Để đối phó với tình trạng các di vật văn hoá, do không có bất kì đạo luật nào của chính quyền thuộc địa, cũng như của Triều đình, bị đổi chác, chiếm đoạt đem về Pháp hoặc các trung tâm buôn bán đồ cổ ở châu Âu, Musée de Khải Định, ngày nay là Bảo tàng mỹ thuật cung đình Huế, được thành lập năm 1923 theo đề nghị của Association des Amis du Vieus Hue (Hội Đô Thành Hiếu Cổ - một tổ chức của những người Pháp có tri thức và lương tâm) nhằm mục đích sưu tầm, gìn giữ, lưu lại cho hậu thế các kỷ vật có tính chính trị, tôn giáo, nghệ thuật và văn học.
Đạo Dụ của vua Khải Định mang số 1291, đề ngày 24/8/1923, và có ấn thự của quan Khâm Sứ Trung Kỳ Pierre Pasquier, sau này là Toàn Quyền Đông Dương:
"Tinh hoa của mỗi dân tộc được thể hiện bằng các sản phẩm nghệ thuật, thể hiện đời sống xã hội, lễ nghi và chính trị, và còn phản ảnh cả linh hồn nòi giống Quốc Gia chúng ta đã được thụ hưởng bao nhiêu mẫu mực nghệ thuật truyền thống của Tiền Nhân để lại, và chúng ta có bổn phận phải duy trì để phát huy và bảo tồn khiếu thẩm mỹ và tình yêu nghệ thuật cho các thế hệ đến sau.
Quan Khâm Sứ hôm nay đề nghị với Trẫm thành lập tại kinh thành Huế một Viện bảo Tàng để thâu thập và gìn giữ những mẫu kỷ vật của nghệ thuật và kỹ nghệ nuớc Nam ta, hầu cho các nghệ sĩ, và các nhà thủ công nghệ sau này có thế nhìn thấy tận mắt sản phẩm của nguời truớc mà tìm đuợc cảm hứng.
Quan Khâm Sứ đề nghị lấy Tân Thơ Viện rất đẹp và rất phong nhã do đức Hiến Tổ Chuơng Hoàng đế (tức là vua Thiệu Trị) sáng lập để làm viện Bảo Tàng, và lấy đế hiệu Khải Định của Trẫm đặt tên cho cơ sở mới.
Trẫm rất hài lòng và cảm kích vì nhã ý thanh lịch của Quan Khâm sứ đã có lòng tôn vinh trẫm và hôm nay Trẫm ban Đạo Dụ này thành lập Viện Bảo Tàng Khải Định và Trẫm uỷ thác cho vị thuợng quan của Quốc Gia Bảo Hộ đáng tôn quý toàn quyền định đoạt các chi tiết về việc tổ chức và điều hành cơ sở mới thành lập này. Cơ sở Tân Thơ Viện từ nay không còn dùng làm nơi tăng trữ kinh sách, vậy kinh sách và ấn phẩm trong cơ quan này sẽ được thuyên chuyển đến cơ sở khác khi có ngân khoản. Khâm thử"
Tòa nhà dùng làm Musée Khải Định chính là Điện Long An trong cung Bảo Định được dời ra đây năm 1909 để làm Tân Thơ viện của trường Quốc Tử Giám. Đó là một công trình kiến trúc tuyệt mỹ bằng gỗ, trang trí nội ngoại thất cực kỳ phong phú, giàu tính nghệ thuật và rất thanh nhã.
Hiện vật trong Bảo tàng được sưu tầm và tàng trữ từ năm 1913 (khi Hội Đô Thành Hiếu Cổ được thành lập), đến trước năm 1945, số lượng hiện vật có khoảng 10.000 đơn vị, phần lớn là đồ ngự dụng, quan dụng, đồ dùng của triều đình, các tác phẩm mỹ thuật trong các Cung điện... bằng nhiều chất liệu, vàng, bạc, ngọc, đồng, ngà, thủy tinh, vải, giấy...
Ngoài ra, tại Bảo tàng còn một kho lưu giữ hàng ngàn hiện vật do triều đình sản xuất tại chỗ, hoặc đặt làm, đặt mua; quà do các phái bộ ngoại giao biếu tặng. Một kho lưu hơn 80 hiện vật Chàm được sưu tập tại châu Ô, châu Lý xưa và trong cuộc khai quật khảo cổ tại Trà Kiệu (1927)
Hình ảnh các cổ vật trong Bảo tàng Khải Định
Tranh gương cung
đình Huế là một loại tranh mang bản sắc riêng. Các tranh gương có giá
trị còn lại hiện nay đều là sản phẩm của triều Nguyễn. Tranh được đóng
trong những khung gỗ chạm thếp vàng, khá cầu kỳ. Loại tranh này dùng
chất liệu là bột màu pha keo, hoặc sơn, được vẽ hoặc khảm xà cừ vào mặt
sau của gương (vẽ màu hoặc khảm trực tiếp theo lối “phản họa” lên mặt
gương - tức vẽ kiểu âm bản ở mặt sau để nhìn mặt trước thành dương bản).
Nguồn sưu tầm by Ngoan Trương Công
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét