1.Rụng tóc là gì
- Thông thường, người ta bị rụng 30 – 60 sợi tóc mỗi ngày và cũng có ngần ấy sợi tóc mới mọc. Bệnh rụng tóc được xác nhận khi số lượng tóc rụng mỗi ngày vượt quá 100 sợi.
2.Chu kỳ sinh trưởng của sợi tóc
- Trung bình, trên đầu của mỗi người có khoảng hơn 100.000 sợi tóc và chúng đều trải qua các thời kỳ: sinh trưởng, ngừng sinh trưởng và rụng. Thời kỳ sinh trưởng kéo dài 2 – 6 năm. Lúc đó, các tế bào tủy tóc phân chia dồi dào làm tóc liên tục mọc dài ra. Tốc độ sinh trưởng của tóc khoảng 1cm mỗi tháng. Tiếp theo là thời kỳ ngừng sinh trưởng kéo dài khoảng 2 – 3 tháng, tóc không mọc dài ra và cũng không rụng đi.
- Ở tuổi thành niên, có khoảng 5% số sợi tóc thuộc vào thời kỳ ngừng sinh trưởng. Khi hết vòng đời, chúng rụng đi nhưng lại được thay thế bằng một sợi khác đang mọc ra. Vào mùa xuân hay mùa thu, tóc hay bị rụng nhiều hơn. Những khi bạn nhìn thấy tóc rụng trong bồn rửa mặt, bồn tắm hay rải rác trong nhà là dấu hiệu không bình thường. Để kiểm tra có thể làm trắc nghiệm sau: sau 3 ngày gội đầu bằng dầu gội, kẹp một lọn tóc khoảng 10 sợi giữa hai ngón tay cái, tay trỏ và kéo mạnh. Nếu có hơn hai sợ bị rụng là dấu hiệu xấu.
3.Nguyên nhân gây rụng tóc
- Điều trị bệnh rụng tóc không đơn giản vì có nhiều nguyên nhân gây ra tình trạng này. Để chọn loại thuốc thích hợp, cần tìm ra yếu tố gây rụng tóc, chẳng hạn như dùng nhiều hóa chất, căng thẳng…
a.Rụng tóc do yếu tố cơ – lý – hóa
- Tết tóc, bện tóc quá chặt, tóc bị căng kéo, uốn tóc bằng lược nóng, hóa chất gây gãy, rụng, biến dạng. Để khắc phục, cần loại trừ các yếu tố cơ lý hóa gây rụng, gãy tóc.
- Tóc rụng thưa đều toàn đầu, tóc khô xơ xác, có thể suy nhược. Tóc sẽ mọc lại khi cơ thể hồi phục sức khỏe.
- Về điều trị, cho bệnh nhân uống bepanthen, vitamin C, B1, B6… và tăng cường dinh dưỡng trong ăn uống.
c.Rụng tóc Pelade
- Trên đầu có các đám rụng tóc hình tròn kích thước vài cm, da nhẵn như sẹo, tóc rụng nhẵn hoặc chỉ còn lại chấm đen, có một số sợi ngắn đen, mập “hình dùi cui” và một số sợi tóc như lông tơ, có khi rụng nhẵn toàn bộ da đầu.
- Nguyên nhân là rối loạn miễn dịch tại vùng rụng tóc. Về điều trị, cho bôi mỡ corticoid, uống corticoid từng đợt, ngoài ra có thể uống bepanthen, vitamin C, 3B, an thần, chiếu tia cực tím.
d.Rụng tóc liên quan androgen
- Còn gọi là chứng hói tiến triển, đầu tiên rụng tóc vùng trán tạo thành hình chữ M, sau rụng thưa đều vùng trán đỉnh, dần dần tóc rụng nhẵn vùng đó thành chứng hói đầu, nhưng vành tóc phía bên và sau gáy vẫn mọc tốt, lông mày, lông mi, râu cằm vẫn mọc, loại này điều trị còn khó khăn.
- Tại chỗ có thể xịt thuốc minoxidil ngày 2 lần mỗi lần 10 nhát (tương đương 1 ml). Có thể uống một trong các thuốc kháng androgen như cimetidin, spironolacton, cyproteron nhưng cần thận trọng.
- Một phương pháp được coi là khả quan nhất hiện nay là cấy tóc (hair transplantation).
e.Rụng tóc anagen
- Rụng tóc lan tỏa chủ yếu do thuốc, nhiễm độc, hóa trị liệu (chẳng hạn như các thuốc chống đông máu, chống u, chống động kinh, Parkinson, tránh thai, thuốc làm giảm cholesterol máu).
- Cách điều trị quan trọng nhất là bệnh nhân ngừng dùng các thuốc đó. Sau một thời gian dài hay ngắn, tóc sẽ mọc lại. Có thể cho bệnh nhân uống bepanthen, biotin.
f.Rụng tóc do tật nhổ tóc
- Là tật của một số người, cả trẻ em và người lớn, có yếu tố tâm thần kinh. Những người này có một cảm giác khó chịu không cưỡng lại được dẫn đến nhổ tóc, thường nhổ vào đêm lúc chưa ngủ được, lúc xem tivi hay khi cáu kỉnh, căng thẳng. Họ thường nhổ vùng đỉnh, phía trước và hai bên thái dương, khám thấy tóc không đều, chỗ thưa chỗ mọc tốt (do nhổ không thể đều các vùng), da đầu bình thường.
- Điều trị quan trọng nhất là thuyết phục bệnh nhân bỏ thói quen nhổ tóc; nếu da đầu có viêm nhiễm thứ phát cho bôi mỡ kháng sinh.
g.Rụng tóc do nấm tóc
- Bệnh này có thể lây từ người sang người do dùng chung mũ, lược hay lây từ các súc vật (chó, mèo…) sang người. Trên da đầu có đám mảng viêm đỏ giới hạn rõ hoặc không, có vảy trắng, có khi vảy trắng bao quanh chân tóc (dấu hiệu đi bít tất). Tóc bị phạt gãy còn lại mẩu ngắn cách da đầu 1-3 mm đến 1-2 cm, có khi chỉ còn lại chấm đen.
- Điều trị nấm tóc hiện nay có nhiều thuốc chống nấm tốt như mỡ clotrimazol, kem nizoral, lamisil, viên uống ketoconazol, nizoral, sporal.
4.Các biện pháp chống rụng tóc
- Chế độ ăn uống đủ chất: Chất đạm, chất khoáng và vitamin: Ảnh hưởng của dinh dưỡng đến mái tóc rất rõ rệt. Vitamin H (hay còn gọi là biotin H, vitamin B8), chất đạm, vitamin nhóm B và các chất khoáng có khả năng kích thích sự phát triển của tóc.
- Một nguyên nhân phổ biến gây rụng tóc ở phụ nữ là thiếu các chất khoáng do chế độ ăn kiêng “sợ béo”. Thường gặp nhất là phụ nữ thiếu chất sắt do kinh nguyệt nhiều hoặc kéo dài, người ăn ít thịt đỏ (thịt bò, thịt chó, thịt lợn lạc), ăn ít rau xanh, tươi. Có thể bổ sung bằng uống viên sắt như viên fumafer B9 corbière. Thiếu chất kẽm làm tóc kém phát triển, tóc trở nên mảnh, nhỏ, có màu vàng ố, không óng ả, tóc hay bị rụng. Kẽm có tác dụng định mức chuẩn tỷ lệ chất bã nhờn, chống một số chất độc, kim loại nặng, cho ta một mái tóc khỏe mạnh và sạch sẽ. Kẽm có nhiều trong gan, sò, thịt đỏ, cá, óc, trứng.
- Có rất nhiều vitamin làm bền vững tóc. Vitamin A thường xuyên cần cho quá trình sừng hóa lớp thượng bì, hình thành chất kêratin. Thiếu vitamin B2 không những làm mất màu tóc, tóc bị duỗi thẳng mà còn gây hói. Trong cơ thể, vitamin B6 tham gia quá trình trao đổi chất làm cơ năng của tế bào biểu bì khỏe hơn, có thể khống chế chốc đầu vì da đầu nhiều dầu. Thiếu vitamin C, các miệng nang lông nở rộng ra và bì sừng hóa nặng làm các tóc không thể mọc lên được. Vitamin D2, D3 thúc đẩy sự sinh trưởng tóc thông qua tác dụng đến chuyển hóa canxi, phốt pho, hệ thống thần kinh thực vật, các tuyến nội tiết. Để tạo thêm sinh lực cho tóc, có thể dùng vitamin B5, vitamin H, các acid amin có lưu huỳnh như mêthionin, có tác dụng tham gia vào quá trình tạo kêratin.
- Tránh tình trạng quá căng thẳng, stress mạnh. Theo các nhà chuyên môn, nguyên nhân chính dẫn đến rụng tóc ở phụ nữ là do stress trong công việc hằng ngày ngày càng tăng. Thường gặp ở phụ nữ khi có thai, sau khi sinh nở, sau phẫu thuật, ăn kiêng không hợp lý, quá mệt mỏi, bận rộn… Hậu quả của stress không chỉ thể hiện ở hiện tượng rụng tóc mà còn làm xấu làn da, da hay bị sần, có đốm và mẩn ngứa.
- Điều chỉnh các nội tiết tố: Đối với phụ nữ, tình trạng rụng tóc từng mảng thường liên quan đến sự tăng hoặc giảm nội tiết tố nam trong máu. Do ảnh hưởng của nội tiết tố mà chu kỳ phát triển của tóc bị giảm sút, chân tóc bị teo lại, không nâng nổi sợi tóc bình thường, làm rụng tóc. Sau đó, các sợi tóc mảnh hơn tiếp tục mọc lên ngày càng nhiều, những sợi tóc khỏe, cứng ngày càng giảm. Y học gọi là chứng rụng tóc do nam tính hóa mà về lâu dài sẽ gây hiện tượng thưa tóc. Trường hợp này cần được chữa tại các chuyên khoa da liễu, nội tiết.
- Dùng thuốc chống rụng tóc: Thuốc chống rụng tóc bổ sung các hoạt chất cần cho sự phát triển tóc ngay ở phần nuôi dưỡng da nằm dưới chân tóc. Phần lớn các thuốc chứa vitamin, chất khoáng và acid amin có hiệu quả cho các trường hợp chỉ bị rụng tóc nhẹ.
- Các biện pháp khác: Một biện pháp cho kết quả rất khả quan là cấy tóc nhưng cũng mất khá nhiều thời gian, tiền bạc và công sức. Tóc vốn mọc ra từ các nang tóc và tế bào nang được hình thành từ tế bào gốc nằm ngay bên cạnh nang. Một số nghiên cứu gần đây đã cho rằng có thể dùng loại tế bào gốc này để trị chứng rụng tóc, bệnh hói đầu và hơn nữa, có thể là một nguồn phát triển các tế bào gốc – những tế bào ban đầu của sự sống, có khả năng phát triển thành bất kỳ loại mô nào trong cơ thể.
- Nguồn sưu tầm by Ngoan Trương Công
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét