< Mâm cỗ không thể thiếu món nem.
Ăn chín uống sôi, đặc biệt là các loại động vật là thói quen văn minh của con người hằng ngàn năm nay. Tuy nhiên, cũng có một số loại thực phẩm ăn theo kiểu gỏi thì ngon và dinh dưỡng hơn như gỏi cá, gỏi tôm. Người Nhật, người Hàn xơi đều đều cá biển sống có sao đâu, lại còn sống thọ là khác.
Ở nước ta, cũng có một số loại thực phẩm không cần nấu chín mà để lên men hay để khô tự nhiên ăn khá ngon như nem chua, đậu phụ nhự, trâu gác bếp...
Có những người ăn thủy tinh, đất sét, mút, nhựa... đó là những dị nhân rồi. Kể cả anh Ngô Văn Tùy ở đảo Lý Sơn xơi tất cả các loại động vật đều sống như cá, rắn, giun, gián, chuột... cũng thuộc hàng dị nhân. Nhưng có một ngôi làng ở vùng biển Thái Bình mà ở đó, nam phụ lão ấu đều xơi thịt heo sống thì quả là một hiện tượng.
Ăn sống vô tư, không lo đau bụng
Đó là làng Vị Thủy thuộc xã Thái Dương, huyện Thái Thụy, tỉnh Thái Bình. Ngôi làng này rất đẹp, nằm lọt giữa hai con sông. Con sông cuối làng nặng đỏ phù sa cung cấp nước cho ruộng đồng, con sông đầu làng nước xanh ngắt thoát ra biển. Đường làng thẳng tắp, cây cối xanh rì, quả là phong thủy hữu tình!
Ở Vị Thủy, từ đám cưới, đến đám ma, đám giỗ, tân gia... đều không thể thiếu các món chế biến từ thịt heo sống. Người nổi tiếng làm món thịt heo sống ở làng Vị Thủy là ông Đinh Văn Chính. Ông Chính bảo, mấy chục năm làm món thịt sống, song ông chưa từng thấy ai bị đau bụng, bị tào tháo rượt sau khi ăn.
Để món ăn này an toàn, những người chế biến cũng phải có những nguyên tắc bất di bất dịch. Đó là không được rửa thịt qua nước lạnh. Các đồ chế biến như dao, thớt cũng không được rửa bằng nước lã, mà nhất thiết phải rửa bằng nước sôi hoặc bằng nước sôi để nguội pha muối loãng.
Nếu là thịt mua ở chợ, đã để ra ngoài vài tiếng, thì người ta thường nhúng vào nước sôi vài giây, để vi trùng bám ngoài miếng thịt chết. Còn thịt cắt ra từ con heo vừa mổ thì không cần nhúng nước, vì theo người dân nơi đây, nếu thịt chín tái sẽ giảm độ ngọt khi ăn.
Chỉ đàn ông mới làm được
Điểm chính khiến món ăn này an toàn là tỏi. Để chế biến một ký thịt sống, phải cần đến một bát đầy tỏi bóc lõi. Tỏi được giã giập, rồi trộn với thịt sống đã băm nhuyễn cho đều. Tỏi sẽ làm nhiệm vụ tiêu diệt toàn bộ vi trùng, virus, giun sán có trong thịt. Vì đã trộn một lượng tỏi lớn vào thịt, nên không cần vắt chanh vào thịt, không cần để lên men, có thể ăn ngay sau khi chế biến.
Hầu hết người làng Vị Thủy từ các cụ già cho đến thanh niên đều chế biến được món thịt sống. Và chỉ đàn ông mới làm được món này, chưa thấy người phụ nữ nào làm được cả. Đàn ông ở Vị Thủy đều rất giỏi giang trong việc nấu ăn. Phụ nữ thường chỉ làm được vài món đơn giản, không làm được món phức tạp, cỗ lớn.
Nguồn gốc của món thịt sống này từ đâu? Theo một số cụ già ở Vị Thủy thì ông tổ lập ra làng có họ Phạm, di cư từ Thanh Hóa ra vùng ven biển này cách đây khoảng 700 năm. Mà Thanh Hóa thì vốn nổi tiếng với món nem chua nên món thịt sống ở Vị Thủy có lẽ cũng là một nhánh của nem chua. Có điều người Vị Thủy không dùng men gì hết, không cần phải đợi vài ngày để nem chín, băm thịt sống ra là lên đĩa chén ngay.
Đến xương cũng ăn sống
Người làng Vị Thủy không chỉ ăn món thịt sống, mà họ còn ăn cả xương heo sống. Xương sườn được tách ra từ con heo vừa mổ xong, để nguyên cả lớp thịt nạc dày chừng 0,5 - 1cm bám ở ngoài. Người ta cũng dùng sống dao rựa dần đều tay, cần mẫn. Chính vì băm xương, nên loại thớt phải là thớt nghiến, bền, cứng, không lên mùn.
Để băm được 1kg xương sườn nát nhừ, phải mất 2-3 tiếng đồng hồ, do đó, người không có tính kiên nhẫn, thì không thể chế biến được món này, vì nếu cứ băm hùng hục, rồi lại nghỉ, xương sẽ nhừ không đều, mà chỗ nát, chỗ lổn nhổn, ăn lạo xạo. Băm xương đến khi nào sờ thấy mịn, mát tay thì rắc thêm mì chính, bột canh, mắm cốt cho đậm đà. Các loại rau thơm như mùi tàu, răm cũng được trộn vào xương băm nhuyễn.
Khi những khúc xương đã nhừ thành một thứ bột mịn, dẻo quánh, thì trộn gạo rang đã giã thành bột vào. Những giọt nước chảy ra trong quá trình băm xương được giữ lại, trộn vào để món xương dẻo quánh, đỡ khô. Món này được người Vị Thủy gọi là chạo.
Vì món ăn này tốn kém thời gian nên ít được sử dụng. Nó thường chỉ xuất hiện trong các bữa giỗ. Con cháu tụ họp cùng băm chặt chan chát trong ngày giỗ cho vui tai, tăng thêm sự gần gũi, tình cảm.
Du lịch, GO! - Theo Thế giới & Hội nhập.
Ngọt ngào ẩm thực Quy Nhơn
Bánh hỏi
Khi đĩa bánh hỏi được bày ra trước mắt bạn, nó sẽ thực sự ấn tượng với sự giản dị bởi màu trắng của bánh và màu xanh của lá hẹ thái nhỏ rắc đều trên bánh, có thêm chút dầu làm bánh bóng mượt hấp dẫn hơn. Và khi bạn chấm bánh với nước mắm nhĩ pha với chanh ớt, thì vị ngon mát dịu của bánh khiến bạn muốn ăn thêm. Ở TP. Quy Nhơn các quán bánh hỏi thường bán cả cháo lòng, vì món bánh này thường được ăn chung với lòng lợn (heo) hoặc thịt quay.
Điều đặc biệt là trong các đám giỗ, bánh hỏi cùng với bánh tráng nướng là món được dùng để cúng tổ tiên. Tại các nhà hàng, khách sạn, bánh hỏi là món thường có trong thực đơn dành cho du khách, nhưng nếu muốn đi dạo thăm thú phố phường thì bạn có thể ăn ngay tại quán vỉa hè với giá chỉ 5.000 đồng là có thể thưởng thức một suất bánh hỏi đầy ắp hương vị dân dã mộc mạc, rất ngon lành.
Bánh canh
Đây không chỉ là món ăn riêng biệt của Quy Nhơn, vì bánh canh Trảng Bàng – Tây Ninh cũng rất nổi tiếng, nhưng nó là món ăn mà du khách đến thành phố biển này bao giờ cũng phải tìm để thưởng thức bằng được.
Chả cá được làm từ cá tươi nên vừa ngọt, vừa thơm. Bánh canh của Quy Nhơn có hai loại: Có loại được làm từ bột gạo và có loại thì làm bằng bột lọc (bột mì hay bột năng) thái sợi tròn dài, mềm và dai, nước dùng (nước lèo) của món bánh này thường được nấu bằng gân bò, nấm rơm và thêm với các loại rau gia vị (hoa chuối thái chỉ, húng quế, xà lách…) làm cho món ăn có hương vị thơm ngon vô cùng hấp dẫn.
Quan trọng nhất là chả cá Quy Nhơn được làm từ cá tươi như: cá mối, cá thu, cá thửng, cá chuồn, cá rựa…và món bánh canh sẽ thật sự thơm ngon nếu món chả cá được làm từ cá thu, cá mối và cá rựa. Có hai loại chả cá: Chả hấp và chả chiên (rán): nếu là chả chiên thì sẽ làm bánh canh thơm, còn nếu là chả cá hấp thì khi ăn sẽ có vị ngon ngọt hơn.
Với những người cầu kỳ trong ăn uống, thì lấy lòng đỏ trứng thoa đều lên mặt chả rồi mới đem chiên hoặc hấp để chả có màu vàng óng trông đẹp mắt và ăn lại ngon hơn. Và cho dù cách chế biến món chả cá có như thế nào thì khi thưởng thức món bánh canh chả cá của biển Quy Nhơn, hương vị mà thực khách khó có thể quên được là thơm, ngọt, mềm, dai và sẽ đậm đà ấn tượng hơn nếu thêm vào đó một chút tương ớt đậm đặc.
Chiều chiều, trên nhiều con phố của Quy Nhơn rất nhiều hàng bánh canh bày bán với giá từ 5.000đ/tô, nếu ăn thêm chả cuốn thì thêm 3.000đ. Nhìn khay chả cá chiên vàng thái thành từng miếng, hành lá thái nhỏ, hành củ chẻ thành sợi thêm đĩa chanh cắt thành từng miếng nhỏ, bên tô nước mắm tương ớt đậm đặc. hương vị biển, ai cũng mong muốn được thưởng thức.
Khi tô bánh canh nghi ngút khói nổi bật với những lát chả cá vàng ươm, lẫn chả cuốn, trứng cút, màu xanh của hành lá, màu trắng của hành củ, thêm chút tiêu, mắm ớt…khiến mùi vị trở nên hấp dẫn vô cùng.
Bún cá Quy Nhơn
Đây là món mà nhiều thực khách gọi đó là đặc sản của thành phố biển xinh đẹp này. Và nó thực sự là một món ăn ngon nổi danh khắp 3 miền Bắc – Trung – Nam. Những sợi bún dài trắng muốt được điểm với những lát chả cá vàng ươm, mắm ớt đỏ tươi, cay cay, chua chua khi được trộn thêm chút nước cốt chanh và ăn cùng với đĩa rau sống đủ vị.
Nổi tiếng nhất phải kể đến bún cá trên đường Nguyễn Huệ, nhưng bạn cũng có thể dạo quanh bất cứ con phố nào và chọn một hàng bún cá bất kỳ trên các con phố để thưởng thức món ăn đặc biệt này theo cách riêng của bạn.
Bánh bèo
Chỉ với 3.000đ hoặc 5.000đ là bạn có thể sở hữu một đĩa bánh bèo ngon tuyệt. Đĩa bánh trắng muốt được rắc hành thái nhỏ, thêm vào chà bông cá hoặc tôm, dưới nước mắm ớt đã pha sẵn có vị chua chua ngọt ngọt, làm hương vị của bánh ngon mà không ngấy.
Quy Nhơn là thành phố còn có rất nhiều món quà vặt khác nữa sẽ hợp khẩu vị cả những thực khách khó tính và sành ăn nhất. Cùng một lúc bạn có thể thưởng thức tất cả các món ăn được bày bán trên một con phố mà chỉ với vài chục ngàn đồng. Ngon, rẻ và không bị "chặt chém” như ở nhiều thành phố du lịch mà tôi đã từng qua.
Du lịch, GO! - Theo ĐĐK
Nguồn sưu tầm by Ngoan Trương Công
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét