Thứ Ba, 1 tháng 1, 2013

Trở lại Giàn Gừa khổng lồ ở Cần Thơ

Trong hai ngày 19 và 20-3-2012 (tức ngày 27 và 28-2 âm lịch) vừa qua, Khu di tích văn hóa Giàn Gừa (ấp Nhơn Khánh, xã Nhơn Nghĩa, huyện Phong Điền, TP Cần Thơ) đã tổ chức lể vía Bà Thương Động Cố Hỉ. Lễ hội thu hút trên 10.000 lượt người từ khắp nơi đến tham dự.

< Giàn Gừa rộng 4.000 mét vuông, thân và cành gừa đan quyện nhau chằng chịt.

Hai ngày nầy, Khu di tích Giàn Gừa (Giàn Gừa) đã diễn ra một số lễ hội hấp dẫn, như múa lân, đánh quyền, múa kiếm, múa côn, múa thương, múa võ bộ... Đêm vào đám có biểu diễn đờn ca tài tử do nhóm đờn ca tài tử ấp Nhơn Khánh biểu diễn. Trưa ngày lễ chính, có múa bóng truyền thống, do hai bóng từ Vị Thủy (Hậu Giang) phục vụ. Hai bà bóng nầy, từ 5-6 năm nay, năm nào đến lễ vía Bà cũng đều đến phục vụ.


< Cổng vào khu di tích văn hóa Giàn Gừa.

Con đường trước Giàn Gừa nằm cặp rạch Bà Thợ, hai đầu đường có hai cổng với hai tấm bảng màu vàng chữ đỏ: "Khu di tích văn hóa Giàn Gừa". Qua cổng, có tấm bảng chính, ghi: "Cổ Miếu Bà Thượng Động Cố Hỉ", cũng chữ màu đỏ trên nền sơn vàng. Hai bên cổng là cặp liễn đối: “Thánh miếu uy linh đạo đức muôn đời pháp hoa thịnh / Cổ tự hùng oai chánh giáo vạn kiếp tân trung hưng”.

Hai bên cổng là hàng rào sắt trên bờ tường cẩn đá xanh được sơn phết đẹp đẽ. Cảnh quan càng thêm hấp dẫn nhờ những lá cờ đuôi nheo treo dọc treo ngang cùng hàng bao nhiêu khách thập phương đen đặc lẫn trong những bàn ghế phục vụ ăn uống miễn phí cho mọi người.

Năm nay, ngày vía chính, Giàn Gừa cúng Bà 3 con heo quay; sau lễ, xẻ thịt phục vụ khách thập phương “hưởng lộc”. Không khí náo nhiệt với tiếng trống, tiếng loa phóng thanh vang vang những lời giới thiệu, khác hẳn với không khí nhiều năm trước, khi chúng tôi đến đây, hết sức vắng lặng.


< Khách thập phương dự hội trong ngày vía Bà.

Lúc bấy giờ, ông Phan Ngọc Sơn là một người bảo vệ khu vực này đã cho chúng tôi biết, ông cố bà ngoại vợ anh bảo từ nhỏ đã thấy Giàn Gừa nầy. Thời chiến tranh chống Mỹ, Giàn Gừa bị pháo bắn sập hết một phần. Trước năm 1989 nơi đây có nhiều cò, phần bị con người săn bắn, phần môi trường sống thay đổi (vườn thay ruộng) nên chỉ còn một ít chim cư trú.

Nhưng bây giờ, theo ông Nguyễn Hữu Phước (Bảy Phước), cho biết những thông tin khác biệt về khu Giàn Gừa. Vì là phó ban văn hóa – xã hội Khu di tích văn hóa Giàn Gừa nên số liệu ông Bảy Phước cung cấp có lẽ chính xác hơn.

Theo ông, giữa thế kỷ 19, năm Đinh Tỵ (1857), có một người họ Nguyễn từ sông Tiền đến đây khai hoang, khẩn đất, lập nghiệp. Giữa bao la đất rừng đó đã có giàn gừa, rộng trên một hécta (10.000 mét vuông), ăn sang con rạch Bà Thợ. Đất của ông nhiều nên người ta gọi ông là ông Cả (Cả Nguyễn). Hiện nay phần đất có giàn gừa vẫn là đất của ông Cả Nguyễn, hậu duệ ông nay đến đời thứ 6.

Để khẩn hoang, ông cho đấp đập làm ruộng, làm rẫy. Việc khai thác đất chẳng may gây ra hỏa hoạn làm cháy hết giàn gừa. Tai nạn nầy kéo theo tai nạn khác khá huyền bí, là con cháu ông Cả bị bịnh chết rất nhiều. May mắn, có ông Bảy ở núi ghé qua, bảo phải trồng lại cây gừa thì mới qua khỏi kiếp nạn. Bởi giàn gừa là nơi Bà ngự. Nay cây cháy, Bà không chỗ nương náu. Con cháu ông Cả vâng lời trồng lại cây gừa, lập miếu thờ Bà Cố Hỉ bằng cây lá, rồi xây xi măng vào năm 1989.

Ông Bảy Phước cho biết mỗi năm Giàn Gừa có một lễ chính và 2 lễ phụ. Lễ chính vào ngày 28-2 âm lịch (ngày trồng lại gừa và lập miếu Bà Cố Hỉ, cách nay 155 năm), cầu mong quốc thái dân an, mưa thuận gió hòa, làm ăn phát đạt.... Đêm 27 nhóm họp, phục vụ văn nghệ, đờn ca tài tử. Sáng ngày 28 cúng heo trắng, có múa bóng rỗi. Tục cúng heo trắng, chè, xôi, bông hoa, múa bóng có từ sau 1975. Trước đó chỉ cúng đầu heo.

Ngoài ra Giàn Gừa còn hai lễ khác, tính theo dương lịch là ngày 27-7 (ngày Thương binh - Liệt sĩ) và ngày 22-12 (ngày Quân đội Nhân dân Việt Nam), vì nơi đây từng là nơi đóng quân, là căn cứ cách mạng trong suốt hai cuộc kháng chiến chống Pháp đuổi Mỹ của nhân dân ta. Trong khuôn viên Giàn Gừa, bên phải cổng vào có đền thờ Bác Hồ và bàn thờ Mười cô gái hy sinh tại Ngã ba Đồng Lộc, xây dựng năm 2011.

Giàn Gừa hiện nay rộng đến 4.000 mét vuông với tán gừa nầy nối với nhánh gừa nọ, đan quyện nhau, cành nhủi xuống đất đâm rễ thành cây, không dứt; không chỉ trong khuôn viên mà còn “bò” ra bên ngoài, vượt qua rạch Bà Thợ, phát triển thêm. Giàn gừa quá lớn rộng nên máy chụp hình “bó tay”, chỉ có máy quay phim mới “diễn tả” hết tầm vóc khổng lồ của nó.

< Miếu Bà Cố Hỉ Thượng Động.

Giữa giàn gừa có ngôi miếu nhỏ bằng gạch với cặp liễn hai bên cửa miếu. Đó là miếu Bà Thượng Động Cố Hỉ. Năm 2009, được sự ủng hộ của chánh quyền địa phương, Giàn Gừa trở thành khu di tích văn hóa, sửa sang khá nhiều. Ngoài xây hàng rào với hai tấm bảng chính, còn đắp tượng hai con kỳ lân màu vàng chói chào đón khách vào cổng, tượng hai con cọp trắng, cọp vàng hầu hai bên Miếu Bà Cố Hỉ.

Dù ở một nơi heo hút nhưng khách viếng Giàn Gừa từ nhiều nơi trong các tỉnh khu vực đồng bằng sông Cửu Long và TPHCM, do một người đến, về “truyền khẩu” cho nhiều người khác... Bình quân ngày thường Giàn Gừa có từ 60 khách, dịp Quốc khánh 2-9-2011 lên đến con số trên 2.000 người. Tết Nhâm Thìn 2012, từ mồng 2 tết đến gần cuối tháng Giêng, mỗi ngày có đến 300 khách viếng. Năm 2011, lễ cúng chính thu hút 6.000 người. Khách đông phải mướn lực lượng bảo vệ trông giữ xe. Khu di tích văn hóa Giàn Gừa là một điểm tham quan du lịch sinh thái, một giá trị di sản văn hóa độc đáo của chẳng riêng gì ấp Nhơn Khánh.

Du lịch, GO!- Theo TBKTSG .
 Nguồn sưu tầm by Ngoan Trương Công.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét