này mới chỉ có cách đây khoảng ba năm.
Ban đầu chỉ là món bánh tráng nướng mỡ hành, sau đó để hấp dẫn người ăn, các phụ gia được nghiên cứu và thêm vào mang đến sự phong phú về chủng loại.
Thành viên Hanhan của diễn đàn phuot.vn cho biết, bây giờ, Đà Lạt có bánh tráng nướng trứng, bò khô, bánh tráng phô mai, bánh tráng sốt sốt mayonnaise... Mỗi người bán là một tùy biến khác nhau.
"Theo như cô bán hàng nói, không phải thích cho gì vào bánh tráng nướng là được; phải nghiên cứu xem có hợp không, ăn có ngon không... Xem ra cũng rắc rối lắm đấy", Hanhan chia sẻ.
Theo thành viên này, nếu bạn ở gần trung tâm Đà Lạt, dạo bộ quanh chợ và đi vào đường Nguyễn Văn Trỗi, có một tiệm bánh tráng nướng được xem là ngon nhất nhì ở đây. Nó nằm khép nép bên hiên nhà, gần đó là nhà thờ tin lành. Tuy nhiên, phải lưu ý là quán quán chỉ bán từ 1h chiều.
Nem nướng
Dạo tối Đà tìm món ăn khuya thì nem nướng Bà Hùng là một lựa chọn khó bỏ qua của đám dân teen. Nguyên liệu là thịt bò xay nhuyễn và nướng trên bếp than củi, khi ăn cuốn với bánh tráng và rau thơm... ngon tuyệt.
Trước đây, một suất nem nướng chỉ 12.000 đồng, còn nay có thể tăng theo biến động giá cả thị trường. Tuy nhiên, nếu ăn hết suất thì cũng là lúc no căng bụng.
Hiện, nem nướng Bà Hùng có mấy cơ sở như ở Phan Đình Phùng... nhưng ngon nhất vẫn là nơi gốc của nó - ở chợ Chi Lăng gần bệnh viện Quân đội của Học viện Lục quân.
Bún, phở và thập cẩm các món...
Người Hà Nội du lịch Đà Lạt, nếu muốn thưởng thức hương vị phở Thủ Đô, có thể tìm thấy ở xứ sương mù. Quán phở Hà Nội trên dốc đường Hải Thượng Lãn Ông lúc nào cũng tấp nập khách.
Ngoài ra, ở kế bên khu Hòa Bình có quán phở Hiếu mở bán khá khuya. Ngày thứ bảy, chủ nhật, khu Hòa Bình được dành làm phố đi bộ, khách đi chơi về khuya thường tạt qua làm tô phở cho ấm người.
Đối với du khách ở Sài Gòn lên thì nhiều năm nay đã quen với quán bún 44 Hùng Vương (bà già tóc bạc) và một quán bún Huế khác là bún Công (nằm trên đường Phù Ðổng Thiên Vương - trên đường đến khu du lịch Thung lũng Tình yêu). Trước đây, món bún Công còn giữ được nét đặc trưng của Huế là rất cay nhưng dần dần để phù hợp với khẩu vị dân địa phương và khách du lịch tứ phương, ít cay hơn nhưng nếu là người sành ăn cay thì nên dặn người phục vụ cho thêm ớt.
Tuy nhiên, nếu đã đến Đà Lạt, dân phượt không thể không nếm các món ăn tối ở chợ Âm Phủ. Đó không phải là những món cao sang, cầu kỳ, mà chỉ là những nồi ốc luộc nóng hổi hay khô cá, khô mực làm mồi uống vài ly rượu gạo, rượu thuốc, hoặc là trứng vịt lộn và những món bún cháo bình thường... Song, điều ấn tượng là chỗ nào bán thức ăn cũng kèm thêm trà gừng nóng miễn phí, mà dư vị sẽ còn đeo đẳng mãi người đi.
Nguồn sưu tầm by Ngoan Trương Công
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét