Nhạc New Age Là Gì?
New Age: Cảm Hứng Của Dòng nhạc Thời Đại mới
New age được biết đến tại Mỹ từ khoảng thập niên 1970, cùng lúc với thời điểm xuất hiện những nhạc cụ điện tử, đặc biệt các cây đàn synthesizer và kỹ thuật thu âm số cho phép nghệ sĩ thu âm nhiều đường âm thanh cho một tác phẩm trong những khoảng thời gian khác nhau...
New age có thể còn xa lạ với nhiều người, nhưng Kitaro, Enigma, Secret Garden thì không xa lạ với công chúng yêu nhạc ở Việt Nam. Album Nhật thực (Trần Thu Hà), Mây trắng bay về (Thanh Lam) có thể xem là những album Việt được thực hiện theo phong cách new age tiêu biểu đầu tiên. Album Những ô màu khối lập phương (Tùng Dương) vừa đoạt giải Album của năm 2007 - giải âm nhạc Cống hiến - cũng được làm theo phong cách new age. Vậy bạn thực sự biết gì về new age, khuynh hướng âm nhạc đúng như tên gọi của nó: Thời đại mới?
5 Dòng Kẻ
Bạn có bao giờ lắng nghe thật kỹ tiếng những giọt mưa đầu tiên rơi xuống, hay bất ngờ rùng mình xao xuyến trước cảnh lá sấu ào trút như mưa xuống mặt đường giữa lúc chuyển mùa? Một người viết nhạc sẽ làm gì để ghi lại cảm xúc đặc biệt khi ấy? Trong trường hợp này, một nhạc sĩ trường phái cổ điển thường nghĩ đến việc vận dụng kỹ thuật phối khí điêu luyện để tạo ra tiếng mưa bằng những nốt nhạc của đàn harp, đàn piano, họ giả lập không gian đầy đường lá xao xác bằng sự cộng hưởng nhiều bè của dàn nhạc dây đông người. Cũng trường hợp này, đối với những nhạc sĩ cận đại viết những khúc ca jazz, pop, rock chẳng hạn, họ cùng với một nghệ sĩ viết lời ca, dùng lối kể chuyện để minh họa cho cảm xúc, các ca khúc đương thời cho tới nay hầu hết đã được tạo nên với cách thức ấy. Còn những nhạc sĩ cận-hiện đại viết nhạc không lời, họ phải làm gì với những nhạc cụ điện tử vốn gắn bó với nhịp sống của họ? Không chỉ là một dòng nhạc mà là một trường phái, một tiểu văn hóa âm nhạc tự do ra đời cuối thế kỷ 20 cho phép người nghệ sĩ có thể tìm bất cứ phương pháp biểu hiện nào để sáng tác tác phẩm của mình.
Hãy thử tưởng tượng bạn là anh ta, bạn cứ lôi chiếc máy thu thanh analog của mình ra ngoài thiên nhiên thu lấy tiếng những giọt nước đang rơi xuống, thu lấy tiếng đám lá xào xạc và đưa chúng vào trong tác phẩm âm nhạc mà ta gọi là những “Sound Effect”(hiệu ứng âm thanh). Rồi sắp đặt chúng vang lên với một bè nền gọi là “background” (nền) để hình thành một thứ gọi là không gian “space” của một tác phẩm trong đó có nhạc và tiếng động thực sự của thiên nhiên ấy. Tiếp đến, bạn bắt đầu tô điểm những suy tư, gửi gắm một câu chuyện nào đó bằng các nhạc cụ khác, có thể chỉ là 1, 2 nốt piano thong thả, tiếng hát u ơ vu vơ, cũng có thể bạn muốn cả hàng trăm âm sắc cùng hòa tấu diễn tả hình tượng bạn muốn khắc họa.
Người nghe, với cảm quan và kinh nghiệm về những gì có thể xảy ra trong khung cảnh như thế, đón nhận tác phẩm ấy lại tiếp tục thả sức tưởng tượng, họ liên tưởng từ chính kỷ niệm hay kinh nghiệm của riêng họ, họ được gợi ý như đang xem một bức tranh hay một cuộn băng hình ghi lại, thấy thanh bình như đọc một bài thơ hay, suy tưởng về thời khắc giao mùa mà tiêu đề bạn đặt ra, những vận động của đất trời đồng điệu ùa về, thế là đủ cho thành công của một tác phẩm dòng nhạc new age (thời đại mới).
Secret Garden
Tôi (Đỗ Bảo) mới bắt đầu chỉ nghe new age từ những năm 1994, 1995 với album solo piano của Yanni, một nhạc sĩ nổi danh người Hy Lạp. Ngày ấy, một người bạn gái đã nhờ tôi soạn lại toàn bộ những bản solo ấy ra giấy để cô ấy có thể tập trên piano những khúc nhạc này. Tôi phải lòng âm nhạc new age từ đó, có điều gì đó hấp dẫn lạ lùng đến mức mãi đến giờ tôi còn thuộc gần như nguyên vẹn những nốt nhạc trong một số tác phẩm tôi đã ghi chép ngày nào. Những gì tôi viết hẳn sẽ chỉ là những suy nghĩ của một trong vô số nghệ sĩ trên thế giới đã và đang có những thử nghiệm với new age, là kinh nghiệm cá nhân trong suốt quá trình tìm hiểu và lắng nghe âm nhạc new age.
Thời đại new age
New age được biết đến tại Mỹ từ khoảng thập niên 1970, cùng lúc với thời điểm xuất hiện những nhạc cụ điện tử, đặc biệt các cây đàn synthesizer và kỹ thuật thu âm số cho phép nghệ sĩ thu âm nhiều đường âm thanh cho một tác phẩm trong những khoảng thời gian khác nhau. Thế nên, cái tên new age có một ý nghĩa đơn giản hơn sự đồn đại về những suy tưởng siêu nhiên mà nhiều người nhắc tới khi cảm nhận trường phái - dòng nhạc ấy. Có lẽ cái tên new age mang ý nghĩa đánh dấu sự ra đời của một khuynh hướng sáng tác âm nhạc mới dựa trên kỹ nghệ âm nhạc điện tử, điều trước đó chưa thể có được. Sự sáng tạo từ đó thay vì tiếp tục phát triển chậm rãi nơi các thể loại âm nhạc trước đó lại một lần có cơ hội tung cánh thoát lên đầy biến hóa nơi một chân trời mới lạ.
Nhạc sĩ Đỗ Bảo
New Age: Góc Trời Âm Nhạc Đương Đại
- New-Age, đôi khi được so sánh như âm nhạc không gian, cũng có vài định nghĩa mập mờ, nôm na đây là loại nhạc chú trọng giai điệu và lấy đó làm cốt lõi. - Những định nghĩa rõ ràng về 1 nhóm hay 1 album nào đó của New-Age thường do người nghe đưa ra những luận điểm. Những đặc điểm của dòng nhạc này chưa được định nghĩa một cách rõ ràng, cẩn thận. Một phần là do sự xuất hiện của 1 nghệ sĩ mới nào đó với những ý tưởng mới, niềm tin mới về New-Age ( New-Age beliefs ). Hoặc do nhiều nghệ sĩ hoặc band nhạc cho rằng âm nhạc của họ không phải là New-Age.
- Đa phần New-Age được mô tả là 1 thể loại âm nhạc điện tử ( electronic music) kết hợp với việc biểu diễn khí nhạc ( instrument), duy trì thường xuyên những thứ tự hòa âm và âm nền. Những bài hát rất dài, có bài lên đến hơn 20 phút, hoặc nhiều hơn nữa cũng không phải là trường hợp cá biệt. - Việc điều chỉnh và sử dụng âm thanh của các nhạc cụ acoustic cũng đáng chú ý ( trong nhiều trường hợp, âm thanh điện tử được sử dụng để thay thế). - Việc ghi âm lại những âm thanh tự nhiên đôi khi được sử dụng như là một đoạn dạo đầu ( intro) của 1 track, hoặc cũng có thể là chủ đề xuyên suốt của bản nhạc. - Những đặc tính kể trên cũng được ứng dụng dưới nhiều mức độ ở những thể loại nhạc khác. Do vậy, ranh giới giữa New-Age và các dòng nhạc phụ cận là rất mong manh. - Có 3 nhóm chính được phân loại bởi người nghe với những niềm tin khác nhau để trả lời cho câu hỏi:” What’s New-Age music?”. Và do vậy, các nghệ sĩ cũng được phân loại theo từng dạng của New-Age. 3 định nghĩa đó là:
1. New-Age là 1 nhánh (branch) của âm nhạc điện tử bao gồm những mảng giai điệu, những bản nhạc non-dance, được sắp đặt có chủ ý về mặt nghệ thuật và nội dung cần thể hiện. Ở đây là ngược với thể loại nhạc điển tử khiêu vũ electric dance music. Chẳng hạn như Techno hay Hiphop -> đại diện cho những dòng nhạc điện tử không giai điệu, ồn ào….. - Căn cứ theo quan điểm này thì các nghệ sĩ và ban nhạc như Enigma, Enya, Vangelis, Yanni, Kitaro, Secret Garden, Gregorian, Loreena Mc Kennitt, Jean-Michel Jarre, Popol Vuh, Klaus Schulze, Shuzanne Ciani, Tangerine Dream … tất cả đều thuộc phạm vi của New-Age. - Tuy vậy, còn có 2 điểm thắc mắc nho nhỏ chưa được giải quyết triệt để là:
- a. Những nghệ sĩ như Enya, Vangelis, hay Edgar Froese ( nhóm Tangerine Dream) cho rằng nhạc của họ không phải là New-Age. Chỉ một vài album trong số đó được cảm nhận như là ” New-Age music” hay là 1 tác phẩm âm nhạc mang tính chất tôn giáo.
- b. Âm nhạc của Vangelis hay Tangerine Dream thường thay đổi. Có nhiều album trong đó không được xem là New-Age. Ví dụ như Vangelis có nhiều tác phẩm dùng để thể hiện khả năng cắt ghép âm nhạc, hoặc các thử nghiệm về tính năng nhạc điện tử. Và do vậy, cũng khó có thể cho rằng Vangelis là 1 New-Age hoàn toàn.
2. New-Age là 1 nhánh của âm nhạc điện tử mà phần lớn các CD âm nhạc hướng về sự thiền định hoặc thư giãn. Hầy hết đều là những loại âm nhạc êm đềm, điềm tĩnh, giai điệu ít thay đổi. Điển hình như Anugana, David Arkenstone, Gardalf, G.E.N.E, Karunesh, Kitaro .. - Sự chính xác của định nghĩa này được xác nhận khi tất cả các nghệ sĩ trên được hỏi đều trả lời là các CD của họ đề cập đến sự suy tưởng, hồi tưởng của ý niệm.
3. New-Age là âm nhạc điện tử mà ở đó nó chứa đựng những giai điệu âm thanh êm dịu, giản đơn, thuần khiết, sâu xa, cộng với những khoảng không rộng, yên bình và những track dài. - Ban đầu, định nghĩa này còn khá dè dặt. Tuy nhiên, ngày càng nhiều nghệ sĩ hướng tới cách thể hiện này, nó được sử dụng rất rộng rãi. 1 số album của Vangelis và Tangerine Dream cũng có cách thể hiện như định nghĩa này. Suzanne Ciani cũng thế. Điển hình nhất cần phải kể đến Secret Garden với những khu vườn của họ. Tuy nhiên, Klaus Schulze và Enya thì có lẽ không phải, vì cả hai đều có chung một cách thể hiện rất khác với ý kiến này.
1. Ảnh hưởng: - Những ảnh hưởng sớm nhất đến New-Age hiển nhiên là âm nhạc điện tử, classical music, với Brian Eno và Popol Vuh là những người tiên phong. - Tiếp sau là âm nhạc dân tộc, world music, prog-rock, điển hình là Kitaro, Klaus Schulze, Krautrock. - Một phần khác từ Terry Riley và Steve Reich, cũng được xem là 1 ảnh hưởng đối với New-Age. Họ cùng với Tony Conrad, La Monte Young sử dụng những giai điệu trầm thấp, đều ( từ những năm 1960). New-Age được nối tiếp tới những bài hát kinh cầu của Gregorian vào những năm nửa cuối TK20.
2.Đề tài: - Những đề tài đại chúng trong New-Age bao gồm: không gian và vũ trụ ; môi trường và thiên nhiên ; tính nhân bản của con người (chân-thiện-mĩ) ; sự hòa hợp của chính bản thân với thế giới ; kể về những giấc mơ hoặc những cuộc hành trình của tâm trí hay tinh thần. VD: những album của G.E.N.E tạo ra những âm thanh như mô tả âm nhạc, không gian của những hòn đảo ở Thái Bình Dương và Địa Trung Hải. Nhóm Software có những album thể hiện những khía cạnh của âm nhạc điện tử như: Chip Meditation, Electronic Universe.
3.Tiêu đề:
- Tiêu đề của những bài hát trong New-Age thường nói về tâm hồn hoặc là về thiên nhiên. VD: Principles of Lust ( Enigma) ; Purple Dawn ( Anugama) ; Shepherd Moons ( Enya) ; Straight’ a way to Orion (Kitaro) ; The Quiet seft ( Gregorian).Nhạc Jazz Là Gì?
Jazz là một thể loại nhạc có nguồn từ Hoa Kỳ. Dòng nhạc Jazz là sự pha trộn của nhạc blues và hòa âm trong nhạc cổ điển, sự trộn lẫn phức tạp trong tiết tấu của âm nhạc châu Phi và giai điệu theo lối hát ứng tác trong âm nhạc của người Ấn Độ. Những đặc điểm này được nhận thấy trong kiểu cách chơi nhạc Jazz của những nghệ sĩ người Mỹ. Dòng nhạc Jazz đã phát triển từ loại nhạc vui nhộn và nhạc blues trong thời gian đầu của thế kỷ 20, và tiếp tục phát triển với những huyền thoại như: Duke Ellington, Miles Davis, Herbie Hancock..., và phát triển lớn mạnh cùng với các thể loại nhạc khác như nhạc cổ điển, nhạc Rock, hip-hop... Các nghệ sĩ và ban nhạc nổi tiếng: Louis Armstrong, Miles Davis, John Coltrane, Eric Legnini... Trong suốt những năm đầu tiên phát triển của đất nước Mỹ, chế độ sở hữu nô lệ được coi là một chuẩn mực. Nô lệ bị ép buộc đến từ châu Phi phải làm việc vất vả trong các đồn điền của người Mỹ. Những nhạc công và những tài năng âm nhạc trong số đó đã học được rất nhanh nền âm nhạc vốn có sẵn của phương Tây, cùng lúc đó, âm nhạc phương Tây cũng đã có không ít bài học về âm nhạc Phi châu. Nền văn hoá sơ khai của châu Phi coi trọng âm nhạc hơn phương Tây rất nhiều. Âm nhạc là một khía cạnh quan trọng trong những hoạt động hàng ngày của thổ dân châu Phi. Thổ dân châu Phi rất coi trọng các hoạt động theo nhịp điệu khá phức tạp và tiến bộ dựa trên một ca từ và giai điệu đơn giản. Những nét nhịp điệu này đã gắn liền với nô lệ châu Phi trong suốt thời gian họ bị bắt ép làm nô lệ ở Mỹ. Hơn nữa, một số những người Mỹ da đen mới cũng thể hiện mình thông qua nét âm nhạc truyền thống của họ. Vì cách xa quê hương nên âm nhạc truyền thống một phần cũng không thể thể hiện chính xác được vì rất nhiều lý do, ví dụ như không được sử dụng các nhạc cụ châu Phi truyền thống. Có thể hiểu như một ban nhạc rock của các nghệ sỹ châu Phi khi biểu diễn ở Mỹ không được sử dụng bất cứ một cây guitar điện, một dàn trống… Tuy vậy, ban nhạc này vẫn đủ nội lực để có thể sử dụng các nhạc cụ có sẵn tạo ra âm nhạc của mình và điều này là chính xác đối với các nô lệ da đen ở Mỹ. Bên cạnh việc tìm các nhạc cụ mới, các nhạc sỹ châu Phi cũng đã mở rộng mình để tìm hiểu âm nhạc của phương Tây. Sự mở rộng này là khởi nguồn nảy mầm của nhạc jazz. Những ca từ, giai điệu, nhịp điệu, và cả văn hoá Tây phương không ít thì nhiều cũng đã dần thấm vào những người da đen. Tất nhiên, các nhạc sỹ da trắng cũng đã bị ảnh hưởng nhiều khi nghe nhạc của người da đen. Thời gian trôi qua, và sự trao đổi âm nhạc này đã tạo ra Jazz. Một số các nghệ sỹ đã nổi lên vào thời điểm này như Don Redman (saxophone), Bix Beiderbecke (trumpet), Fletcher Henderson (band leader), Jelly Roll Morton (piano/composer), và Kid Ory (trombone/composer). Một nghệ sỹ đã trở nên chín chắn và được mọi người thán phục vào thời kỳ này là Louis “Satchmo” Armstrong (trumpet). Armstrong đóng vai trò rất quan trọng trong việc phát triển nhạc Jazz, vì vậy nhiều người gọi ông là “cha đẻ” của Jazz. Muốn thêm thông tin thì có thể vào trang web http://louis-armstrong.net Vào thời của Armstrong, các nhạc sỹ gọi ông là “Pops” như là dấu hiệu của sự kính trọng. Armstrong là nghệ sỹ solo lớn đầu tiên trong lịch sử nhạc Jazz và những nốt nhạc phiêu du của ông đánh dấu một bước ngoặt trong Jazz với việc xuất hiện những khúc solo ngẫu hứng mà trước đây là của một nhóm nhạc sỹ. Satchmo cũng là người đầu tiên đã định lại nhịp điệu của Jazz bằng cách bỏ tính cứng nhắc trong Ragtime, áp dụng nhịp 8 nốt du dương, và làm cho người nghe cảm tưởng những nốt nhạc của ông luôn đi sau nhịp của bản nhạc. Tất cả những thay đổi này khiến người nghe có cảm giác thư giãn và được gọi về sau là Jazz swing. Armstrong mang đến một cách nghĩ mới, âm nhạc của ông được dựa trên một cấu trúc chặt chẽ và không phải chỉ là một nét tô điểm thêm cho bản nhạc mà trái lại là một giai điệu riêng dựa trên các hợp âm đã có sẵn(khái niệm âm nhạc này vẫn còn được áp dụng cho các khúc ngẫu hứng hiện nay). Bên cạnh tiếng trumpet đầy cảm xúc của mình, Armstrong có một cách hát ảnh hưởng rất nhiều đến các ca sỹ hát Jazz. Ông đã phổ biến một lối hát Jazz không thành lời (scat). Trong lối hát này, các ca sỹ hát ngẫu hứng các âm tiết thay cho các từ.
Wiki
Nhạc Jazz là gì và làm thế nào để "thưởng thức" nó?
Tôi học nhạc từ năm 9 tuổi. Bố tôi là giáo viên dạy nhạc tại Nhạc viện Hà Nội, nay là Học viện Quốc gia Âm nhạc gì gì đó. Cả 3 anh em tôi đều theo nghề này từ bé. Em tôi học lớp năng khiếu từ nhỏ tại Liên bang Xô viết cũ. Chắc các bạn cũng biết là trình độ âm nhạc cổ điển của Nga có đẳng cấp rất cao trên thế giới, kể cả các nước tư bản phát triển cũng gửi người tới học. Nghệ sĩ Piano cổ điển xuất sắc nhất thế kỷ 20 - Valadimir Horowit, đã được đào tạo tại Nga. Năm 89, tôi được Nhạc việc Hà Nội và Bộ Văn hóa cử đi thi âm nhạc Quốc tế tổ chức tại Đức. Đại khái, tôi là một loại gà chọi, dùng vào việc thi thố để hi vọng đạt thành tích vì Việt Nam ngày ấy cũng như Việt Nam bây giờ vẫn ưa chuộng thành tích để đạt được mục tiêu cá nhân hay tập thể nào đó. Tất nhiên, ngày đó, tôi làm việc rất nhiều với một ý chí quyết tâm rất cao. Kết quả tương đối bất ngờ khi tôi lọt vào vòng 2 của một cuộc thi quốc tế về nhạc cụ của tôi mà trước đó, các bậc cha anh đã luôn thất bại, trừ một người có tên Xuân Trung. Ở Kligenthal ngày ấy và cho đến ngày hôm nay, trong ngành của tôi, ngoài tôi và anh Trung, nếu tôi không nhầm, thì có rất ít người Việt lọt vào vòng thi chúng tôi đã đạt được.
(Tôi nhắc lại là trong ngành nhạc cụ của tôi - cây đàn Accordeon, chứ không phải violin, piano hay nhạc cụ nào khác).
Tôi là người giỏi giang?
Thưa các bạn, tôi không giỏi, tôi chỉ rất chăm chỉ và cần mẫn.
10 năm sau khi thi Quốc tế, tôi bắt đầu biết đến nhạc Jazz. Với những bài đơn giản, tôi thấy hay, nhưng để hiểu sâu hơn, tôi chẳng hiểu gì cả. Tôi đã nghĩ những người chơi nhạc Jazz có thể bị điên. Hòa âm của họ rất khó nghe, không thể chịu được. Đôi khi, họ chơi rất to....Vốn là người ham học và có máu ăn thua, tôi cố gắng tìm hiểu. Tôi cũng không hiểu gì nhiều. Và nói thực, cho đến nay, tôi chỉ dám nói là mình có thể hiểu được khoảng 10% về nhạc Jazz.
Tôi tin là các giáo sư, tiến sĩ âm nhạc nước nhà nếu ngồi nghe cổ điển, họ có thể say sưa như tất cả những người ngoại đạo, đã từng yêu mến các giai điệu của Bach, Bethoven, Mozart, Chopin...; nhưng nếu để nghe nhạc Jazz và thưởng thức nó, đặc biệt là Jazz hiện đại, tôi e các vị sẽ bỏ về mất.
Jazz là cái gì và tại sao Jazz khó nghe thế?
Vâng, Jazz rất khó.
Có khách hàng mua đàn của tôi và hỏi con họ cần học bao lâu để có thể chơi được. Tôi bảo phải học cả đời. Họ nói là con họ có chơi chuyên nghiệp đâu. Tôi nói là giống như ngoại ngữ, dù có chuyên nghiệp hay không thì con bạn vẫn phải học cả đời vì con bạn sẽ cần âm nhạc giống như cần ngoại ngữ. Âm nhạc làm cho cuộc sống thêm sắc màu.
Trong ẩm thực, ngọt, bùi, thơm là những cảm giác dễ quen, nhưng đắng, cay, hăng, đôi khi tanh, "thối" là những cảm giác rất khó quen. Nhưng không phải lúc nào ngọt, bùi mới là ngon. Nếu bạn biết ăn ớt, bạn sẽ thấy ngon mặc dù ớt cay, nếu bạn biết ăn nước mắm, mắm tôm, chao.., bạn cũng sẽ thấy ngon. Bản chất của mùi nước mắm, mắm tôm, chao là thối theo thói quen của người phương Tây. Ngày tôi ở Đức, nếu tôi ăn nước mắm, người Đức sống cùng trong chung cư sẽ than phiền vì họ ngửi giống mùi chuột chết. Họ bảo tôi ăn cá thối. Đó là chưa kể nếu họ thấy tôi ăn mắm tôm thì họ sẽ nghĩ tôi là mọi. Ngược lại, có những loại pho mát của họ, nói thực, tôi thấy không khác gì mùi trong Toilet, khi ăn xong, quên không rửa tay, tôi cứ tưởng mình đã trót chạm phải....của ai đó. Ấy thế mà người Đức lại bảo là tôi dại, không biết ăn, pho mát đấy mới là pho mát thực sự ngon (?!).
Thật không hiểu nổi!
(Tôi là người rất thích ăn pho mát bình thường, nhưng pho mat tôi nói đến ở trên là một loại pho mát rất đặc biệt, thưa các bạn...rất thối, thối hơn pho mát bình thường rất rất nhiều)
Na ná như ẩm thực, nhạc cổ điển khai thác những giai điệu thuận tai, những quãng, những hòa âm thuận như bạn ăn những đồ ăn ngọt, bùi, dễ cảm nhận; nhạc hiện đại, nhạc Jazz khai thác những giai điệu nghịch, quãng, hợp âm nghịch, khó nghe như bạn ăn cay, hăng, đắng...
Nhạc Jazz sai?
Không, nó sai nhưng sai theo cách riêng của nó, sai theo kiểu có qui luật. Nói bậy thì không hay rồi, nhưng tôi thấy có người nói bậy rất...hay. Ăn rau diếp cá rất tanh, nhiều khi buồn nôn, nhưng khi ăn được rồi thì rất thích, cũng như đứa con 7 tuổi của tôi không hiểu tại sao bố thích uống rượu vì rượu đắng, cay, xộc lên tận mũi, nhưng khi nó lớn, có thể nó sẽ thích như tôi. Nếu bạn xem tranh cổ điển, bạn sẽ thấy họ vẽ rất giống, rất đẹp, dễ hiểu, dễ cảm nhận, nhưng nếu bạn xem tranh của Picasso hay các nghệ sĩ hiện đại khác, nhiều khi, bạn chẳng hiểu gì vì chẳng thấy hình khối cụ thể nào cả...Nhạc hiện đại nó na ná như thế, đặc biệt là nhạc Jazz - nó sai để đúng, tìm cái đúng trong cái sai. Vấn đề là bạn cảm nhận nó như thế nào và bạn phải học để biết cách cảm nhận.
Song, nhạc cổ điển vẫn là nền tảng, cũng như bạn không thể ăn ớt, uống rượu để sống.
Bạn cần phải có cơm, sữa và bánh.
Giống ánh sáng và bóng tối, tình yêu và hận thù, bạn biết yêu thì phải biết ghét - ghét những điều xấu xa, và ai cũng biết tình yêu tạo ra thế giới chứ không phải hận thù.
Nếu bạn chỉ là kẻ đáng yêu thì bạn sẽ hợp với Nước thiên đàng hơn là sống trên hành tinh này; bạn có thể trở thành kẻ đáng ghét, nhưng làm thế nào để kẻ đáng ghét đó không "hết cửa" lọt vào Nước Chúa mới là bài toán chúng ta cần giải.
Mấy hôm nay, tôi gặp nghệ sĩ nhạc Jazz Quyền Văn Minh (xin bỏ chữ 'ưu tú' ra ngoài vì tôi thích 'nghệ sĩ yêu..tí' hơn nghệ sĩ ưu tú. Nguyên văn phải là nghệ sĩ Ưu tú Quyền Văn Minh).
Ông nói: "Quang ạ, anh vẫn thế. Thua nhiều, đau nhiều rồi, anh sẽ yêu nhạc Jazz, vui, thổi kèn nốt quãng đời còn lại".
Ngoài nhạc Jazz, để phục vụ bạn bè, ông hay thổi Hạ Trắng, Diễm Xưa, Phôi Pha và các bản tình ca khác của Trịnh Công Sơn với một tiếng kèn mượt mà mang phong cách Jazz đầy phóng túng.
Ông yêu Hà Nội nên những bài về tình ca về Hà Nội cũng là ưu tiên số một trong những giai điệu đó.
Cũng như mọi nơi khác trên hành tinh này, Câu lạc bộ của ông cũng có những thành phần bất hảo. Các nghệ sĩ thường phàn nàn là tại sao Sếp lại "thu thập" những thành phần... như thế vào ban nhạc...
Ông nghĩ khác và bảo tôi:
-Em thấy đội quân của anh ô hợp như thế mà anh vẫn đưa chúng nó vào trật tự.
(Ô hợp = táp nham, không có tổ chức, không có kỉ luật như một bầy quạ)
Cũng giống như Trịnh Công Sơn, Quyền Văn Minh uống rượu nhiều, ông cũng hút thuốc không ít, ông cũng bị một số người ghét, và ông hay khoe những "thành tích" mà ông đang tự hào. Ông tự hào từ một người không được học một giờ nghiêm chỉnh trong trường, lớp vì không có điều kiện, nhưng ông đã là giáo viên Nhạc viện hơn 20 năm nay. Tôi nói ông không nên nghĩ như vậy. Ông tốt nghiệp tại chức Nhạc viện, bằng cấp rất vớ vẩn. Ngày thi vào tại chức, ông còn chưa có nổi tấm bằng phổ thông trung học, ông "tổ chức, vượt cửa ải" phổ thông rồi sau đó mới được ngồi vào cái ghế...tại chức. Ngày ấy, ông đã nhiều tuổi. Tôi bảo ông là phải sửa lại cách tự hào của mình, ông hãy hiểu là nhạc viện lúc nào đó phải cảm thấy vinh dự vì đã hơn 20 năm được cộng tác cùng làm việc với ông chứ không phải ngược lại.
Ông không cần phải tự hào là đã được làm giáo viên Nhạc viện hơn 20 năm.
Ông đã quá khiêm tốn!
Ai muốn biết thêm về nhạc Jazz, hãy vào Google, gõ Quyền Văn Minh rồi hãy tìm gặp ông.
Tôi rất quí ông và tất nhiên, không phải vì tôi có cổ phần trong công ty nhạc Jazz (nếu có) của ông và ông cũng chẳng phải bố tôi.
Đơn giản là tôi quí ông. Ông họ Quyền, tôi họ Đào.Nguồn sưu tầm by Ngoan Trương Công
- Mục đích blog này chỉ sưu tầm,tập trung lại các bài viết hay để bổ sung kiến thức với mục đích học hỏi là chính.Đặt biệt blog này chỉ dành cho chính tôi - không công khai trên mạng.Nên cám ơn - xin lỗi các tác giả tôi đã copy các bài viết mà không có sự đồng ý của tác giả.
Chủ Nhật, 30 tháng 12, 2012
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét