Thứ Hai, 13 tháng 5, 2013

Những ngôi chùa độc đáo ở Bagan

Nhắc đến Bagan, người ta sẽ nghĩ ngay tới những công trình đền chùa độc đáo nhất Đông Nam Á. Đến Bagan, bạn sẽ có cơ hội khám phá cố đô Myanmar huyền bí, linh thiêng bên dòng sông Ayeyarwady thơ mộng.
Ở Myanmar có một nơi mà đứng ở góc nào bạn cũng thấy những ngôi chùa tháp nguy nga, in bóng lên nền trời xanh ngắt. Đó chính là Bagan – một vùng đất trải rộng bên bờ sông Ayeyarwady.
Bagan là cố đô của Myanmar. Nơi đây hội tụ những công trình kiến trúc đền chùa độc đáo ở Đông Nam Á. Những công trình kiến trúc tráng lệ còn sót lại, chính là hiện thân của một lối kiến trúc đã mất hẳn trong lịch sử. Nhìn từ xa, bạn sẽ cảm nhận được vẻ linh thiêng toát ra từ kiến trúc kiên cố, tháp trên cùng hình trụ thếp vàng, đặt trên ba tầng tháp vuông.
Thành phố cổ Bagan nằm bên bờ sông Ayeyarwady (Irrawaddy), thuộc khu vực Mandalay, Myanmar. Từ thế kỷ 9 đến 13, Bagan là thủ đô và là trung tâm đầu não chính trị, kinh tế, văn hóa của đế chế Pagan. Trong giai đoạn đỉnh cao của đế chế, giữa thế kỷ 11 - 13, vương triều Pagan đã cho xây dựng hàng ngàn ngôi đền trên vùng đồng bằng Bagan. Ước tính khoảng hơn 10.000 ngôi chùa Phật giáo, đền được xây dựng trong khoảng diện tích 100 km vuông ở vùng đồng bằng trung tâm Myanmar. Trong đó, hiện có hơn 2200 ngôi đền và chùa vẫn còn tồn tại cho đến ngày nay.
Bagan đã trở thành một trung tâm quyền lực vào giữa thế kỷ thứ 9, dưới thời vua Anawratha, người đã thống nhất Myanmar theo Phật Giáo. Trong suốt 250 năm trị vì, các vua chúa cố đô và tầng lớp giàu có đã xây dựng trên 10.000 di tích tôn giáo ở vùng đồng bằng Bagan. Thành phố thịnh vượng, phát triển cả diện tích lẫn văn hóa, trở thành một trung tâm nghiên cứu tôn giáo và thế tục của toàn thế giới. Các tu sĩ và học giả từ khắp nơi như Ấn Độ, Sri Lanka và người Khmer đến Bagan để nghiên cứu ngôn điệu, ngữ âm, ngữ pháp, chiêm tinh học, thuật giả kim, y học và pháp luật.
Giai đoạn thịnh vượng của Bagan kết thúc vào năm 1287, khi vua và thành phố bị quân Mông Cổ xâm lược và phế truất. Dân số thành phố giảm xuống chỉ còn “một ngôi làng”, hiện nằm trong số những tàn tích còn lại của thành phố. Các di tích tôn giáo mới vẫn phát triển đến giữa thế kỷ 15, nhưng sau đó, các công trình đền thờ chỉ được xây dựng nhỏ giọt với chưa đến 200 ngôi đền từ thế kỷ 15 đến 20.
Cố đô tiếp tục là một địa điểm hành hương, nhưng chỉ tập trung ở những ngôi đền nổi bật nhất. Hàng ngàn ngôi đền, chùa còn lại đều rơi vào tình trạng xuống cấp, và hầu hết đã biến mất với thời gian. Số còn lại bị phá huỷ bởi thiên tai, chẳng hạn như động đất.
Trong các ngôi chùa ở Bagan còn lưu lại nhiều tác phẩm điêu khắc tượng Phật. Mỗi một ngôi đền, chùa ở Bagan đều là một tác phẩm nghệ thuật tuyệt vời.
Nếu du lịch đến Bagan, bạn hãy bắt đầu hành trình khám phá bằng việc leo lên ngôi chùa cổ Shwesandaw để ngắm bình minh. Buổi sáng, sương trắng bảng lảng trên nóc tòa tháp chùa, lẫn trong không khí. Rồi toàn bộ không gian như mặc một chiếc áo rực rỡ màu hồng khi mặt trời dần xuất hiện. Lúc ấy, những ngôi chùa cũng hiện ra rõ ràng hơn.
Buổi chiều, vào những hôm quang mây, ngồi trên nóc Shwesandaw cũng có thể ngắm cảnh mặt trời lặn. Nhìn từ trên cao, bạn sẽ trông thấy các ngọn tháp kiêu hãnh vút lên trời xanh, cảm nhận được sự linh thiêng toát ra từ những công trình kiến trúc này.
Ngoài ra, bạn cũng có thể chọn cách chiêm ngưỡng trọn vẹn khung cảnh Bagan bằng khinh khí cầu. Khi lơ lửng trên cao, ngập tràn giữa những công trình kiến trúc cổ xưa, bạn sẽ cảm thấy tịnh tâm hơn, cảm nhận như đang trở về quá khứ, nơi mà mỗi công trình đều ghi dấu tích một thời đại lịch sử, với những nét văn hóa đặc sắc truyền thống.
Ngày nay, chỉ khoảng vài chục ngôi đền còn tồn tại. Vào những năm 90, chính phủ Myanmar đã nỗ lực khôi phục lại nhiều ngôi chùa bị hư hỏng, nhưng họ đã gặp thất bại trong việc giữ lại kiến trúc ban đầu. Việc sử dụng các vật liệu hiện đại đã khiến cộng đồng quốc tế, đặc biệt là các nhà sử học và nghệ thuật thế giới lên án và chỉ trích gay gắt.
Mời bạn cùng ngắm Bagan lung linh dưới nắng chiều:
Nguồn sưu tầm by Ngoan Trương Công
nguồn : (dạophatngaynay.com)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét