Thứ Ba, 21 tháng 5, 2013

"Xà bông" cô Ba cuả VN tại Sàigòn

Nếu người miền Bắc khâm phục nhà tài phiệt Bạch Thái Bưởi thì ở miền Nam có ông Trương Văn Bền (1883 - 1956), chủ nhân nhãn hiệu Xà bông Cô Ba. Cả hai đều thành công trên thương trường nhưng không hề trải qua trường lớp và dĩ nhiên là không bằng cấp. Điều đó chứng tỏ họ là những con người có đầu óc kinh doanh, tháo vát, nhiều sáng kiến, hơn hẳn những người học hành đến nơi đến chốn, bằng cấp bề bề, nhưng lại không đóng góp thiết thực vào công cuộc phát triển kinh tế đất nước.

Trước khi làm một nhà doanh thương, ông Bền còn là một ông Hội đồng Quản hạt Nam Kỳ. Gia sản đồ sộ của Trương Văn Bền là do công sức của ông làm ra. Không phải ông Bền làm giàu bằng ruộng đất, ông có một lối đi riêng bằng con đường công nghiệp đáng để làm gương cho những người đi sau.


Xà bông VN của Trương Văn Bền

Là người Việt gốc Hoa, sinh năm 1883 tại Chợ Lớn, ông Trương Văn Bền thuộc một gia đình khá giả. Ông có đi Pháp nhiều lần, nhưng chưa hề học qua một trường chuyên nghiệp nào. Theo bảng lượng giá để đánh thuế của Phủ toàn quyền Đông Dương ở Hà Nội, năm 1941, ông Trương Văn Bền phải đóng thuế cho chính phủ một số tiền lên tới 107.000 đồng, trong khi đó, giá vàng khoảng 60 đồng/lượng.

Là người nhạy cảm trong việc thương mại, nhìn xa thấy rộng, ông Bền biết rõ một tiềm năng kinh tế Việt nam còn bị lãng quên: cây dừa. Từ năm 1918, ông đã lập xưởng ép dầu dừa (dùng trong kỹ nghệ xà bông, mỹ phẩm) mỗi tháng sản xuất 1.500 tấn. Năm 1932, hãng xà bông Trương Văn Bền được thành lập tại đường Quai de Cambodge (trước chợ Kim Biên bây giờ), ban đầu sản xuất 600 tấn xà bông giặt mỗi tháng. Từ khi Xà bông Cô Ba tức xà bông thơm đầu tiên của Việt Nam ra đời, Cô Ba đã đánh bạt xà bông thơm của Pháp, nhập cảng từ Marseille, nhờ phẩm chất tốt, giá thành thấp.

Trong thương trường, ông Bền có chủ trương riêng để tạo uy tín là phải giữ chất lượng tốt và sản phẩm phải hợp với túi tiền người tiêu dùng. Ông nhìn xa thấy rộng, không theo lối chụp giựt, ăn xổi ở thì. Mặc đầu có địa vị cao trong xã hội, nhưng ông Bền không tự mãn. Ông luôn luôn tìm tòi, học hỏi kinh nghiệm mỗi lần có dịp qua Pháp.

Khi máy giặt được phát minh và nhập cảng vào Việt Nam, ông Bền liền sản xuất loại bột giặt để thích ứng ngay. Loại bột giặt Viso của ông Trương Văn Khôi, và bột giặt Việt Nam của hãng xà bông Trương Văn Bền (lúc đó đổi thành Hãng Xà bông Việt nam), có đủ sức cạnh tranh với bột giặt nhập cảng từ Mỹ.

Những người lớn tuổi, không ai không biết đến xà bông “Cô Ba”, có in hình nổi trên cục xà bông thơm hình oval. Ngoài hộp xà bông bằng giấy carton cũng có in hình người đàn bà búi tóc đó.


Những cục xà bông đầu tiên

Nhiều giai thoại kể lại rằng người đàn bà in hình trong cục xà bông thơm và nhãn hiệu đó chính là người vợ thứ của ông Bền. Cái hay của ông Trương Văn Bền là biết áp dụng tâm lý, đưa hình ảnh Cô Ba, người đẹp huyền thoại trong dân gian làm nhãn hiệu cho sản phẩm hàng hoá của mình.


Tem cô BA

Khi đã định hình được tên tuổi sản phẩm và thị trường tiêu dùng, Trương Văn Bền đặc biệt chú trọng vào khâu quảng cáo, khuếch trương thương hiệu. Trong suốt thời gian dài hầu hết báo chí thời đó đều đăng mục quảng cáo “Dùng xà bông xấu, mục quần áo” hoặc “Người Việt Nam nên xài xà bông Việt Nam” của Hãng Xà bông Trương Văn Bền.

Trong các cuộc triễn lãm được mở cửa hàng năm tại các tỉnh và Sài Gòn, bao giờ gian hàng của ông Bền cũng được thiết kế ấn tượng nhất với mô hình một cục xà bông khổng lồ gây được sự chú ý và tò mò đặc biệt của người xem. Chưa dừng lại ở đó, tại các gian hàng còn có bán xà bông gọi là chào hàng với giá rẻ hơn bên ngoài đến 25%. Trương Văn Bền còn đưa nhãn hiệu xà bông Trương Văn Bền vào những loại hình nghệ thuật dân tộc được người Việt yêu thích như vọng cổ, thơ lục bát đề cao tinh thần dân tộc, lòng yêu nước... khiến cho từ giới bình dân đến trí thức người Việt đều biết đến sản phẩm của ông.

Với sự ra đời của Hãng Xà bông Trương Văn Bền ở Nam Kỳ năm 1932, Việt Nam hãnh diện được một xưởng công nghệ quy mô, góp phần vào công cuộc phát triển kinh tế trong thời kỳ phôi thai. Các xưởng ép dầu, xưởng làm xà bông, thâu nhận và tạo công ăn việc làm cho trên 200 công nhân. Khi công việc làm ăn phát đạt thêm, ông Bền còn xuất tiền cất một dãy phố 50 căn, gần Ngã Sáu Chợ Lớn, nằm góc đường Armans Rousseau và Général Lizé (trước năm 1975 đổi thành Minh Mạng-Hùng Vương).


Ông Bền có nhiều con trai lẫn gái. Một người con, tôi được nghe nhắc tới là ông Trương Khắc Trí, từng là chủ tịch ban quản trị Việt nam Công Thương Ngân Hàng (lập năm 1953) tại Sài gòn. Người con trai út, ông Trương Khắc Cần, thay cha quản lý Hãng Xà bông Việt nam cho tới năm 1975.Sau năm 1975, Công ty Trương Văn Bền và Các con trở thành Nhà máy hợp doanh Xà bông Việt Nam thuộc Bộ Công nghiệp nhẹ.


 Năm 1932, hãng xà bông Trương Văn Bền được thành lập ở đường Quai de Cambodge (gần chợ Kim Biên, quận 5,Saigon) và nhanh chóng được đón nhận với một sản phẩm trở thành thương hiệu kéo dài cả 5-6 chục năm: Xà bông Cô Ba. Người phụ nữ đẹp được dùng làm nhãn hiệu cho sản phẩm là một phụ nữ miền Nam . Có người bảo, cô ta vốn là phu nhân của chính ông Trương Văn Bền.

Thực ra, cô là con gái thầy Thông chánh tỉnh Trà Vinh, đã từng là đề tài của khá nhiều hò-vè xuất hiện ở Nam Kỳ Lục tỉnh vào những năm cuối thế kỷ 19. Nhan sắc của cô đẹp đến nỗi được sử dụng hình ảnh để in tem!

Nhưng sau đó cô lấy chồng và sống một cuộc sống giản dị khiêm tốn đến tận cuối đời, khác xa những người đẹp đăng quang và nhiều tai tiếng của những thế hệ về sau. Cô Ba đã đoạt giải nhất trong cuộc thi Người đẹp Người Việt tổ chức năm 1865, sau cuộc thi cho Pháp Kiều năm 1864.


Ai đã từng sống ở đất Saigon trước thập niên 60 đều không thể không nghe tiếng cô Ba, người đẹp tiêu biểu đất phương Nam. Cô chính là người có chân dung được in trên bao bì xà bông hiệu Cô Ba của hãng Trương Văn Bền. Nhưng cô Ba là ai mà xinh đẹp và được ngưỡng mộ như vậy?

Thật ra, kể cả những người nay đã ở tuổi 70,80 hoặc hơn nữa từng sống, cũng không thể biết mặt thật của người đẹp này. Vì cô là hoa khôi được phong chức danh vào thập niên 90 của thế kỷ 19.

Không ai biết tên thật của người đẹp, chỉ được truyền tụng bằng hai từ đặc trưng Nam Bộ "Cô Ba".

Nhưng chắc chắn một điều, cô là người Việt Nam đầu tiên được bầu là hoa hậu, được chính thức ghi danh trên báo chí Pháp ngữ ở Saigon lúc ấy (thời điểm cuối thế kỷ 19, Saigon chỉ có vài tờ báo Việt ngữ, nhưng báo Pháp được phổ biến rộng rãi hơn, trong số này có tờ Le Courrier Saigonnais của Paul Blanchy và tờ Le Mékong của nhóm thân hữu ủng hộ toàn quyền Paul Doumer) và được người Pháp vô cùng ngưỡng vọng, bốc người đẹp lên tận mây xanh!

Một nhà báo đã viết trên tờ Le Courrier Saigonnais rằng: Nếu cô Ba chịu đi thi hoa hậu thế giới, thì chắc chắn sẽ có thứ hạng cao! Các tay phong lưu người Pháp đánh hơi được điều đó, chính thức mời cô Ba ký hợp đồng đề sang Pháp, giới thiệu với mọi người bên kinh đô ánh sáng, rồi sao đó tạo điều kiện cho cô Ba tham dự kỳ thi hoa hậu thế giới sắp sửa được tổ chức!

Nghe nói gia đình cô Ba không đồng ý, có lẽ vì sợ mất con vào tay mấy lão Tây háo sắc. Mà bản thân cô Ba cũng phản đối, bởi cô quan niệm rằng mình tham dự thi hoa hậu là để cho vui, để mọi người ngoại quốc biết là phụ nữ Việt Nam cũng không thua kém ai, còn chuyện đi thi tài với năm châu thì cô chưa nghĩ tới. Cô cũng cho rằng mỗi dân tộc có cái đẹp khác nhau, do đó nếu đem ra so tài thì sẽ không chuẩn xác. Thật là một nghĩ khá tiến bộ.

Về thân thế của cô Ba, người ta chỉ được biết vắn tắt: cô là con gái thứ của một viên quan nhỏ người Việt, giúp việc cho chính quyền bảo hộ, được gọi là thầy Thông Chánh.

Cô là người con gái đẹp không ai bì kịp, như mô tả lại của cụ học giả Vương Hồng Sển trong một quyển sách của ông:

"Đẹp tự nhiên, không răng giả, không ngực keo su nhơn tạo, tóc dài chấm gót, bới ba vòng một ngọn, mướt mượt mà thơm phức dầu dừa mới thắng, đẹp không vì son phấn giả tạo, đẹp đến nổi Nhà Nước in hình vào con tem Nhà Dây Thép (bưu điện) và một hiệu buôn xà bông xin phép họa hình làm mẫu rao hàng: Xà bông Cô Ba."

 Nguồn sưu tầm by Ngoan Trương Công

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét