Lăng được xây dựng năm
1884, sau khi vua Kiến Phúc băng hà . Vị vua này là một trong 3 người
con nuôi của vua Tự Đức nên triều Nguyễn đã quyết định bồi táng ông vào
khuôn viên lăng vua cha, lấy tên là Bồi Lăng. Lăng nằm ở bên tả ngạn hồ
Lưu Khiêm, cùng phía với Khiêm Thọ Lăng.
Kiến
Phúc tên húy là Nguyễn Phúc Ưng Đăng , còn có tên là Nguyễn Phúc Hạo là
con thứ ba của Kiên Thái vương Nguyễn Phúc Hồng Cai và bà Bùi Thị
Thanh. Ưng Đăng ra đời vào ngày 2 tháng giêng năm Kỷ Tỵ, tức 12 tháng 2
năm 1869.
Vua Tự Đức vì lúc nhỏ bị bệnh đậu mùa nên không có con.
Ông nhận ba con trai của hai người em làm con nuôi, trong đó con đầu là
vua Dục Đức. Năm 1870 lúc được 2 tuổi, Ưng Đăng được vua Tự Đức nhận
làm con nuôi thứ ba và giao cho bà Học phi Nguyễn Thị Hương trông coi,
dạy bảo.
Sau khi vua Hiệp Hòa bị phế truất, vào ngày 2 tháng 12
năm 1883, Ưng Đăng được đưa lên ngôi vua và đặt niên hiệu là Kiến Phúc.
Khi đó Ưng Đăng mới 15 tuổi, mọi việc đều do hai đại thần phụ chính
Nguyễn Văn Tường và Tôn Thất Thuyết quyết định.
Đại Nam thực lục
chính biên ghi nhận rằng: Ưng Đăng được tin triều đình tới rước mình về
làm vua, đang đêm khuya khoắt, nên rất sợ hãi, nhưng vẫn bị đem lên kiệu
đưa về kinh thành. Ưng Đăng nói, "Ta còn bé, sợ không làm nổi", nhưng
Nguyễn Văn Tường và Tôn Thất Thuyết tâu "Xin lấy tôn miếu, xã tắc làm
trọng", và đưa lên ngôi với sự đồng ý của hoàng thái hậu Từ Dũ.
Triều
đại Kiến Phúc chỉ kéo dài 8 tháng. Từ tháng tư (âm lịch) năm Giáp Thân,
Kiến Phúc ngã bệnh. Ngày 10 tháng 6 âm lịch năm này, (31 tháng 7 năm
1884), Kiến Phúc mất vào giờ ngọ. Lúc mất, Kiến Phúc mới 16 tuổi, chưa
nạp phi, không có con cái.
Xung quanh cái chết của Kiến Phúc có
nhiều thông tin, trong đó có tin đồn Nguyễn Văn Tường vì bị vua bắt gặp
đang tư tình với bà Học phi Nguyễn Thị Hương nên để bịt miệng vua, lợi
dụng lúc vua đang bệnh, Nguyễn Văn Tường đưa thang thuốc độc để Học phi
bỏ vào thuốc trị bệnh của vua, sắc ra, dâng vua uống.
Khâm sứ Pháp Rheinart thì cho rằng vua chết vì lý do tự nhiên: "..Cha
của vua đã mất vì bệnh điên. Cái chết của vua là một cái chết tự nhiên
(mort naturelle), nhưng nó đã đến một cách quá bất ngờ làm cho mọi người
kinh ngạc. Đứa trẻ đáng thương đã làm vua một cách miễn cưỡng: nó sống
trong sự kinh hoàng, luôn luôn lo sợ bị một số phận như người tiền
nhiệm, buồn bực, trầm mặc, trốn tránh mọi người. Trong một thời gian khá
lâu nó không dậy nổi, tôi không biết nó có thể đứng lên mà không cần
người đỡ không, từ lúc bị bịnh, nghĩa là từ ba tháng nay . . ."
Sau
khi mất, bài vị vua Kiến Phúc được đưa vào thờ trong Thế miếu và có
miếu hiệu là Giản tông Nghị Hoàng đế. Lăng của Kiến Phúc, hiệu Bối lăng,
ở phía trái Khiêm lăng, tại làng Dương Xuân Thượng, huyện Hương Thủy,
tỉnh Thừa Thiên.
Theo Wikipedia
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét