Vịnh
Vân Phong cách thành phố Nha Trang khoảng 80km về hướng Bắc, nằm ở huyện
Vạn Ninh và Ninh Hòa, được bao bọc bởi bán đảo Hòn Gồm dài gần 30km.
Vịnh Vân Phong là một eo biển kín gió, có độ sâu trung bình 20m- 27m, có
nơi sâu đến 40m. Trong vịnh có nhiều hòn đảo nhỏ như Hòn Mao, Hòn Trí,
hòn Một, hòn Vung, hòn Gà, hòn Đụng, hòn Me… Ra cửa Lớn (Cổ Cò) có hòn
Mai, hòn Săng, hòn Ông, hòn Đen, hòn Tai… Vịnh Vân Phong có nhiều bãi
tắm đẹp và hoang sơ như Bãi Tây, Bãi Me, Bãi Búa, Bãi Lách, Bãi Sơn
Đừng... Trong đó, bãi Sơn Đừng (còn gọi là Xuân Đừng) thuộc Đầm Môn là
điểm du lịch thu hút du khách nhất bởi nét khác biệt của nó so với những
bãi tắm khác.
Để
đến Sơn Đừng, xe từ Nha Trang đi về hướng Bắc rồi theo con đường mới mở
từ chân đèo Cổ Mã đến bán đảo Đầm Môn. Qua cửa kính xe, màu xanh thẫm
của biển kéo dài đến tận chân trời, một bên đường là cồn cát chạy dài
bất tận.
Bán
đảo Đầm Môn nằm trong vịnh Vân Phong, thuộc huyện Vạn Ninh tỉnh Khánh
Hòa. Bán đảo này không chỉ có những bãi biển đẹp mà còn có nhiều cồn
cát mênh mông, rừng nguyên sinh… vẫn còn vẹn nguyên nét đẹp hoang sơ và
chân phương (ít ra là đến thời điểm thực hiện chuyến đi này). Đầm Môn
là một làng chài nhỏ gồm 3 thôn: Đầm Môn Hạ, Đầm Môn Thượng và Sơn Đừng.
Tới cảng Đầm Môn, chúng tôi lên tàu đi trong vịnh Vân Phong để đến bãi Sơn Đừng.
Vịnh Vân Phong nhìn từ bến tàu Đầm Môn:
Ngồi
trên tàu lướt êm trên Vịnh Vân Phong, du khách tha hồ ngắm cảnh hai bên
bờ. Một bên là biển xanh lặng sóng, một bên là núi xanh trùng điệp.
Trên núi là những cánh rừng nguyên sinh, chân núi bủa vây bởi những tảng
đá khổng lồ đủ mọi hình thù mà dấu vết sự xâm thực của nước biển vẫn
còn hằn in trên đá. Càng đến gần bãi Sơn Đừng, màu xanh thẫm của nước
biển càng chuyển sang màu xanh lá…
Cách bãi Sơn Đừng khoảng 100m, chúng tôi
rời tàu xuống bè để vào bờ. Lần đầu tiên đi trên một chiếc bè, tôi có
cảm tưởng rất lạ, nhất là khi nhìn bãi Sơn Đừng trước mặt, hoang sơ và
vắng bóng người, tưởng như mình là Robinson đang lạc vào đảo hoang.
Núi,
đá, biển và chiếc thuyền thúng chơ vơ trên bãi cát tạo thành một bức
tranh nên thơ, cho tôi cảm giác thật bình yên và thanh thản.
Làn khói từ bếp lửa nhà ai bay mờ mờ trên vách núi khiến lòng tôi ấm áp lạ lùng: nơi đó có người và mình không cô độc…
Sơn
Đừng là một thôn nhỏ, chỉ gồm mười mấy nóc nhà, là nơi sống của dân tộc
Đàng Hạ. Người ta cho rằng tổ tiên của họ là ngư dân từ Malaysia hay
Indonesia bị bão trôi lạc vào đảo này từ thế kỷ 18, 19. Người Đàng Hạ
có nước da ngăm đen, tóc xoăn, mắt lộ, nếp sống và ngôn ngữ của họ ngày
nay đã được Việt hóa hoàn toàn, chỉ khác là vẫn còn thói quen mang vác
theo kiểu đội đầu giống như người Chăm.
Sơn Đừng không có đường sá, người dân di chuyển dọc theo bãi cát, khi nước triều dâng thì đường đi cũng biến mất.
Một
điều rất thú vị ở Sơn Đừng là bạn có thể lấy nước ngọt ngay trên bãi
cát, sát mép biển. Tôi đã thử dùng mái chèo của chiếc thuyền thúng trên
bãi cát, đào một hố nhỏ sâu chừng 25cm và cách mép nước biển chỉ khoảng
1m. Nước từ từ rịn ra, dâng lên trong cái hố nhỏ đó. Múc nước lên
uống thử, quả đúng là nước ngọt, không một chút vị mặn hay lợ nào cả.
Thật là kỳ diệu!
Theo
các nhà địa chất, Sơn Đừng có nhiều mạch nước ngầm từ trên núi chảy
xuống, nhưng mạch nước ngầm này nằm ngay bên dưới bãi cát. Người dân ở
đây dùng nguồn nước này để uống, nấu ăn, tắm giặt… chỉ cần đào hố nhỏ
hay lớn tùy theo nhu cầu.
Tương
truyền rằng ngày xưa khi vua Gia Long thua Tây Sơn chạy đến đây, đã cho
đào hố ngay sát mép biển và không ngờ tìm được nguồn nước ngọt. Dù
chưa rõ truyền thuyết này có thật hay không, nhưng quả thật ở Sơn Đừng
có một đền nhỏ thờ vua Gia Long.
Nếu
không phải ngồi canh giữ đồ đạc giúp những người tắm biển thì tôi đã có
thể đi loanh quanh xa hơn theo chân núi, vào thăm nhà người Đàng Hạ và
nếu có thời gian nhiều hơn thì khám phá rừng nguyên sinh trên núi.
Nhưng đoàn khách này dường như chỉ đến Sơn Đừng để tắm biển. Sơn Đừng
đâu chỉ có thế! Những ai thích thiên nhiên và sự tĩnh lặng sẽ yêu Sơn
Đừng, nơi bạn có thể ngồi yên hàng giờ ngắm cảnh biển và núi rừng hoang
sơ, thả hồn theo làn khói lam vương vấn trên ngọn cây rừng, bước dài
theo bãi cát để tìm dã tràng, hoặc leo núi để tìm những loài cây lạ…
Sau khoảng 2 giờ tham quan bãi Sơn Đừng, chúng tôi lại lên bè ra tàu để trở lại cảng Đầm Môn, ăn trưa muộn tại khách sạn Đầm Môn. Gần khách sạn là một xóm chài nép mình dưới những rặng dừa xanh, có những đứa bé đang chơi đùa trên bãi cát. Khung cảnh thật thanh bình. Ở làng chài này, có lẽ cuộc sống ngư dân không đến nỗi quá khó khăn vì ngày Tết trẻ em được ăn mặc tươm tất cũng như dân phố thị.
Bãi Sơn Đừng hoang sơ ngày nào, chẳng
biết bây giờ có còn vẻ đẹp thuần khiết và tĩnh lặng nữa không, hay là đã
bị can thiệp thô bạo bởi ngành thương mại, du lịch… Đến Nha Trang –
Khánh Hòa, du khách đã quá nhàm chán những Hồ Trí Nguyên, Hòn Tằm, Đảo
Khỉ…đầy những công trình nhân tạo. Mong sao Sơn Đừng mãi mãi là một
vùng biển nguyên sơ để du khách phải nhớ hoài…
Nguồn sưu tầm by Ngoan Trương Công
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét