Thứ Hai, 6 tháng 5, 2013

Vì sao tháng hai chỉ có 28 hoặc 29 ngày?

Khác với những tháng còn lại trong năm, tháng Hai chỉ có 28 hoặc 29 ngày. Lý do thực sự của điều này, chưa hẳn ai cũng biết. 

Mỗi tháng Dương lịch đều có từ 30 đến 31 ngày, nhưng tháng Hai chỉ có 28 hoặc 29 ngày nếu là năm nhuận, là do giữ nguyên cách tính lịch của người La Mã trước kia.

Lịch La Mã ban đầu ban hành bởi Romulus, vị hoàng đế đầu tiên của thành Rome. Lịch do ông ta ban hành dựa vào chu kỳ của mặt trăng, tức là tương tự như âm lịch của người phương Đông, tuy nhiên chỉ có 10 tháng. 10 tháng của lịch này bắt đầu từ tháng ba và kết thúc vào cuối tháng mười hai (lưu ý rằng cách đánh số tháng 1, 2, 3,... là do cách dịch của người Việt Nam, còn trong nguyên bản của lịch La Mã cũng như cách dịch ra nhiều ngôn ngữ trên thế giới thì mỗi tháng có tên riêng).

Như vậy một năm chỉ có 10 tháng, tức là có một khoảng thời gian kéo dài hai chu kỳ Trăng không được đưa vào lịch, vì Romulus cho rằng đây là thời gian mùa đông không có ý nghĩa gì với việc làm nông nghiệp nên không cần có quy ước.
Khoảng thế kỷ thứ 8 trước công nguyên, hoàng đế Numa Pompilius là người quyết định đưa thêm hai tháng nữa vào lịch cho đủ 12 chu kỳ Trăng. Mỗi tháng có 28 ngày, làm cho lịch kéo dài đủ 12 chu kỳ Trăng, tổng cộng là 354 ngày. Tuy vậy, Pompilius cho rằng số 28 là con số không may mắn nên sau đó quyết định cho tháng một thêm một ngày thành 29 ngày, còn tháng hai không hiểu vì lý do gì vẫn giữ nguyên chỉ có 28 ngày.

Lịch đặt theo chu kỳ của mặt trăng dần bộc lộ điểm yếu, nó không phản ánh đúng chu kỳ biến đổi thời tiết các mùa, vì chu kỳ này gắn liền với chuyển động của trái đất quanh mặt trời. Vì thế, người La Mã lại quyết định cứ hai năm thì đưa vào thêm một tháng nhuận kéo dài 27 ngày sau ngày 23 tháng hai (những năm đó tháng hai chỉ có 23 ngày).

Việc thay đổi như trên làm việc tính lịch trở nên rắc rối. Đến khoảng năm 45 trước Công nguyên, Julius Caesar quyết định thay đổi hệ thống tính lịch này. Ông giữ nguyên 12 tháng nhưng thêm ngày vào các tháng để 12 tháng đó trùng với chu kỳ của mặt trời (chu kỳ vị trí của mặt trời trên bầu trời, chứ không phải chu kỳ trái đất chuyển động quanh mặt trời vì thời đó người ta không biết trái đất có quỹ đạo quanh mặt trời).

Caesar cũng đặt quy định cứ 4 năm một lần thì tháng hai lại được cộng thêm một ngày cho phù hợp với chu kỳ của mặt trời được tính ra khi đó là 365,25 ngày, điều này về cơ bản khá gần với chu kỳ thật của trái đất quanh mặt trời, hiện nay chúng ta biết là 365,2425 ngày.

Có nguồn tài liệu ghi rằng ban đầu theo cách tính lịch của Caesar, tháng hai có 29 ngày và mỗi 4 năm nó được thêm một ngày thành 30 ngày, tức là không có chênh lệch lớn với các tháng khác. Tuy vậy sau này khi các tháng đặt tên lại, ngày thứ hai chín của tháng hai được chuyển sang tháng tám do tháng này đặt theo tên của Augustus (Hoàng đế sáng lập đế chế La Mã), để cho tháng đó có độ dài tương đương với tháng bảy (July) - tên của Julius Caesar.

Dương lịch mà con người sử dụng ngày nay chính là lịch La Mã được hoàn thiện thêm. Cách chia các tháng vẫn giữ nguyên để tôn trọng lịch sử và đó là lí do tháng hai có ít ngày hơn các tháng khác. Về cơ bản đây chỉ là một qui ước, không gây ảnh hưởng gì tới việc sử dụng thời gian của loài người.
 Vì sao người Việt kỵ vỡ gương ngày Tết?

 - Những ngày Tết là mở đầu một năm mới. Để tránh bị “giông” bị xui xẻo trong cả năm, dân ta cũng thận trọng hơn ngày thường trong sinh hoạt.


Tục ngữ có câu “Nhà sạch thì mát, bát sạch ngon cơm”. Trong ngày thường, người Việt Nam ta rất coi trọng vệ sinh nhà cửa cho sạch sẽ. Tuy nhiên vào ngày Tết người ta lại kiêng quét nhà. Chiều 30 Tết mọi việc dọn dẹp nhà cửa phải xong để chuẩn bị cho ngày đầu năm mới được sạch sẽ. Tuy nhiên, trong cả ngày mồng 1 Tết, dù sàn nhà có bừa bộn với vỏ kẹo, vỏ hướng dương… thì người ta cũng để đó mà không quét vì quan niệm rằng những rác đó là lộc năm mới, nếu quét đi thì mất lộc.

Thời nay bật lửa phổ biến nhưng thời xưa, vì dụng cụ đánh lửa hiếm cho nên dân gian thường giữ lửa từ bữa này sang bữa khác trong các đống tro than hoặc trấu. Công đoạn này được gọi là “giấm lửa”. Nhưng nhiều khi đống giấm bị tắt nên chuyện xin lửa nhau là rất phổ biến. Mới cách đây độ hai chục năm, ở quê tôi, hình ảnh một người cầm nắm rơm sang hàng xóm xin lửa khi đến giờ nấu cơm vẫn còn thường thấy.

Tuy nhiên, đừng ai đi xin lửa hàng xóm vào sớm mồng 1. Bởi người ta quan niệm, lửa là đỏ, là may mắn. Nếu ngày đầu năm mới mà cho người khác cái đỏ, cái may mắn thì nhà mình sẽ gặp nhiều điều không may mắn, làm ăn thua lỗ… Cùng với lửa, người ta kiêng cả xin nước và cho nước vì nước cũng là một nguồn tài lộc. Dân gian thường ví “tiền vào như nước”.

Bên cạnh đó, trong lời ăn tiếng nói rất kiêng nói những từ xui xẻo như “Tiêu rồi, chết rồi”. Mọi người ai cũng cố gắng giữ gìn lời ăn tiếng nói. Ông bà cha mẹ thường dặn con cháu không được nói tục chửi bậy trong ngày đầu năm mới để tránh bị “giông”.

Thành ngữ nói “sinh dữ, tử lành”nghĩa là đi đường mà gặp đám ma thì lành, ngược lại gặp người đi đẻ thì gặp nhiều điều không may. Ấy thế mà trong ngày Tết, cái điều kị nhất lại là đám ma. Sách “100 điều nên biết về phong tục Việt Nam” của tác giả Tân Việt nói: “Nhà nào không may có người chết trong những ngày Tết, nếu là trước đêm giao thừa thì nhanh chóng an táng ngay trong năm cũ còn nếu mất vào đúng ngày mồng 1 thì cũng không được phát tang ngay mà phải để sang mồng 2 để tránh làm ảnh hưởng đến không khí vui xuân của cả làng xóm”.

Cái ảnh hưởng của tang ma còn theo người ta đến cả năm. Dân gian thường gọi những người mà trong nhà mới có người chết là đang mang vận khăn trắng. Những người đang mang vận khăn trắng này, vào ngày đầu xuân không nên đi chúc Tết sớm để người khác không gặp mình đầu tiên. Cái sự gặp buổi ban đầu ấy rất quan trọng. Ngày thường, đi ra đường người ta đã coi trọng việc gặp ai vì có quan niệm nếu gặp người “vía lành” thì công việc thuận lợi. Ngược lại nếu gặp người “vía dữ” thì mọi việc lại khó khăn, thất bại… Bởi thế mà ai cũng kiêng gặp những người có vận khăn trắng đầu tiên trong năm mới vì lo ngại cái vận tang ma chết chóc của họ sẽ ám vào mình trong cả năm tiếp theo. Cho nên những người mà gia đình mình mới có người chết thì cũng không nên vô tình hay hữu ý mà đến xông nhà cho người khác.

Bên cạnh những đại kị đó thì người dân ta cũng rất kị đánh vỡ bát đĩa, gương trong ngày đầu năm. Theo quan niệm truyền thống, đổ vỡ sẽ là điềm báo cho những sứt mẻ trong quan hệ làm ăn, quan hệ công việc… của năm tới. Trong bài trí nhà cửa, các tranh cũng được lựa chọn kỹ càng. Nội dung tranh phải thể hiện sự no đủ, vui vẻ, tránh những tranh có hình ảnh đánh đấm, sát khí hay những cảnh không vui vẻ như kiện tụng, đánh ghen…

Thời nay, giới trẻ có phần phóng khoáng hơn và ít biết về các quan niệm kiêng kị của thời trước. Tuy nhiên còn khá đông người Việt, cả ở nông thôn hay thành thị vẫn đều coi trọng những điều đó. Bởi vậy, dù bạn tin hay không tin thì trong ngày xuân, để đẹp lòng vui vẻ mọi người hãy giữ gìn một chút.
(kienthuc.net)

  Nguồn sưu tầm by Ngoan Trương Công

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét