Thứ Năm, 14 tháng 3, 2013

Tại sao phải ăn chay ngày mùng 1, 8, 15…?

- Vấn đề ăn chay là để trưởng dưỡng lòng từ bi đối với các loài động vật và cũng để giảm bớt nghiệp sát cho chính bản thân của người ăn chay.

Ăn chay càng nhiều ngày…càng quý
Nếu ăn chay bất cứ ngày nào trong tuần và tu tập tâm thương người mến vật cũng đều được, mấy ngày ấy đều trở nên cát tường quý báu cả.
Theo tài liệu ghi trong Buddhismtoday thì vấn đề ăn chay như là một pháp môn tu đầu tiên. Vì thế, để khuyến khích Phật tử hạn chế nghiệp sát và trưởng dưỡng lòng từ bi vốn có trong chúng ta.

 Ăn chay càng nhiều ngày càng quý
Bởi vậy, trong buổi đầu tu học Phật, chư Tăng Đại thừa đã chọn các ngày trong tháng như mùng 1, 8, 14, 15, 18, 23, 24, 28, 29 và 30 để tiêu chuẩn hoá các ngày ăn chay. Song tuỳ theo sự phát tâm của mỗi người để thực hành việc ăn chay với thời gian khác nhau là 2 ngày, 4 , 6 hoặc 10 ngày.

Khi đức Phật còn tại thế có truyền thống của cả Nam truyền và Bắc truyền, vào ngày mùng 1 và 15 âm lịch, chư Tăng đều tụ họp lại tại một trú xứ nào đó gần nhất để kiểm thảo, nhắc nhở lẫn nhau.

Do đó, hai ngày này trở thành ngày hội của chư Tăng lúc bấy giờ. Và cũng từ đó, hai ngày này có ý nghĩa quan trọng trong Phật giáo không những cho hàng xuất gia mà cả cho hàng cư sĩ tại gia.

Sau này các bậc Tổ sư đã giới thiệu 2 ngày (mùng 1 và 15 - PV) hàng Phật tử tại gia không nên dùng huyết nhục của loài động vật và cũng để nuôi lớn lòng bi mẫn đối với chúng sinh.

Tại sao đức Phật không chọn ngày khác mà lại chọn mùng 1 và 15  âm lịch?
Theo thầy Thích Giác Hoàng (Trang tin Đạo Phật ngày nay) thì việc thành lập truyền thống tụng giới của Tăng đoàn là vì nhu cầu chung. Đức Phật không bao giờ đặt ra một đạo luật, giới điều để thiết chế tăng đoàn khi sự kiện đó chưa xảy ra.

 Thiền sinh ăn chay tại khóa tu mùa hè
Ngày Bố tát (ngày chư Tăng nhắc nhở nhau về giới pháp để tu hành – PV) cũng tương tự, không phải do Đức Phật tự đặt ra mà do vua Tần-bà-sa-la thưa với Đức Phật chọn ngày truyền thống tổ chức.

Theo đó, họ biết quy tụ vào ngày mùng 8, 14, 15 của nửa tháng đầu, tương tự tụ họp vào ngày 23, 29 và 30 cho nửa tháng sau ở tại một nơi để thuyết giảng cho cho tín đồ.

Cũng theo câu chuyện trên, Đức Phật không rập khuôn với những truyền thống khác mà chỉ cho phép các vị Tỳ-kheo tụng giới và kiểm thảo vào ngày 14 hoặc ngày 15 và tương tự cho nửa tháng sau là cuối tháng hoặc đầu tháng tới.

Đó là nguyên nhân Phật giáo có ngày hội họp vào 14 hoặc 15, cũng như 30 cuối tháng hoặc đầu tháng (âm lịch) của mỗi tháng, đương nhiên là chư Tăng sẽ ăn chay vào những ngày này.

Tại sao khi Phật tử phát tâm ăn chay một tháng: 4 ngày, 6 ngày, 10 ngày thì lại chọn một vài ngày khác như là mùng 8, 14 , 23, 24, 28 và 29?
Các ngày đó được phân bố đều trong tuần của tháng. Để nhắc nhở các Phật tử thường xuyên tu tập tâm từ bi đến với các loài động vật mà không nỡ giết để làm thực phẩm cho mình.

Đấy cũng là phương pháp gieo nhân lành, tránh nghiệp sát để kiếp sau khỏi phải trả nợ máu cho chúng sinh. Được biết, truyền thống này cũng được các Phật tử tại Ấn Độ thời đức Phật còn tại thế đã thực hiện tu tập Bát Quan Trai Giới (thọ trì 8 giới, tập tu giống như một vị xuất gia trong một ngày - PV).

  Ăn chay để trưởng dưỡng lòng từ bi
Theo thầy Thích Giác Hoàng, vì để tổ chức hoá thời gian nên ăn chay cũng như đến chùa lễ Phật, tụng kinh…các bậc Tổ Sư, Thánh triết sau này đã chọn ngày đầu tháng thay vì ngày 30.

Nhằm nhắc nhở hàng Phật tử một tháng đã đi qua, khởi điểm của một tháng mới. Người Phật tử nên sống như thế nào để có ý nghĩa trong tháng này.

Ngoài ra đức Phật dạy con người do các duyên mà thành, thế giới vạn hữu này cũng do các duyên mà thành, tất cả đều cộng trụ tương sanh và tương diệt.

Sự hiện hữu của cái này cũng là sự hiện hữu của cái kia, sự vắng mặt của cái này cũng là sự vắng mặt của cái khác, đây là định lý “duyên khởi pháp”. Mọi sự vật hiện tượng đều tác động và chịu ảnh hưởng lẫn nhau.
Phương Bối (Kienthuc.net.vn)
Nguồn sưu tầm by Ngoan Trương Công

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét