Nepal là một trong những nước phong phú và đa dạng sinh thái, do vị trí địa lý đặc biệt của dãy Hi Mã Lạp Sơn. Nepal có 4 di sản văn hóa thế giới được UNESSCO thừa nhận, trong đó 2 di sản thiên nhiên thế giới là Chitwan và công viên quốc gia Sagarmatha. Hai di sản văn hóa thế giới bao gồm Lâm Tỳ Ni, nơi đản sanh của đức Phật và quần thể 7 công trình kiến trúc thuộc thung lũng Kathmandu. Trong số 7 công trình này, có 3 kiến trúc thuộc cung điện lịch sử tại Kathmandu, Patan và quảng trường Bhaktapur Durbar; 2 đền Ấn Độ giáo (Pashupatinath, Changu Narayan) và 2 tháp Phật giáo(Boudhanath và Swayambhunath).
Vào ngày 05/07, phái đoàn chúng tôi đã đến chiêm bái tháp Boudhanath, nằm về phía Tây Kathmandu, là một trong các tháp Phật giáo lớn nhất tại Nepal gắn liền với kiến trúc và mỹ thuật Phật giáo Tây Tạng. Tháp Boudhanath còn gọi là tháp Khasti hoặc Jyarung Khasyor theo cách gọi của người địa phương. Đối với cộng đồng Phật giáo Nepal và Tây Tạng, tháp Boudhanath là thánh tích Phật giáo thiêng liêng thứ hai sau Lâm Tỳ Ni. Cấu trúc của tháp được thiết kế theo đồ hình Mandala vĩ đại. Do yếu tố này, tháp Boudhanath được xem là địa điểm hành trì tâm linh quan trọng của người dân địa phương.
Boudhanath theo nghĩa đen của tiếng Nepal có nghĩa là bậc tuệ giác. Tháp này được quan niệm là thánh thiêng, có năng lực bảo hộ và giúp người thiện nguyện được thành tựu nhất. Các Phật tử tại Hy Mã Lạp Sơn tin rằng một quá phụ tên là Jyazima có nguyện vọng xây tháp cúng dường Phật nên đã tiết kiệm các lợi tức thu hoạch được góp phần xây dựng nên. Bà đã yết kiến vua địa phương xin được toại nguyện. Nhà vua đã đồng ý và cho phép bà thực hiện. Giới giàu có đã ganh tỵ, thỉnh cầu nhà vua hủy bỏ công trình. Cảm động trước lòng thành của bà, nhà vua cho phép bà được tiếp tục xây dựng.
Trong triều đại của vua Dharmadeva (thế kỷ thứ 4 Tây lịch), hạn hán đã tấn công vương quốc Nepal. Nhà vua tham vấn các nhà thiên văn học và được biết rằng để có được mưa, người đạo đức nhất phải trở thành vật hiến tế cho Thượng Đế và thần linh. Mặc dù không hài lòng, nhà vua đã tin rằng chỉ có ông xứng đáng là vật hiến tế. Theo lời vua cha dạy, thái tử Manadeva đã hiến tế cha mình cho các thần linh. Mọi người hoảng sợ khi đầu nhà vua rời khỏi thi thể và rớt xuống chùa VajraYogini ở Sankhu. Thái tử được các thần linh chỉ bảo rằng muốn giải phóng tội lỗi này, phải dựng một đại tháp tôn thờ xá lợi của nhà vua. Khi tháp được hoàn thành, mưa đều đặn, nguồn nước trở nên phong phú.
Tháp Boudhanath có chiều cao 43m và đường kính đế tháp là 37m. Vì tháp này là độc nhất trong các tháp tại Nepal, vào năm 1979, UNESSCO công nhận tháp là di sản văn hóa thế giới.
Tháp Boudhanath ngày nay đã trở thành biểu tượng của Nepal và kiến trúc mỹ thuật truyền thống của Phật giáo Tây Tạng, biểu tượng cho văn hóa tâm linh đặc sắc của Phật giáo.
***
Rời khỏi tháp Boudhanath, cả đoàn chúng tôi tiếp tục lên đường tham
quan tháp Swayambhunath. Tháp tọa lạc trên một ngọn đồi đầy cây xanh, có
nhiều khỉ, nằm về phía tây Kathmandu, nên người Nepal thường gọi tháp
này là chùa Khỉ. Với 15 thế kỷ lịch sử, chùa Khỉ là một trong các biểu
tượng Phật giáo quan trọng nhất của Nepal. Tương truyền, chùa Khỉ do ông
cố của vua Manadeva xây dựng vào đầu thế kỷ thứ 5 Tây lịch. Chiếm một
vị trí trung tâm và độc tôn, chùa Khỉ được xem là một trong ba thánh địa
Phật giáo của Nepal (đứng sau Lâm Tỳ Ni và tháp Boudhanath).Về phong cảnh, Chùa Khỉ nằm trọn trên một quả đồi. Dưới chân đồi được bao bọc bởi một hàng rào mà nổi bật nhất là các bánh xe cầu nguyện được dựng cả chu vi của hàng rào, tạo nên vẻ thiêng liêng cho du khách và Phật tử hành trì tại đây. Ngoài tháp, chùa và một số đền thờ có từ thời xa xưa, viện bảo tàng, thư viện và tu viện Tây Tạng là các công trình được xây dựng trong vài thập niên trở lại đây. Từ dưới chân đồi, mon men 365 bậc thang bằng đá, du khách sẽ lên đến đỉnh tháp của chùa Khỉ.
Bốn mặt trên của tháp có 4 cặp mắt Phật nhìn về 4 hướng. Trung tâm của tháp thờ Phật Vairochana (Tỳ Lô Giá Na, đức Phật chủ), phương Đông tượng trưng cho Phật Akshobhya (biểu tượng của thức uẩn), phương Nam tượng trưng cho Phật Ratna Sambhava (biểu tượng của thọ uẩn), phương Tây tượng trưng cho Phật Amitabha (Phật A Di Đà, biểu tượng của tưởng uẩn) và phương Bắc tượng trưng cho Phật Amoghsiddhi (biểu tượng của hành uẩn). Phối hợp bốn hướng với bốn uẩn đã làm cho ý nghĩa biểu tượng của tháp này trở nên ấn tượng hơn. Vào tháng 10/2010, tháp được trùng tu sau 90 năm và đó là lần thứ 15 sau 1500 năm xây dựng. Vòm tròn trên đỉnh tháp được nạm bằng 20kg vàng, làm cho tháp ngoài nét đẹp trang nghiêm còn tăng sự thu hút du khách đến chiêm bái.
Chiều ngày 05/07, phái đoàn tiếp tục lên đường đến hang động Asura, tọa lạc tại làng Pharping cách Kathmandu hơn 10km. Hang động này nổi tiếng thiêng liêng là nhờ vào sự có mặt của ngài Guru Rimpoche. Tương truyền, vào thế kỷ thứ 7, sau nhiều tháng tu tập thiền định niêm mật, Guru Rimpoche đã giác ngộ chân lý Phật đà. Bước ra khỏi hang động, Guru Rimpoche đã để lại dấu lòng bàn tay ở mặt bên trái hang động để đánh dấu sự kiện giác ngộ của mình. Tại vị trí bàn tay này, người ta cho rằng có một lỗ hang lớn hơn hoảng nửa dặm.
10 năm trở lại đây, du khách quốc tế và địa phương đến thăm viếng hang động nhiều hơn. Các tu viện Phật giáo Tây Tạng lần lượt được dựng lên ngày càng nhiều trong bán kính 10km đối với hang động, đã biến ngôi làng hẻo lánh này thành trung tâm tu học trong vùng phụ cận Kathmandu. Tại đây, TT. Thích Nhật Từ đã chia sẽ bài pháp thoại về cách chuyển hóa thói quen, nhằm giúp các Phật tử khơi dậy niềm tin về năng lực chuyển nghiệp.
***
Sáng ngày 6/7/2013, phái đoàn lên đường đến vùng đông nam Kathmandu,
chiêm bái thắng tích Takmo Lujin, thường được người dân địa phương gọi
là Mamo Bouddha (kính ngưỡng đức Phật). Cách trung tâm Kathmandu 40km,
tương truyền tháp được xây dựng trên xương và tóc của hoàng tử
Mahasattva nằm trên triền đồi Gandha Malla. Vào thế kỷ thứ 8, sách sử
ghi nhận vùng này trở nên không an toàn bởi sự hiện hữu của cọp dữ.
Người dân địa phương không muốn gọi địa danh này bằng tên thực, nơi bị
quấy nhiễu bởi hổ, với niềm tin rằng họ nhờ đó được bảo hộ, nên địa danh
này được gọi là Namo Bouddha (lạy Phật gia hộ).Ngày nay đến nơi này, do thời gian vô thường tàn phá, tháp nguyên thủy không còn nữa. Cộng đồng Phật giáo Tây Tạng dựng lên một đền thờ ngay địa điểm lịch sử khoảng 9 m2, trong đó có bức phù điêu mô tả cảnh Mahasattva róc thịt mình cho mẹ con cọp ăn. Trang thờ rất đơn sơ nhưng lại có sức thu hút du khách đến từ nhiều nơi, lặn lội qua đường hiểm trở là do hạnh bố thí ba la mật đặc biệt của Mahasattva.
Chiều cùng ngày, phái đoàn Việt Nam đã đến quảng trường Patan Durbar là một trong 3 quảng trường Durbar nổi tiếng tại thung lũng Kathmandu. Quảng trường này tọa lạc tại trung tâm của thành phố Lalitpur. Theo các nhà nghiên cứu Nepal, quảng trường Patan vốn là thành phố thịnh vượng từ thời cổ đại. Kiến trúc hiện tại mà ta nhìn thấy với nhiều nét cổ kính là có từ thế kỷ 16, được xây dựng trong triều đại của vua Siddhinarasimha. Patan còn là một trong các thành phố Phật giáo cổ nhất còn tồn tại đến ngày nay. Dầu là người theo Ấn Độ giáo, vua Malla đã xây dựng quần thể kiến trúc hòa quyện giữa Ấn Giáo và Phật giáo, tạo ra nét đặc thù về hòa hợp giữa hai tôn giáo quan trọng nhất tại Nepal. Quảng trường Patan với 136 sân và 55 đền chùa lớn nhỏ, đã trở thành khu tâm linh của người theo Phật giáo và Ấn Độ giáo.
Các đền thờ chính trong quần thể đền thờ Ấn giáo gồm có: đền Krishna (xây 1637), đền Bhimsen (xây 1680), đền Vishwanath (xây 1627), đền Taleju (xây 1667). Tham quan thánh tích này, du khách không khỏi ngạc nhiên, thán phục về công trình đặc sắc hài hòa giữa kiến trúc Ấn Độ giáo và Phật giáo.
Sau 2 ngày tham quan các thắng cảnh văn hóa nổi tiếng tại Kathmandu và vùng phụ cận, phái đoàn đã đến các khu chợ quà lưu niệm, trải nghiệm về sự phong phú của các pháp khí, Phật cụ mang tính mỹ thuật và đặc thù cao của Nepal. Rời khỏi Nepal với bao nỗi niềm quyến luyến, phái đoàn trở về Việt Nam với nhiều kỷ niệm đẹp và khó quên.
Tháp Boudhanath có chiều cao 43m và đường kính đế tháp là 37m.
Đoàn Phật tử Việt Nam đi kinh hành quanh bảo tháp
Chim bồ câu - biểu tượng của hòa bình được các du khách cho ăn hằng ngày.
Đoàn Phật tử Việt Nam chụp hình lưu niệm
Boudhanath theo nghĩa đen của tiếng Nepal có nghĩa là bậc tuệ giác.
Cấu trúc của tháp được thiết kế theo đồ hình Mandala vĩ đại.
Phật tử Nepal lễ lạy
Tháp Boudhanath ngày nay đã trở thành biểu tượng
của Nepal và kiến trúc mỹ thuật truyền thống của Phật giáo Tây Tạng,
biểu tượng cho văn hóa tâm linh đặc sắc của Phật giáo.
Hàng lưu niệm được bày bán.
Chùa Khỉ nằm trọn trên một quả đồi.
Cổng chùa Khỉ
Khỉ hiện diện khắp nơi
Phần trên của tháp nổi bật lên 4 cặp mắt Phật nhìn về 4 hướng, vốn được xem là biểu tượng của thống nhất và trí tuệ.
. Vòm tròn trên đỉnh tháp được nạm bằng 20kg vàng,
làm cho tháp ngoài nét đẹp trang nghiêm còn tăng sự thu hút du khách
đến chiêm bái.
Bao bọc xung quanh các quần thể tháp nhỏ là các
cửa hàng bán quà lưu niệm bao gồm tượng Phật, pháp khí, Phật cụ, tranh
ảnh về Kim Cang thừa và Hy Mã Lạp Sơn, thu hút và giữ chân du khách ở
lâu hơn với Tháp.
Hang động Asura, tọa lạc tại làng Pharping cách Kathmandu hơn 10km.
Tương truyền, vào thế kỷ thứ 7, sau nhiều tháng tu tập thiền định niêm mật, Guru Rimpoche đã giác ngộ chân lý Phật đà.
Bước ra khỏi hang động, Guru Rimpoche đã để lại
dấu lòng bàn tay ở mặt bên trái hang động để đánh dấu sự kiện giác ngộ
của mình.
Thắng tích Takmo Lujin, thường được người dân địa phương gọi là Mamo Bouddha (kính ngưỡng đức Phật).
Hoa văn kiến trúc ngôi chùa Tây Tạng
Bức phù điêu mô tả cảnh Mahasattva róc thịt mình cho mẹ con cọp ăn.
Quảng trường Patan Durbar là một trong 3 quảng trường Durbar nổi tiếng tại thung lũng Kathmandu.
Thánh nữ của Nepal
Kiến trúc hiện tại mà ta nhìn thấy với nhiều nét
cổ kính là có từ thế kỷ 16, được xây dựng trong triều đại của vua
Siddhinarasimha.
Dầu là người theo Ấn Độ giáo, vua Malla đã xây
dựng quần thể kiến trúc hòa quyện giữa Ấn Giáo và Phật giáo, tạo ra nét
đặc thù về hòa hợp giữa hai tôn giáo quan trọng nhất tại Nepal.
Phần kiến trúc và mỹ thuật chính được chạm trỗ bằng một loại gỗ quý màu đen có thể tồn tại 1000 năm.
Từ 1979, quảng trường này được UNESSCO thừa nhận là di sản văn hóa thế giới.