Thứ Sáu, 4 tháng 1, 2013

Những nhịp cầu chứng nhân - Kỳ 3

Ân tình trên bến Cà Tang

Được khánh thành cuối năm 2005, cầu Nông Sơn đã bảy mùa mưa nắng gắn liền những nhịp đời lam lũ của người dân quanh bến Cà Tang, xã Quế Trung (Nông Sơn, Quảng Nam).

< Cầu Nông Sơn đầy tình nghĩa.

Chứng nhân ân tình

Những khối sắt thép bêtông dù đã ngả màu xám xịt nhưng Nông Sơn mãi mãi là chứng nhân cho ân tình đồng bào khắp miền đất nước, xoa dịu nỗi đau chìm đò làm 18 em nhỏ thiệt mạng trên bến Cà Tang gần 10 năm trước.

< Dòng Thu Bồn êm ả.

Chúng tôi trở lại bến Cà Tang vào một ngày tạnh ráo, nước sông Thu Bồn êm ả luồn qua những trụ cầu Nông Sơn. Không có cái am thờ màu vàng nhạt nằm sát mé sông nghi ngút khói hương thì người ở xa đến chẳng thể hình dung bến sông này đã từng xảy ra vụ chìm đò tang thương.

Nếu có một kỷ lục về quyết định xây dựng cầu thì Nông Sơn có lẽ là cây cầu được quyết định khởi công nhanh nhất. Quyết định ấy được đưa ra ngay bên hành lang kỳ họp Quốc hội vào buổi sáng 23-5-2003. Những phóng viên theo dõi cuộc họp Quốc hội ngày ấy vẫn nhớ trong giờ giải lao, chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam lúc ấy là ông Nguyễn Xuân Phúc (nay là phó thủ tướng Chính phủ), sau cuộc điện thoại rất dài với Phó chủ tịch tỉnh Lê Minh Ánh đã quay sang báo tin cho các phóng viên về quyết định khởi công xây dựng cây cầu, và phải khởi công ngay trước mùa lũ năm ấy.

Vậy là chưa đầy bốn ngày sau vụ chìm đò, việc xây cầu Nông Sơn đã được quyết định. Nhưng nỗi đau đáu phải có một cây cầu bắc qua bến Cà Tang thì đã sôi lên trong lòng người dân cả nước ngay trong buổi sáng 21-5-2003.

Khi những dòng tít chạy dài như vành tang trắng về vụ chìm đò trên trang nhất của rất nhiều tờ báo. Cho dù chưa ai phát động, chưa biết cây cầu sẽ tên gì, chưa biết xây ra sao và khi nào sẽ xây, nhưng nỗi rưng rưng và tấm lòng của đồng bào cả nước cứ ào ạt hơn cả dòng nước Thu Bồn mùa lũ tràn về bến Cà Tang.

< Bến phà Ca tang cạnh cầu dành cho xe tải.

Ở báo Tuổi Trẻ, ngay trong ngày đầu tiên, ngoài gần 40 triệu đồng giúp gia đình 18 em nhỏ, đã có 115 triệu đồng của bạn đọc góp xây cầu. Bạn đọc đầu tiên gửi gắm với Tuổi Trẻ về việc xây cầu cho đến giờ cũng chưa ai biết tên. Chỉ biết vài giờ sau khi báo phát hành, một người đàn ông trung niên đã đến gửi lại 300.000 đồng, kèm mảnh giấy với dòng chữ: “Tha thiết đề nghị báo Tuổi Trẻ đứng ra tổ chức nhận những tấm lòng khắp đất nước để bến Cà Tang có một cây cầu”. Để rồi số báo ngày 23-5, Tuổi Trẻ là nơi đầu tiên đứng ra vận động quyên góp “Vì một cây cầu cho trẻ em Nông Sơn”. Chỉ trong một tuần, hơn 1 tỉ đồng đã được bạn đọc gửi đến Tuổi Trẻ để xây cầu Nông Sơn, và cho đến lúc cầu được hoàn thành là 2,8 tỉ đồng, con số kỷ lục của một đợt quyên góp vào thời điểm ấy của Tuổi Trẻ.

Và ở nhiều tờ báo khác, nhiều cơ quan khác, nhiều miền đất khác trong cả nước, câu chuyện đau thương ở bến Cà Tang, về cây cầu phải có, cứ làm cho dự án cầu Nông Sơn liên tục thay đổi.

Ban đầu tỉnh Quảng Nam dự định chỉ xây một cây cầu treo vì tỉnh nghèo chỉ trích ngân sách được 1 tỉ đồng, còn lại nhờ thêm Bộ GTVT, các công ty xây dựng và các tấm lòng khác đóng góp. Nhưng cuối cùng không phải cầu treo mà là một cây cầu bêtông với vốn đầu tư lên đến 21 tỉ đồng, hình thành nên một chứng nhân Nông Sơn vững chãi bây giờ.

Xoa dịu nỗi đau

Bến Cà Tang sau gần 10 năm vụ chìm đò thảm khốc, nỗi đau vẫn không thể theo sông chảy về xuôi. Nhưng cầu Nông Sơn ra đời đã âm thầm nâng đỡ cho cư dân trong vùng thêm no ấm. Mọi thứ trên bến đò xưa đổi thay từ ngày có cây cầu.

Con đường cũ chạy dọc xuống bến sông lởm chởm đá ngày trước đã được đổ bêtông phẳng lì. Một tuyến đường mới dài gần 1km nối từ đầu dốc bến đò chạy thẳng lên phía nam đầu cầu san sát nhà xây. Tuyến đường ĐT 610 nối từ quốc lộ 1 ở Duy Xuyên kéo đến bến đò rẽ làm hai lối dọc theo mé sông. Lối đi mới khai sinh từ khi có cầu theo hướng tây tạo thành một vành đai song song với dòng sông kéo thẳng tới Hòn Kẽm Đá Dừng. Vùng đất trù phú với hai biền dâu xanh bừng tỉnh khi có cây cầu bắc qua. Những ngôi làng biệt lập với xóm dưới của ngọn núi Cà Tang, chỉ biết đi bằng đò, ghe dọc theo sông Thu Bồn, đã nhiều đời nằm mơ cũng không nghĩ có ngày kiếp đò giang cách trở sẽ khép lại.

Buổi sáng, đứng ở đầu cầu dễ dàng bắt gặp những chiếc xe máy chở đầy bắp, sắn, khoai lang và củi khô... chạy từ những ngôi làng nhỏ bên kia sông về chợ Trung Phước bán. Những chuyến xe Minsk cũ kỹ chất đầy cá biển lao vút trong sương sớm hướng về phía thượng nguồn của dòng sông. Những chiếc xe đạp của các cô cậu học trò hối hả qua cầu để đến lớp. Cái bến đò bên dưới cây cầu ngày trước bây giờ chỉ là bến cập phà để xe tải quá khổ chở than. Vừa đón khách, tay pha trà, ông Nguyễn Thanh Hải, chủ một quán cà phê sát đầu cầu, tâm sự: “Không ai nói ra nhưng người dân trong vùng hiểu rằng nếu không có các em mất đi thì chắc hẳn chưa có cây cầu này. Cây cầu ra đời từ một nỗi đau nhưng chừ thì chính nó đang xoa dịu nỗi đau nớ...”.

Nhắc đến các em nhỏ, ông Trần Văn Sáu, một người bố may mắn khi con trai của mình là Trần Thanh Phúc thoát chết trong chuyến đò chiều hôm đó, khoe: “Mấy chục đứa học sinh khóa nớ ở bên ni đầu cầu đều nên người chú ạ! Các em nhỏ thoát chết, cố học rồi cũng thành người có ích. Em đi du học ở Nhật, em học ở Nga, có mấy em học xong ở TP.HCM, Hà Nội... Có em làm việc cho Công ty than Nông Sơn”. Thằng Thanh Phúc, con trai ông Sáu, cũng là nhân viên của công ty than nơi ông từng công tác.

Những người ở lại đều thấy rõ sự đổi thay, nhưng với những người ra đi sau buổi chiều đau xót đó, mọi thứ dường như khựng lại. Ông Sáu bùi ngùi: “Nhiều gia đình bạn tôi đã dọn đi nơi khác. Mỏ than này đa số thợ mỏ người ngoài Bắc nên họ âm thầm ra đi về quê cũ. Nhiều người có điều kiện hơn cũng dọn đi vì họ không muốn bám víu một vùng đất cơ cực và hiểm họa rình rập con cái họ như vậy...”.

Dẫn chúng tôi ra bờ sông, dưới chiếc am thờ màu vàng nhạt, ông Sáu thắp nén nhang khấn nguyện. Năm nào cũng vậy đến ngày giỗ các em, ông Sáu và nhiều phụ huynh khác trong làng cũng ra bờ sông để nhang khói, quét sơn lại am thờ.

< Bảng ghi nhận tấm lòng vàng của cả nước ven đường lên cầu.

Những niềm vui mới lẫn nỗi đau cũ vẫn còn đây trên bến Cà Tang. Và có lẽ vì thế sự vững chãi của Nông Sơn đâu chỉ cần cho những chuyến ngược xuôi của người dân vùng sơn cước Cà Tang. Chứng nhân ân tình ấy còn là nơi để xoa dịu và nhắc nhớ cho tất cả về chuyến đò tang thương năm nào.
Du lịch, GO! - Theo Tấn Vũ, Nguyễn Sự (TTO).
Nguồn sưu tầm by Ngoan Trương Công 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét