Đồng bào Chăm Bà Ni (hay còn gọi
Bì Nì) là nhóm địa phương của tộc người thiểu số Chăm ở Vệt Nam, họ chủ
yếu sinh sống ở hai tỉnh Ninh Thuận và Bình Thuận.
Các đặc điểm văn hóa người Chăm Bà Ni
vừa mang những yếu tố văn hóa truyền thống dân tộc lại vừa tiếp thu
những yếu tố tâm linh của Hồi giáo (1), và Tết Ramadan (Ramưwan) chính
là hoạt động văn hóa tín ngưỡng thể hiện sự giao thoa, kết hợp hai yếu
tố văn hóa của dân tộc và văn hóa ngoại sinh.
Tùy theo cách tính của các tu sĩ, chức
sắc tôn giáo - được gọi là thầy Char (2) và dựa trên Chăm lịch mà hàng
năm lễ Ramadan được ấn định những ngày cụ thể. Năm nay, Lễ Ramadan của
người Chăm Bà Ni diễn ra từ ngày 25 đến ngày 28 tháng 6 tính theo lịch
dương.
Ramadan - Tết cổ truyền quan trọng nhất
và mang đậm sắc thái riêng của đồng bào Chăm Bà Ni. Và lễ Tảo mộ là
phần lễ quan trọng nhất để mở đầu cho Tết Ramadan. Ngay từ sáng sớm, tất
cả các họ tộc người Chăm theo đạo Bà Ni đều tập trung về nghĩa trang
của làng mình để cùng nhau tiến hành nghi lễ tảo mộ, cúng bái và mời tổ
tiên về ăn Tết với con cháu.
Mộ người Chăm Bà Ni hết sức đặc biệt,
người mất được chôn cất và không đắp mồ cao như của người Việt, và được
đánh dấu bằng 2 tảng đá to tròn, láng để ở vị trí phần đầu và phần chân
của người đã mất.
Người trong họ sau khi mất được chôn cất tạo thành hàng dài và vì thế đã tạo nên những hàng đá sỏi thẳng tắp, gọn gàng.
Tại nghĩa trang, sau khi vun vén cho
ngôi mộ, chủ lễ tế mộ sẽ thực hiện các nghi thức cúng truyền thống như:
tưới nước lên mộ với ý nghĩa tẩy uế và làm cho người chết được sạch sẽ,
thanh khiết hơn, sau đó bày biện đồ cúng, đọc kinh...
Lễ vật cúng khi đi tảo mộ chủ yếu là trầu cau, bánh ngọt và trái cây.
Phụ nữ Chăm Bà Ni trong trang phục truyền thống chuẩn bị lễ vật cúng.
Lễ vật cúng khi đi tảo mộ của đồng bào Chăm Bà Ni chủ yếu là trầu cau, trái cây, chè thuốc, bánh ngọt.
Đồng bào Chăm chủ yếu dùng Trầm hương trong các nghi lễ của mình để mời gọi thần thánh và tổ tiên.
Nghi thức chắp tay phía trên nén trầm hương đồng thời đọc kinh Qur’an mời tổ tiên về ăn Tết Ramadan.
Nghi thức vùi trầu cau ở phía đầu mộ để mời người đã khuất.
Lễ tảo mộ được tiến hành theo từng dòng
tộc của đồng bào Chăm Bà Ni, chủ tế và những người đàn ông thuộc kinh
Qur’an sẽ tiến hành cầu nguyện ớ phía đầu đầu mộ, phụ nữ khấn vái mời tổ
tiên về ăn Tết ở phần chân mộ.
Thiếu nữ Chăm Bà Ni với trang phục truyền thống trong ngày tảo mộ.
---------------------------------------------------------
Chú thích:
(1) Theo sử liệu, các thương gia Ba tư
và Ảrập truyền đạo Hồi cho người Chăm vào thế kỷ thứ chín. Khi đạo Bà Ni
phát triển, nó đưa vào các yếu tố văn hóa truyền thống của người Chăm,
và trở thành giáo phái riêng từ thế kỷ 17.
(2) Các tín đồ đạo Bà Ni bầu chọn Char,
những người được ưu tuyển của mỗi dòng tộc Chăm, các tu sĩ này cử hành
các nghi lễ theo cách riêng của họ và quyết định các vấn đề về luật tôn
giáo. Sau lễ hội Ramadan, các thầy Char bắt đầu tháng chay Ramadan của
Hồi giáo. Họ bước vào Thanggik để đọc kinh Qur'an và cầu thánh Allah ban
phúc lành cho người thân, họ được người thân mang cơm và bánh trái đến
vào ban đêm.
LAN ANH
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét