Thứ Ba, 1 tháng 1, 2013

Chùa Đất Sét – Ngôi chùa độc nhất vô nhị ở Việt Nam

Chùa Đất Sét còn có tên là Bửu Sơn tự, tọa lạc tại đường Tôn Đức Thắng, P.5, TP Sóc Trăng, được thành lập từ những năm đầu thế kỷ 20, đến nay đã trên 100 năm. 
Từ một am nhỏ cất bằng tre lá, qua nhiều lần trùng tu của gia đình họ Ngô, chùa đã có được kiến trúc như hiện nay. Đến đây, du khách sẽ ngạc nhiên khi tận mắt chứng kiến trên 1.800 pho tượng Phật lớn nhỏ, lư hương và tượng các linh thú... đều làm bằng đất sét. Ngoài ra, ngôi chùa còn được biết đến với tám cây đèn cầy cao 2,5 ~ 2,6m, cân nặng tổng cộng 1,4 tấn.

NGƯỜI NÔNG DÂN TÀI HOA VÀ CÔNG TRÌNH CÓ MỘT KHÔNG HAI

Theo lời kể của con cháu họ Ngô – Chùa Đất Sét (Bửu Sơn Tự) là ngôi chùa của gia tộc họ Ngô được xây đầu thế kỷ XX. Lúc ban đầu, chùa được cất bằng những vật liệu đơn sơ sẵn có tại địa phương như cây, tre, lá. Nên chùa dễ bị hư hại, mục nát phải thường xuyên tu bổ.

Năm 1928, Ông Ngô Kim Tòng nằm mơ thấy Phật đến chỉ bảo cho ông đi về hướng Tây để lấy đất sét về xây đắp tượng mà thờ. Tỉnh dậy ông quyết làm theo lời Phật dạy. Ông lấy đất sét, phơi thật khô, sau đó giã nhuyễn, lọc bỏ tạp chất rồi trộn với những chất keo tự nhiên tạo thành hỗn hợp dẻo, thơm. Để tạo hình, ông dùng lưới kẽm, cây gỗ dựng khung, lấy vải màn bao lại mới đắp đất lên, rồi dùng kim nhũ, dầu bóng phủ lên.

Sau 42 năm (1928 – 1970) người nông dân chưa hề học qua điêu khắc, chỉ với đôi tay khéo léo, tài hoa và tấm lòng thành luôn hướng về Phật, cộng với sức lao động bền bỉ phi thường, ông đã tạo ra hàng ngàn bức tượng Phật và hình khối với những họa tiết vô cùng tinh xảo toàn bằng đất sét. Nào là tượng A Di Đà, Thích Ca, Quan Thế Âm Bồ Tát, Khổng Tử... Ngoài ra còn có lư hương và các hình thú như: Kim Lân, Thanh Sư, Bạch Tượng, Bạch Hổ, Long Mã.
 
Trong số những công trình làm bằng đất sét trong chùa, có ba công trình được đánh giá cao nhất về ý tưởng, cách tạo hình, sự kỳ công:

Đầu tiên phải kể đến tòa Đa Bảo 13 tầng, 208 cửa, 208 vị Phật, 156 con rồng uốn khúc chầu quanh đỡ mái tháp. Đây là công trình đòi hỏi kỹ thuật cao, nghệ thuật tinh tế. Tiếp sau đó là Bảo Tòa trụ thế chuyển pháp luân, trên có đài sen gồm 1.000 cánh hoa sen, 1.000 vị Phật với nhiều sắc thái biểu cảm khác nhau.
Tác phẩm cuối cùng của ông và được nhiều nhà khoa học đánh giá cao là cây đèn được gọi là Lục Long Đăng, treo trên trần ngay giữa chính điện. Lục Long Đăng gồm 3 chóp đỉnh với 6 con rồng lớn uốn cong, đuôi chụm vào nhau, đầu trổ ra các phía. Đáy đèn là một bông sen nâng đỡ. Thiết kế chi tiết tinh vi, lại có trọng lượng khá nặng, vậy mà treo gần thế kỷ qua, nó hầu như không biến đổi.
NHỮNG CÂY NẾN CHÁY TRĂM NĂM

Những năm cuối đời, ông tạm ngừng đắp tượng, tiến hành đúc nến. Ông Ngô Kim Tòng đã mua sáp nguyên chất từ Sài Gòn về, nấu chảy ra rồi mới đúc nến. Do các cây nến này có kích thước quá to, không có khuôn nào đúc, nên ông Tòng đã dùng tôn lợp nhà làm khuôn đúc. Ngày nay ta nhìn thấy các gợn sóng quanh thân nến chính là các rãnh trên tấm tôn ngày xưa.

Lao động cật lực trong nhiều tháng thì 8 cây nến hoàn thành. Trong đó: 6 cây lớn (3 cặp), mỗi cây nặng 200 kg cao 2.5m, đường kính 0.5m, ước tính mỗi cặp sẽ cháy liên tục hơn 70-80 năm và hai cây nhỏ mỗi cây nặng 100 kg, cao 1.3m, đường kính 0.5m.
Năm 1970, ông Tòng qua đời và 2 cây nến được thắp lên. 41 năm qua, hai cây nến nhỏ nhất vẫn chưa cháy hết (còn cháy được khoảng 5 năm nữa) Điều đặc biệt là trong suốt hơn 40 năm, hai ngọn nến này chưa một lần bị tắt vì bất cứ nguyên nhân gì, kể cả khi bão thổi bay mái chùa hay nước ngập trong lòng chùa đến đầu gối.

Gần nửa thế kỷ qua, những du khách và cả những nhà khoa học khi đến đây đều kinh ngạc, không thể lý giải nổi tại sao một con người xuất thân từ nông dân, chỉ mới học hết lớp 3 và không hiểu biết gì về nghệ thuật hội họa hay điêu khắc lại có thể tạo nên cả một công trình công phu, tinh xảo, độc đáo đến vậy.

Du lịch, GO!- Theo DatMui
Nguồn sưu tầm by Ngoan Trương Công 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét