Sáng hôm sau từ thị xã Châu Đốc chúng tôi khởi hành đi về hướng cửa khẩu Khánh Bình để đến huyện An Phú, tham quan Búng Bình Thiên. Khoảng cách từ Châu Đốc đến Búng Bình Thiên nghe đâu chỉ khoảng 30km, nhưng chúng tôi đã mất gần 1 giờ để đến đó.
Búng
theo tiếng địa phương có nghĩa là hồ hay đầm. Búng Bình Thiên mang nét
nghĩa là hồ nước của Trời ban, mặt nước lúc nào cũng êm ả, bình lặng.
Tương truyền rằng ngày xưa có một vị tướng quân Tây Sơn đóng quân ở đây.
Bấy giờ đất đai khô hạn, quân lính thiếu nước uống. Vị tướng này đã
lập đàn tế trời và cắm thanh gươm vào đất. Khi ông rút gươm lên thì
nước từ lòng đất trào lên theo gươm tạo thành hồ nước, chính là Búng
Bình Thiên ngày nay.
Búng
Bình Thiên là hồ nước ngọt tự nhiên lớn nhất miền Tây Nam Bộ. Búng nằm
ở giữa 3 xã biên giới Khánh Bình, Khánh An và Nhơn Hội của huyện An Phú
(tỉnh An Giang). An Phú là một cù lao bao quanh bởi sông Bình Di (một
nhánh phía Tây của sông Hậu bắt nguồn từ Campuchia đổ vào Việt Nam tại
đầu nguồn Khánh Bình). Búng Bình Thiên ở An Phú thông với sông Bình Di,
nhưng một điều lạ lùng là vào mùa lũ nước sông Bình Di đục ngầu phù sa,
nhưng nước của Búng Bình Thiên vẫn trong xanh. Người ta cho rằng nước
Búng Bình Thiên quanh năm trong xanh là vì nước ở búng chỉ dâng lên hạ
xuống chứ không hợp lưu với sông Bình Di. Tuy nhiên giả thiết này không
thuyết phục lắm, vì vào mùa lũ nước của búng dâng lên chứng tỏ búng đã
nhận nước từ sông Bình Di do thượng nguồn sông Mê Kông đổ về. Một giả
thiết khác cho rằng miệng búng thông với sông Bình Di rất nhỏ nên nước
ít bị phù sa hòa lẫn. Cũng có giả thiết cho rằng lơ lửng trong lòng hồ
có rất nhiều rong, tảo có tác dụng lọc nước, làm cho nước hồ trong xanh.
Cho đến nay vẫn chưa có lời giải thích thỏa đáng về vấn đề này, thế nên
du khách vẫn thấy thật kỳ diệu khi ngoài sông Bình Di nước cuồn cuộn
chảy, đỏ ngầu phù sa, nhưng vào đến Búng Bình Thiên thì dòng nước trong
xanh và hiền hòa bình lặng.
Búng Bình Thiên nhìn từ bến thuyền ở xã Nhơn Hội.
Những
chiếc thuyền máy của người Chăm địa phương đang đậu ở bến, sẵn sàng cho
cuộc du ngoạn trên hồ. Thuyền của người Chăm không có thành cao hai
bên, lòng thuyền bằng phẳng và cao, nổi hẳn lên, khác hẳn với thuyền của
người Việt thường thấy.
Những
ngày này trời đang mưa bão nên buổi sáng trời nhiều mây và không có
nắng. Khác với những gì tôi đã hình dung về một mặt hồ xanh biếc mênh
mông in bóng mây trời, Búng Bình Thiên hôm ấy trắng xóa màu nước và màu
trời, thỉnh thoảng có những mảng màu xanh phản chiếu ở những nơi có hàng
cây soi bóng.
Chúng
tôi xuống thuyền, bắt đầu cuộc du ngoạn trên hồ. Trời có gió nhẹ, mặt
hồ lặng sóng. Thuyền đi gần bờ, những mảng xanh cây lá ven bờ in hình
trên mặt hồ khiến búng có màu xanh thẫm sóng sánh như một miếng xương
sâm ngon lành.
Đám điên điển non trước những nhà sàn vẽ nên những mảng màu vàng tươi tắn trên nền xanh của búng.
Vào
mùa khô, diện tích mặt búng khoảng 300ha, nhưng vào mùa nước nổi, mặt
búng rộng đến khoảng 900ha. Cách bờ hồ khá xa thỉnh thoảng có những đám
cỏ cho biết nơi đó chỉ mới bị ngập nước khi lũ về gần đây.
Ven
bờ thưa thớt có những ngôi nhà sàn bình yên nép mình dưới bóng cây.
Chẳng biết có bao giờ giông bão đi qua các gia đình đang sống trong
những căn nhà nhỏ bé đó, nhưng nếu nhìn bên ngoài thì cuộc sống nơi đây
có vẻ rất êm đềm và bình lặng.
Mùa
nước nổi cũng là mùa các loài thủy sản từ thượng nguồn đổ về búng rất
nhiều, nước càng lên cao thì lưới càng căng đầy tôm cá. Thế nhưng do
các đập thủy điện ở thượng nguồn sông Mê Kông xuất hiện ngày càng nhiều,
lũ cũng càng ngày càng thấp. Mùa nước nổi ở An Giang năm nay thấp hơn
năm ngoái đến 1,5m. Vì thế Búng Bình Thiên im ắng đến lạ thường, ngoài
những vạt lưới ven bờ, chỉ có một vài chiếc xuồng giăng lưới trên hồ.
Những chiếc bè nuôi cá cũng không một bóng người, lặng im soi bóng trên hồ.
Nước
ở Búng Bình Thiên rất lặng nên gần như không thấy lục bình trôi. Đám
lục bình khép nép tấp vào cây cỏ ven bờ hay bám vào những vạt đất mới
ngập.
Đầu
mùa lũ nhưng điên điển đã mọc lên khá cao ở những vạt đất ven hồ. Chợt
nhớ câu ca dao ngày thơ bé, mỗi lần đọc lên lại thấy nao nao trong
lòng:
Lục bình bông tím
Điên điển bông vàng
Điên điển mọc ở đất làng
Lục bình trôi nổi như phường hát ngao...
Điên Điển (Sesbania sesban) còn có tên là Điền Thanh thân tía / Điền Thanh bụi, thuộc họ Đậu (Fabaceae).
Thân điên điển xốp và nhẹ, lá kép lông chim tương tự lá Me, hoa có cấu
tạo điển hình của các loài hoa thuộc họ Đậu. Và cũng như các loài cây
khác thuộc họ Đậu, rễ điên điển có những nốt sần chứa các vi khuẩn cộng
sinh có khả năng cố định đạm. Khi nước lũ rút đi, thân và rễ điên điển
trở thành phân xanh cho đất. Vào mùa lũ năm sau, hạt điên điển trong
đất lại nẩy mầm vươn lên trong làn nước và trổ bông vàng rực sông hồ,
đồng ruộng, đem đến một vẻ đẹp tự nhiên và đặc sắc cho mùa nước nổi ở
đồng bằng sông Cửu Long. Sắc bông điên điển là một hình ảnh khắc sâu
trong nỗi nhớ quê hương của những người con miền Tây xa xứ.
Bông
điên điển không chỉ tô điểm cho cảnh sắc sông hồ mùa nước nổi mà còn là
món ăn quen thuộc của người địa phương. Vào mùa lũ, người miền Tây
chống xuồng đi hái bông điên điển để chế biến những món ăn dân dã như
dưa chua, canh chua, xào với tép, đổ bánh xèo...
Rải rác trên búng còn có những đám Súng Ma (Nymphoides indicum),
còn có tên là Thủy Nữ Ấn / Water snowflake. Súng Ma cọng xanh và nhỏ,
ăn giòn và ngon hơn loại cọng Súng tím. Súng Ma mọc tự nhiên trên đồng
nước nổi nên còn gọi là Súng Đồng, nước lên tới đâu thì cọng Súng vươn
cao tới đó. Cánh bông Súng Ma màu trắng, có nhiều tua nhỏ, nhụy vàng.
Trời
không xanh và không nắng nên quang cảnh Búng Bình Thiên không lộng lẫy
sắc màu như tôi đã được xem trên internet, nhưng cũng nhờ vậy mà chúng
tôi không phải phơi mình dưới ánh nắng gay gắt và sự phản chiếu ánh sáng
chói chang từ mặt nước trong suốt thời gian đi thuyền trên búng. Thú
vị làm sao khi ngồi trên thuyền trong làn gió mát và ánh sáng dìu dịu,
ngắm mặt hồ trong một màu xanh bất tận trên nền trắng của bầu trời;
những nụ hoa điên điển vàng là nét chấm phá trên bức tranh thiên nhiên
mùa nước nổi: thật đơn giản và thân thiện.
Thuyền
đi dưới một cây cầu sắt một quãng ngắn rồi quay đầu về bến. Theo người
hướng dẫn đoàn, nếu đi tiếp thì sẽ ra sông Bình Di và rồi qua địa phận
Campuchia.
Không
hiểu vị trí có cây cầu sắt này có phải là miệng búng không, vì nó khá
hẹp. Bên kia cầu sắt mặt nước rộng hơn. Chiếc tắc ráng trong hình là
thuyền cứu hộ, luôn theo sát 2 chiếc thuyền Chăm của du khách.
Khi
trở về, thuyền lủi vào những bụi điên điển cho khách thi hái bông. Mọi
người tranh nhau níu những cành bông sát vào thuyền để hái.
Rồi thuyền cập bến, mọi người lên bờ ghé thăm Thánh đường Hồi Giáo Nhơn Hội ở đối diện bến thuyền.
Cộng
đồng người Chăm chiếm 0,61% dân số ở An Giang, trong đó tập trung nhiều
ở An Phú. Quanh Búng Bình Thiên, có đến 90% dân địa phương là người
Chăm. Trẻ em Chăm cũng đi học tại các trường tiểu học địa phương, đồng
thời tham gia các lớp học giáo lý và tiếng Chăm tại Thánh đường Nhơn
Hội.
Các thiếu niên Chăm trở về nhà sau một buổi học giáo lý tại thánh đường Nhơn Hội:
Các bé gái Chăm bên cổng Thánh đường:
Nhà
của người Chăm ở Búng Bình Thiên đều làm theo kiểu nhà sàn, bên trên là
nhà ở, bên dưới để xe, các vật dụng gia đình hoặc dùng làm chuồng trâu,
bò...
Chúng
tôi dùng cơm trưa tại nhà của một gia đình Chăm. Bữa ăn đặc sản mùa
nước nổi có bánh xèo nhân cá linh và bông điên điển, canh chua bông súng
và điên điển nấu cá linh, điên điển xào tép đồng, cá linh nướng mọi và
cá rô kho tộ.
Đó là lần đầu tiên tôi thấy bông điên điển mùa nước nổi và được nếm hương vị mộc mạc của nó. Để rồi giờ đây mỗi khi nghe điệu hát “Bông điên điển” vang lên đâu đó, tôi lại nghe lòng rưng rưng như thể mình là một người miền Tây xa xứ...
“.... Xa xăm nơi chốn bưng biền
Ăn bông (mà) điên điển
Nghiêng mình nhớ đất quê...”
(Bông điên điển, nhạc Hà Phương)
Nguồn sưu tầm by Ngoan Trương Công
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét