< Mái Lăng, một trong những nét đặc trưng trong tổng thể kiến trúc công trình Lăng Ông.
Đây không chỉ là khu di tích kiến trúc có giá trị nghệ thuật mang đậm nét văn hóa truyền thống Việt Nam mà còn là niềm tự hào của người dân Nam bộ.
Lăng Ông Bà Chiểu hay còn gọi là Lăng Ông, là cách gọi phổ biến của người dân địa phương đối với miếu Thượng Công, nơi thờ Đức Thượng Công, danh xưng dân gian phong cho Tả quân Lê Văn Duyệt.
< Di tích Lăng Ông với nét đẹp uy nghiêm, cổ kính.
Lăng nằm ngay khu vực ngã ba Bà Chiểu, xưa thuộc làng Hoà Bình, tỉnh Gia Định, nên nhắc đến Lăng Ông thường đi đôi với địa danh Bà Chiểu.
< Tượng Tả quân Lê Văn Duyệt đúc bằng đồng nguyên chất dựa trên mẫu chân dung của ông in trên tờ giấy bạc 100 đồng lưu hành tại Sài Gòn năm 1966.
Ngày nay, khu lăng mộ với diện tích còn lại khoảng 18.500 m2 toạ lạc uy nghi giữa giao điểm của bốn con đường thuộc khu vực quận Bình Thạnh, Tp. Hồ Chí Minh. Xung quanh có thêm khuôn viên thoáng đãng, xanh mát mở ra một không gian sinh hoạt công cộng lý tưởng dành cho người dân.
< Trung điện - nơi bài trí các đồ thờ tự, thể hiện uy quyền và phẩm hàm của Tả quân Lê Văn Duyệt.
Cổng lăng trổ ra bốn hướng, phía Nam là cổng lớn Tam Quan nổi tiếng với 4 chữ Hán “Thượng Công Miếu” khắc nổi ở bên trên. Cổng lớn này một thời được chọn làm hình ảnh biểu tượng của đất Sài Gòn - Gia Định.
< Giếng cổ được phát hiện trong quá trình tu bổ lại khuôn viên bao quanh Lăng Ông.
Lăng nằm trên một gò đất cao hình lưng rùa, được cho là vị thế “đắc địa”. Theo quan niệm địa lí Đông phương học, nơi được chọn đặt âm phần của quan Tổng trấn nằm vào long mạch, hợp với “địa linh nhân kiệt”, vì thế sẽ mang lại tài lộc, sự an lạc đời đời cho dân chúng cư ngụ trong vùng.
< Lê Công Bi Đình, tên gọi văn bia ca tụng công đức của Tả quân Lê Văn Duyệt đối với triều đình và nhân dân.
Lăng Tả quân Lê Văn Duyệt được xây cất vào năm 1832 ngay sau khi ông qua đời. Năm Tự Đức thứ 2 (1849), nhà vua cho thực hiện một cuộc trùng tu lớn, lập thêm miếu thờ, cấp đất tu sửa cả khu hoàn chỉnh như ngày nay.
Gần hai thế kỷ trôi qua với nhiều lần tu sửa và tôn tạo, quần thể Lăng Ông được gìn giữ bao gồm cả miếu thờ Ông lẫn lăng mộ, nơi mà bá tánh quen gọi là mộ “song hồn”, vì bên cạnh mộ ông có thêm mộ bà Đỗ Thị Phận, vị chánh thất phu nhân của Tả quân. Cách xa nơi ông bà nằm vẫn còn mộ hai cô hầu cũng được liệt vào hàng cổ tích. Ngôi mộ song hồn xây theo hình nửa quả trứng lật úp nằm trên hai tấm liếp, đây là phần kiến trúc cổ kính nhất của toàn cảnh Lăng Ông.
< Ngà voi và xương hàm cá Ông ở khu trung điện của miếu thờ.
Khu miếu thờ thoạt nhìn giống một ngôi chùa Trung Hoa, nhưng thực tế miếu được dựng theo cấu trúc đình Nam Bộ, khung nhà ba gian bao gồm tiền điện, trung điện và chánh điện, mỗi gian điện thờ cách nhau bằng một sân thiên tỉnh (giếng trời). Đối xứng hai bên trục nhà chính là hai dãy Đông lang và Tây lang. Công trình mang dấu ấn của kiến trúc triều đình Nguyễn ở Huế với những vật liệu như gỗ gạch, vôi vữa… Vật liệu cũng như kĩ thuật kết cấu đều kế thừa kiến trúc cổ truyền Việt Nam, đồng thời có sự cách tân tạo nên độ vững vàng, hài hoà, thích ứng với khí hậu nhiệt đới phương Nam.
< Tục phóng sinh cầu phúc vào ngày Rằm hàng tháng tại Lăng Ông.
Bộ mái nhà hai tầng đồ sộ của miếu là điểm nhấn đặc sắc trong tổng thể kiến trúc với những mái được thiết kế theo lối "trùng thiềm điệp ốc" (mái chồng lên mái) gợi nên hình ảnh những chiếc thuyền rồng cheo leo. Bên cạnh đó, kĩ thuật chạm khắc gỗ, khắc đá, chạm thủng qua kim loại, khảm sành sứ đậm chất Huế… cũng nói lên đặc tính của loại hình kiến trúc cung đình Huế thời bấy giờ.
<Thắp nén hương tưởng nhớ tới Tả quân Lê Văn Duyệt.
Nhờ vào tài năng điêu luyện của các nghệ nhân Việt Nam mà đồ án trang trí tại đây trở nên rất sinh động, gần gũi với cuộc sống dân gian. Những hoa văn trang trí khu lăng mộ vừa mang ý nghĩa phản ánh hiện thực vừa biểu lộ niềm tin và ngụ ý chúc phúc.
< Sinh hoạt tín ngưỡng của người dân Sài Gòn tại Lăng Ông.
Tả quân Lê Văn Duyệt lúc sinh thời là bậc kì tài quân sự, ông là nhà chính trị song toàn, một trong những khai quốc công thần của triều Nguyễn. Ở cương vị Tổng trấn, Lê Văn Duyệt đã đóng góp công trạng rất lớn vào việc bảo vệ và phát triển bờ cõi phía Nam của Tổ quốc. Những quyết sách cách tân táo bạo tuy mâu thuẫn với quan điểm của triều đình nhà Nguyễn lúc bấy giờ nhưng lại cho thấy ông là người có tầm nhìn xa trông rộng, nhất là qua phát kiến và chỉ huy đào kênh Vĩnh Tế, con kênh mang tầm chiến lược quan trọng vào bật nhất ở đồng bằng sông Cửu Long, đưa nền kinh tế vùng “đặc khu” ngày càng đạt đến sự thịnh vượng.
< Khuôn viên rộng lớn của Lăng Ông với nhiều cây xanh là nơi khởi nguồn sáng tác cho nhiều nghệ sĩ.
Từ lâu hình tượng Tả quân Lê Văn Duyệt đã đi vào tâm thức của người dân Gia Định và miền Nam nước Việt. Dân gian coi ông như một vị thần nên các nghi thức tưởng nhớ ông đã trở thành hoạt động tín ngưỡng dân gian. Vì thế, hàng năm, dân chúng vẫn thường tổ chức ngày lễ giỗ Đức Thượng Công và lễ khai ấn đầu năm để tưởng nhớ đến công lao của ông.
Cho đến nay, lịch sử tuy vẫn có những góc nhìn khác nhau về cuộc đời Lê Văn Duyệt, nhưng công lao của ông trong việc tạo dựng nên một vùng thành Gia Định tấp nập và hưng thịnh thuở xưa thì ai ai cũng phải kính nể. Trải qua bao nhiêu thăng trầm của thời cuộc, “Thượng Công miếu” vẫn sừng sững uy nghiêm minh chứng cho một thời kì mở cõi hào hùng của dân tộc.
Du lịch, GO!
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét