< Một góc làng Cù Lần.
Mới hơn 8 giờ sáng một ngày hạ tuần tháng 02. 2012 đã có đoàn khách du lịch đầu tiên 45 người đến từ cơ sở lưu trú Đà Lạt, vượt nhanh hơn 20 cây số đường nhựa đến Làng Cù Lần ngoạn cảnh. Hòa trong dòng du khách “xông đất” ngày mới này, tôi ngồi lên chiếc xe Jeep dập dềnh lội suối, len lỏi băng rừng trên hơn 4 cây số đường chênh vênh đất đá.
Đây là chiếc xe Jeep địa hình có tải trọng 6 người, đi hết vòng đi- về Khu du lịch Làng Cù Lần với giá 240 ngàn đồng, cả lộ trình thỏa sức ngắm nhìn những hàng cây cù lần nhấp nhô bao bọc ven hồ, ven suối; có khi dừng lại bước xuống xe đi qua lắc lư với 2 chiếc cầu treo dài hơn 100m; rồi trở lại trên xe lội giữa dòng suối rạt rào đá cuội để bất ngờ dựng lại dưới chân rừng già đánh thức những chú cù lần ngồi cuộn tròn như ngủ vùi bất động trên cành cây…
Anh Văn Tuấn Hùng, phụ trách Khu Du lịch Làng Cù Lân, ngồi cùng tôi trên chiếc xe Jeep đưa tay phác thảo một vòng không gian 20 ha của khu du lịch này. Theo đó, Khu Du lịch Làng Cù Lần khai trương đón khách từ ngày 1/1/2012 sau gần 3 năm đầu tư xây dựng của Công ty GBQ đến từ thành phố Hồ Chí Minh.
Tọa lạc trên địa giới thôn Suối Cạn, xã Lát, huyện Lạc Dương, Lâm Đồng, những hạng mục đầu tư xây dựng ở Khu Du lịch chủ yếu thiết kế tôn nạo nét đẹp hoang dã, tự nhiên của rừng đồi, hồ, suối, cây cỏ…Mỗi khách du lịch vào cổng với chiếc vé 30 ngàn đồng, được đạp xe đạp địa hình vòng quanh trên thảm cỏ tự nhiên rộng trên dưới 1 ha.
Người lớn, trẻ em cũng được thả hồn mình trên những cánh diều bay bổng trên không trung từ dưới thảm cỏ này. “Neo đậu” trên vách đồi, ven hồ, giữa rừng cây..là 15 căn nhà sàn nghỉ chân với mái tranh, trụ gỗ để trống vách rộng rãi, thoáng mát bốn bề… cũng hoàn toàn miễn phí, không giới hạn thời gian.
Vào đây du khách được tự do mang theo đồ ăn, thức uống, cầm đàn guitar ngân nga hát bổng trầm, mặc cho hàng ngàn cây cù lần bên hồ đung đưa cánh lá giữa muôn ngàn sắc xanh thăm thẳm của rừng.
Cũng có nhiều du khách với sở thích lội bộ giữa rừng Làng Cù Lần, được bồng bềnh bước từng bước chân qua chiếc cầu phao dài chừng 50 mét, bắc qua bên góc của con hồ rộng hơn 10 ngàn mét vuông.
Một nhóm 4 người có thể bước lên chiếc bè cây tầm vông, chống sào đẩy bè lướt trôi tròn xoay khắp hồ. Hoặc một nhóm 3 người bước lên chiếc thuyền gỗ độc mộc, khua từng nhịp chèo rẽ nước giữa tiếng gió ngàn hun hút. Hoặc thong thả ngồi bên những bụi gốc cây cù lần, buông câu xuống hồ chờ phao chìm để nhấc cần lên bắt những con cá rô phi, mè, chép, trắm…cân nặng mỗi con từ nửa ký trở lên.
Bên trên một bậc cấp của hồ, nhóm du khách khác có thể chọn dịch vụ cưỡi ngựa trên thảo nguyên thu nhỏ rộng 1 ha. Rồi chờ đêm xuống, cùng nắm một vòng tay lớn quanh bếp lửa bập bùng, chếnh choáng men rượu cần cùng những vũ khúc tưng bừng của cồng chiêng bản địa Tây Nguyên.
Trước khi rời khỏi Khu Du lịch Làng Cù Lần để hẹn ngày trở lại, du khách thường kịp sử dụng quỹ thời gian cuối cùng để tham quan phòng tranh của các họa sĩ trong nước với hơn 100 bức tranh sơn dầu, sơn mài, bột màu… thể hiện tính biểu cảm, tính thẩm mỹ qua từng hình ảnh con người, sự vật.
Cứ thế khách đến rồi khách ra về, sau hai tháng đi vào hoạt động, Khu Du lịch Làng Cù Lần đã thu hút đáng kể lượng khách đến tham quan, một ngày trung bình đón 200- 300 lượt khách; một ngày cao điểm trong dịp tết vừa qua đón đến 500-600 lượt khách.
“Bao bọc Khu Du lịch Làng Cù Lần là khoảng 200 ha đồi rừng, gồm 150 ha rừng thông thuần loại và 50 ha rừng lá rộng, chúng tôi đang lập dự án xin nhận quản lý bảo vệ để tiếp tục tôn tạo độ phủ xanh trên toàn bộ khu du lịch… ”- Người phụ trách Vũ Tuấn Hùng cho biết thêm.
Được biết, Khu Du lịch Làng Cù Lần đã và đang xây dựng hoàn thành thêm 11 căn nhà nghỉ dưỡng theo lối kiến trúc nhà sàn Tây Nguyên, mỗi căn nhà có 2 phòng ngủ với đầy đủ tiện nghi sinh hoạt, sẽ chính thức đưa vào hoạt động vào tháng 5.2012. Như vậy, không chỉ có ban ngày mà có cả qua đêm lưu trú để du khách được hòa mình gần gũi, tận hưởng tinh thần thư thái, yên bình mang lại từ không gian sinh thái Làng Cù Lần.
Du lịch, GO! - Theo Lâm Đồng
Nguồn sưu tầm by Ngoan Trương Công
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét