Thứ Năm, 18 tháng 7, 2013

Huyền thoại giang hồ Sài Gòn

Giang hồ, theo một số học giả, có chiết tự từ tên con sông Tam Giang và hồ nước Ngũ Hồ bên Tàu. Đây là những địa danh có nhiều người đến ngao du, ngoạn cảnh. Thế nhưng, khi nói đến dân giang hồ người ta liên tưởng ngay đến những tay anh chị ‘lục lâm thảo khấu’, ‘đầu trộm đuôi cướp’, ‘đâm thuê chém mướn’ hay nói theo từ vựng của thời nay là ‘xã hội đen’.

Thế giới ngầm thường chứa đựng nhiều huyền thoại vì người ta thường thêm thắt những chi tiết không có thực để tô điểm về cuộc đời của các ‘anh hùng hảo hán’. Trong bài viết này, tác giả giới thiệu 3 loại giang hồ điển hình của Sài Gòn xưa: giang hồ trí thức, giang hồ lục lâm và giang hồ anh chị.
Giang hồ trí thức: Sơn Vương Trương Văn Thoại
Nhân vật ‘giang hồ - trí thức’ nổi tiếng ở miền Nam, thập niên 30, là Sơn Vương Trương Văn Thoại với thành tích 34 năm ngồi tù, trong đó có 32 năm khổ sai ở Côn Đảo. Ngoài việc nổi tiếng là một tên cướp ‘trọng nghĩa’ và ‘hào hoa’, Sơn Vương còn là một nhà văn được nhiều người đọc hâm mộ.
Ở vào tuổi thanh niên, Trương Văn Thoại vùi đầu vào sách, từ loại kiếm hiệp Tàu và tiểu thuyết Tây viết về những tên cướp nghĩa hiệp, từ Robin Hood của A. Dumas đến Carmen của Merimée. Đặc biệt, Trương Văn Thoại cực kỳ say mê nhân vật trong tiểu thuyết của nhà văn Phú Đức: Bách-xi-ma lái ... ‘khúc dồi’ phóng như bay đuổi theo Hoàng Ngọc Ẩn đang cưỡi trên ... Điếu Xì Gà.
Cuối năm 1925, mới hơn 16 tuổi, Trương Văn Thoại đã quyết chí bỏ làng theo tiếng gọi… giang hồ. Anh thanh niên giàu nghĩa khí đã bỏ ra hơn 6 năm trời lăn lộn khắp vùng núi Thị Vải, núi ông Trịnh, núi Mây Tào ở Long Hải, Bà Rịa, để theo một đại lão sư, mai danh ẩn tích nhằm học võ và học đạo.
Năm 1931, Thoại hạ sơn về Sài Gòn, sống lăn lóc cùng giới thợ thuyền. Những năm đầu thập kỷ 30, lề đường De la Some (Hàm Nghi) được coi là nơi tập trung của đủ hạng người. Từ các thầy bói, kính đen che mắt, đến các văn nhân, chủ báo cũng có mặt tại đây. Trong số những người làm báo, Trương Văn Thoại làm quen với Nguyễn An Ninh, chủ bút tờ La Cloche Fêlée (Tiếng Chuông Rè). Cảm phục ý chí và sự nghiệp của Nguyễn An Ninh, Trương Văn Thoại đã dần dần bước vào nghiệp cầm bút, trở thành một cộng sự đắc lực của tờ La Cloche Fêlée.
Sơn Vương Trương Văn Thoại
Theo Hán tự, chữ "Thoại" được ghép bởi 3 chữ Sơn, Vương và Nhi. Bút danh Sơn Vương được Thoại khai sinh từ đó. Chẳng bao lâu, tên tuổi Sơn Vương đã khá nổi danh trong nghề cầm bút. Những bài báo của ông thổi vào công luận một dư âm lạ, đầy màu sắc bình dân và nỗi cảm thông sâu sắc đối với tầng lớp bần cùng.
Có thể xem Sơn Vương như một người tiên phong có công trong việc cách tân nền tiểu thuyết Việt Nam thời đó. Ông chuyên viết ‘tiểu thuyết võ hiệp kỳ tình’ nhưng tác phẩm của Sơn Vương đã có sự thay đổi lớn lao về mặt hình thức. Nhân vật ‘tướng cướp nghĩa hiệp’ cướp của nhà giàu chia cho dân nghèo của Sơn Vương đã đoạn tuyệt hẳn với hình tượng ‘thanh gươm lưng ngựa’ thời trước. Thay vào đó là các trang công tử lái xe hơi như bay, bắn súng lục bằng cả hai tay và ném tạc đạn như đồ chơi. Đáng kể nhất là 3 tác phẩm của Sơn Vương: Luật rừng xanh, Chén cơm lạtTướng cướp hào hoa.
Sách về Sơn Vương
Trong hơn hai năm (1931-1933), Sơn Vương đã đơn thương độc mã, gây ra hàng chục vụ cướp kinh thiên động địa nhắm vào các phú hộ khắp các vùng từ Đồng Nai đến Sài Gòn, Long An nhưng tung tích vẫn không hề bị lộ. Người ta chỉ thầm ngưỡng mộ một Sơn Vương - nhà văn - cao gầy dong dỏng nói năng nhỏ nhẹ, thường ngồi trọn buổi sáng bên lề đường với một bộ xá xẩu bằng lụa Tân Châu để bán sách của chính mình.
Con mồi lớn nhất của Sơn Vương là René Gaillard, Giám đốc hãng cao su Mimot. Sau một thời gian theo dõi, Sơn Vương biết rõ hàng tháng Gaillard cùng một tài xế và một vệ sĩ trên chiếc Peugeot đến Ngân hàng Đông Dương để lĩnh tiền về phát lương cho công nhân. Số tiền mỗi kỳ lên đến 50.000 đồng. Sơn Vương quyết định sẽ chặn xe cướp vali tiền với một… khẩu súng giả!
Vụ cướp táo tợn được đồn khắp Sài Gòn chỉ một ngày sau. Dân nghèo được một phen hả dạ, bởi kẻ bị trừng trị là một ‘Tây thực dân’ khét tiếng tàn ác. Giới lục lâm Sài Gòn - Lục tỉnh cũng thầm khen tác giả của vụ cướp - dù chẳng biết là ai - bạo gan và chơi rất bảnh, khiến tên chủ Tây vừa mất tiền vừa mất mặt.
Giới giang hồ Nam kỳ nói chung có màu sắc nghĩa hiệp, là một đặc tính của người dân ‘đàng trong’, trọng danh dự và nhân nghĩa. Với Sơn Vương, chuyến ‘đi hát’ đó (một từ lóng chỉ chuyện cướp bóc của giới giang hồ thời đó) lại là tai hoạ và cũng là vụ cướp cuối cùng trong cuộc đời ngang dọc.
Kẻ bị cướp - René Gaillard - vốn cũng xuất thân từ một tên cướp khét tiếng của đảo Corse. Tuy đã giã từ nghề thảo khấu nhưng trong huyết quản Gaillard, dòng máu đảo Corse vẫn còn ngùn ngụt. Bị Sơn Vương cướp tiền, Gaillard tuyên bố: Thưởng 5.000 đồng bạc Đông Dương - một phần mười số tiền bị cướp - cho bất cứ ai tìm ra tung tích thủ phạm.
Bazin - tên mật thám khét tiếng tàn ác sau này - đang là một cò tập sự ở bót Catinat. Y xua hết mã tà, lính kín dưới quyền ra sức điều tra, lùng sục, quyết giật cho được món tiền 5.000 đồng mà Gaillard đã rêu rao. Vốn là cáo già, Bazin rất quan tâm đến những chi tiết vụ cướp. Y nhanh chóng nhận ra rằng, loại xe hơi Clément Bayard chặn đường cướp tiền của Gaillard cả Sài Gòn chỉ có không hơn 10 chiếc (xe hơi hiệu Clément Bayard được sản xuất từ Pháp từ năm 1903 đến 1922).
Xe hơi hiệu Clément Bayard
Bazin liên tục gọi tài xế và chủ nhân của những chiếc xe hơi loại này lên làm ‘ăng kết’ (biên bản điều tra). Bị tra hỏi quá nhiều lần, Năm Đường (chủ nhân chiếc xe đã cho Sơn Vương mượn để ‘đi hát’) biết chắc sẽ bị bại lộ nên vội ra đầu thú, nộp lại 10.000 đồng được chia sau vụ cướp đồng thời khai ra tên Sơn Vương. Một tháng sau, Sơn Vương bị toà tiểu hình kết án năm năm khổ sai và bị đày ra Côn Đảo.
Tháng 7/1936, một số tù nhân ở Côn Đảo được phóng thích. Sơn Vương cũng được xét trả về đất liền, tiếp tục thụ hình tại Hà Tiên. Trong tù, Sơn Vương đã hô hào tù nhân đập phá khám khiến chủ tỉnh Hà Tiên đã quyết định đày Sơn Vương ra đảo Phú Quốc.
Từ Phú Quốc trở về, chỉ một năm sau, Sơn Vương lại bị tống vào tù. Lần này ông bị bắt vì một lý do… lãng xẹc. Tại ghi-sê bán vé của một rạp chiếu bóng ở Chợ Lớn, Sơn Vương bị một gã hung hăng đạp giày đau điếng. Ông đẩy hắn ra, tên này lập tức nhảy vào đánh Sơn Vương. Cáu tiết, ông xô mạnh, tên gây sự bật ngửa ra sau, ngã chỏng gọng. Rất không may, kẻ gây sự lại là ... sếp mật thám của bót Polo trong Chợ Lớn.
Ra toà, Sơn Vương bị kết tội du đãng, bị đưa đi giam giữ tại trại Pursat (Cao Miên). Sơn Vương trốn trại và tìm đường qua Thái Lan nhưng không lâu sau, ông lại bị bắt khi tìm cách về lại Sài Gòn. Lần này ông bị kết án 10 năm tù vì tội vượt ngục, bị tống vào phòng 17, bót Catinat. Đầu năm 1942, ông bị đày ra Côn Đảo lần thứ hai.
Nhà tù Côn Đảo ngày nay
Trong thời gian ở Côn Đảo, Sơn Vương giết một ‘ăng ten’ trong số tù nhân. Với tội mới, Sơn Vương lại phải nhận thêm một án chung thân khổ sai nữa. Theo quy định, án chung thân hồi đó được tính là 32 năm. Tổng cộng, đời Sơn Vương đã 4 lần nhận án gồm 1 lần 5 năm, 1 lần 10 năm và 2 án chung thân khổ sai (32 năm). Tính ra ông phải nhận mức án những 79 năm tù ...
Năm 1984, Sơn Vương trở lại quê nhà ở Gò Công và mất tại đó vào năm 1987, chấm dứt một cuộc đời ‘trí thức giang hồ’.
Giang hồ thảo khấu: Bình Xuyên
Đến thập niên 50, nổi bật trong giới giang hồ có lực lượng Bình Xuyên, nguyên thủy là tên của ấp Bình Xuyên thuộc làng Chánh Hưng, Nhà Bè. Sau năm 1945, danh xưng Bình Xuyên được dùng để chỉ Lực lượng Bình Xuyên với nòng cốt là dân giang hồ miền Nam, hoạt động ở vùng ven Sài Gòn trong suốt 10 năm, từ 1945 đến 1955.
Từ năm 1948, Bình Xuyên là một lực lượng quân sự bổ sung nằm trong khối Liên hiệp Pháp dưới danh xưng công an xung phong, địa bàn hoạt động ở xung quanh Sài Gòn. Với sự đồng thuận của Pháp, Bình Xuyên kiểm soát nhiều sòng bài, nhà thổ, cùng những thương cuộc lớn nhỏ khắp vùng Sài Gòn - Chợ Lớn trong đó phải kể đến Casino Grand Monde (Đại Thế Giới), Casino Cloche d'Or (Kim Chung), Bách hóa Noveautes Catinat.
Lê Văn Viễn (tức Bảy Viễn) là người chỉ huy Bình Xuyên, hợp tác với Bảo Đại để thành lập chính quyền Quốc gia Việt Nam. Thành phần này là lực lượng Bình Xuyên được biết đến nhiều nhất vào thập niên 1950. Sau Hiệp định Genève (1954), Bình Xuyên đúng ra phải nhập vào Quân đội Quốc gia Việt Nam nhưng lại không tòng phục.
Lê Văn Viễn sinh năm 1904 tại xã Phong Đước, quận Cần Giuộc, Chợ Lớn, thuộc gia đình điền chủ. Bảy Viễn học hết trường làng đến lớp ba thì bỏ nhà đi lưu lạc giang hồ. Trong thời gian khoảng 10 năm, Bảy Viễn học võ ở nhiều nơi. Sau đó Bảy Viễn xưng anh chị tại trường đua Phú Thọ, tập hợp được một số du đãng em út. Vùng hoạt động của nhóm Bảy Viễn bấy giờ là Chợ Thiếc, An Bình, Cù lao Chánh Hưng và xóm Phạm Thế Hiển từ cầu Hiệp Ân đổ xuống cầu Chữ Y.
Sách về Bảy Viễn
Với tiền đánh cướp ở các chợ vùng ngoại ô như Cần Giuộc, Nhà Bè, Giồng Ông Tố, Bảy Viễn sắm xe lô-ca-xông cho thuê, đôi khi còn dùng các xe này để đi ăn cướp. Bảy Viễn cũng chịu ảnh hưởng nặng loại tiểu thuyết ‘ăn cướp, bắn súng, lái xe đua’ như Bách-si-ma, Hoàng Ngọc Ẩn của nhà văn Phú Đức nổi tiếng thời bấy giờ. Ăn mặc đúng thời trang, Bảy Viễn lái xe tới những tiệm vàng ở các chợ quận, mua cả bụm vàng rồi để lại một băng đạn trước khi lên xe vọt mất.
Tháng 7/1954 Thủ tướng Ngô Đình Diệm chấp chính, thành lập chính phủ trung ương và nộp danh sách nội các. Lê Văn Viễn đòi được tham chính và đưa ra yêu sách lập chính phủ mới. Lực lượng Bình Xuyên cùng với quân đội Cao Đài và Hòa Hảo còn lập Mặt trận Thống nhất Toàn lực Quốc gia và gửi tối hậu thư buộc chính phủ phải có danh sách mới trước ngày 26/3/1955.
Ngô Đình Diệm không chịu nhượng bộ nên Bình Xuyên mở cuộc tấn công Bộ tổng tham mưu rồi pháo kích vào Dinh Độc Lập. Sang tháng 4/1955, quân Bình Xuyên đánh thành Cộng Hòa. Quân đội Quốc gia phản công, phá được căn cứ chính của Bình Xuyên ở khu vực cầu Chữ Y, lực lượng Bình Xuyên phải triệt thoái khỏi Sài Gòn - Chợ Lớn và rút về Rừng Sát.
Bảy Viễn bị bắt với 17 tiền án ăn cướp có súng, bị kêu án 15 năm khổ sai, đày ra Côn Đảo. Mười lăm ngày sau, Bảy Viễn vượt ngục bằng bè và được thuyền đánh cá vớt. Một năm sau hắn lại bị bắt đưa ra Côn Đảo. Hai tháng sau hắn lại trốn về đất liền. Nhà tù Côn Đảo mở cuộc điều tra tìm hiểu vì sao Bảy Viễn trốn quá dễ dàng như vậy? Nguyên do là Bảy Viễn có tay em ngoài đảo sẵn sàng giúp ‘đại ca’ đóng bè làm buồm, tiếp tế cơm khô, nước ngọt. Một số 'thầy chú' cũng ngán Bảy Viễn nên cố tình nhắm mắt làm ngơ.
Tháng 9/1955 Ngô Đình Diệm phái đại tá Dương Văn Minh (Big Minh) mở Chiến dịch Hoàng Diệu truy nã Bình Xuyên ở Rừng Sát. Quân Bình Xuyên bị hoàn toàn tiêu diệt. Lê Văn Viễn đào tẩu sang Campuchia rồi lưu vong sang Pháp, chấm dứt thực lực của Bình Xuyên.
Giang hồ anh chị: Đại Cathay
Đến thập niên 60, nổi bật nhất trong giới giang hồ có Đại Cathay. Người ta nói nhiều về một Đại Cathay, với mái tóc bồng bềnh, quần Jean, giày cao cổ ‘đờ-mi-bốt’, trên môi không rời điều thuốc và chiếc hộp quyẹt Zippo... Những gì mà Đại Cathay đã tạo dựng chỗ đứng của mình trong giới giang hồ thật khác biệt và đã trở thành… huyền thoại. Đối với Đại Cathay, sự liều lĩnh không được đánh giá cao bằng lối sống ‘giang hồ tình nghĩa’.
Đại sinh năm 1940, con của Lê Văn Cự, vốn cũng là một tay giang hồ hảo hớn ở khu vực chợ Cầu Muối. Khi còn nhỏ Đại sống với cha mẹ ở đường Đỗ Thành Nhân, Khánh Hội (nay là đường Đoàn Văn Bơ, Quận 4). Cả cha lẫn mẹ đều nghèo, làm nghể chẻ củi thuê cho một vựa củi nằm bên kia Cầu Mống, cạnh Chợ Cũ, Quận 1.
Cầu Khánh Hội (phía trước) và Cầu Mống (phía sau)
Đại thường xuyên trốn học và chơi với đám trẻ con bụi đời cạnh vựa củi. Hiền lành, ít nói, dù khuôn mặt rất ngầu, tính phóng khoáng, lại rất ‘lì đòn’. Những đức tính được ‘thừa kế’ từ cha đã giúp Đại nhanh chóng được đám trẻ đồng cảnh mến mộ. Mới 10 tuổi, ‘thủ lĩnh’ Đại đã thường xuyên luồn lách vào các chợ ăn trộm dưa, chuối về chia cho chúng bạn.

Đại bỏ học, sang vườn hoa Cầu Mống đánh giày, bán báo. Khu vực làm ăn của Đại là xung quanh ngã tư Công Lý (nay là Nam Kỳ Khởi Nghĩa) – Nguyễn Công Trứ gần rạp xi-nê Cathay. Không ngày nào trước cửa rạp hát không xảy ra những vụ đánh lộn giành khách giữa đám trẻ bụi đời. Lì lợm và liều lĩnh, Đại lăn xả vào đối thủ, liên tục tấn công, dù kẻ đó có cao hơn, to hơn.
Trăm lần như một, Đại luôn là kẻ chiến thắng, dù tay chân mặt mũi đầy thương tích. Nghiễm nhiên, hắn trở thành thủ lĩnh của đám nhóc tì du thủ du thực trong khu vực. Cũng vì thế, gã đã ráp thêm ‘tên địa bàn hoạt động’ vào sau tên cúng cơm để trở thành Đại Cathay, một đại ca hùng cứ trên đường Nguyễn Công Trứ. Đó là năm 1954, lúc Đại mới 14 tuổi.
Rạp hát Cathay ngày xưa
Trở thành ‘anh chị’, Đại được quyền sống mà không mó tay vào bất cứ việc gì. Hắn vẫn đóng thùng đánh giày, nhưng là để giao cho đàn em ‘đi làm’ mang tiền về nộp. Được cái, hắn rất hào phóng. Đại Cathay chia hết tiền cho đàn em, chỉ giữ lại cho mình 1 khoản nhỏ, đủ cà phê, thuốc lá cho ngày kế tiếp. Vì vậy, đàn em rất khoái và chịu nghe lời "anh Đại". Ở đây ta thấy giới giang hồ miền Nam rất trọng ‘đạo nghĩa’ và ‘công bằng’ dù trình độ văn hóa của họ rất thấp.
Nằm ngay cạnh khu vực của Đại Cathay là bót cảnh sát quận Nhì, thường được gọi là bót Dân Sinh, nổi tiếng dữ dằn. Rất nhiều lần, sau khi dẫn đàn em đi chinh phạt các khu vực khác hoặc đánh dằn mặt người của các băng nhóm đến giành lãnh địa, Đại Cathay đã bị xách tai lôi về bót. Cuối cùng, cảnh sát tống Đại Cathay vào trại tế bần ở Thủ Đức. Sau nhiều lần vào trại rồi trốn ra khỏi tế bần, Đại Cathay càng liều lĩnh hơn, kinh nghiệm hơn, và càng lao đầu vào những trận thư hùng.
Năm 1955, Đại Cathay chuyển sang sinh sống ở khu vực hãng phân Khánh Hội, cạnh Nhà máy thuốc lá Bastos. Đám giang hồ khu vực này ‘nghênh đón’ Đại Cathay khá nồng nhiệt bằng những trận hỗn chiến. Một lần nữa, sự lì đòn của Đại lại giành phần thắng. Toàn bộ khu vực Khánh Hội, quanh cầu Ông Lãnh, gồm toàn dân giang hồ ở bến tàu, vựa cá, vựa rau cải đều quy phục dưới trướng của Đại Cathay.
Hãng thuốc lá Bastos (Khánh Hội)
Đầu những năm 1960, thuyết hiện sinh và phong trào hippie bắt đầu thâm nhập Sài Gòn. Đại Cathay tuy ít học nhưng cũng không hề kém cạnh các bậc trí giả trong khoản ăn chơi. Đám nghệ sĩ, trí thức cũng nể Đại Cathay vì tính chịu chơi và khoái vẻ ngang tàng, bụi bặm của gã.
Nguồn lợi lớn hơn cả mà Đại Cathay thu được lại không phải từ tiền thuế ‘bảo kê’. Chính giới doanh nghiệp làm ăn lớn là kẻ tình nguyện đóng góp đều đặn để Đại nuôi quân, đồng thời để nhờ vả Đại làm hậu thuẫn khi cần gây sức ép hay giành giật trên thương trường với kẻ khác. Cả anh em tỉ phú Hoàng Kim Qui (vua kẽm gai), Xí Ngàn ‘mặt rỗ’ (vua thuốc Bắc), La Thành Nghệ (vua thuốc đỏ) và hơn chục ông vua các ngành nghề khác của người Hoa là những người đều đặn chu cấp cho Đại. Cũng nhờ uy thế của các ‘vua’, Đại Cathay cũng làm quen và "chơi chịu" với khá đông nhân vật quyền thế và tên tuổi khác.
Sài Gòn thập niên 60 nổi tiếng có ‘tứ đại giang hồ’ gồm Đại Cathay, Huỳnh Tỳ, Ngô Văn Cái và Nguyễn Kế Thế. Cả miền Nam đều biết tiếng ‘tứ nhân bang’, nhất là sau khi cuốn tiểu thuyết Điệu ru nước mắt của nhà văn Duyên Anh ra đời. Sau một trận hỗn chiến giữa ‘tứ đại giang hồ’, Đại Cathay lên đứng đầu nhóm và một trận chiến kinh hồn với băng đảng người Hoa của Tín Mã Nàm đã đưa Đại Cathay lên ngôi ‘bang chủ’ trong một đế chế mà khắp Sài Gòn – Chợ Lớn chẳng có một băng nhóm nào dám đối đầu.
Cả một bộ máy quân sự khổng lồ của miền Nam dưới thời Nguyễn Cao Kỳ hình như cũng phải ‘xuống nước’. Tướng ‘Sáu Lèo’ Nguyễn Ngọc Loan (khi đó nắm quyền chỉ huy lực lượng cảnh sát) ngỏ ý mời Đại Cathay về làm đại úy cảnh sát để ‘dĩ độc trị độc’. Đại Cathay thẳng thừng từ chối: “Tôi xuất thân du đãng, làm sao có thể quay lưng diệt du đãng được? Nếu tôi nhận lời, du đãng không chém, tôi cũng chết vì thân bại danh liệt”.

Đại và cả đám đàn em bị tống ra Trung tâm hướng nghiệp tại đảo Phú Quốc, hay còn gọi là ‘Trại Cửu Sừng’. Đây là nơi lưu đày những tên lưu manh ngoại hạng dày thành tích bất hảo nhưng không có chứng cớ để bắt quả tang, do chính Thiếu tướng Nguyễn Ngọc Loan đề nghị thành lập nhằm “bài trừ du đãng, chấn hưng đạo đức, thượng tôn luật pháp”.
Người vợ cuối cùng, cũng là cuộc tình sâu nặng nhất của Đại Cathay, là cô Nhân, con gái chủ tiệm đồ gỗ Đồng Nhân nổi tiếng nằm trên đường Hồng Thập Tự (nay là Nguyễn Thị Minh Khai) đối diện với vũ trường Olympic. Nhân ở lại Sài Gòn, biết chắc rằng loại ‘tù không án’ như chồng mình e khó có ngày về. Cô cùng anh trai vung tiền ra tìm cách cứu Đại Cathay.
Khi biết cô Nhân đang tìm cách lo lót tổ chức cho Đại Cathay vượt ngục… Tướng Nguyễn Ngọc Loan đã chỉ đạo cứ để cho Đại Cathay thực hiện kế hoạch. Đến giờ chót, theo lệnh Loan, toàn bộ toán lính gác của trại hướng nghiệp bất ngờ bị đổi. Toán lính gác mới ráo riết truy kích đám tép riu, còn riêng Đại Cathay được cố tình cho đào thoát vào núi Tượng.
Sau đó, tướng Loan cho một tiểu đội biệt kích do thiếu úy Trần Tử Thanh chỉ huy, được trực thăng chở từ Sài Gòn ra truy kích Đại. Trần Tử Thanh sau này đã từng khoe với nhiều phóng viên của một số tờ báo ở Sài Gòn trước 1975 rằng chính tay mình đã nổ súng hạ gục Đại Cathay.
Trên đây chỉ là lời đồn đại, ‘đoán non đoán già’ về ngày tàn của Đại Cathay. Huyền thoại về cuộc đời và cái chết của Đại Cathay vẫn có nhiều chi tiết chưa được làm rõ về một tên ‘giang hồ ngoại hạng’.
***
Chuyện của giới giang hồ miền Nam là một kho tàng vô tận, chuyện thật cũng có, người đời thêu dệt thành huyền thoại cũng không ít. Chẳng hạn như cuộc đời các tướng cướp Bạch Hải Đường, Điền Khắc Kim, những tay anh chị như Tín Mã Nàm và gần đây nhất là ông trùm Năm Cam…
Thế giới của họ là ‘thế giới ngầm’ mà người thường không thể dễ dàng tiếp cận và đó cũng là lý do khiến người đời ‘thêm mắm thêm muối’ để trở thành huyền thoại. Tuy nhiên, vẫn có một sự thật và muôn đời vẫn là sự thật:
Chơi dao sẽ có ngày đứt tay”.

Nguyễn Ngọc Chính's

 Nguồn sưu tầm by Ngoan Trương Công

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét