Thứ Năm, 14 tháng 3, 2013

Lạc Sơn Đại Phật, kỳ tích trong vách đá Thê Loan

Bức tượng nằm trong lòng núi, kì vĩ, huyền bí mặt hướng ra Nga Mi Sơn, dưới chân là Dương Tử Hà.
Lạc Sơn Đại Phật là ngôi tượng lớn được tạc vào trong đá ở dãy núi Thê Loan, khởi công từ những năm 700. Bức tượng được đẽo sâu vào trong vách núi, hướng mặt ra chỗ hợp lưu của ba con sông Mân Giang, Đại Độ và Thanh Y một nhánh của dòng Dương Tử ở tỉnh Tứ Xuyên, Trung Quốc, gần thành phố Lạc Sơn.
 
Bức tượng quay mặt về dãy núi Nga Mi hùng vĩ, với con sông chảy ngày đêm dưới chân này được công nhận là bức tượng tạc trong đá lớn nhất thế giới và là một trong những Di sản văn hóa của UNESCO.
 
Bức tượng được khởi công vào năm 713, bởi một nhà sư tên là Hải Thông. Nhà sư hy vọng rằng, nhờ có sự che chở của đức Phật, dòng nước cuồn cuộn ở sông Mân Giang sẽ yên ả hơn, giúp thuyền bè dễ dàng đi lại.
 
Truyền thuyết kể rằng, khi công trình bị đe dọa dừng lại vô thời hạn vì thiếu ngân sách, nhà sư đã hi sinh cả đôi mắt của mình để giãi bày tấm lòng và kêu gọi nhân dân và vương triều Trung Hoa.
 
Tuy nhiên, sau khi ông viên tịch, việc thi công bức tượng vẫn bị chậm trễ do thiếu ngân sách. Phải đến 70 năm sau, nhờ có sự hỗ trợ của nhà nước phong kiến Trung Quốc, công trình mới hoàn thành vào năm 803 theo tâm nguyên của cao tăng đắc đạo.
 
Sau khi bức tượng được xây xong, dòng nước quả nhiên đã êm hơn và tàu bè đi lại trong khu vực cũng dễ dàng hơn. Tuy nhiên, theo các nhà khoa học, chính việc đẽo tượng trong núi đã khiến rất nhiều đất đá từ vách núi rơi xuống dòng sông, khiến nước đổi dòng, trở nên lặng sóng hơn.
 
Bức tượng Lạc Sơn Đại Phật cao 71 mét, tạc hình đức Phật đang ngồi với hai bàn tay thư thả đặt trên chân. Vai của tượng rộng 28 mét và chiều cao của ngón chân út cũng đã bằng với chiều cao của một người khi ngồi.


Sững sờ vẻ đẹp linh thiêng động Nghìn Phật

 Con đường Tơ Lụa nay đã hoang vắng, nhưng động Nghìn Phật vẫn sừng sững giữa thiên nhiên.

Động Nghìn Phật nằm ở tỉnh Đôn Hoàng, giữa hoang mạc Gobi, trên con đường Tơ Lụa danh tiếng năm nào.
Về lý do xây dựng động đá và những bức tượng Phật, có truyền thuyết kể rằng: Năm 366, cao tăng Lạc Tôn Vân chu du trên dải đất này, nhìn thấy kim quang lấp lánh trên núi, ẩn hiện hình tượng nghìn mắt nghìn tay. Ông biết rằng đây là vùng đất Phật, bèn đào một hang động thờ Phật ở chân vách phía Đông núi Ô Sa.

Sau này, thiền sư Pháp Lương tiếp tục công việc, xây thêm nhiều động đá khác nhau và các bức tượng Phật bên trong.
Hang động ở Đôn Hoàng được vinh danh là thiên hạ đệ nhất động bởi sở hữu một quần thể lên tới 492 hang động và hơn 2.400 bức tượng Phật, cùng vô vàn bức bích họa, trải dài trên diện tích 45.000 m2.

Hơn 1.000 năm trôi qua, con đường Tơ Lụa nay đã hoang vu, nhưng động đá vẫn giữ vẹn nguyên vẻ đẹp trong con mắt du khách thập phương hành hương về đất Phật.

Những bức tượng nổi tiếng nhất ở Đôn Hoàng là hai bức tượng Phật và một số tượng Bồ Tát trong động thứ 248, là đỉnh điểm của nghệ thuật điêu khắc Trung Quốc.

Phong cách nghệ thuật của những bức bích họa trong động Đôn Hoàng chịu ảnh hưởng của 2 phong cách bích họa Trung Nguyên. Các bức theo phong cách Tào gia có hình Phật mặc áo cà sa nhiều nếp gấp, vải mềm như bị ướt nước. Phong cách thứ 2 là phong cách bích họa đời Đường, chú trọng vào quần áo, cân đai của nhân vật.

Trong động có chứa Kinh Phật với 5 vạn bản kinh chép tay, tư liệu lịch sử, tranh lụa, tranh khắc gỗ và các tác phẩm thư pháp, được ca tụng là “Thư viện trên vách đá”. Khối lượng khổng lồ này đòi hỏi một phòng tranh dài 25km mới đủ để trưng bày hết, chẳng khác gì những kì động chứa bí kíp được mô tả trong những câu chuyện kiếm hiệp.






Nguồn sưu tầm by Ngoan Trương Công
(daophatngaynay) 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét