Source: Bao Thanh Nien |
Đầu thập niên 60, danh cầm khiếm thị tài ba Văn Vĩ - với tiếng đàn bay bướm tuyệt diệu đã làm say mê hàng triệu khán thính giả mộ điệu nhạc tài tử cải lương. Sự có mặt của danh cầm thời đó được các bầu sô đại nhạc hội xem trọng, là nhạc công tạo nên các tiết mục ăn khách.
Văn Tài, con trai út của nhạc sĩ Văn Vĩ, kể lại cuộc đời cha mình: "Thời niên thiếu, khi ba tôi vừa biết đàn thì cũng là lúc cô Út Bạch Lan mới biết ca, cả hai người cùng có một hoàn cảnh thiếu đói như nhau, phải đem tiếng đàn lời ca phối hợp đi... ăn xin. Ăn xin bằng ca hát lúc bấy giờ luôn gặp khó khăn, bị lính mã tà rượt đuổi, bắt bớ, hăm he. Ba tôi và cô Út phải bỏ xứ qua tận bên Miên tìm đất sống.
Tại xứ lạ quê người, cha tôi và cô Út Bạch Lan gặp được bác Hai Minh, cũng đồng hội đồng thuyền đi bán tiếng đàn lời ca để đổi lấy chén cơm và kết hợp lại thành bộ ba. Cha tôi và bác Hai Minh (sau này giàu lắm, có hiệu ảnh lớn tại ngã sáu Sài Gòn lấy tên là hiệu ảnh Quang Minh) đánh đàn, cô Út ca. Nào ngờ về sau cả ba người đều nổi danh, thành đạt, được mọi người yêu mến. Trong cuộc đời làm nhạc sĩ cho các đoàn hát, cũng có lúc cha tôi phải tủi thân với nghề khi gặp phải những tình huống bi đát xảy đến. Trong đó có một vụ gây xúc động mạnh trong lòng khán giả: một anh kép chánh trong đêm hát ca rớt nhịp, cha tôi "vớt" không kịp bị anh ta dùng cây kiếm (đang hát) đâm rách nát thùng loa khuếch đại âm thanh và chửi bới cha tôi không tiếc lời...".
Nhạc sĩ Văn Vĩ tên thật là Đinh Văn Dậm, sinh năm 1929 tại xã Bình Đăng (nay là xã Bình Hưng) huyện Cần Đước, tỉnh Long An. Năm lên 3 tuổi, Dậm bị mù mắt do chứng bệnh đậu mùa. Tên Đinh Văn Dậm được đổi lại là Văn Vĩ là do một người thầy thuốc bắc trị bệnh đậu mùa đặt cho theo tên một vì sao. Năm lên 7 tuổi, cậu theo cha đi định cư ở tỉnh Bạc Liêu. Lúc này Văn Vĩ đã tự đàn được một số bài bản ngắn bằng đàn cò líu (đàn cò loại nhỏ). Vài năm sau, gia đình Văn Vĩ trở về Thuận Đông. Tại nơi ở thứ ba, Văn Vĩ học đàn kìm với thầy Bảy Thừa, và trau chuốt thêm ngón đờn cò, học thêm nhạc với thầy Tư Lai.
Lúc ngón đàn kìm của Văn Vĩ trở nên tươi mát, giòn giã, đủ sức tham gia vào các buổi đờn ca tài tử, Văn Vĩ quyết tiến thêm một bước nữa: sang học đàn guitar với thầy Tư Thìn và thày Tư A ở Thủ Thiêm. Văn Vĩ vẫn chịu khó học thêm với các bậc đàn anh khác nữa là nhạc sĩ Ba Xây, thày Mười Út, thày Chín Thành...
Đến năm 14 tuổi, nhạc sĩ Văn Vĩ được nhận vào đàn cho sân khấu cải lương đầu tiên là gánh Minh Tinh, những bước tiếp theo là lên TP HCM đàn cho quán Lạc Cảnh cùng các nhạc sĩ tài danh như Bảy Hàm, Ba Xây, Tám Bằng... Nghệ danh Văn Vĩ được giới hâm mộ chú ý từ đó.
Năm 16 tuổi (1945), Văn Vĩ gia nhập các nhóm đàn ca tài tử ở TP HCM. Đến năm 1950, ông được các nhạc sĩ Bảy Hàm, Hai Biểu giới thiệu vào làm ở Đài phát thanh Pháp Á (Ban Việt Nam cổ nhạc kịch đoàn do tài tử Tám Thưa làm trưởng ban), đồng thời cộng tác với các quán ca nhạc Lệ Liễu ở Thị Nghè; ở khu Kim Chung và quán Họa Mi của cô Năm Cần Thơ trong Đại Thế Giới...
Qua nhiều năm dài lận đận rày đây mai đó mang tiếng đàn tìm cuộc sống, mãi đến năm 1964 Văn Vĩ mới tậu được căn nhà trong một ngõ hẻm đường Phan Thanh Giản trên đất Sài thành, và mở lớp dạy đờn ca tài tử cải lương. Một số học trò của nhạc sĩ Văn Vĩ đã thành danh trên hai lĩnh vực đàn và ca. Đàn có nhạc sĩ khiếm thị Văn Bền, Văn Hải, Minh Thảo, Huỳnh Khải và ba đứa con trai của ông là Văn An, Văn Hậu (đã mất) và Văn Tài. Về ca có Út Bạch Lan, Thanh Hương, Minh Trung, Vương Linh, Hữu Tài, Tài Lương, Tấn An, Hoài Thanh, Thu Huệ...
Nhạc sĩ Văn Vĩ mất năm 1985, để lại trong kho tàng cổ nhạc Việt Nam một phong cách diễn tấu xuất thần, tài ba, hiếm có xưa nay.
Nguồn sưu tầm by Ngoan Trương Công
Bao Thanh Nie
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét