Theo lịch sử Phật giáo Myanmar ghi lại, cũng như sự truyền tụng trong nhân gian rằng : “ .Sau khi đức Phật thành đạo và đang tĩnh tọa dưới cây bồ đề, lúc bấy giờ có hai anh em người Myanmar là Taphussa và Bhallika sang Ấn Độ buôn bán và hai người đến đảnh lễ đức Phật Thích Ca Mâu Ni, cung kính dâng cúng mật ong và thực phẩm, sau đó đã được đức Thế tôn truyền thụ Tam quy y – Ngũ giới, trở thành Phật tử đầu tiên của đất nước Myanmar, hai Phật tử này được đức Phật ban cho tám sợi tóc để làm tín vật tôn thờ. Sau khi trở về cố hương tâu việc nầy lên triều đình và được vua Okkalapa cho xây Bảo tháp (ngôi chùa Shwedagon-ngôi Bảo tháp 60 tấn vàng) để thờ và một sợi xây Bảo tháp nhỏ trên đỉnh hòn đá Thiêng (Chùa Núi Đá Vàng) . . . “
Chùa Kyaiktiyo (Chùa Đá Vàng còn gọi là Kelasa) ở độ cao 1,100m, là một trong 3 nơi Danh lam Thánh tích hành hương rất nổi tiếng ở Myanmar (xếp sau chùa Shwedagon, chùa Mahamuni). Chùa này chỉ cao 5.5m, và tọa lạc trên tảng đá lớn phủ bởi các lá vàng do những người hành hương dán lên khi đến chiêm bái Thánh tích này. Cả Chùa và tảng đá này nằm trên đỉnh của ngọn núi Kyaiktiyo.
Sự kỳ ảo nhất trên đỉnh núi là lúc trời hoàng hôn chìm xuống và bình minh ló dạng, khi ánh mặt trời chiếu sáng hòn đá và những người hành hương bắt đầu cầu nguyện. Theo tục lệ, chỉ có những người đàn ông có thể lại gần khu vực Đá Vàng để có thể dán những miếng vàng dát mỏng lên, áp đầu vào hòn đá và cầu nguyện. Còn phụ nữ thì không được đi vào khu vực Đá Vàng này, nên họ chỉ có thể lặng lẽ thành kính dâng lễ vật cúng lên các bàn thờ rồi quỳ trên nền đất, cầu nguyện hàng giờ trong khói hương mờ ảo.
Lần đầu tiên sang Myanmar một đất nước Phật giáo Quốc đạo, tôi rất ấn tượng bề dày lịch sử Phật giáo nước này và những công trình đồ sộ mang đạm nét kiến trúc mỹ thuật dân tộc Myanmar. Chùa Kyaiktiyo không chỉ là một trong ba địa điểm hành hương nổi tiếng nhất Myanmar, Kyaiktiyo còn hấp dẫn du khách bởi hình dáng kỳ lạ và những sự tích truyền tụng nhân gian.
Đoàn chúng tôi thuê một chiếc xe bắt đầu khởi hành từ Thành phố Yangon đến thị trần Kyaikto, quận Thaton, tỉnh Mon dừng trạm chung chuyển. Tại đây, chúng tôi lên núi bằng những chiếc xe tải mỗi chuyến chở khoảng 50-60 hành khách, tất cả ngồi trên những ghế băng dài trong thùng xe không có nóc.
Khi mới lên xe, cả đoàn người cảm thấy khó chịu vì chỗ ngồi rất chật chội, gần như không có khoảng trống để nhúc nhích, nhất là người Âu, Mỹ to cao chân dài. Nhưng ngay sau đó, sự chật chội ban đầu lại trở nên có ích, giúp chúng tôi không bị quăng quật khi chiếc xe lao trên những con đường núi ngoằn ngoèo, quanh co, với những khúc cua đứng tim.
Những đoàn khách hành hương, có những gia đình đi rất đông, họ mang lễ vật thành tâm kính dâng cúng, những ngọn nến lung linh hòa quyện với khói hương nghi ngút tận hư không giới, quỳ chắp tay khấn nguyện, những tiếng tụng kinh vang lên nhiều ngôn ngữ khác nhau như một hòa tấu âm hưởng đức Từ bi Trí tuệ của đức Thế tôn. Có những đôi Uyên Ương nắm tay nhau đi lễ chùa, ánh mắt nụ cười của nàng và chàng hiện lên vẻ an lạc hạnh phúc. Cũng có những người phụ nữ cô đơn lẻ loi, ngồi thầm lặng trong một góc khuất, vừa cầu nguyện vừa khóc, hai đôi má tuôn trào nước mắt...
Ngọn Đá Thiêng Nằm chênh vênh trên bờ mép đỉnh Moun Kyaiktiyo, dường như đang thách thức với luật hấp dẫn vạn vật. Tảng đá có chỗ đứng không vững chắc này như có vẻ sắp lăn xuống núi nhưng lại rất vững chắc và khó bị sê dịch. Hòn Đá Thiêng được coi là một trong những tác phẩm nghệ thuật thăng bằng hoàn hảo, kỳ thú của tự nhiên. Khiến chúng tôi có cảm nghĩ như sự tu hành của những bậc Thiền tăng đạt đến chỗ Tam Không (Ngã, Pháp, Không chấp) còn một cửa ải nữa là đến Vô sở trụ (Phật quả).
Bởi vị trí đặc biệt của hòn đá, dân địa phương gọi là hòn Đá Thiêng. Họ thờ cúng lễ bái rất thành tâm. Đa số người Burna rất nghèo khó nhưng họ dành dụm chắc chiêu để cùng nhau thếp vàng lên toàn bộ hòn đá và gọi nó là ‘Tảng Đá Vàng”. Trên đỉnh của ‘tảng đá vàng’, họ còn dựng một ngôi chùa nhỏ toàn bằng vàng, cao khoảng 5,5 m. Đó là chùa Kyaiktiyo.
Chùa Kyaiktiyo (di tích xá lợi tóc của Phật), Hòn Đá Thiêng tồn tại được hơn 2600 năm đã trở thành một trong những danh lam Thánh tích Phật giáo và đang thu hút du khách trong nước cũng như du khách quốc tế đến chiêm bái ngưỡng tảng đá tự nhiên, chênh vênh mà vững chắc này.
Một số hình ảnh kính giới thiệu cùng quý bạn đọc cùng chia sẻ nước bạn Phật giáo Myanmar người dân còn nhiều hạn chế tiện nghi nhưng đời sống tâm linh rất dồi giàu :
Thích Vân Phong (daophatngaynay)
Nguồn sưu tầm by Ngoan Trương Công
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét