Hi-End Audio Là Gì? Thế Nào Là Audiophile?
Sản phẩm high–end audio là một thứ phương tiện truyền thông để diễn đạt sự tiềm tàng về trí tuệ và cảm xúc của âm nhạc được giải mã bằng các loại máy hát của chúng ta. Nó còn là sự tái hiện âm nhạc một cách sống động và trung thực, nó tạo ra chiều sâu hơn cho mối liên hệ của chúng ta với âm nhạc.1. Hi-End Audio
Sản phẩm Hi-end Audio là sản phẩm sinh ra từ sự cống hiến kết hợp bởi kỹ năng sáng tạo kỹ thuật và cảm hứng âm nhạc của những người say mê âm nhạc và kỹ thuật đầy nhiệt huyết nhằm đưa chúng ta từng bước đến gần với âm nhạc, vượt qua sự cách biệt về không gian và thời gian. Sản phẩm hi-end được thiết kế bằng cảm nhận từ thính giác, được tạo nên bằng chính đôi tay khéo léo của người lắp ráp và nó tồn tại có lập luận nhằm đề cao sự thụ hưởng âm nhạc.
Một sự nhầm lẫn phổ biến ở đa số những người mới chơi dàn máy là âm thanh Hi-end có nghĩa là âm thanh Hi-price (đắt tiền).Theo ý niệm chung trên thị trường hiện nay thì âm thanh Hi-end chẳng có gì trau chuốt hơn thiết bị âm thanh thông thường với vài tính năng mang tính hiếu kỳ và cái thẻ ghi giá tiền được cột theo máy hòng nhắm vào bộ phận những người thành đạt và lắm tiền. Vâng, tính năng và hiệu suất có lẻ chẳng khá hơn nhiều so với các dàn máy thông thường mà bạn có thể nhận ra tại các cửa hàng điện máy thông thường, song vấn đề là ai có khả năng làm điều đó? Hơn nữa, thiết bị Hi-end được xem chỉ để dùng cho công tác huấn luyện, dùng cho những người nghe biết phân biệt, dùng cho các bậc trưởng giả hoặc những người lập dị thích sưu tầm đồ lạ hoặc hay thay đổi và không phải là phương tiện nghe nhạc cần được phổ biến.
Chúng tôi xin khuyên với các bạn rằng Hi-end audio hoàn toàn không đúng với những quan niệm sai lầm như kể trên.
Thứ nhất, cụm từ “Hi-end” có nguồn gốc và quan hệ mật thiết với đặc tính và hiệu quả của sản phẩm Hi-end chứ không phải giá tiền của nó. Nhiều hệ thống âm thanh Hi-end có giá thậm chí còn rẻ hơn so với dàn máy Hi-Fi phổ thông được bày bán ở các cửa hàng thiết bị âm thanh ở các trung tâm. Chúng tôi từng nghe thấy có nhiều hệ thống âm thanh với giá rẻ mà vẫn thể hiện được tất cả các bản chất thực tế của việc tái tạo âm thanh chất lượng cao nhằm đáp ứng khả năng chi phí của đông đảo các bạn yêu âm nhạc hiện nay.
Tuy nhiên vẫn có các thiết bị Hi-end với giá tiền rất cao, điều này không có nghĩa là bạn phải bán đi cái đã có của bạn để mua được một hệ thống âm thanh chất lượng cao trang bị trong nhà bạn. Một hệ thống âm thanh hoàn hảo có thể không đắt tiền như bạn nghĩ.
Thứ hai, thiết bị Hi-end audio nhằm truyền đạt sự thụ hưởng âm nhạc chứ không phải thêm vào các tính năng phức tạp hoặc khó sử dụng. Thật vậy, hệ thống Hi-end thì rất dễ sử dụng hơn các hệ thống Mid-Fi (thiết bị thể hiện âm thanh với độ trung thực vừa phải) hiện bán đại trà trên thị trường. Chính vì thế nguyên lý Hi-end là loại trừ các tính năng vô dụng, thay vào đó Hi-end đầu tư hết vào chất lượng âm thanh. Âm thanh Hi-end dành cho những người yêu nhạc chứ không phải những tiếng động sinh ra bởi các phương tiện điện tử (âm thanh điện tử).
Thứ ba, bất kỳ ai nếu yêu thích âm nhạc luôn đề cao giá trị của các thiết bị âm nhạc chất lượng cao. Nó không cần đến những “lỗ tai vàng” (những người có kinh nghiệm và sành điệu trong lĩnh vực âm nhạc và thiết bị tái hiện âm nhạc) để phân biệt hay – dở. Sự khác biệt giữa thiết bị âm nhạc “vàng” và “xoàng” là thể hiện được tính hiện thực tức thời. Sự phản ứng (thích thú và trầm trồ, ngạc nhiên) ấn tượng của một người lần đầu tiên khi thưởng thức một hệ thống Hi-end thực thụ chính là cái mà mọi người vẫn ca ngợi âm thanh Hi-end. Một khi bạn có hứng thú với âm nhạc, bạn sẽ hưởng thụ được nó chỉ bằng chính hệ thống Hi-end. Đó là sự giản đơn của Hi-end.
Cuối cùng, mục đích của âm thanh Hi-end là làm mất đi sự can thiệp của thiết bị đối với âm nhạc và người nghe hưởng thụ được âm nhạc ngay khi nó được phát ra, và chúng ta biết rằng chúng ta đã đạt được trạng thái cao nhất của sự truyền thông giữa người biểu diễn âm nhạc và người thưởng thức âm nhạc. Mục tiêu của Hi-end audio không phải là thiết bị hay máy móc mà là âm nhạc.
Tôn chỉ của Hi-end là đảm bảo rằng tín hiệu âm nhạc được xử lý ít bao nhiêu thì chất lượng âm nhạc hoàn hảo bấy nhiêu. Mạch điện tử, dây dẫn, chức năng điều khiển tone hoặc nút điều khiển và tất cả cấu hình hoặc bộ phận phức tạp khác… đều có thể làm suy giảm hoặc sai lệch tín hiểu và ảnh hưởng đến hiệu quả thưởng thức âm nhạc. Do đó bạn không cần dùng đến các thiết bị khác như: “Equalizers”, “Spatial enhancers”, “Sub-harmonicsynthesizers"… những thiết bị như thế không chỉ làm xao lãng bản chất âm nhạc mà còn làm cho đường đi của tín hiệu “vòng vèo” không cần thiết giữa người thưởng thức và người biểu diễn, thiết bị Hi-end tối ưu hóa khả năng trực tuyến hưởng thụ âm nhạc. Bớt đi là thêm vào (less is more), bạn hãy nhớ kỹ điều này.
Hãy tưởng tượng bạn đang đứng trên mũi đá ở dãy Grand Canyon, cảm xúc đắm chìm trong sự hùng vĩ của nó. Bạn tận hưởng không chỉ sự mênh mông của những công trình điêu khắc của tự nhiên đồ sộ khoét sâu vào địa cầu, sự sống động và đầy màu sắc. Bạn có thể phân biệt rõ ràng sự trùng lớp của sắc màu trong những lớp đá. Các chi tiết hoàn hảo của cơ cấu khổng lồ này được phân giải một cách dễ dàng và đơn giản khi nhìn vào nó, vì thế nó khắc sâu vào tâm trí của bạn. Sự tương phản giữa sáng và tối làm nổi bật rõ ràng mê cung vô tận từ những kẽ nứt và vết rạn vỡ của thiên nhiên hùng vỹ. Càng nhìn lâu và quan sát kỹ bao nhiêu bạn càng cảm nhận phong cảnh một cách sâu sắc hơn. Sự xúc cảm mạnh mẽ trước sự vẻ đẹp hùng vỹ của kỳ quan thiên nhiên này sẽ làm bạn khó lòng cất bước và bạn sẽ phải nán lại trong sự kính phục đối với tạo hóa đã tạo nên một kỳ quan như vậy trên hành tinh của chúng ta.
Hi-end audio là gì ?
Bây giờ hãy tưởng tượng bạn đang phải chiêm ngưỡng dãy Grand Canyon qua nhiều ô cửa sổ đặt xếp lớp trước mặt và các cửa sổ được làm bằng kính. Các tấm kính cửa sổ thì thường không được trong suốt nên ánh sáng sẽ mờ đi khi nhìn qua nhiều ô cửa sổ và xóa đi mất sự phân biệt chi tiết về hình ảnh và màu sắc. Hình ảnh truyền qua mỗi ô cửa sổ sẽ làm suy giảm dần độ trung thực, cuối cùng khung cửa sổ bằng gỗ sẽ giới hạn tầm quan sát của bạn. Kết quả là sau khoảng 4 tới 5 ô cửa sổ thì hình ảnh bạn chiêm ngưỡng sẽ không còn là kỳ quan Grand Canyon nữa. Ngắm nhìn phong cảnh qua nhiều lần cửa sổ như vậy bạn sẽ thấy phong cảnh dường như bằng phẳng và mất hẳn đi chiều sâu.
Thay vì nhận được những cảm xúc một cách trực tuyến và ngay trước mắt từ cái thực tế được đứng ngay tại nũi Grand Canyon, giờ đây những gì bạn cảm nhận được là màu xám, sự u ám, không có sinh khí và nét giả tạo. Thậm chí nó giống như hình ảnh chết được xem trên TV.
Nghe âm nhạc được tái hiện thông qua các dàn máy hát xoàng giống như ngắm nhìn Grand Canyon thông qua nhiều ô cửa sổ nói trên. Mỗi bộ phận trong một dàn máy hát như: CD player (đầu CD), phono turntable (mâm đĩa), Preamplifier (tiền khuếch đại), power Amplifier, Loudspeakers (loa) và dây cáp truyền tín hiệu giữa các thiết bị, dây loa ..... trong một giới hạn nào đó sẽ ảnh hưởng hoặc bóp méo tín hiệu đi qua nó giống như hình ảnh bị suy giảm khi nhìn qua cửa kính không trong suốt hoặc kính màu. Một thiết bị “xoàng “có thể sẽ làm cho kết cấu phối khí âm nhạc mang thêm tính thô kệch và mất chi tiết. Hơn nữa nó còn phủ lên một tấm màn u ám và nặng nề lên tác phẩm âm nhạc ta đang nghe, phá vỡ màu sắc âm hưởng vốn huyền ảo của âm nhạc, nó đồng hóa âm sắc của tất cả các khí cụ âm nhạc trong bản nhạc bằng một cái âm thanh “đều đều“ không thể phân biệt được. Nói tóm lại “khung cửa sổ “ kể trên đó là dàn máy hát mang tính điện tử thời thượng và máy móc thiếu sáng tạo thu hẹp sự phóng khoáng khi thưởng thức âm nhạc vốn là ý đồ nghệ thuật của tác giả.
Âm thanh Hi-end chủ trương tháo gỡ tối đa những “ô cửa sổ“ làm giới hạn khả năng thưởng ngoạn của người nghe nhạc và làm cho những “ô của sổ“ còn lại trở nên ”trong suốt“. Càng ít “khung của sổ “ bao nhiêu và tác động của nó lên thông tin đi qua nó càng yếu bao nhiêu thì người nghe mới có thể đạt đến gần hơn cái “sống“ trong lúc nghe nhạc và dường như âm nhạc không phát ra từ dàn máy mà hiện ra như thể các nghệ sỹ và dàn nhạc đang chơi trước mặt bạn vậy.
Tại sao nói các sản phẩm âm thanh Hi-end là những “khung cửa sổ“ trong sáng hơn về mặt hiệu quả âm nhạc so với các dàn máy hát nguyên bộ đang bán trên thị trường? Thiết bị Hi-end được thiết kế để “nghe tốt“ vốn bản chất của nó là “nghe thật“. Nó không cần thiết phải được thiết kế để thực hiện tốt theo một chỉ định kỹ thuật chuyên môn nào. Một nhà thiết kế Hi-end thực thụ phải nghe trong suốt quá trình phát triển sản phẩm, thay đổi các bộ phận thiết kế và thử đi thử lại với các kỹ năng khác nhau cho đến khi nào tạo ra âm thanh thật hoàn hảo. Ông ta kết hợp kỹ năng kỹ thuật và cảm xúc âm nhạc để làm ra một sản phẩm có thể truyền tải âm nhạc tốt nhất đến cho người nghe. Sự cống hiến này thường trở thành sự say mê đầy nhiệt huyết, mất hàng trăm giờ để nghe và phải tận tụy, chăm chú đến từng yếu tố có thể ảnh hưởng đến âm thanh.
Thiết bị âm thanh phổ thông thường được thiết kế để trông “bắt mắt” với nhiều tính năng không cần thiết cho âm nhạc đích thực như đèn báo nhấp nháy xanh đỏ, nhiều nút chỉnh, equalizer…
Một ví dụ bổ ích của vấn đề này là “cuộc chiến THD” vào thập niên 70-80. THD viết tắt của cụm từ Total Harmonic Distortion có nghĩa: Sự méo hài toàn phần (trong công nghệ ghi âm). THD là chỉ tiêu kỹ thuật được ứng dụng rộng rãi và được xem như là tiêu chuẩn để so sánh chất lượng của ampli bởi những người tiêu dùng không có kiến thức vững về lãnh vực âm thanh. Chỉ số THD càng thấp thì khả năng lĩnh hội để đạt tính trung thực của âm thanh càng cao. Điều này đã thuyết phục các công ty điện tử khổng lồ sản xuất các sản phẩm với chỉ số THD thấp. Nó trở thành cuộc tranh đua giữa các nhãn hiệu để có nhiều số zezo trong chỉ số thập phân THD (ví dụ 0.001%).
Mặc dù THD thấp là chủ trương thiết kế thích đáng. Song một vấn đề là bằng cách nào mà người ta có thể cảm nhận được những chỉ số THD cực thấp đó. Kỹ thuật để giảm thiểu sự nhiễu, méo trong ampli được gọi là: “feedback” (sự hồi tiếp) – tham gia vào tín hiệu đầu ra đồng thời đưa nó quay ngược về tín hiệu đầu vào. Chỉ số THD thấp đồng nghĩa với việc phải tăng cường các tầng khuyếch đại có hồi tiếp nhưng điều này lại là nguyên nhân của việc làm thoái hóa chất lượng âm nhạc của ampli vì nhiều tầng khuyếch đại đồng nghĩa với “thêm nhiều ô cửa kính” khi bạn ngắm cảnh, có chắc các ô cửa kính đó thật trong suốt hay không?! Thật đáng buồn, những ampli có chỉ số THD thấp nhất thì thường có chất lượng âm thanh kém đến thậm tệ.
Một ví dụ minh họa sự khác biệt to lớn giữa các nhà sản xuất thiết bị âm thanh “thị trường” và quan niện của các công ty Hi-end luôn nhắm vào chất lượng âm thanh. Các nhà sản xuất Hi – end luôn nhắm vào chất lượng âm thanh của sản phẩm hơn là cách thức hoạt động của các sản phẩm để biểu diễn ở các phòng trưng bày. Các nhà thiết kế Hi-end biết rõ rằng những người nghe có cảm xúc âm nhạc sẽ mua sản phẩm của họ dựa trên nền tảng âm thanh chất lượng cao mà không phải các chỉ định trên tờ bướm.
Sản phẩm Hi-end không chỉ được thiết kế bằng tai mà còn được làm bằng tay theo công nghệ thủ công của những người có trình độ kỹ thuật cao trong lĩnh vực âm thanh và họ luôn tự hào kỹ năng và công việc của họ. Những người lắp ráp thường tự mình nghe và xây dựng sản phẩm bằng chính tâm sức của mình như là làm ra nó để sử dụng trong chính ngôi nhà của mình.
Âm thanh Hi-end là gì? Thiết bị âm thanh Hi-end là gì?
Đó là khi thiết bị âm thanh bị quên lãng, gần như thay vào đó là ban nhạc ngay trong phòng nghe nhạc của bạn. Đó là khi bạn có cảm giác tác giả và người biểu diễn vượt qua không gian và thời gian đang ở trước mặt bạn. Đó là niềm xúc cảm khó tả cuồn cuộn dâng trào mà tác giả, bằng cách nào đó, đã sử dụng để mã hoá trong sự phối hợp của âm thanh.
Đó là khi thế giới vật chất biến mất, chỉ còn lại duy nhất âm nhạc và tiềm thức của bạn.
Đó chính là Hi-end.
Nguồn sưu tầm by Ngoan Trương Công
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét