Người Việt có câu “Vô tửu bất thành lễ” để nhấn mạnh tầm quan trọng của rượu trong lễ nghi giao tiếp. Mỗi địa phương trên đất nước ta đều có những loại rượu rất đặc trưng và trở thành niềm tự hào của người dân xứ sở.
Rượu Táo mèo - tinh túy Sapa
Đến với Sapa, du khách không chỉ chìm trong vẻ đẹp huyền ảo của thành phố sương mù mà còn ngất ngây bởi men rượu nồng nàn.
Ở Sapa, cây táo mèo mọc hoang trên các dãy núi Hoàng Liên Sơn, như là một món quà mà thiên nhiên ưu đãi cho đồng bào nơi đây. Rượu táo mèo được ngâm ủ từ loại táo rừng, có màu nâu sóng sánh và vị thơm ngọt rất đặc trưng. Loại rượu này tuy dân dã nhưng vô cùng độc đáo.
Quả táo mèo là kết tinh của núi rừng đại ngàn, của khí trời và nắng gió vùng cao. Ấy vậy mà không lấy gì làm ngạc nhiên khi nó có đủ vị chua ngọt và chát đắng. Quả táo mèo được ngâm rất kỹ rôi cất thứ tinh chất ấy để pha chế rượu.
Táo mèo còn là vị thuốc quý, hạ huyết áp, hạ mỡ máu, cải thiện sức co bóp cơ tim, rất tốt cho tim mạch. Ngoài ra còn giúp an thần và cân bằng sinh lý. Dân gian còn gọi nó bằng cái tên “quả chua chát” hay “quả tình yêu” vì nó mang đầy đủ những hương vị của cuộc đời.
Rượu Làng Vân - hồn quê Kinh Bắc
Làng Vân nằm bên sông Cầu, Bắc Giang. Hình ảnh đầu tiên bạn sẽ bắt gặp khi đến đây là đôi câu đối được viết trên cổng làng và những chiếc thùng phi, chum rượu xếp lớn dọc đường. Bước qua chiếc cổng cổ kính ấy là một vùng văn hóa cổ lừng danh với nghề nấu rượu – làng Vân.
Thời phong kiến, rượu làng Vân là lễ vật dâng lên vua chúa để sử dụng trong yến tiệc cung đình. Qua hàng trăm năm vẫn giữ nguyên hương vị. Những giọt rượu phải trải qua rất nhiều công đoạn mà thành.
Nguyên liệu để nấu phải là loại nếp cái hoa vàng thơm ngon, được nấu chín thành cơm rồi trộn đều cùng một thứ men “huyền bí” gia truyền của làng Vân. Ủ cơm này cho chín trong khoảng 72 giờ rồi đổ nước vào ngâm thêm 72 giờ nữa mới đưa lên bếp chưng cất thành rượu.
Rượu làng Vân là hồn quê Kinh Bắc bởi cái mùi thơm thanh khiết, vị đậm đà, trong suốt.
Khách uống rồi như đi vào cõi mộng, say mà không say. Người ta như được tiếp thêm sức mạnh, tinh thần sảng khoái. Cái say mà rượu làng Vân đem lại là cái say của sự nền nã, đằm thắm mà nếu thưởng thức rồi bạn chẳng thể nào quên…
Rượu Bàu Đá - vang danh đất võ
Rượu Bàu Đá bắt nguồn từ xã Nhơn Lộc, huyện An Nhơn. Đây là đặc sản của miền đất võ Bình Định. Rượu được đựng trong những bình hồ lô bằng sành để du khách mua về làm quà biếu, vì thế mà có thêm tên Bầu Đá.
Xóm rượu Bàu Đá ra đời muộn mằn so với các làng, xóm rượu trong vùng, đó là những năm 1947 - 1948, một số hộ gia đình: Ông Đinh Lý, Tám Cộng, Mười Mẫu, Ba Trương... mời ông Hương Lễ Nghè một nghệ nhân nổi tiếng nghề nấu rượu ở làng An Vinh, xã Bình An, huyện Bình Khê (nay là huyện Tây Sơn) tỉnh Bình Định sang dạy nghề nấu rượu, và cũng từ đây họ truyền nghề cho nhau, đến nay 40 hộ gia đình xóm Bàu Đá có đến 38 hộ chuyên nghề nấu rượu .
Rượu được nấu bằng gạo lứt nên có hương vị đặc trưng. Khi chưng cất không được vội vàng, phải dùng lửa liu riu mới vắt cạn được tinh chất gạo.
Người nấu rượu lâu năm không cần nếm cũng có thể thẩm định được chất lượng của rượu bằng cách lắng nghe tiếng rơi của rượu trong vại sành lúc chưng cất và hương rượu thoáng qua.
Đưa rượu lên rót nghe thánh thót trong veo, hơi rượu thơm nồng, nước rượu trong như pha lê. Rượu rót ra chén sủi bọt sủi tăm, uống vào không có cảm giác gắt, hay nóng cháy cổ, rượu Bàu Đá chính gốc lỡ khi bạn quá chén cũng không thấy đau đầu.
Rượu đế Gò Đen - “mỹ tửu” Long An
“Ăn nem Thủ Đức, uống rượu Bến Lức Gò Đen” đã là câu nói cửa miệng của người miền Nam. Loại rượu này ra đời từ thời Pháp thuộc. Thực dân cấm ta không được nấu rượu để chiếm độc quyền. Rượu chúng sản xuất không hợp khẩu vị nên người dân vẫn thường lén lút nấu.
Dân Gò Đen nấu rượu lậu trong đám đế (một loại cỏ thân cao) hoặc nấu xong cho vào bong bóng lợn, bong bóng trâu, giấu đi chờ bán. Rượu đế Gò Đen ra đời từ đó và tồn tại cho đến bây giờ.
Đế Gò Đen nấu thuần bằng nếp. Người dân nơi đây chăm chút từng hạt nếp, cục men, từng động tác chưng cất, pha chế để được loại rượu ngon nhất. Chọn nếp là bước quan trọng đầu tiên: những loại nếp hạt tròn, mẩy, có mùi thơm. trắng đục đều.
Thường là nếp mỡ và nếp mù u và nếp than đen tuyền được trồng chính tại địa phương. Sau khi nấu thành cơm nếp, để nguội thì rắc men vào ủ bằng loại men mài rễ thảo mộc hoặc men bí truyền chế từ các vị thuốc bắc: quế khâu, đinh hương, trần bì, quế chi, đại hồi cộng thêm nhãn lồng, trầu hương...
Đế Gò Đen nổi tiếng bởi rượu trong như nước mưa. Mỗi khi rót rượu vào ly, tiếng rượu chảy, vị cay nồng đã đủ làm say, làm khao khát lòng người uống.
Du lịch, GO!
Gò Quao có bún cà chơi
Ở Sóc Ven, xã Định An (Gò Quao), bún cà chơi là món bún mắm dân dã do bà con Khmer sáng tạo, được xem là “đệ nhất bún”, với mùi thơm ngon rất riêng, rất độc đáo, hương vị nồng nàn đến lạ. Chị Thị Cẩm Hồng, bán bún cà chơi lâu năm ở chợ Sóc Ven cho biết: “Khi tôi còn nhỏ, quê tôi đã có món bún cà chơi. Tôi rất thích hương vị bún, nhất là ngày mưa, ăn vào có thể giải cảm. Tôi chọn nghề nấu bún mắm cà chơi vì muốn đem món ngon dân tộc mình giới thiệu với mọi người”.
Cách nấu bún cà chơi khá cầu kỳ, phải thật chú ý khi nấu mới tạo được hương vị đặc trưng. Khâu chọn mắm nấu nước dùng rất quan trọng, phải chọn loại mắm chất lượng được làm từ cá đồng.
Con mắm ủ phải chín, thịt hồng, không nát, vẫn giữ mùi cá thơm ngon quyện với mùi thính ngào ngạt. Sau đó, chọn những con cá lóc đồng loại lớn, thịt chắc, đem nấu nước dùng. Cá lóc phải nấu vừa chín tới, không nát. Sau đó, vớt cá ra loại bỏ xương, chọn lấy thịt.
Để nồi nước dùng thêm thơm ngon, cần thả mắm vào nồi súp nấu cá lóc trước đó, thả và ninh từ từ mắm trong nồi nước dùng đang nghi ngút khói. Trong khi chờ nồi mắm sôi, thận trọng vớt từng đám bọt để nước dùng được trong. Chi tiết khá quan trọng là, sau khi vớt mắm ra lược bỏ xương thì cho hỗn hợp gồm củ ngải và sả băm nhuyễn phi cùng hành, tỏi thơm lừng vào nồi nước dùng. Lúc này nước bún có màu rất đẹp do mắm mang lại.
Người Khmer còn gọi củ ngải là củ cà chơi. Củ cà chơi nhỏ, thon dài bằng đầu ngón tay, có tác dụng bổ dưỡng, tăng cường sức đề kháng cơ thể, nhất là có tác dụng giải cảm. Bà con Khmer vẫn lưu truyền câu chuyện cảm động về củ cà chơi: “Xưa, có vợ chồng trẻ người Khmer sống hạnh phúc trong một khu rừng. Hàng ngày, người chồng trồng trọt và vào rừng đốn củi nuôi vợ con. Người vợ thương chồng làm lụng vất vả, luôn chăm sóc miếng ăn, giấc ngủ của chồng chu đáo. Do lao động quá vất vả, một lần gặp phải cơn mưa lớn, người chồng bị cảm nặng. Người vợ rất đau lòng, lặn lội khắp nơi tìm thuốc chữa bệnh cho chồng.
Nghe mọi người chỉ dẫn, cô vào rừng đào củ cà chơi đem về băm nhỏ nấu canh cho chồng uống. Thật kỳ lạ, người chồng uống canh xong, hết bệnh và thêm yêu thương vợ”. Về sau, người Khmer thường dùng củ cà chơi nấu với mắm chan vào bún, ăn kèm cá lóc, thịt heo ba rọi. Củ cà chơi cho vào nồi nước dùng vừa bổ dưỡng, vừa giúp món ăn thêm đậm đà. Với người Khmer, món bún cà chơi còn nhắc nhở con cháu ngày sau biết quý trọng nghĩa tình.
Bún cà chơi sẽ kém ngon nếu thiếu những phụ kiện hấp dẫn. Ngoài thịt ba rọi cũng có thể ăn kèm chả cá, thịt heo quay… để mùi vị bún thêm đậm đà. Rau dùng góp phần quan trọng trong món bún này. Thêm một ít rau muống bào sợi, bắp chuối non, hẹ, vài cọng rau thơm cho dĩa rau thêm màu sắc thì không gì ngon bằng. Chị Thị Thu Hiền (Sóc Ven) cười tươi bên tô bún thơm lừng: “Tôi rất thích ăn bún cà chơi. Bún rất ngon. Tôi đang học cách làm bún cà chơi để nấu cho người thân của mình thưởng thức”.
Bún cà chơi rất dễ ăn, thích hợp mọi khẩu vị khác nhau và giá cũng “mềm”, chỉ 10.000 đồng/tô, có bán rất nhiều ở chợ Sóc Ven. Quán ăn của chị Cẩm Hồng luôn đông khách, nhưng món bún cà chơi vẫn được khách lựa chọn nhiều nhất, bởi đến Sóc Ven, thực khách thường “khoái” bún cà chơi, dù quán có bán thêm nhiều món bún khác. Chị Cẩm Hồng chia sẻ: “Tôi mong có thêm người bán bún như tôi để món bún ý nghĩa này được nhiều người biết đến và trở thành thương hiệu riêng của quê tôi”.
Du lịch, GO! - Theo Cho Rach Gia.
Nguồn sưu tầm by Ngoan Trương Công
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét