Trong các năm 1965 - 1974, chủ đề chiến tranh Việt Nam đã "thống trị" các giải thưởng nhiếp ảnh Pulitzer danh giá.
Bức ảnh đoạt giải thưởng Pulitzer đầu
tiên về chiến tranh Việt Nam là tác phẩm của nhiếp ảnh gia huyền thoại
Horst Faas, phóng viên ảnh của hãng thông tấn AP (Associated Press). Bức
ảnh chụp ngày 19/3/1964, ghi lại cảnh một người dân Việt Nam ôm xác con
trong khi toán lính biệt kích của quân đội Sài Gòn nhìn xuống từ xe
thiết giáp. Đứa trẻ đã bị chết khi quân Sài Gòn truy đuổi du kích Giải
phóng trong một ngôi làng gần biên giới Campuchia. Bức ảnh đã đoạt giải
Pulitzer năm 1965.
Năm 1966, đề tài chiến tranh Việt Nam
tiếp tục giành giải thưởng danh giá của Pulitzer. Đó là bức ảnh của
phóng viên Kyoichi Sawada, hãng thông tấn UPI (United Press
International) ghi lại cảnh một bà mẹ Việt Nam cùng 4 đứa con lội qua
một dòng sông ở Bình Định để chạy trốn khỏi những cuộc không kích từ máy
bay Mỹ. Bức ảnh được chụp trong năm 1965.
Từ năm 1968, giải thưởng nhiếp ảnh
Pulitzer được chia thành hai hạng mục: Ảnh vấn đề sự kiện (Feature
Photography) và Ảnh tin tức (Spot News Photography). Ở hạng mục Ảnh vấn
đề sự kiện của năm đó, phóng viên Toshio Sakai của hãng thông tấn UPI đã
giành được giải thưởng với bức ảnh có tên “Mơ về một thời kỳ tốt đẹp
hơn” (Dreams of Better Times), ghi lại cảnh những người lính Mỹ nghỉ
ngơi dưới cơn mưa nặng hạt ở Việt Nam.
Năm 1969, phóng viên ảnh nổi tiếng
Edward T. Adams (Eddies Adams) của hãng thông tấn AP giành giải thưởng
Pulitzer cho hạng mục Ảnh tin tức với bức ảnh “Vụ hành quyết Sài Gòn”
(Saigon Execution), ghi lại cảnh Giám đốc cảnh sát VNCH Nguyễn Ngọc Loan
bắn thẳng vào đầu chiến sĩ Việt Cộng Nguyễn Văn Lém trên đường phố Sài
Gòn vào ngày 1/2/1968, khoảng thời gian đầu của cuộc Tổng tấn công Tết
Mậu Thân.
Năm 1972, phóng viên David Hume Kennerly
của hãng thông tấn UPI giảnh giải thưởng Pulitzer của hạng mục Ảnh vấn
đề sự kiện với loạt ảnh về các điểm nóng xung đột trên thế giới năm
1971, trong đó có cuộc chiến tranh Việt Nam.
Năm1973, phóng viên ảnh Huỳnh Công Út
(Nick Út) của hãng thông tấn AP giành giải thưởng của hạng mục Ảnh tin
tức với bức ảnh “Sự khủng khiếp của chiến tranh” (The Terror of War),
ghi lại cảnh cô bé 9 tuổi Kim Phúc bỏ chạy trong hoảng loạn vì bỏng bom
napalm trong một cuộc không kích sai địa chỉ của không quân Mỹ tại Trảng
Bàng, Tây Ninh, ngày 8/6/1972. Bức ảnh này đã đi vào lịch sử với cái
tên “Em bé Napalm”.
Năm 1974, phóng viên ảnh Slava Veder của
AP giành giải Pulitzer của hạng mục Ảnh vấn đề sự kiện cho bức ảnh
“Niềm vui vỡ òa” (Burst of Joy). Bức ảnh được chụp tại căn cứ không quân
Travis (California, Mỹ) ngày 17/3/1973, ghi lại cảnh tù binh chiến
tranh, Trung úy Robert L.Stim được gia đình chào đón khi trở về từ Việt
Nam, ngày 17/3/1973.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét