Có dịp ghé An Giang vào đầu tháng 11, độc giả Mi Hương đã ghi lại những khoảnh khắc đẹp khi người dân nơi đây tổ chức một trong những lễ hội độc đáo nhất của Việt Nam.
Theo thông lệ từ ngày xưa, bò dùng để kéo cày làm ruộng, sau mùa vụ thu hoạch, bò nghỉ ngơi và những con to khỏe nhất sẽ được chọn đi tham dự cuộc đua.
Đến hẹn lại lên, cứ đến khoảng thời gian tháng 10-11 hàng năm là mùa mà dân du lịch bụi ở khắp nơi dồn mọi chú ý tới miền Tây. Đồng bằng sông Cửu Long được thiên nhiên ban tặng những cánh đồng ruộng thẳng cánh cò bay, nguồn sông suối kênh rạch dày đặc. Đây là lúc những con nước dâng cao vào ruộng đồng, vào tận nhà người dân, được người dân miền Tây ưu ái gọi cái tên mùa nước nổi.
Khi bước qua tháng 10 là cũng là những ngày cuối mùa vụ của nông dân nơi này. Đây là thời gian dành cho những lễ hội của người Chăm, người Khơ Me hay là lúc những người nông dân bắt đầu thay đổi công việc làm nông hằng ngày bằng việc tận dụng mọi nguồn thu từ mùa nước nổi. Một trong những lễ hội đáng chú là lễ hội đua Bò Bảy Núi của cộng đồng người Khơ Me ở An Giang. Hàng năm, lễ hội này được tổ chức vòng chung kết diễn ra ở Chùa Tà Miệt – Xã Lương Phi, Huyện Tri Tôn.
Theo thông lệ từ ngày xưa, bò dùng để kéo cày làm ruộng, sau mùa vụ thu hoạch, bò nghỉ ngơi và những con to khỏe nhất sẽ được chọn đi tham dự cuộc đua. Ngày nay, các xã, các huyện dành riêng việc tuyển chọn những con bò to khỏe ngay từ đầu, họ huấn luyện chúng tốt nhất có thể để giành được chiến thắng trong lễ hội.
Lễ hội đua bò cũng thu hút được sự chú ý của dân nhiếp ảnh. Để có những bức ảnh đẹp các nhiếp ảnh gia phải lội dưới sân đua đầy sình lầy, bỏ qua sự sư nguy hiểm trước những đôi bò to khỏe có thể húc vào mình bất cứ lúc nào, chỉ để chộp được những shoot hình độc đáo.
Sau đây là những hình ảnh của lễ hội đua bò năm nay do độc giả ghi lại:
Chùa Tà Miệt nơi diễn ra đua bò. |
Thời điểm khai mạc Lễ hội Đua bò |
Dắt bò chuẩn bị đua. |
Về đích. |
Những cặp bò to khỏe. |
Sau khi đã được xem đua bò thỏa thích. Các du khách bắt đầu khám phá cảnh đẹp và đặc sản của Miền Tây mùa nước nổi.
Cũng tại Huyện Tri Tôn, bạn có thể ghé thăm Hồ Tạ Pạ để đắm mình trong dòng nước trong vắt và mát lạnh. Không những vậy, bạn còn có thể ngắm ngìn những hàng thốt nốt và cánh đồng Tà Pạ xanh mướt. Bình minh tuyệt đẹp ở Tà Pạ cũng là khoảnh khắc bạn không nên bỏ qua.
Hồ Tà Pạ. |
Cánh Đồng Tà Pạ |
Mặt trời mọc trên cánh đồng Tà Pạ. |
Ở Tri Tôn còn một di tích lịch sử rất nổi tiếng đó là Ba Chúc - nơi chứng kiến sự tàn sát dã man của Khơ Me Đỏ trong năm 1978 với người dân nơi đây. Đến thăm Ba Chúc bạn sẽ có cảm giác rợn mình và xót xa khi chính mắt nhìn thấy nấm mồ Ba Chúc chất đầy xương người hay trong căn phòng tàn sát vẫn còn in đậm vết máu trên tường.
Rời Tri Tôn đi về hướng Châu Đốc theo tỉnh lộ 948 là bạn sẽ đến với vùng đất đặc trưng cho mùa nước nổi ở An Giang - Rừng tràm Trà Sư, cũng là nơi tụ hội làm tổ, sinh con của các loài chim.
Ấn tượng đầu tiên khi vào rừng Tràm đó chính là những vạt bèo, vạt sen phủ kín kênh rạch. Bạn sẽ được lên chiếc xuồng máy đi xuyên qua rừng vào tận sâu bên trong. Tiếp đó, bạn sẽ được lên chiếc thuyền lá do những cô gái miền Tây tay chèo, nhẹ nhàng lướt trên đám bèo xanh mướt vào khu vực chim làm tổ. Cảnh đẹp nơi đây sẽ không làm thất vọng bạn. Nếu là những người đam mê nhiếp ảnh thìRừng tràm Trà Sư là vùng đất lý tưởng.
Sâu bên trong rừng Tràm có một trạm quan sát cao 25m. Tại đây bạn có thể nhìn bao quát toàn bộ rừng tràm. Nếu bạn đi tầm 4-5h chiều thì dùng kính viễn vọng có thể thấy rõ đàn chim đang quay về tổ trên những ngọn cây tràm.
Cảnh đẹp ở Trà Sư |
Ngoài ngắm cảnh, bạn cũng nên khám phá ẩm thực của An Giang. Đặc sản nơi đây là bò nướng bánh hỏi, bánh xèo cá linh non bông điên điển, lẩu cá linh bông điên điển, bún cá nấu với nước dừa...
Di chuyển bằng xe máy: Với đoạn đường khoảng 250km, đây là một cung đường thú vị cho những bạn thích đi du lịch bụi. Đường ở miền Tây bằng phẳng và khá tốt nên chạy xe máy rất thoải mái. Ngoài ra, đi xe máy bạn có thể dừng lại những cánh đồng sen, cánh đồng lúa, những hàng cây thốt nốt để chụp hình.
Di chuyển bằng ô tô: Xe đi An Giang có các hãng như Phương Trang, Hùng Cường… Giá vé giường nằm 150.000 đồng/người, gửi xe máy theo 200.000 đồng/xe. Đi ô tô mất khoảng 6 tiếng thì tới Châu Đốc.
Khách sạn ở Châu Đốc và Tri Tôn rất nhiều, giá dao động khoảng 80.000 đồng/người/đêm, phòng dành cho 3-4 người.
|
ĐỘC GIẢ MI HƯƠNG
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét