Chủ Nhật, 6 tháng 1, 2013

Lê Trọng Nguyễn: Giai Thoại, Ca Khúc và... Nắng Chiều


* Những ca khúc sáng tác sau 1950:

Chẳng hạn như bản ''Ngày Mai Trời Lại Sáng'' nghe nói anh đã sáng tác lúc 20 tuổi ở Liên Khu Năm.
Quán Bên Ðường (1950): Trên đường đi công tác thời kháng chiến, một đêm anh ghé trọ quán bên đường. Chủ quán là một cô gái chắc chắn vốn là dân trí thức vì anh thấy cô đọc toàn những sách Pháp ngữ. Một thời gian sau, có dịp anh trở về con đường cũ tìm lại thì quán đã không còn. Anh nghĩ rằng có thể cô gái chủ quán kia đã chết vì bom đạn rồi, cảm xúc trào dâng và anh sáng tác ca khúc này.

Nhưng có lẽ đối với anh Nguyễn đáng kể là bản “Dạ khúc” (1955): Khi người em gái duy nhất của anh qua đời, lúc cô mới 27 tuổi và vừa sanh con, Lê Trọng Nguyễn sáng tác ca khúc này diễn tả niềm đau thương luyến tiếc của ông. Lúc ấy, đứa cháu gái tên là Hồ Thị Thương Thương mới được 2 tháng rưỡi tuổi, đã được bà cụ sinh ra anh Nguyễn và sau đó là chính anh nuôi nấng cho đến ngày cháu khôn lớn.

“Chiều Bên Giáo Ðường”, Lê Trọng Nguyễn lấy cảm hứng từ khung cảnh của nhà thờ Huyện Sỹ, Sài Gòn, mà theo tác giả thổ lộ thì đây là ngôi nhà thờ đẹp nhất Việt Nam.
“Lá Rơi Bên Thềm” được viết nhạc tại Sài Gòn, kết tinh của thời gian chia sẻ hàn huyên thân mật nhất với nhạc sĩ Nguyễn Hiền. Cũng chính Nguyễn Hiền soạn lời cho bản này.
“Cung Ðiện Buồn” là kết quả nảy ra từ cảm hứng một chuyến Lê Trọng Nguyễn được Vũ Ðức Duy đưa vào thăm viếng vùng cung điện đền đài cổ xưa.
“Tìm Nơi Em” (1969) được sáng tác từ những cảm xúc ở trụ sở bán vé máy bay Air Việt Nam tại Sài Gòn.
“Let's Come Closer” (1983). Ðây là bài thơ tâm sự của Nguyễn Duy Liệu viết cho một người bạn gái của tôi, Lê Trọng Nguyễn Thị Nga. Trong thời gian 1982-1983, gia đình anh Liệu giao du rất thân mật với gia đình chúng tôi lúc ấy còn cư ngụ tại Phú Nhuận. Anh Liệu đã trao bài thơ này, và Lê Trọng Nguyễn xúc động mạnh như chính mình là người trong câu chuyện. Sau khi sáng tác ca khúc này, anh Lê Trọng Nguyễn có yêu cầu nhưng anh Liệu không muốn cho đề là 'lyric by NDL'.

* Giai thoại riêng về Nắng Chiều:
Năm 1950, anh Lê Trọng Nguyễn trở về ẩn náu tại quê nhà. Và năm 1953, anh sáng tác bản “Nắng Chiều”.
Hiệp Ðịnh Geneva ký kết xong, năm 1954 Lê Trọng Nguyễn ra Huế và Ðà Nẵng làm việc cho cơ sở thương mại ngoài đó. Cũng chính nơi đây, anh có dịp quen và làm bạn cho đến chót cuộc đời nghệ sĩ sáng tác của anh, với những Minh Trang, Dương Thiệu Tước, Kim Tước, Nguyễn Hiền v.v.. Và ca khúc Nắng Chiều được xuất bản trong lúc này. Người thâu tiếng hát đầu tiên bản Nắng Chiều vào dĩa nhựa là ca sĩ Minh Trang.

Giữa năm 1955, như đã trình bày ở trên về bản Dạ Khúc, người em gái duy nhất của anh Lê Trọng Nguyễn là Lê Thị Ba qua đời, anh quá đau buồn và đem bản Nắng Chiều ra ký giao kèo tái bản để có một món tiền tác quyền khiêm nhường đưa về quê cùng mẹ lo liệu cho em gái và chuẩn bị nuôi nấng cháu.

Năm 1957, Lê Trọng Nguyễn vào Sài Gòn. Ðúng dịp đoàn ca nhạc Nhật Bản sang thăm, ban nhạc Toho Geino có nhờ người chọn ra 12 bản nhạc Việt Nam đang nổi tiếng thời đó để chuẩn bị tập dượt và trình diễn tại Sài Gòn lẫn Nhật Bản, trong đó có bản “Nắng Chiều” và bản này đã được cô ca sĩ nhật Midori Satsuki hát. Năm 1960 Ki Lo Ha, một ca sĩ người Hoa, cô yêu mến bản Nắng Chiều nên viết sang lời Hoa ngữ và phổ biến bản này sang Ðài Loan và Hồng Kông. Nhờ mấy may mắn đó mà Nắng Chiều cứ thế được biết tới tại ngoại quốc...

Những ngày gần đây, Vũ Trung Hiền, Phạm Anh Dũng và tôi cùng nhau làm việc cho cuốn CD Collection #2. Nảy ra ý định thu được bản Nắng Chiều hát bằng tiếng Nhật, chúng tôi cố gắng vào Net để tìm tung tích bà Midori Satsuki, một người đã nổi danh hơn bốn mươi năm nay và vẫn còn hoạt động trên Ðài Truyền Hình Ðông Kinh. Và kết quả liên lạc được với nơi sản xuất CD ca nhạc bên Nhật nữa. Bà Midori Satsuki trực tiếp gọi phôn nói chuyện với tôi. Và sau đó được sự giúp đỡ của hai anh Ðỗ Thông Minh và Phan Hiên, bà Midori xác nhận vẫn còn nhớ bản Nắng Chiều.

Ðối với tôi, Nắng Chiều được hát bằng Hoa ngữ và Nhật ngữ từ 40 năm nay như một kỷ niệm đẹp bền của tình thân hữu văn hóa Á Châu. Nhưng đặc biệt bản Nắng Chiều bằng lời Việt mới có ý nghĩa hơn cả: Nó đã được viết ra từ trên nửa thế kỷ qua mà nay chúng ta nghe lại vẫn thấy sống động, bùi ngùi cảm động. Tôi muốn nói đến nét trẻ trung trường tồn của ca khúc Nắng Chiều trong nền âm nhạc Việt Nam - Á Châu.
 Lê Trọng Nguyễn Thị Nga
Nguồn sưu tầm by Ngoan Trương Công

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét