Mối thân tình giữa tác giả với Lê Uyên Phương từ gần 30 năm nay đã giúp cho câu chuyện trở nên thân mật, gần gũi hơn trong cái thế giới tràn ngập nhạc và tranh nơi căn nhà xinh xắn trên đường số 55 East, Long Beach, California. Trong cái thế giới bao trùm không khí nghệ thuật đó, người nhạc sĩ với những bản tình ca chứa đựng nhiều bộc lộ về nhân sinh quan đã trải qua nhiều biến chuyển về tình cảm cũng như về những hoạt động của anh trong lãnh vực nghệ thuật. Trên cái “bình diện phẳng với những sự tương quan” – như anh thường nói – Lê Uyên Phương đã trải tấm lòng thành thật của mình trong hàng giờ nói chuyện. Bài viết dưới đây chỉ là một số trích đoạn nhỏ từ cuộc nói chuyện kéo dài cả buổi, nhắm vào vài chi tiết thường gây ra những thắc mắc nơi những người yêu nhạc của anh như tên họ, sự đổ vỡ giữa anh và Lê Uyên, ngón tay với cục bướu khác thường của anh, quan niệm của anh về cái chết v.v… Tiểu đề in đậm và những chữ in nghiêng là phần chú thích hoặc dẫn nhập của tác giả đến những câu nói nguyên văn của Lê Uyên Phương về những đề tài được đề cập tới để bạn đọc có thể theo dõi một cách rõ ràng, cùng với một vài thêm bớt để được rõ nghĩa hơn khi trích từ những lời đối thoại….
* Tại sao Lê Uyên & Phương và tại sao Lê Uyên Phương?
Nhiều người thường gọi anh với tên Lộc, nhưng thật ra không phải, "thành ra dịp này mình phải nói rõ cái tên của mình là Lê Minh Lập, sinh ngày 2 tháng Hai năm 1941 tại Đà Lạt."
Vì sinh ra vào thời kỳ chiến tranh giấy tờ hộ tịch bị thất lạc, nên Lê Uyên Phương đă đôi lần phải làm lại giấy khai sinh. Và mỗi lần làm khai sanh mới là mỗi lần tên anh bị viên chức hộ tịch viết sai! Khai sinh lại lần đầu tên Lê Minh Lập bị đổi thành Lê Minh Lộc. Làm khai sinh lần thứ hai thành Lê Văn Lộc. Từ đó anh không đổi nữa, giữ luôn tên Lê Văn Lộc làm tên chính thức trên giấy tờ. Một điều đặc biệt nữa như anh cho biết là " ngay cái họ Lê của mình cũng không phải là họ của Ông nội mình!"
" Ông già tôi chịu chơi lắm" Lê Uyên Phương đă nói về cụ thân sinh như vậy (và anh có viết đầy đủ về người bố của mình trong tác phẩm Quê Nội Trong Điệu Ru). Sau này anh biết được một cách mơ hồ là ngày xưa cụ thân sinh anh mang họ Phan, người gốc Quảng Nam. Ông cụ bỏ nhà đi từ khi mới 9 tuổi và không biết song thân mình - tức ông bà nội Lê Uyên Phương - là ai. Một thời gian ông lưu lạc giang hồ về Nha Trang và gặp mẹ anh ở đây, sau đó hai người thành hôn và lên Đà Lạt sống. Khi bố anh gần 60 tuổi, có người từ Quảng Nam vào tìm người thừa kế để kêu bán đất cho chính phủ xây cất phi trường, lúc đó anh mới biết bố anh từ họ Phan đă được ông nội anh đổi thành họ Dương (họ Phan là gốc, ông nội anh đổi thành họ Dương vì lý do cuộc cách mạng Phan Bội Châu, nhiều người mang họ Phan vì sợ nên đổi họ) trong khi đó thì bố anh đă đổi thành họ Lê!
* Nhưng tên Lê Uyên Phương thì sao?
Phương là tên của má tôi, Công Tôn Nữ Phương Nhi (Phương Nhi có nghĩa là người con tên Phương,) từ chữ Phương đó mình lấy làm tên Phương cho mình, Lê là họ của ông già. Còn Uyên là tên người con gái đầu tiên mà mình gặp nên mình ghép lại thành Lê Uyên Phương (người con gái đó anh gặp và để ý nhưng không phải là mối tình đầu của anh). Anh nói thêm là khi phát hiện ra có một giống nữ bên cạnh đời sống của mình, thì người đó có tên là Uyên (anh gặp ở Pleiku, nhưng về sau cô lập gia đình và sinh sống ở Pháp, cô có liên lạc với anh nhân một chuyến anh sang Pháp, nhưng anh không có dịp để gặp lại). Sau này khi mình gặp bà Lê Uyên, hai đứa cùng đi hát, lúc ấy bà ấy chưa có tên và không muốn lấy tên thật. Ngay cái bữa đầu tiên hát đó (tại quán Thằng Bờm, nơi sinh hoạt của Phong Trào Du Ca Việt Nam tại Sài G̣n năm 1970 ) mình cắt cái tên của mình ra. Cho nên khi viết nhạc mình lấy là Lê Uyên Phương, khi trình diễn hai người thành ra Lê Uyên và Phương. Đó là lư do tên mình như vậy !
* Trường hợp gặp gỡ Lê Uyên...
Hồi đó mình ở gần nhà bà Uyên, mình ở số nhà 22, bà Uyên ở nhà 18 (đường Võ Tánh, Đà Lạt). mình gặp bà ấy thì thấy vậy thôi, không có gì hết! Bà ấy học ở trường Franciscain, mình gặp rồi quen biết vậy thôi, chứ không có gì đặc biệt... Từ đó rồi tán tỉnh này nọ. Nói vậy chứ thật ra thực sự mình chưa tán bà ấy bao giờ hết. Nhưng có điều là khi tôi gặp bà ấy tôi chịu liền, bà ấy gặp tôi bà cũng chịu tôi liền. Cái đó là cái đặc biệt, nghĩa là gặp là chịu nhau ngay từ lúc đầu... Chính ra lúc đầu bà ấy chỉ coi tôi như người anh thôi, bả hỏi ý kiến tôi về những người theo đuổi. Hồi đó có tất cả ba người theo. Bà Uyên nhờ tôi chọn một trong ba người thì tôi cũng chọn... Và cuối cùng cái chuyện nó như vậy. Nó phải tới thì nó phải tới thôi!
* Sự đỗ vỡ của đôi "Uyên Ương Trong Lồng"
Lê Uyên Phương lập gia đình với Lâm Phúc Anh (tức Lê Uyên) vào năm 68. Sau 15 năm chung sống, hai người đi đến đổ vỡ vào khoảng 84, 85. Họ có với nhau hai con gái là Lê Uyên Uyên và Lê Uyên My. Lê Uyên Uyên đă lập gia đình và có một bé gái tên Lê Vĩ Cầm, năm nay 5 tuổi.
Đối với tôi đó là một cái choc lớn. Và đó cũng là một bài học lớn nhất tôi học được từ đời sống. Mà điều tôi học được trong đời sống đó có nghĩa là gì? Là thoát ra khỏi được nó! Một người không thuộc bài, tức là một người mắc hoài trong cái điều mà anh phải đọc hoài cái điều đó để thuộc nó. Nhưng mà tới lúc anh không cần đọc nó nữa, tức là anh đă thuộc nó rồi. Mà khi không cần đọc nó nữa tức là nó đă đi vào một cái trang khác của đời sống. Tức là đối với tôi, khi mà tôi hiểu được cái mối tương quan đó tức là tôi thoát được nó. Và đối với tôi cái chuyện đó là một trong những điều lớn nhất trong đời sống của tôi nếu nói về sự tương quan...
* Cái " choc " đó tới bây giờ còn ảnh hưởng gì không?
Nó không ảnh hưởng xấu. Nó có ảnh hưởng, nhưng là ảnh hưởng tốt. Tức là từ cái bài học đó, tôi biết thêm được nhiều về đời sống và tôi thấy rằng tôi hiểu được nhiều điều hơn về đời sống. Và từ cái chỗ mình hiểu nhiều điều hơn về đời sống tôi thấy tôi thoải mái hơn, tôi thấy tôi hạnh phúc hơn, tôi thấy tôi đi vào với cuộc đời nhẹ nhàng hơn.
* Sau một sự thất bại phải chăng anh học được nhiều bài học?
Anh đă thấy được điều đó rất rõ, và tôi cũng đồng ý với anh điều đó! Là thế này, sau một cái chuyện như vậy thì mình thấy đời sống mình nó dễ hơn một chút. Sau cái sự khó khăn đó, cái khó khăn ghê gớm lắm mà nghĩ rằng không bao giờ vượt qua được mà mình vượt qua được thì không còn cái gì khó khăn nữa hết trên tất cả mọi chuyện khác. Nói về sự tương quan có nghĩa là không phải với người A này có sự tương quan này, mà đối với người B thì tương quan khác, không phải! Đối với tôi, với người A có sự tương quan thế nào thì đối với người B, C, D, G... nó cũng có sự tương quan như vậy thôi. Khi mình thoát ra được một cái bẫy của đời sống thì mình thoát được những cái bẫy khác của đời sống. Và khi mình thoát được một cái gì đó gây nên cái nỗi bất hạnh nào đó trong đời sống của mình, thì mình bắt đầu mình đi vào những hạnh phúc khác của đời sống một cách thoải mái.
* Nếu lại gặp một sự đổ vỡ nào khác nữa, thì sao?
Cái vấn đề là còn tùy! Tôi nghĩ là khó lòng để mà lập lại một thứ nào giống như vậy. Mà nếu như cái việc đó xẩy ra nữa thì nó không còn là một cái choc nữa. Nghĩa là mình đă thoát nó rồi. Ví dụ bây giờ tôi có một người yêu mới, rồi người yêu mới đó bỏ tôi thì chuyện đó không có gì hết, nothing! Tôi thấy là nothing, nó không còn cái gì nữa hết. Bởi vì nó không còn nữa, nó đă thoát ra lần đầu rồi. Đối với tôi không có nghĩa là tôi không yêu người này như yêu người trước, không phải! Khi tôi sống với người yêu bây giờ của tôi, tôi cũng sẽ yêu như thế. Nhưng mà, đồng thời tôi cũng hiểu một điều là không có gì kéo dài lâu. Tôi hiểu ngay từ phút đầu.
* Như vậy là anh đă chấp nhận trước sự tương quan đó sẽ không kéo dài ?
Tôi biết nó như vậy, đó là bài học! Trong một bài hát tôi viết như bài Có Được Cuộc Đời: Có được cuộc đời nắng mưa thay đổi, có được cuộc đời mưa nắng đổi thay... Có được cuộc đời bên em tận tụy, có được cuộc đời tận tụy bên em.. Có được cuộc đời bàng hoàng như chết, có được cuộc đời bỡ ngỡ như quên... Có được cuộc đời nằm chôn trong rác, có được cuộc đời ngồi tiền núi vung... Có được cuộc đời lao đao như bão, có được cuộc đời lặng lẽ như khuya... Có được cuộc đời như em thay đổi, có được cuộc đời thay đổi như em... Có được cuộc đời như tôi thay đổi, có được cuộc đời thay đổi như tôi... Bởi vì bản chất cuộc đời là một sự thay đổi.
* Có phải anh từng đóng vai người chồng, người anh và người bạn trong cuộc sống hôn nhân với Lê Uyên?
Nếu nói như vậy cũng rất đúng, bởi vì trước hết tôi lớn tuổi hơn bà ấy nhiều, tôi hơn bà ấy hơn mười tuổi. Hồi bà ấy gặp tôi bà ấy hết sức là trong trắng, tức là tôi là người hướng dẫn cho bà ấy về mọi măt trong đời sống. Và không có gì mà bà ấy không hỏi ý kiến tôi hết. Bà ấy còn gọi tôi là cha nữa kia mà, nói hơi quá đáng nhưng nó là như vậy. Tức là không có cái điều gì mà bà ấy dám làm mà không có ý kiến của tôi. Mà không có một việc gì ở trong đời, không có quyết định gì mà không có dính tôi trong đó. Tức là bà ấy sống mười mấy năm hoàn toàn là một người rất là " perfect " cho tới khi nó xẩy ra những chuyện như vậy. Nó nhiều lý do để đưa tới truyện đó lắm, nhiều lắm. Nó xẩy ra không phải một cách dễ dàng vậy đâu, nó phức tạp lắm. Nhưng điều mình thấy là những cái nguyên nhân nó không giải thích được cái hiện tượng. Bây giờ nếu như tôi dùng tất cả những cái đó để tôi giải thích cái trường hợp của tôi thì bây giờ một triệu người khác ở trong trường hợp đổ vỡ như vậy thì họ dùng cái lý do gì để họ giải thích? Cho nên những cái lý do đó không có mghĩa lư gì hết. Nó chỉ có cái sự kiện như thế này: đó là chuyện nó đă xẩy ra! cho không phải một mình tôi mà cho rất nhiều người khác và có thể có cả triệu nguyên nhân khác nhau, không nguyên nhân nào giống nguyên nhân nào cả!"
* Sau khi đổ vỡ, tương quan giữa hai người ra sao?
" Vẫn tốt đẹp, không có điều gì hết. Nghĩa là thỏa thuận với nhau ở chỗ là không sống với nhau nữa là xong! Nhưng mọi sự không có gì ghê gớm!"
* Ngoài ra không có sự gì ràng buộc khác nữa?
" Không có gì ràng buộc nào hết! Bà ấy nuôi cháu nhỏ một thời gian, tôi sống với đứa lớn cho tới ngày nó lấy chồng. Bà ấy sống với cháu nhỏ cho tới ngày nó được 11 tuổi thì nó về sống với tôi tới giờ. Sau khi đứa lớn nó về sống với tôi thì tôi nghĩ là đứa nhỏ nó nên sống với mẹ nó một thời gian. Sau khi sống một thời gian rồi thì nó thấy nó cần về với tôi để tôi lo cho nó thì nó về với tôi, vậy thôi!?
* Về việc giải thích với con cái về sự đổ vỡ...
" Con mình nó lớn rồi, nó phải hỏi chứ! Nó hỏi là lỗi ba hay lỗi má vậy? Ai bỏ ai vậy bả Tôi nói lỗi cả hai người. Lý do là cuộc đời nó luôn luôn đưa ra những thử thách mà một người không qua được cái thử thách đó vì không được sự nâng đỡ đúng lúc của người kia, không được sự nâng đỡ cần thiết của người kia. Cuộc đời nó đưa ra một cái "challenge". Nếu người kia không thoát được cái "challenge" đó, bởi vì người này đă không giúp cho người kia thoát được cái challenge đó thì lỗi cả hai người, không có lỗi của riêng người nào hết! Cái challenge đó của đời sống anh phải qua. Cái lỗi là lỗi mình không qua được cái challenge đó. Tự vì khi mình đă chấp nhận sống với nhau là mình đă làm điều gì wrong cho nên cái điều đó sụp đổ. Chứ mình làm đúng thì cái điều đó không sụp đổ. Nếu đứng trên phương diện mà có điều đúng, điều sai trong một sự tương quan thì ai là người sai? Tôi nói không ai là người sai hết! Hoặc là hai người đều sai!. Sai là gì? Là không có sự tiếp sức. Nếu như đă có một người đúng thì người đó cũng không đúng nữa bởi vì họ không tiếp sức đúng. Đă sống với nhau là nâng đỡ lẫn nhau, không nâng đỡ đủ thì rớt!
* Về tình cảm của hai người sau khi đổ vỡ...
Không có ai thân với bà như tôi với bà ấy hết. Bà ấy cũng không coi ai thân trong đời bà ấy như đối với tôi. Không có chuyện gì mà bà Uyên không hỏi tôi hết. Nhưng hai đứa tôi hoàn toàn trong sạch một cách kinh khủng. Như một người bạn, hoàn toàn bạn một trăm phần trăm. Nhưng mà chia sẻ là chia xẻ perfect, trừ một vấn đề là thể xác không chia xẻ. còn mọi thứ tôi đều sẵn sàng chia xẻ với bà ấy hết.
* Về bệnh tật...
Bẩm sinh tôi đă bị rồi, khi sinh ra tôi đă có ngón tay khác thường. Ngón tay nó đă sưng lên chút xíu, nó đă không giống những ngón tay khác. Người ngoài nhìn thấy thì họ đồn tầm bậy, họ nói là tôi bị bệnh ung thư này nọ, sẽ chết sớm này nọ kia. Nhưng thật ra đó chỉ là lời đồn thôi. Từ những bài nhạc tôi viết hồi đó anh thấy không? như bài Cho Lần Cuối, trong đó có câu "giờ này còn gần nhau gần thắm thiết trong mối sầu... ngày mai ta không còn thấy nhau". Đại khái như vậy. Anh Nguyễn Long hồi trước cứ nói với tụi tôi chắc là lời trối trăn rồi chết, nhưng sự thật đâu có phải. Đó là thời kỳ chiến tranh, nhạc trong thời kỳ chiến tranh thì mình viết trong tình trạng của một bối cảnh trong đó người ta sống trong một tình trạng hoàn toàn bất an. Cái sự bất an nó đua tới cái giao động trong đời sống mà mình nghĩ rằng, ok, hôm nay mình có đây, ngày mai mình không có nữa. Đó chỉ là cái phản ứng có tính cách chung chung trong cuộc sống nhưng lại được dùng để giải thích cho cái bệnh của mình!"
(Trong thời gian này những căn bệnh hiểm nghèo của anh đề cập tới ở trên chưa được phát hiện.)
* Có mang mặc cảm khi bị một tật bẩm sinh như vậy?
Không! Hoàn toàn tôi không có mặc cảm gì hết. Trong gia đình tôi lạ lắm, người con trai nào cũng mất hết. Ông cụ bà cụ tôi đẻ bốn người con trai mất cả bốn, chỉ còn tôi người con trai thứ năm là còn sống sót duy nhất! Người anh đầu thì khoảng 15 tuổi là mất, người anh thứ hai khoảng 7, 8 tuổi, còn hai đứa em trai sau thì cũng chưa tới một năm thì mất. còn năm người con gái thì còn đầy đủ hết. Hồi đó ba má tôi, và cả ông thầy bói cũng nói là tôi phải có một cái tật gì đó mới sống được, mà cái đó đúng, nên cái tay tôi bị tật như vậy tôi mới sống được. Ngày xưa nếu mà tôi không có cái tật này chắc tôi cũng đi luôn rồi!
* Về chữa trị và ảnh hưởng của bệnh tật...
Đó là một loại bịnh mà thay vì xương nó biến thành sụn, thay vì sụn nó biến thành xương, phản ứng ngược lại đó làm cho cục bướu to lên như vậy. Sau khi qua đây tôi cắt cục đó đi vào khoảng năm 79, 80. Nhưng tay tôi bị hư 75% rồi, tôi đánh đàn có ba ngón à, xưa nay tôi đánh có ba ngón thôi, nhưng mà ba ngón này nó cũng hư hết 75% rồi !. Bây giờ đánh yếu lắm. Khi chơi đờn, tôi không đờn được như ngày xưa, tôi chỉ đánh có ba ngón nên bị hạn chế nhiều vì vậy tôi phải bỏ không chơi một số nhạc nữa, như violon tôi không chơi nữa... Từ hồi 70 thì hơi yếu, vì cái cục nó to quá nên đánh đờn bị vướng lắm, nhưng khi qua đây cắt thì yếu hẳn đi. Lúc tôi cắt đi họ bỏ vào trong "laboratoire" của UCLA (University of California Los Angeles) và khi hỏi người ta bảo là cả triệu trường hợp mới có một trường hợp như của tôi nên người ta cũng không nghiên cứu nhiều về chuyện này.
* Cái chết đối với anh có quan trọng?
Ngày xưa quan trọng lắm chứ anh! Nhưng bây giờ tôi không biết tôi có đủ chân thành để tôi nói không, hay là có thật sự tôi tin chắc điều đó không. Bây giờ tôi thấy rằng nếu mình sợ mất một cái gì thì mình sợ chết. Tôi thấy bây giờ nếu mà hỏi tôi chết thì điều gì làm tôi hối tiếc? Tôi không thấy được điều đó. Tôi nghĩ là tôi cũng sợ chết, tôi cũng sợ chết như là ngày xưa tôi sợ chết vậy đó. Nếu nói là tôi không sợ chết thì tôi không dám tin là tôi nói thiệt hay tôi nói giả, tôi không biết điều đó. Nhiều khi tôi ngồi tôi tự hỏi tại sao mình sợ chết? Chỉ vì lý do là mình sợ mất cái gì mình đang có. Chính vì mình sợ bị mất cái mình đang có, nên cái chết nó nguy hiểm lắm, nó quan trọng ghê gớm lắm. Hoặc là có nhiều điều mình phải làm mà chưa làm được. mình nghĩ là, ok, nếu bây giờ mình không làm được điều đó thì mình ân hận lắm. Hoặc mình không làm được điều đó thì nhắm mắt không được thì cái đó làm cho mình sợ chết. Cái chết nó cướp đi của mình cái điều đó. Bây giờ tôi nghĩ ràng sự thật tôi đâu cần cái làm cái gì nữa đâu. Tôi thấy tôi không cần làm cái gì thật sự ghê gớm để phải làm, tôi không thấy cái đó! Tôi cũng không thấy cái gì tôi có mà nếu mất đi mà để tôi hối tiếc, không có gì để tôi hối tiếc hết. Tôi nghĩ con tôi bây giờ nó có cái đời sống của nó, người đàn bà hiện giờ sống với tôi, là người vợ tôi thì người ấy vẫn có cái đời sống của họ.
Tôi nghĩ rằng cuộc đời này không có cái gì miên viễn. Cái gì nó cũng có cái lúc của nó. Tuổi trẻ tôi có rồi; khi tôi nghĩ lại thì, ồ, cái tuổi trẻ đó thật là tuyệt vời. Tôi có tình yêu rồi, tôi có tình yêu này, tôi có tình yêu khác. Tôi có một giây phút này, có giây phút khác. Tôi có cái tuổi cắp sách đến trường, tôi có những lúc tôi tìm kiếm những gì trong đời sống. Có những lúc tôi có, những lúc tôi mất. Tôi thấy tôi có hết, mà có những cái tôi thấy enjoy ghê gớm lắm. Nếu bây giờ nói, à, vì cái đó nó là cái gì tuyệt vời lắm nên mình phải tìm lại nó không thì nguy hiểm, thì cái đó thì tôi không stupid để tôi làm. Ok!, đi, đi luôn đi! Nó có đó và nó mất rồi. Bây giờ khi nhìn sự việc như vậy thì tôi đâu có nghĩ là tôi phải mất cái gì đâu, tôi không nghĩ tôi phải sợ cái gì mà mất nó đâu!
* Có hối tiếc điều gì không?
Không! Tôi không hối tiếc gì hết! Bây giờ tôi không nghĩ là đáng lẽ cái điều đó nó phải như thế này thay vì nó như vậy. Không! Không! tôi không nghĩ như vậy! Đối với tôi không có chữ đáng lẽ. Nó phải như vậy, nó là như vậy rồi. Nó có đó, và nó mất đó. Giản dị thôi, không có gì hết. Tôi chỉ thấy có cái điều như thế này: tôi chỉ sợ một ngày nào đó khi tôi mở mắt ra tôi nhìn và tôi thấy không cọ̀n cái gì đẹp hết. Thấy mưa chán bỏ sừ! Thấy nắng chán muốn chết, làm nhạc thấy muốn khùng, muốn điên lên luôn... Tôi sợ cái đó ghê gớm lắm.
Trường Kỳ
Phỏng vấn ca sĩ Lê Uyên về “Bốn mươi năm âm nhạc Lê Uyên Phương”
Lê Uyên Phương là tên của đôi song ca tài danh Lê Uyên và Phương. Nhưng nhạc sĩ Phương không còn nữa. Tháng 11, 2009 này là đúng 40 năm Lê Uyên hát những tình khúc do anh Phương sáng tác và cũng là 10 năm anh Phương vĩnh viễn ra đi.
Ba giờ chiều ngày Chủ nhật 22 tháng 11 này tại Performing Art Center ở thành phố Westminster, cùng một số bạn hữu nghệ sĩ, Lê Uyên sẽ xuất hiện trong chương trình với chủ đề “Bốn mươi năm âm nhạc Lê Uyên Phương”. Nhân dịp này, Lê Uyên đã đến thăm Người Việt và trả lời cuộc phỏng vấn sau đây do biên tập viên Ðinh Quang Anh Thái thực hiện.
-ĐQAThái: Từ bốn thập niên qua, giới yêu nhạc đã nghe và đã yêu tiếng hát của chị và những tình khúc của anh Phương, nhưng hẳn rằng không ai cũng có thể biết được Lê Uyên đã đến với Phương như thế nào, chị có ngại cho nghe về lần đầu gặp gỡ của anh chị?
-Lê Uyên: Mùa Ðông năm 1965, khi Lê Uyên từ Sài Gòn lên Đà Lạt để tiếp tục lớp học của trường Franciscaine, chúng tôi đã gặp nhau và đã yêu nhau ngay giây phút đầu tiên đó.
-ĐQAThái: Ngay giây phút đầu tiên đã yêu nhau rồi?
-Lê Uyên: (cười vui...) Đúng vậy.
-ĐQAThái: Anh Phương đã viết bài tình khúc nào để đánh dấu giây phút đầu gặp chị?
-Lê Uyên: Bài “Tình Khúc Cho Em”, trong đó có hai câu cuối là “Xin cho yêu em nồng nàn, dù biết yêu em tình yêu muộn màng”
-ĐQAThái: Chị vừa nói “dù biết yêu em tình yêu muộn màng?
-Lê Uyên: (cười thoải mái..) Lúc đó anh Phương 26 tuổi, ảnh hơn Lê Uyên 11 tuổi.
-ĐQAThái: Thời đó 26 tuổi, anh Phương gặp chị mà anh đã thốt rằng “tình yêu muộn màng”. ..
-Lê Uyên: Việt Nam mình lúc bấy giờ, tưổi 26 là lớn rồi, chứ thời buổi này ở Mỹ, tuổi ấy mà gặp nhau vẫn là sớm.
-ĐQAThái: Nnhiều người nói rằng văn là người và nhạc cũng là người; chị thấy nhạc của anh Phương có phải là anh Phương không?
-Lê Uyên: Cuộc đời của Phương là âm nhạc, âm nhạc là cuộc đời anh, hai là một.
-ĐQAThái: Nhạc của anh Phương niềm vui có vẻ hơi hiếm, trong khi nỗi đau thì luôn lấp ló đâu đó, phải chăng đó là phản ảnh tâm trạng của anh Phương hay chỉ là một sự cảm nhận của nghệ sĩ thôi?
-Lê Uyên: Nếu nghe kỹ hơn thì chúng ta sẽ thấy trong nhạc của Phương có nói đến sự chia lìa vì căn bệnh ngặt nghèo của Phương nhưng những lời lẽ đó cũng ẩn dấu những hoan lạc rất lớn.
-ĐQAThái: Chị vừa nói đến căn bệnh ngặt nghèo của anh Phương...?
-Lê Uyên: Ðó là những cục bướu xương mọc trên những ngón tay và ngón chân, và thời đó người ta nói anh bị ung thư xương, vì thế có thể anh không sống lâu hơn tuổi 30. Và có lẽ khi có tình yêu với Lê Uyên, anh Phương thấy cuộc đời hạnh phúc cho đến lúc anh nằm xuống.
-ĐQAThái: Gần gũi và chia nhau cuộc đời với anh Phương, có bao giờ chị có cảm nhận nỗi đau và nỗi chia lìa ám ảnh anh Phương?
-Lê Uyên: Nhiều chứ ạ. Ngay trong nhạc của anh Phương, như những câu cuối của bài “Dạ Khúc Cho Tình Nhân” là câu “chết bên nhau thật là hồn nhiên”; tức là trong nhạc của Phương, anh Phương cho thấy rằng anh có sự chấp nhận, chấp nhận trong hạnh phúc. Bởi vì anh Phương bất hạnh vì mang trong người căn bệnh quái ác, anh đau khổ nhưng luôn có Lê Uyên cận kề, nên bên cạnh những ám ảnh to lớn về sự chết chóc thì lại có một tình yêu quá là hạnh phúc, thành ra Phương đã sống trọn vẹn từng giây phút một, cho dù ngày mai có chia lìa.
-ĐQAThái: Có người nói rằng hạnh phúc là ngày hôm qua, có người lại bảo rằng hạnh phúc là ngày mai, với chị thì sao?
-Lê Uyên: Với Lê Uyên và Phương thì lúc nào cũng vậy, hai đứa chúng tôi hạnh phúc từng giây phút một khi được ở bên nhau
-ĐQAThái: Âm nhạc của Lê Uyên Phương đến với mọi người trong bối cảnh Việt Nam năm 1969, chiến tranh lên cao điểm, không biết trong suốt dòng sáng tác của anh Phương có sáng tác nào về chiến tranh không chị?
-Lê Uyên: Phướng không viết bài nào hẳn về chiến tranh nhưng mà không khí trong dòng nhạc của Phương cho chúng ta thấy được những chia lìa của cuộc chiến.
-ĐQAThái: Nhiều trường hợp cho thấy, tác phẩm và đời sống thường của người nghệ sĩ, có khi ngược hẳn nhau, trường hợp anh Phương thì sao, thưa chị?
-Lê Uyên: Anh Phương thật sự sống như những lời ca, những dòng nhạc anh đã viết ra.
-ĐQAThái: Anh Phương đã vĩnh viễn ra đi 10 năm rồi, nhìn lại 40 năm bắt đầu hát cùng với anh Phương, giây phút này, điều gì trong trái tim chị ?
-Lê Uyên: Ngay bây giờ hay trong 10 năm qua, hay trong thời gian trước đó, Lê Uyên luôn có và nhớ hình ảnh của Phương trong đầu, trong giấc ngủ, trong đời sống hàng ngày; bởi vì đời sống của Lê Uyên ngày hôm nay, có được, và được tốt đẹp như thế này hoàn toàn do Phương tạo ra.
-ĐQAThái: Trong tình khúc “Dạ Khúc Cho Tình Nhân”, anh Phương viết, “màn đêm mở huyệt sâu ....”, “...khăn phủ vành xô....”; phải chăng đó là một lời tiên đoán trước cho sự ra đi của anh Phương ở tuổi anh tương đối còn trẻ?
-Lê Uyên: Dạ không. Anh Phương nghĩ sao thì anh viết ra như vậy; cho nên trong nhạc của anh, cảm xúc buồn đau, hanh phục đan lẫn vào nhau. Có đoạn đang vui, đang hạnh phúc, anh lại nghĩ đến chuyện chia lìa, rồi anh lại bật qua chuyện có nhau là hạnh phúc. Trong một bài nhạc anh nói lên tất cả cảm giác của anh ngay lúc đó, không phải là tưởng tượng, anh nghĩ sao thì anh viết ra như vậy.
-ĐQAT: Nhiều người cho rằng tố chất của nghệ sĩ là phản ảnh sự khổ đau của chính mình hoặc của đời sống chung quanh, và nếu nghệ sĩ chỉ viết về nỗi hoan lạc hoặc là hạnh phúc dường như tác phẩm của họ không trụ lại với cuộc đời này lâu bền, chị nghĩ sao?
-Lê Uyên: Với Lê Uyên thì Lê Uyên nghĩ rằng, tác phẩm nào, dù nói lên hạnh phúc hay khổ đau nhưng nếu là hạnh phúc hay khổ đau đó nó có thực của mình hay của những người xung quanh thì nó sẽ ở lại với chúng ta mãi mãi.
-ĐQAThái: Tôi có để ý một câu trong nhạc cảu anh Phương là “hãy ngồi xuống đây, bên con vực này, ngó xuống thương đau”; chị có thể cho nghe cảm tưởng của chị khi mà hát những câu như vậy.
-Lê Uyên: Bài đó được viết trên ngọn đồi của Hồ Than Thở, trong khoảnh khắc đó tụi này rất là hạnh phúc, đang ngồi trên một ngọn đồi, cho nên anh Phương có những ý tưởng đó. Như Lê Uyên nói, cảm xúc của anh Phương cứ thay đổi từng chập như vậy, anh nghĩ sao thì viết ra như vậy. Những đoạn “hãy ngồi xuống đây bên con vực, yêu nhau lần này, cho nhau lần này”, tới lúc anh nhìn xuống ngọn đồi thì anh nghĩ là có thể một ngày nào đó anh có mặt ở vực sâu, nghiã là anh nghĩ gì thì viết ra thành lời và thành nhạc.
-ĐQAThái: Bốn mươi năm Lê Uyên Phương, 10 năm Lê Uyên và Phương gẫy cánh, chị có điều gì muốn tâm sự thêm với độc giả Người Việt?
-Lê Uyên: Lê Uyên không biết nói sao vì nói cám ơn thì nhẹ quá, xin biết ơn quý vị đã thương mến Lê Uyên Phương từ mấy chục năm nay, và ước mong được gặp quý vị ngày 22 tháng 11 này tại Performing Art Center.
-ÐQAThái: Cám ơn chị và chúc chị thành công trong buổi chiều “Bốn mươi năm âm nhạc Lê Uyên Phương”.
Ðinh Quang Anh Thái/Người Việt
Lê Uyên Phương - nhạc sỹ của tình nhân
(Nguoiduatin.vn) - Những đêm văn nghệ không ngủ xuống đường tại Sài Gòn, bên cạnh những ca khúc Da vàng của Trịnh Công Sơn, sự xuất hiện của cặp song ca tình nhân Lê Uyên và Phương như một hiện tượng.
Với giai điệu nồng nàn, khắc khoải, đôi khi bàng bạc và triết lý, Lê Uyên Phương đã được giới trẻ đón nhận nồng nhiệt và tôn sùng như một thần tượng với những nhạc phẩm trĩu nặng tình đời, tình người và tình yêu: Dạ khúc cho tình nhân, Tình khúc cho em, Đưa người tuyệt vọng, Không nhìn nhau lần cuối, Vũng lầy của chúng ta...
Những hạnh ngộ đầu đời
Lê Uyên Phương là một trong những nhạc sĩ lớn của âm nhạc Việt Nam trước 1975. Tên thật của ông là Lê Minh Lập, nhưng do giấy tờ bị thất lạc trong chiến tranh, tên của ông đã bị khai nhầm thành Lê Minh Lộc rồi Lê Văn Lộc. Ông giữ tên Lê Văn Lộc từ đó cho tới khi đã bước lên thiên đường. Cha của Lê Uyên Phương vốn họ Phan nhưng vì cuộc cách mạng của Phan Bội Châu nên phải đổi thành họ Lê. Mẹ của Lê Uyên Phương là Công Tôn Nữ Phương Nhi - người đã gieo vào ông niềm say mê âm nhạc, niềm cảm hứng với những cung điệu.
Ông lấy chữ Phương trong tên mẹ và tên Uyên của một người con gái ở vùng cao nguyên rất xanh với dấu ấn của cuộc tình đầu buồn đẫm lệ. Từ đó kỳ lạ thay, mỗi người con gái xuất hiện trong đời anh đều là Uyên của những nhớ nhung, hoài vọng cồn cào trong tâm tưởng. Nghệ danh trong sự nghiệp viết nhạc của Lê Uyên Phương bắt nguồn như thế. Một nghệ danh mà chữ mệnh đã kéo anh lên đỉnh cùng của vinh quang rồi chính nó lại khiến anh xoay vần đau khổ đến thẳm cùng bĩ cực.
Lê Uyên vợ của Lê Uyên Phương. Họ là cặp đôi đã tạo sắc thái rất đặc trưng cho nền Tân nhạc miền Nam trước 1975
Lê Uyên Phương thích viết những bản nhạc đầy ám ảnh, những giòng giòng thương đau. Bên cạnh Trịnh Công Sơn, có lẽ Lê Uyên Phương là người thứ hai coi trọng vấn đề ca từ trong bài hát của mình đến vậy. Anh tỉ mỉ, tinh tế, cân đo đong đếm từng câu, từng chữ và luôn luôn đau đáu tìm những từ mới trong tứ nhạc da diết mà trái ngang của lòng mình. Nhưng Trịnh Công Sơn hơi trừu tượng, hơi xa vắng chừng nào thì ngôn ngữ trong ca khúc của Lê Uyên Phương giàu hình tượng và thực đến chừng ấy.
Đã có một thời người ta cho rằng Lê Uyên Phương là kẻ nổi loạn, vì những hình ảnh ông vẽ ra trong các nhạc phẩm của mình đang trở nên quá nổi tiếng đối với giới trẻ và dường như nó quá trần trụi, đánh đổ cả một nền tảng giá trị luân lý, động chạm đến những cấm kỵ mà bao nhiêu lớp đàn anh không dám nhắc tới. Ở thời kỳ mà tuổi trẻ Việt Nam đang muốn đập vỡ tung bầu không khí ngột ngạt của chiến tranh, của hủ tục, vươn tay ra đón nhận những luồng tư tưởng mới, dòng nhạc của Lê Uyên Phương là một trong những điều mà họ mong đợi nhất. Áo rực rỡ, hoa hòe hoa sói, tóc tai rối bù kiểu hippie, quần ống loe, họ đua nhau ngồi trong quán cà phê, ngồi gục đầu đốt thuốc lá bên những tách cà phê đen khói bay vẩn vơ, nghe từng chữ từng lời phát ra từ những thanh âm dồn dập mang tên Lê Uyên Phương. Hình như tự lúc nào cái tên này trở thành một phần máu thịt trong số tất cả những người như họ.
Đầu những năm 64 - 65 của thế kỷ 20, những người sành nhạc mới biết đến cái tên Lê Uyên Phương và để ý tới những ca khúc tự sự của anh. Đến những năm cuối thập kỷ 60, cặp song ca Lê Uyên Phương trở thành một giá trị bảo đảm cho chiến thắng của mọi buổi văn nghệ có tính tiền bán vé.
Cho đến những năm đầu của thập kỷ 70, Việt Nam bước vào giai đoạn khốc liệt nhất của cuộc chiến tranh. Trong đạn bom và máu lửa, phong trào phản chiến của học sinh, sinh viên diễn ra ngày càng rầm rộ. Từ thành phố cao nguyên Đà Lạt đến với Sài Gòn hoa lệ và đau thương, nhạc sĩ Lê Uyên Phương đã mang sinh khí mới và thổi một luồng gió mới cho Tân nhạc miền Nam qua các bài hát song ca cùng người vợ trẻ Lê Uyên.
Ăm ắp say mê, ngút ngàn dâng hiến
“Màn đêm mở huyệt sâu/ Mộng đầu xin dài lâu/ Một vì sao lạ rơi, nghe hồn tê tái trên dòng hương khói bay/ Ái ân ơi xin đừng phụ lòng ta/ Nhớ thương sâu xin gửi người xa/ Khóc thương nhau trong cuộc đời. Giấc mơ xưa khăn phủ vành sô/ Có yêu nhau ngọt ngào tìm nhau/ Chết bên nhau thật là hồn nhiên…”. Những ca khúc của Lê Uyên Phương như gắn liền với những tao ngộ trong đời của biết bao những người khác, của những ngày sống và lớn lên, của những chiêm bao trăn trở, của những nụ cười và giọt nước mắt. Và những vết sẹo dài theo năm tháng ấy đã theo mỗi trái tim yêu nhạc đến tận giờ để chỉ cần một điệu nhạc lướt qua cũng đủ khiến họ sống dậy một thiên tai âm ỉ mà buốt nhói cuộc đời.
Ca từ trong các sáng tác của Lê Uyên Phương không đi sâu vào những chiêm nghiệm hay triết lý về tình yêu, thân phận của con người. Càng không "dính dáng" gì đến chính trị, lo toan hay mong ước cho vận mệnh của đất nước trong thời chiến. Đơn giản, nó chỉ nói về tình yêu. Cái tình yêu dành cho tình - nhân ấy: Lãng mạn, cuồng đam mê nhưng vẫn đầy lo âu. Và thậm chí, trong nhiều ca khúc, nó còn có vẻ... trần tục nữa.
Bài hát đầu tiên đưa tên tuổi của cặp song ca lên tột đỉnh thành công, có lẽ là Vũng lầy của chúng ta. Ca khúc trái ngược với tên gọi bởi nó ăm ắp say mê, ngút ngàn sự dâng hiến. Từ tiết tấu đến ý tưởng, từ cách chuyển đổi đến lối gieo âm vận. Mà lạ nhất, vẫn là cách Lê Uyên Phương ghép mình lại với nhau và hát. Nếu tách rời từng người ra, chắc mỗi người họ sẽ không có gì đặc biệt. Một người gục trên cần đàn, mắt mở vô hồn, tay khua gấp gáp trên mấy giây đàn phừng phừng, cất giọng khàn khàn khô khốc mà gào thét. Một người, tay vung loạn bản, mắt nhắm mắt mở, đầu lắc lư, cứ như đang bị quỷ ám. Âý thế mà khi hòa vào với nhau, chỉ cần nghe họ hát, người ta sẽ nhớ đời vĩnh viễn.
Những bản nhạc tình như báo mộng ấy: Vũng lầy của chúng ta, Đưa người tuyệt vọng, Không nhìn nhau lần cuối, Hãy ngồi xuống đâysau này được coi như những lời tiên tri vận vào đời Lê Uyên Phương tài hoa mà bất hạnh. 27 tuổi, Lê Uyên Phương vẫn không dám yêu và lập gia đình với ai. Bởi ông đã mắc phải một căn bệnh kì lạ: Ngón tay và nhiều nơi trên thân thể ông xuất hiện những khối u. Bác sĩ chuẩn đoán ông bị ung thư xương và chẳng còn sống bao lâu nữa. Còn Lê Uyên thì bị gia đình ngăn cấm tuyệt đối mối quan hệ không môn đăng hộ đối và dường như, không có... ngày mai ấy. Nhưng họ đã thật sự cảm thấy mình không thể sống thiếu nhau và quyết định cùng nhau... trốn chạy. Đó là những ngày lang thang mòn mỏi trên những con phố đồi dốc ở Đà Lạt... Là những tháng chơ vơ hẹn hò ở sân ga Sà Gòn, mỗi ngày chỉ có mẩu bánh mì queo quắt...Rồi họ kết hôn vào năm 1968 và chia tay nhau sau 15 năm chung sống. Năm 1999, Lê Uyên Phương mất sau một thời gian dài bạo bệnh, thọ 59 tuổi.
Hơn 10 năm trôi qua Lê Uyên Phương đã không còn nữa nhưng tình khúc của ông đã trở thành những viên ngọc quý. Với giai điệu đầy luyến tiếc, người ta thấy trong Lê Uyên Phương một tấm lòng bao dung và một sự chắt chiu cho âm nhạc.
Đơn giản, ông là nhạc sĩ của... tình nhân
Lê Uyên Phương sáng tác rất nhiều tình khúc mà lại là đớn đau, sầu khổ, nặng nề đến tê dại. Người ta từng gọi ông là nhạc sĩ của tình nhân, vì trong mọi sáng tác của ông, tình yêu đôi lứa trở đi trở lại khắc khoải và mãi mãi được ví von như nguồn cơn của mọi bất hạnh đời sống sau này của ông. Âm nhạc của ông không phải viết về cái thuở tình học trò bồng bột, ngây thơ. Cũng không phải ca ngợi cho tình yêu vợ chồng nồng nàn, chung thuỷ. Càng không là những lời thở than cho cuộc tình đã chia lìa, tan vỡ. Đơn giản là, các bài hát ấy chỉ dành cho... tình nhân.
Hương Giang (thực hiện)
Nguồn sưu tầm by Ngoan Trương Công
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét