Ngô Thụy Miên: Thập niên 1960- 1970 khi cuộc chiến giữa hai miền Nam-Bắc Việt Nam đã bùng nổ một cách khốc liệt, tình yêu cuả những ngươì trẻ tuổi chúng tôi lúc bấy giờ chỉ là những vành khăn tang, những giọt nước mắt, những xót xa cuả một thời… Là một người sáng tác trẻ, tràn đầy sức sống cuả tuổi đôi mươi, yêu đời và yêu người, tôi có tham vọng là muốn mang lại cho thế hệ tuổi trẻ chúng tôi một niền tin, một niềm hy vọng mới cho tương lai khi con nguời sẽ thương yêu nhau, sẽ quên đi những mất mát, những hận thù đang xảy ra hàng ngày quanh mình. Qua những bàn tính ca trong sáng, lãng mạn và mộng mơ, tôi hy vọng mình đã mở ra đuợc một cánh cửa khác cho tuổi trẻ cuả thế hệ mình, và ở đó chỉ có tình yêu giữa người và người, tình yêu giữa người và cuộc sống, cũng như cuả thiên nhiên, của thời tiết, khí hậu.. Âm nhạc với tôi là một món quà cuả Thượng Đế, và cũng chính là tình yêu.
NVTB: Thời gian ấy, ở Miền Nam VN, Tình Khúc Ngô Thuỵ Miên được khán thính giả nồng nhiệt ủng hộ, những tình cảm thích thú nào từ họ đến với anh? và đã tạo được những ưu điểm nào cho sự nghiệp sáng tác cuả anh?
NTM: Tôi bắt đầu sáng tác từ năm 1963 lúc còn theo học trường Quốc Gia Âm Nhạc Sàigòn. Năm 1965, tôi hoàn tất nhạc phẩm đầu tay “ Chiều Nay Không Có Em”. Bản tình ca thứ hai đã đượïc các đài phát thanh Sàigòn và Quân Đội cho phổ biến rất nhiều trong hai thập niên 1960- 1970 là ca khúc “ Muà Thu Cho Em”. Đây là bài hát đã mang tên tuổi cuả NTM đến với khán thính giả yêu tân nhạc tại Sàigòn, cũng như ở khắp các thành phố lớn. Từ lòng yêu nhạc, và tình yêu người, tôi đã tiếp tục sáng tác, và cùng với một số thân hữu đi trình diễn ở khắp các giảng đường đại học, các trung tâm văn hoá, và các hội quán văn nghệ Sàigòn để giới thiệu những sáng tác mới cuả mình. Năm 1974, sau khi một số các ca khúc cuả tôi đã được phổ biến rộng rãi, tôi đã cùng một số bạn hữu thực hiện cuốn băng Tình Ca NTM gồm 17 ca khúc, mà trung tâm Thuý Nga đã phát hành ở Sàigòn vào cuối năm 1974. Cuốn băng này được giới yêu nhạc nồng nhiệt ủng hộ; và sau đó tôi cũng cho in một số bản nhạc đang được ưa chuộng, như Mùa Thu Cho Em, Áo Luạ Hà Đông, Chiều Nay Không Có Em, Tuổi 13.. Tôi không bao giờ quên được những tình cảm thích thú từ những giới thưỏng ngoạn nhạc gửi đến một tác giả trẻ như tôi lúc bấy giờ, qua những chuơng trình nhạc yêu cầu, cũng như chính tôi đã chứng kiến một vị thiếu uý trong binh chủng Nhẩy Dù đã ghé vào mua bản nhạc Muà Thu Cho Em và cuốn băng tình ca NTM tại một kiosque trên đường Nguyễn Huệ,..hay trong đêm ra mắt cuốn băng tình ca NTM tại Hội Việt-Mỹ Sàigòn: Tôi đã thực sự xúc động giữa những tiếng vỗ tay, hoan hô nhiệt tình cuả khán thính giả. Từ lâu, tôi đã nhận biết rằng khán thính giả luôn đóng vai trò rất lớn, rất quan trọng trong sự tồn tại cuả một sáng tác phẩm, cuả tác giả sáng tác. Với tình cảm của giới thưởng ngoạn dành cho những sáng tác cuả mình, tôi cảm thấy hạnh phúc, vì những nỗi lòng mình muốn diễn tả ra qua âm nhạc đã được chia xẻ; và tôi đã là một đồng hành tuyệt vời cuả bao khán thính giả. Và dĩ nhiên đó cũng là một động lực thúc nay tôi tiếp tục con đường sáng tác tình ca, để có thể tiếp tục chia xẻ những tình cảm tâm tư riêng cuả mình đến người nghe.
NVTB: Theo anh, 34 năm hải ngoại, khuynh hướng sáng tác nhạc nói chung cuả thời trước 1975 tại Miền Nam VN có còn thịnh hành ở ngoài này?
NTM: Tôi đặt chân lên nuớc Mỹ năm 1980. Cũng đã gần 30 năm trôi qua, nhưng tôi vẫn là một người viết tình ca, như tôi đã sáng tác như thế, cuả những ngày tháng cũ (thập niên 1960- 70). Khuynh hướng sáng tác của tôi vẫn không có gì thay đổi. Tôi cảm thấy mình vẫn là “sứ giả cuả tình yêu”, vẫn muốn chia xẻ những tình cảm luôn luôn được uơm chín từ tâm tư riêng cuả một nguời đã yêu và sẽ yêu để đem đến với bất cứ một ai còn muốn lắng nghe tình ca Việt Nam. Cái khác là truớc 1975 khi còn ở Sàigòn với những thân yêu quanh mình, với những luạ là, mưa nắng hai muà, những quán hàng, những đường phố quen thuộc, từng nguời yêu buổi sáng, buổi chiều… đã cho tôi những cảm xúc để viết lên những tình khúc với ý nhạc nhẹ nhàng, trong sáng, những lời ca dịu dàng, đầy thơ tính. Còn bây giờ, ở hải ngoại, người ta thật vội vàng, xa lạ, bận rộn.. Những thành phố, nhà cửa thật to lớn, nhưng cũng thật là lạnh lẽo, cô đơn.. Tất cả những hoàn cảnh những tình cảm này cũng lại trao cho tôi những hứng khởi mới: Ngày tháng bên này đã và đang để lại trong tôi những nét muộn phiền rất riêng, rất độc đáo, và tôi ghi lại những lời ca “mệt mỏi buồn bã cuả cuộc sống tạm dung”..
NVTB: Là nhạc sĩ chuyên sáng tác các tình khúc qua 40 năm nay, anh nghĩ sao về mọi sinh hoạt của tình khúc nhạc Việt ở hải ngoại và ở trong nước?
NTM: Trong những năm tháng qua, tại hải ngoại chúng ta đang có nhiều người viết trẻ. Họ đã có đầy đủ khả năng, điều kiện sáng tác những tác phẩm tình ca giá trị. Nhưng họ cần được giúp đỡ nhiều hơn để phổ biến những tác phẩm mới đến khán thính giả. Ở hải ngoại chúng ta chỉ có vài, ba trung tâm video ca nhạc đang hoạt động mạnh; các trung tâm băng nhạc nhỏ thì có khá nhiều nhưng hoạt động rời rạc, hạn hẹp. Các trung tâm lớn thì chỉ muốn thâu lại những sáng tác cũ đã được khán thính giả đón nhận từ nhiều năm nay. Và nếu như vậy lấy đâu ra chỗ cho các người viết mới chen chân vào thị trường âm nhạc? Chưa kể đất nước người quá rộng lớn, vấn đề phát hành cũng là một trở ngại không nhỏ! Thực hiện cho mình một cuốn CD mà nếu không có các trung tâm lớn giúp phổ biến hay phát hành thì những tác phẩm này cũng không thể chấp cánh bay bổng trên nền trời âm nhạc Việt Nam được. Hiện nay các mạng lưới Internet đã có khá nhiều diễn đàn văn học nghệ thuật. Ở đây các người viết mới có thể gặp gỡ, trao đổi kinh nghiệm, học hỏi cùng nhau để có thể tiến bộ hơn trong lãnh vực sáng tác. Nhưng dù sao tất cả vẫn còn trong một hoàn cảnh, một môi trường hạn hẹp. Một vấn đề trở ngại lớn khác cho Tình Ca ở hải ngoại là giới trẻ lớn lên ở đây vẫn ít hoặc không nói, không nghe, không viết được tiếng Việt một cách thông thạo nên đã tìm đến âm nhạc Mỹ, và quên đi là mình cũng có những tình ca nhạc Việt tuyệt vời về cả nhạc thuật lẫn ca từ. Tôi nghĩ môi trường sinh hoạt tình ca ở hải ngoại sẽ có thể gặp nhiều khó khăn, trở ngại trong những thập niên sắp tới, khi số lượng người nghe không còn bao nhiêu và số lượng người viết càng thêm ít ỏi!
Nói về môi sinh của tình khúc nhạc Việt ở trong nước ngày nay thì tôi không dám có ý kiến, vì không sống ở đó nên chỉ dựa trên tài liệu báo chí hoặc internet để phán đoán thôi. Tuy nhiên theo thiển ý riêng, tôi thấy với số lượng người nghe và người sáng tác trong nước đông hơn, nhưng phát triển theo chiều hướng nào thì tôi không biết. Trong những năm tháng qua, tại hải ngoại chúng ta đang có nhiều người viết trẻ. Họ đã có đầy đủ khả năng, điều kiện sáng tác những tác phẩm tình ca giá trị. Nhưng họ cần được giúp đỡ nhiều hơn để phổ biến những tác phẩm mới đến khán thính giả.
NVTB: Ngoài lãnh vực sáng tác các tình khúc anh còn có khuynh hướng sáng tác nào khác hiện giờ không?
NTM: Trong các khuynh hướng sáng tác, thông thường người ta nói nói Tình Ca (đôi lứa), Thân Phận, Quê Hương, Tuổi Thơ,… Từ những ngày đầu tiên sáng tác, tôi đã tự chọn cho mình con đường viết tình ca, vì thấy thích hợp với con người, với cá tính lãng mạn, đa cảm, đa sầu của mình, và cũng chỉ vì tình yêu mãi mãi vẫn là một đề tài muôn thuở cho người nghệ sĩ sáng tác.. một lần nào đó tôi đã có nói là: “chỉ xin được nhớ đến như một người viết tình ca không hơn, không kém”. Song trong môi trường xã hội hiện nay, tôi vẫn tiếp tục viết tình ca, vẫn tiếp tục chia xẻ những tình cảm, tâm tư riêng của mình qua những đổi thay, thăng trầm của cuộc sống nơi xứ người, và vẫn mong được gửi những tác phẩm của mình đến với tất cả những ai có lòng tiếp tục thưởng thức ca nhạc Việt Nam nói chung, và tình ca Ngô Thụy Miên nói riêng….
NVTB: Những ca khúc nào, cho đến nay, mang lại cho anh niềm vui, hãnh diện qua sự yêu mến của khán thính giả? hoặc đã chuyển đạt được nhiều nhất những thông điệp từ nội tâm của anh?
NTM: Cá nhân tôi vẫn yêu mến mấy ca khúc đặc biệt mà tôi đã hoàn tất nhạc trước khi đặt lời, bốn ca khúc này mang một chút âm hưởng nhạc cổ điển Tây Phương: Mắt Biếc, Từ Giọng Hát Em, Dốc Mơ, và Miên Khúc. Ngoài ra, hai ca khúc tôi nghĩ đã được nhắc đến nhiều nhất, đã chuyển đạt được gần như tất cả những điều tôi muốn chia xẻ với người về tình yêu, đó là Niệm Khúc Cuối, và Riêng Một Góc Trời. Niệm Khúc Cuối là ca khúc trong sáng lãng mạn, tôi viết từ năm 1971, có thể nói bài hát này đã được thu thanh, thu hình nhiều nhất trong các tác phẩm của tôi: “Tình ơi! Dù sao đi nữa, xin vẫn yêu em”Vâng, đó là điều duy nhất tôi muốn nói về tình yêu. Hãy cho, hãy chấp nhận và hãy tha thứ để tình yêu vĩnh viễn mãi là niềm tin và hy vọng của chúng ta. Bài hát thứ hai tôi viết ở hải ngoại năm 1996: “Riêng Một Góc Trời”:“Đời như sương khói, mơ hồ trong bóng tối.Em đã xa xôi, tôi vẫn chơi vơi, riêng một góc trời”.Nếu hạnh phúc là những kỷ niệm sáng nắng chiều mưa của một thời, là những tàng lá úa rơi buồn trong nỗi nhớ hay những nụ hôn, những giọt nước mắt lặng lẽ vẫn chìm sâu trong trí tưởng… thì “Riêng Một Góc Trời” đã là một người bạn đồng hành tuyệt vời cho những tâm hồn đã yêu, đang yêu và mãi sẽ còn yêu.
Khi Trung Tâm Thúy Nga phát hành cuốn “Video Tình Ca Ngô Thụy Miên” năm 1992, tôi nhận được nhiều điện thoại cùng những lời khuyến khích đến từ khán thính giả khắp nơi đã xem cuốn video này: Những lời cám ơn đều dành cho một sáng tác tôi viết ở SàiGòn sau năm 1975: “Em Còn Nhớ Mùa Xuân”, một ca khúc tôi viết trong một bối cảnh đặc biệt, kể lại những giao động một thời trên quê hương đất nước, và nói lên tâm sự của một người thanh niên giữa những mất mát đổi thay đang xảy ra quanh mình. Đây là ca khúc duy nhất tôi viết có mang chút bối cảnh xã hội, và cũng đã nói lên được những rung cảm của thanh niên thế hệ trẻ chúng tôi ngày tháng đó. Phải nói đây là một ca khúc đã mang lại cho tôi những niềm vui và hãnh diện đặc biệt trong cuộc đời sáng tác của mình.
NVTB: Anh còn có những cảm nhận nào khác, trong giai đoạn hiện thời về một ngõ mở mới cho những ca sĩ trình diễn các sáng tác của mình, ở thế hệ nối tiếp?
NTM: Dòng nhạc thính phòng đang gặp trở ngại, khó khăn về nhiều phương diện: Người nghe nhạc thính phòng đã ít lại càng ít hơn khi thế hệ người lớn tuổi đã ra đi, và thế hệ trẻ thì tìm niềm vui trong những dòng nhạc khác, hay nhạc ngoại quốc!
Nhạc sĩ -Một số anh em sáng tác cũ đã ra đi. Những người còn lại mệt mỏi với đời sống thường ngày, đã không còn đủ cảm hứng để tiếp tục viết nhạc. Lớp người viết mới thì không có điều kiện phổ biến sáng tác của mình. Thực hiện được một cuốn CD mà nếu không có sự giúp đỡ của các trung tâm thì những tác phẩm đó cũng sẽ dần vào quên lãng! Một ca khúc được sáng tác, nếu không được giới thiệu đến người nghe, không được khán thính giả chấp nhận thì cũng chỉ là một tờ giấy với những nốt nhạc, không hơn không kém! Người nhạc sĩ sẽ có thể là mất dần đi những cảm hứng sáng tác một khi những tác phẩm của mình bị chìm vào quên lãng theo ngày tháng.
Ca Sĩ - Lớp ca sĩ cũ trình bày nhạc thính phòng như Tuấn Ngọc, Lệ Thu, Khánh Ly, Khánh Hà, Ý Lan...vẫn được khán giả ái mộ, nhưng tất cả cũng còn một thời gian không lâu nữa là sẽ phải từ giã sân khấu. Và thế hệ hát nhạc thính phòng nối tiếp như Y Phương, Nguyên Khang, Diễm Liên, Trần Thái Hòa... hiện nay cũng đang được sự yêu mến và được sự ủng hộ nồng nhiệt của khán thính giả. Họ là những tiếng hát hiếm quý trong vườn âm nhạc Việt Nam ở hải ngoại. Tuy nhiên, nhìn lại số lượng ca sĩ hát nhạc thính phòng còn quá ít, so với những ca sĩ hát nhạc trẻ hay nhạc quê hương…Về các chương trình ca nhạc, có thể nói các show thính phòng được tổ chức trong các cộng đồng Việt Nam khắùp các nơi trên thế giới vẫn rất ít so với các chương trình tạp lục. Khán thính giả của dòng nhạc thính phòng rất chọn lọc nên khi tổ chức, ban tổ chức thông thường chỉ mong được hòa vốn là coi như đã thành công! Các trung tâm băng nhạc thì cần đáp ứng với nhu cầu thưởng ngoạn của mọi tầng lớp khán thính giả, và sự góp mặt của dòng nhạc thính phòng thường chỉ còn là một hoặc hai tiết mục nhỏ trong chương trình.
Tôi vẫn nghĩ, tìm cho được con đường mới để các thế hệ ca sĩ nối tiếp có cơ hội duy trì, phát triển dòng nhạc Thính Phòng ở hải ngoại, không phải là một chuyện dễ làm! Vì ngày nào nhu cầu thưởng ngoạn của khán thính giả dòng nhạc thính phòng không phát triển, ngày nào các ca nhạc sĩ còn vẫn gặp nhiều khó khăn trong việc trình diễn và phổ biến các tình khúc thì ngày đó dòng nhạc này sẽ vẫn còn gặp nhiều khó khăn.
NVTB: Anh còn có ý kiến gì hơn về tình hình sáng tác của người Việt nói chung có những sự kiện hoặc thành quả nào đáng lưu ý ảnh hưởng đến kích thích những xúc cảm sáng tác hoặc làm chững lại rung cảm sáng tác của riêng Ngô Thụy Miên hoặc với Anh Bằng, Lam Phương, Từ Công Phụng, Vũ Thành An, Đức Huy, Thiện Lý.. thành danh từ trước 1975 hoặc một số người viết mới tại xứ người?
NTM: Trong những năm tháng qua, tại hải ngoại cũng như trong nước đều có những tác giả trẻ, những sáng tác phẩm giá trị. Nhưng hầu hết các tác phẩm được giới thiệu và phổ biến rộng rãi vẫn chỉ là những ca khúc. Chúng ta không thể phủ nhận sự đóng góp quan trọng của ca khúc phổ thông vào vườn hoa âm nhạc Việt Nam, nhưng tôi vẫn kỳ vọng nhiều hơn nơi những nhạc sĩ trẻ bây giờ. Tôi nghĩ rằng họ đã có cơ hội thật đầy đủ, thật tốt đẹp để nghiên cứu, trau dồi, học hỏi những dòng nhạc mới lạ trên khắp thế giới qua những phương tiện như CDs, Internet, Concerts, Books mà những người viết nhạc chúng tôi 30, 40 năm trước không thể có. Họ là những người có thể làm mới lạ hơn cho âm nhạc Việt của chúng ta với kiến thức tổng hợp của hai nền âm nhạc Đông-Tây. Dĩ nhiên khi viết những tác phẩm này, họ cần phải có cơ hội và môi trường để phổ biến. Tôi hy vọng qua các concerts, hay các chương trình của các trung tâm video, họ sẽ được trang trọng dành cho ít nhất một tiết mục để giới thiệu, đưa giới thưởng ngoạn đến một cuộc hành trình mới vào âm nhạc Việt Nam của chúng ta ở thế kỷ thứ 21 này!
Nếu nói Âm Nhạc là một phương tiện tiêu biểu hiện được những tình cảm giao hòa giữa con người và con người, giữa con người và cuộc sống, giữa con người và thiên nhiên, thời tiết thì tôi cho rằng anh em sáng tác chúng tôi (trước 1975), cho dù là ở trên quê hương, với những tháng ngày, kỷ niệm thân yêu quanh mình hay đang bận rộn trên phần đất tạm dung này với những đổi thay, thăng trầm của cuộc sống, chúng tôi vẫn tiếp tục sáng tác, vẫn tiếp tục gửi đến đời, đến người những tác phẩm được viết từ trái tim còn tuổi trẻ như ngày nào (Riêng Một Góc Trời-1996). Và như vậy, tôi không nghĩ đây là một hiện tượng, khi một số nhạc sĩ chúng tôi vẫn có những tình khúc tuyệt vời (như Anh Bằng mới sáng tác: Anh Còn Yêu Em/thơ PTT, Đừng Xa Em/thơ BH (2009) vẫn đang viết nhạc tình trong năm 2009) (như Đức Huy-Khóc Một Giòng Sông) mà khán thính giả trên toàn quốc đã hoặc sẽ chia xẻ với tác giả.
Từ ngày ra hải ngoại, tôi cũng như Anh Bằng, Lam Phương, Từ Công Phụng, Vũ Thành An, Đức Huy.., vẫn tiếp tục cống hiến những ca khúc, tác phẩm bất hủ; và tôi hy vọng họ vẫn mãi là người bạn đồng hành bên cạnh những người đã yêu, đang yêu, và mãi sẽ còn yêu!
Nguồn sưu tầm by Ngoan Trương Công
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét