Thứ Năm, 14 tháng 3, 2013

Miến Điện : Chùa Vàng thăng trầm cùng dân tộc

       Đoàn chúng tôi sau khi đi chiêm bái Chùa Đá Vàng (hòn Đá Thiêng) từ quận Thaton, tỉnh Mon về Thành phố Yangon (Ngưỡng Quang), ngày hôm sau chúng tôi đến chiêm bái một thánh tích thờ tóc của đức Phật Thích Ca Mâu Ni đó là Chùa Vàng (Shwedgon Pagoda) và Bảo tháp 60 tấn vàng (Sáu mươi tấn). 

Ngôi cổ tự nguy nga tráng lệ này toạ lạc trên ngọn đồi Shinguttara, phía Tây hồ Kandawgyi. Ngôi Cổ tự này còn được gọi là Chùa Vàng, nơi có ngôi Bảo Tháp trung tâm dát vàng, chung quanh là quần thể gồm hàng trăm ngôi chùa mái cong, hàng trăm ngôi Tháp xung quanh, lộng lẫy với những tượng Phật bằng vàng ròng, ngọc quý, đồng đen mạ vàng, gỗ quý, đá quý được điêu khắc và chạm trổ cực kỳ tinh xảo… Tất cả làm nên một không gian tâm linh trang nghiêm thế giới Phật với không gian thu hẹp vài km vuông.
Theo ghi chép lịch sử và truyền tụng nhân gian Miến Điện thì Chùa Vàng (Shwedagon Pagoda) đã tồn tại hơn 2.600 năm, là một ngôi Chùa cổ xưa nhất tại Miến Điện  và trên thế giới. Khởi nguyên ngôi chùa này được hình thành là do hai anh thương gia tên Taphussa và Bhallika từ Miến Điện sang Ấn Độ buôn bán và hai người đến đảnh lễ đức Phật Thích Ca Mâu Ni, cung kính dâng cúng mật ong và thực phẩm, sau đó hai người đã được đức Thế tôn truyền thụ Tam quy y – Ngũ giới, trở thành Phật tử đầu tiên của đất nước Miến Điện, hai Phật tử này được đức Phật ban cho tám sợi tóc để làm tín vật tôn thờ. Sau khi trở về cố hương tâu việc nầy lên triều đình và được vua Okkalapa cho xây Bảo tháp (ngôi chùa Shwedagon-ngôi Bảo Tháp). Tại đây còn lưu giữ 4 báu vật thiêng liêng, gồm cây gậy của Phật Câu Lưu Tôn, cái lọc nước của Phật Câu Na Hàm, một mảnh Cà sa của Phật Ca Diếp, và mấy sợi tóc của Phật Thích Ca.
Đây là một kỳ quan của thế giới và là niềm tự hào của dân tộc Miến Điện. Ngôi đại Già Lam có 4 hướng đi vào và mỗi lối đi đều có mái che thoáng mát. Những trụ cột cũng được chạm trổ rất tinh xảo. Mỗi lối lên có một cặp sư tử thần (chinthe-狮子神) canh gác thưởng thiện phạt ác. Lối phía Đông và phía Nam có rất nhiều cửa hàng văn hóa phẩm phật giáo. Tại các bậc thang cuối của lối lên phía Nam có chân dung hiện thân thứ hai của Phật, tức là Phật Câu Na Hàm.
Khách du lịch nước ngoài mua vé vào cửa 5USD/người, đi bằng thang máy lên đến ngôi Bảo Tháp cao nhất, trước khi lên Bảo Tháp tất cả mọi người phải gởi giầy dép phía dưới. Càng đi càng tiến lên cao và ở một độ cao trung bình thì đã thấy được chân của Bảo Tháp. Bảo Tháp chính cao 99 mét và đường kính khoảng 300 mét. Toàn thân Bảo Tháp đều dán gạch bằng vàng. Nghĩa là những viên gạch được đúc bằng vàng dán trùm khắp Bảo Tháp để chịu đựng với phong sương tuế nguyệt trãi hơn 2600 năm lịch sử.
Đế tháp bằng gạch, dát bên ngoài là những tấm vàng. Trên đế tháp là sân hiên mà chỉ có chư Tăng và nam giới được phép đi vào. Tiếp theo là phần hình chuông của tháp. Trên phần hình chuông là phần mũ tháp. Trên phần mũ tháp là phần giả như các cánh sen. Trên phần giả các cánh sen là phần có hình dáng hoa chuối, rồi trên nữa là phần hình vương miện. Phần hình vương miện còn gọi là lọng (hti) được nạm 5.448 (năm ngìn bốn trăm bốn mươi tám) viên kim cương và 13.664 (mười ba ngìn sáu trăm sáu mươi bốn) viên hồng ngọc. Trên cùng là cánh hình cờ và ở vị trí cao nhất là búp kim cương, gắn một viên kim cương 76 (bảy mươi sáu) carat (15g). Chúng ta có thể nhìn búp kim cương bằng mắt thật qua kính viễn vọng.
Vàng giát quanh Bảo Tháp là những tấm vàng dát mỏng được các thợ thủ công chế tác bằng kỹ thuật truyền thống. Quý Phật tử và du khách thập phương mua các tấm vàng để cúng dường giát vào Bảo Tháp. Việc dâng cúng vàng giát này bắt đầu có từ thời Hoàng hậu Shin Sawbu.
Ban đêm quần thể ngôi Bảo Tháp sáng rực bởi ánh đèn laser phản chiếu, như một quả cầu vàng, rất to nổi bật trong màn đêm, trên cao và xa hơn là áng mây mờ cùng ánh trăng rằm ngời sáng, những ngọn nến lung linh màu sắc hòa quyện cùng âm vang của những tiếng chuông  chùa ngân nga, khói hương trầm nghi ngút, thật là một bức tranh huyền ảo, siêu thực.
Bảo Tháp từng bị hư hại suốt một thời gian dài và được Vua Binnya U trùng tu lại. Ban đầu, Bảo Tháp cao khoảng hơn 8 mét. Đến khi vua Binnya U trùng tu lần nữa, Bảo Tháp được nâng lên hơn 20 mét. Hoàng hậu Shinsawbu (1453–1472) trùng tu nâng cấp Bảo Tháp cao thành 40 mét. Hoàng hậu còn cho lát gạch quả đồi và trên đỉnh đồi sân chùa lát đá.
Năm Mậu Thân (1608), một toán quân Bồ Đào Nha do Thống đốc Philip de Brito e Nicote (quốc tịch Pháp-bị xử tử tại Miến Điện vào tháng tư năm 1613-Quý Sửu) đã cướp phá chùa. Chúng cướp đi quả chuông đồng lớn mang tên Dhammazedi nặng 300 (ba trăm) tấn do Vua Dhammazedi đã cúng dường. Thống  đốc Philip de Brito e Nicote định cho quả chuông hóa thành vũ khí (nấu chảy quả chuông để đúc đại bác). Nhưng khi trở qua sông Bago, chuông bị chìm và đến nay vẫn chưa được tìm ra.
Những trận động đất vào thế kỷ 17 đã làm ngôi Đại Già lam này bị thiệt hại nghiêm trọng. Trận động đất dữ dội năm Mậu Tý (1768) đã làm đỉnh Bảo Tháp bị rơi. Vua Hsinbyushin triều đại Konbaung đã cho đại trùng tu tòa Bảo Tháp và nâng lên độ cao hiện tại.
Năm Kỷ Hợi (1779), Vua Singu Min cho đúc một quả chuông đồng cúng chùa, gọi là chuông Maha Gandha (âm thanh tuyệt diệu) nhưng dân gian hay gọi là chuông Singu Min.
Ngày 11 tháng 5 năm 1824 (13.04.Giáp Thân), quân Anh đổ bộ vào xâm lược Miến Điện. Chúng lập tức chiếm đóng ngôi Chùa và biến đây thành một pháo đài, đến hai năm sau mới rút đi. Quân Anh lấy quả chuông Singu Min định đem tới Calcuta (কলিকাতা) phía đông Ấn Độ (thuộc địa Anh), nhưng nó cũng bị chìm xuống sông như chuông Dhammazedi. Quân Anh cố tìm cách mấy cũng không được. Người Miến Điện liền đề nghị để họ giúp tìm với điều kiện họ được đem quả chuông trở về Bản Tự (Shwedgon Pagoda). Tưởng người Miến Điện không vớt nổi, quân Anh đồng ý. Các thợ lặn Miến Điện đã lặn xuống và buộc hàng trăm cây tre quanh quả chuông, nhờ đó quả chuông được vớt lên một cách an toàn.
Năm Đinh Hợi (1827), Trung tá J.E. Alexander cho đúc một quả chuông đồng tương tự chuông Singu Min để cúng vào chùa. Hiện chuông này treo trong lầu chuông ở góc tây bắc sân chùa.
Năm Tân Sửu (1841), Vua Tharrawaddy là vị vua thứ 8 của triều đại Konbaung sai đúc một quả chuông bằng đồng nặng 42 tấn và dát vàng lên chuông khoảng 20 kg vàng, đặt tên là chuông Maha Tissada. Chuông này treo trong lầu chuông ở phía đông bắc tòa Bảo Tháp.
Từ tháng 4 năm 1852 (Nhâm Tý) đến năm Kỷ Tỵ (1929), suốt 77 năm thời gian Chùa Vàng (Shwedgon Pagoda) và  Bảo Tháp bị người Anh chiếm đóng và vẫn là thuộc quyền kiểm soát quân sự của họ.
Năm Tân Mùi (1871), Vua Mindon Min cho dựng một cái lọng nạm ngọc kim cương đá quý cúng dường.
Trong chiến tranh Anh-Miến thứ hai, quân Anh lại chiếm đóng chùa và lần chiếm đóng này kéo dài tới 77 năm, đến tận năm Kỷ Tỵ (1929). Mặc dù vậy, nhưng người dân và tín đồ Phật tử vẫn được vào chùa hành lễ.
Năm Kỷ Tỵ (1929), Đại đức U.Wisera đã bị bắt đưa vào tù vì hành động chống thực dân Anh quốc, đặc biệt là chống đối chủ trương tiêu diệt truyền thống Phật giáo của nhà cầm quyền thực dân Anh. Đại đức U.Wisera đã an nhiên thị tịch sau cuộc tuyệt thực kéo dài hơn một trăm ngày và Đại Đức được dân chúng tôn vinh như một Thánh tử vì đạo pháp và chính trị của quốc gia Miến Điện hiện đại.
Năm Ất Dậu (1945), N.C.Sen, nhà phê bình về lịch sử Miến Điện cận đại đã phát biểu rằng : “Không một đảng phái chính trị nào tại Miến Điện có thể lôi cuốn đông đảo quần chúng theo họ mà không có sự ủng hộ hay tán đồng của chư tôn đức Tăng già. Cho nên chúng ta thấy một nghĩa cử mang tính nhân văn rất cao là phong trào Phật giáo cứu quốc xuất phát từ sự lãnh đạo tinh thần của Phật giáo”.
Ngày nay du khách đến viếng Thành phố Yangon (Ngưỡng Quang) thường được dân chúng nhắc nhở cho họ biết về sự liên quan mật thiết giữa Phật giáo và chủ nghĩa quốc gia Miến Điện qua việc tưởng niệm, thờ kính nhà sư yêu nước là Đại đức U.Wisera tại chùa Vàng (Shwedagon Pagoda).
Trong lịch sử hiện đại của Miến Điện, Phật giáo đã chung sống với người dân Miến hai mươi sáu thế kỷ, Phật giáo với dân tộc Miến thành một khối bất khả phân ly. Tư tưởng đạo Phật đã thấm nhuần tinh thần dân tộc. Bởi sự liên hệ mật thiết này nên người dân Miến xem đạo Phật là đạo của tổ tiên truyền lại. Đạo Phật bị phá hoại thì tinh thần dân tộc cũng lung lay. Do đó tu sĩ Phật giáo đã trở nên ngọn cờ tiên phong chống lại ách đô hộ của thực dân Anh Quốc. Từ sự kiện đó, sau ngày độc lập năm Đinh Hợi (1947), Phật giáo vẫn bị chính quyền kiểm soát chặt chẽ. Ví dụ như Thủ tướng đầu tiên của nước Miến Điện độc lập, U Nu, cũng là lãnh đạo giáo hội Phật giáo.
Ở Miến Điện, có một tổ chức Phật giáo Tối cao, nhưng tổ chức này vẫn tuân theo chính quyền, nhất là sau khi quân đội nắm quyền vào năm Nhâm Dần (1962).
Sự mâu thuẫn căn bản giữa hệ thống kinh tế Anh quốc và đường lối kinh tế cũng như đạo đức xã hội của Phật giáo đã dẫn đến cuộc cách mạng tại Miến Điện. Các lãnh tụ cách mạng này là Phật tử. Họ dùng chủ nghĩa Từ bi trí tuệ Phật pháp hộ quốc an dân. Và dĩ nhiên họ chống đối các tôn giáo cực đoan và thần quyền mê tín, lẫn hệ thống kinh tế của chính quyền thực dân cùng chư hầu của chúng là Ấn Độ.
Thật vậy, tại Miến Điện ngay từ đầu, chư tôn đức Tăng già đã lãnh đạo tinh thần cho những người đứng trong hàng ngũ của các lực lượng chống đối thực dân Anh quốc. Cho nên nhà cầm quyền thực dân Anh đã chấm dứt sự ủng hộ cho Phật giáo Miến Điện như họ đã làm ở Tích Lan.
Năm Giáp Ngọ (1954) Đại hội kết tập kinh tạng Phật giáo được tổ chức tại chùa Vàng (Shwedagon Pagoda) và lễ khai mạc vào ngày 17.05 (trăng tròn rằm tháng tư Âm lịch) với sự tham dự của chư tôn đức Tăng già thế giới khoảng 2.500 vị, nhiều chính khách danh dự trong đó có cạc vị lãnh tụ của những quốc gia Á Châu theo Phật giáo.
Trận động đất năm Canh Tuất (1970) cái cán lọng trên chop Bảo Tháp rời ra, Chính phủ Miến Điện phải tiến hành phục hồi lại.
Tháng 1 năm 1946 (Bính Tuất), Ông Aung San (1915-1947) đã diễn thuyết trong một cuộc mít tinh lớn ở quanh Bảo Tháp để kêu gọi chính quyền thực dân Anh trả độc lập cho Miến Điện nếu không sẽ tổng bãi công và nổi dậy. Bốn mươi hai năm sau, ngày 26 tháng 8 năm 1988 (26.6.Mậu Thìn), con gái ông là bà Aung San Suu Kyi - đã diễn thuyết trong một cuộc mít tinh lớn khác đông tới gần sáu trăm ngìn người kêu gọi tự do dân chủ cho Miến Điện. Tháng 9 năm 2007 (Đinh Hợi), khoảng hơn nghìn Tăng sĩ đã diễu hành xuất phát từ chùa Vàng (Shwedagon Pagoda) để phản đối chế độ chính trị của Miến Điện.
Trong tháng 9 năm Đinh Hợi (2007), trong các cuộc biểu tình trên toàn quốc chống lại chế độ quân sự độc tài. Ngày 20-09, là ngày thứ ba, có trên hàng ngìn Tăng sĩ tuần hành trên thành phố Yangon, hướng về chùa Vàng (Shwedagon Pagoda), chùa nầy trước đó bị cấm tụ tập. Chính quyền Miến Điện đã bố trí công an, mật vụ, quân đội, và cả bọn côn đồ, chận phá và đánh đập, bắt bớ.  Vì đại bi tâm, đại hùng lực đối với người tu hành, chư Tăng vẫn hiên ngang kéo về Thành phố Yangon tuần hành biểu tình bất bạo động.
Ngày 21-09 ngày thứ tư, có gần hai ngìn Tăng sĩ xuống đường cộng với gần hai ngìn người dân Miến Điện tham gia tuần hành tiến về Thành phố Yangon. Sáng sớm dù trời mưa đổ xuống, hơn hai trăm Tăng sĩ vẫn đi tuần hành dưới mưa, đi từ làng Yankin vùng ngoại ô thành phố Yangon, đi về hướng chùa Vàng (Shwedagon Pagoda).
Ngày thứ Bảy, cũng là ngày thứ tư của cuộc biểu tình, vào buổi sáng có khoảng trên mười ngìn người tham gia biểu tình phản đối (10,000 march throuh Myanmar in protest)  trong đó có gần năm ngìn Tăng sĩ tham dự, diễn hành qua trung tâm thành phố Mandalay, làm thành một cuộc biểu dương lớn nhất của đất nước Miến Điện để chống lại chế độ quân phiệt độc tài dựng lên từ năm Mậu Thìn (1988).
Đến ngày chủ nhật, gồm hai mươi ngìn người xuống đường biểu tình tại thành phố Yangon, gần  hai mươi ngìn Tăng sĩ, và  hầu hết là dân chúng nổi dậy, nhưng cảnh sát thì chỉ ngăn chận khoảng hai trăm người, khi họ muốn đến trụ sở nhà bà Aung San Suu Kyi, lãnh tụ đảng “National League for Democracy party” còn gần năm trăm Tăng sĩ vượt hàng rào cản, đi qua nhà bà Aung San Suu Ky, thì đối với những vị Tăng sĩ cảnh sát họ đứng nhìn, né tránh, chụp hình, không dám nặng tay, hay chờ lịnh.
Ngày thứ hai 24-9-2007, theo nguồn tin thì có gần hai trăm ngìn người biểu tình, trong đó có bốn mươi ngìn Tăng sĩ dẫn đầu, diễu hành tại thủ đô Yangon, là một cuộc biểu tình lớn ở Miến Điện. (Phật tử Zarganar Diễn viên hài và Phật tử Kyaw Thu ngôi sao điện ảnh đã mang thức ăn và nước uống cúng dường chư Tăng). Họ đòi hỏi chính quyền quân phiệt phải từ chức. Chính phủ Anh lên tiếng ủng hộ trước hết về cuộc đấu tranh nầy tại Miến Điện. Kế đó là chính phủ Hoa Kỳ.
Ngày 26-9-2007 (18.8.Đinh Hợi), Chính phủ Miến Điện ra lịnh giới nghiêm từ  9 giờ sáng cho đến 5 giờ chiều, và cấm không cho tụ tập quá hơn năm người, vì sau khi có gần hai trăm ngìn người biểu tình phản đối, và đồng thời Tổng Thống Hoa Kỳ đọc trước Hội đồng Liên Hiệp Quốc rằng chính phủ Hoa Kỳ sẽ siết mạnh việc bao vây kinh tế tại Miến Điện, kể cả mọi nguồn tiếp liệu cho chính quyền quân phiệt, và ủng hộ dân tộc Miến Điện đang đấu tranh với chính quyền Quân Phiệt, để dành quyền tự do dân chủ và nhân quyền cho dân tộc tại Miến Điện. Nước Úc cũng phản đối mạnh chính quyền quân phiệt.
Bất chấp lời cảnh cáo của thế giới và của Hội đồng Liên Hiệp quốc đang nhóm họp, đúng vào hôm 26-09-2007 (18.8.Đinh Hợi) chính quyền quân phiệt cho xả súng bắn thẳng vào đoàn biểu tình, và giải tán biểu tình bằng lựu đạn cay, khiến cho ít nhất trên 30-40 người chết, gồm có 8 vị Tăng sĩ và một phóng viên người Nhật, hàng trăm người bị thương, và hàng ngìn Tăng sĩ bị bắt nguội, bị đánh đập dã man đến máu nhuộm sân chùa. Và một vài lãnh tụ chống đối bị công an tra tấn và đánh chết.
Rốt cuộc rồi một nhóm lãnh đạo Chính phủ độc tài bất nhân thất đức, cũng phải trả giá rất đắc khi quả báo chin mùi.
Hằng năm đến trước rằm trăng tròn tháng 3 là ngày lễ hội truyền thống tại ngôi đại Già lam này, lễ hội chùa Vàng là một trong lễ hội có nhiều khách thập phương tham dự nhất Miến Điện. Trong lễ hội có nhiều sinh hoạt văn hóa Phật giáo nhân gian, đặc biệt có những cuộc thi dệt áo Cà sa bằng khung dệt truyền thống để dâng cúng các pho tượng Phật xung quanh bốn góc chùa. Chư Tăng và Phật tử luân phiên tụng niệm kinh, Thiền tọa liên tục cả ngày không nghỉ suốt lễ hội. Bổn đạo bá tánh thập phương khắp nơi đến cầu nguyện và cúng dường tôn tạo chùa.
Ngày 22 tháng hai năm 2012 (01.02.Nhâm Thìn) chùa Vàng (Shwedagon Pagoda) tổ chức Lễ hội cấp quốc gia, chư Tăng và Phật tử cùng dân Miến Điện cùng niệm kinh, Thiền tọa cầu nguyện hòa bình, Quốc thới dân an, và vô cùng hoan hỷ sau khi đã phá tan màn hắc ám vô minh của chế độ quân phiệt độc tài. Từ đây đất nước Miến Điện sẽ thoát khỏi sự kiềm tỏa của bọn bành trướng Bắc Kinh bá quyền, bọn họ đã mua chuộc và dung dưỡng một số tướng lĩnh quân đội và một số lãnh đạo chính phủ bán nước  hại dân. Miến Điện đã hy được độc lập tự do và phát triển mọi mặt, tất cả vì sự hòa bình thịnh vượng, an lạc hạnh phúc ấm no của toàn dân.
Ngày 22 tháng 9 năm 2012 (07.08.Nhâm Thìn), tại trường Đại Học Harvard Hoa Kỳ tại thành phố Boston, Bang Massachusetts, quyết định trao Giải thưởng Hòa Giải TRÂN NHÂN TÔNG  (The TRẦN NHÂN TÔNG Reconciliation Prize) cho hai nhân vật đó là bà Aung San Suu Kyi, lãnh tụ của đảng Liên minh Dân chủ Toàn quốc Miến Điện, và ông Thein Sein, Tổng thống của Miến Điện.
Lễ trao giải thưởng, đã diễn ra rất long trọng, thân mật và cảm động. Giải thưởng gồm có một bằng khen lớn và một tấm huy chương vàng hình tròn để mang trước ngực, một mặt là dòng chữ «The Tran Nhan Tong Reconciliation Prize» với hình bức tượng Phật hoàng Trân Nhân Tông ở giữa, một mặt là 2 cành tùng chéo nhau và năm 2012.
Du khách thập phương đến chùa Vàng (Shwedagon Pagoda) chiêm bái với tâm thành kính, nên những thùng Phước Điền (tiền cúng dường) để đầy khắp các nơi thờ cúng  mà vẫn không bị mất cắp. Mặc dầu dân Miến Điện rất nghèo, nhiều người tự nghĩ: tại sao chùa vàng có chạm ngọc, kim cương và nhiều ngọc ngà châu báu như thế mà không bị mất cắp ? Nơi đâu lại chẳng có người tham lam và ích kỷ. Tuy nhiên không phải họ sợ luật pháp, mà họ tin luật nhân quả; nên họ đã không lấy cắp của chùa. Nếu ở một nước kém đạo đức và lòng tin Phật không cao, thì chắc chắn những viên gạch bằng vàng ấy và những viên kim cương kia chưa chắc còn tồn tại mãi cho đến ngày nay. Người ta tin rằng, luật pháp của thế gian họ có thể qua mặt được, nhưng nhân quả theo đạo Phật thì không bỏ sót một ai và vì họ hiểu rõ nhân quả nên họ đã chế ngự lòng tham lam ích kỷ. Đó là một kết quả tốt của một đất nước theo Phật giáo và họ đã ứng dụng đời sống tâm linh của Phật giáo trong cuộc sống hằng ngày như vậy.
Một số hình ảnh kính giới thiệu cùng quý bạn đọc cùng chiêm bái ngôi đại Già Lam và chia sẻ với Phật giáo Miến Điện :






















































































































Nguồn sưu tầm by Ngoan Trương Công



Nguồn sưu tầm by Ngoan Trương Công
Thích Vân Phong (daophatngaynay) 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét