Tòa Thánh Tây
Ninh (Thị trấn Hòa Thành, Tây Ninh) của đạo Cao Đài có lẽ là một trong
những công trình kiến trúc tôn giáo độc đáo nhất trên thế giới.
Tòa thánh Tây Ninh được khánh thành năm
1947. Tổng thể công trình mang hình tượng Long Mã bái sư. Mặt tiền Tòa
Thánh như đầu Long Mã nhìn thẳng về phía Tây. Hai lầu chuông và trống
vươn lên như hai sừng nhọn. Nằm giữa lầu chuông và lầu trống là tòa nhà
lầu với tầng trệt có tên Tịnh Tâm Đài như miệng Long Mã hả ra. Khu vực
Bát Quái Đài nằm phía cuối của Đền Thánh là phần đuôi của Long Mã. Một
điều đặc biệt là công trình này được xây dựng bằng bê tông cốt tre.
Nằm trên Tịnh Tâm Đài ở mặt tiền, Phi
Tưởng Đài như cái trán với hai cửa được coi như hai con mắt. Giữa hai
cửa là biểu tượng Thiên Nhãn. Trên cao có tượng Phật ngồi trên lưng hổ
và tòa sen. Biểu tượng con hổ tượng trưng năm Bính Dần (1926) là năm
Khai Đạo Cao Đài.
Bức tranh Cao Đài Tam Thánh (ba vị Thánh
của đạo Cao Đài) ở lối vào chính của Tòa Thánh, do Họa sĩ Lê Minh Tòng
vẽ năm 1947. Từ trái sang phải: Tôn Dật Tiên, Victor Hugo và Nguyễn Bỉnh
Khiêm.
Nền Tòa Thánh có 9 cấp gọi là “Cửu phẩm
thần tiên”, mỗi cấp tương ứng với một phẩm cấp của tín đồ. Trên trần là 9
khoảng bầu trời với các hình vẽ mây, rồng và sao.
Hai hàng cột bên trong Tòa Thánh được trang trí hình rồng, chạm khắc tinh xảo, màu sắc rực rỡ.
Khu chính điện của Tòa Thánh là nơi thờ
Thiên Nhãn - biểu trưng cho con mắt của Thượng Đế nhìn thấy rõ tất cả
những hành vi thiện ác của khắp nhân gian, để khen thưởng hay xử phạt
một cách công bình. Nơi đây có quả Càn Khôn lớn tượng trưng cho vũ trụ
với Thiên Nhãn nằm trên vì sao Bắc Đẩu xung quanh là 3.072 vì sao tượng
trưng 72 quả địa cầu và 3.000 thế giới.
Xung quanh vách của Đại điện có những
khung cửa sổ được trang trí bằng họa tiết hoa sen đỡ một khung hình
Thiên Nhãn chính giữa một tam giác đều, có làm những tia hào quang phát
ra.
Ngoài lối vào chính, Tòa Thánh có 6 lối
vào phụ, hai bên có tượng Kim Mao Hẩu (sư tử lông vàng - con vật Văn Thù
Bồ Tát cưỡi trong tích truyện Phật giáo).
Nghinh Phong Đài là một đài cao 17m,
trên có tượng Long Mã mang Hà Đồ chạy về hướng Tây, quay đầu về hướng
Đông, hàm nghĩa “Đạo phát ư Đông, di ư Tây, phản hồi ư Đông” (Đạo xuất
phát từ phương Đông, truyền qua phương Tây, rồi cũng trở về phương
Đông).
Tòa Thánh còn có nhiều biểu tượng ẩn
chứa những ý nghĩa đặc biệt, giống như những lời tiên tri trong các sấm
truyền đang chờ người giải đáp.
Theo thiết kế ban đầu, Tòa Thánh dài
135m, rộng 27m, nền cao 1,8m. Tuy nhiên, khi mới khởi công xây dựng Tòa
Thánh, Hội Thánh gặp khó khăn về tài chính nên khi thi công đã thu bớt
lại kích thước trên. Kích thước thực tế chỉ còn dài 97,5m, rộng 22m.
Tòa Thánh tọa lạc trong khu Thánh địa có
diện tích khoảng 100 ha, có hàng rào bao bọc xung quanh. Chánh môn là
cửa chính và là cửa lớn nhất trong 12 cửa ra vào nội ô Thánh địa. Cửa
này thường đóng và chỉ mở vào các dịp đón tiếp nguyên thủ các quốc gia,
lãnh đạo các Tôn giáo.
Từ Chánh môn có con đường dẫn thẳng
hướng Đông, qua khuôn viên trung tâm Đền Thánh. Tại khuôn viên này có 3
Bửu tháp của Hộ pháp Phạm Công Tắc, Thượng phẩm Cao Quỳnh Cư và Thượng
sanh Cao Hoài Sang, được chạm đắp nhiều hoa văn, họa tiết tinh tế.
Trước Tòa Thánh là một sân rộng gọi là
Đại Đồng Xã với thảm cỏ xanh, với tượng Thái tử Si Đạt Ta (tên Đức Phật
thời trẻ) ngồi trên lưng ngựa đi tìm đạo.
Tiếp theo là Cửu Trùng Thiên (nơi đặt di
cốt của các chức sắc Cao Đài được phong từ bậc Tiên trở lên để hành
tang lễ) có hình bát quái với 9 bậc và được sơn ba màu vàng, xanh, đỏ.
Hai bên có hai khán đài gọi là Đông khán đài, và một ở phía tây gọi là
Tây khán đài, là nơi để tín đồ hành hương và du khách về xem rước Cộ mẫu
vào các kỳ Đại lễ và trưng bày những gian triển lãm của tín đồ các châu
đạo về dự lễ.
Khoảng sân gạch trước cửu trùng thiên
hướng ra cây Bồ đề cổ thụ do Đại đức Thera Narada, phó Tăng thống Phật
giáo Srilanka, tặng cây con chiết từ cây Bồ đề ở Chùa Mahabodhi (Bồ Đề
Đạo Tràng), Ấn Độ cho Tòa Thánh năm 1953. Cách cội bồ đề không xa có cột
phướn cao 18m.
Đạo Cao Đài là một tôn giáo được thành
lập ở Việt Nam vào đầu thế kỷ 20. Đây là một tôn giáo có tính dung hợp
các tôn giáo lớn mà chủ yếu là Phật giáo, Đạo giáo, Nho giáo và Kitô
giáo. Ngoài việc thờ Thiên Nhãn, đạo còn thờ các vị như Phật Thích Ca,
chúa Giê su, Khổng Tử, Lão tử, Phật Bà Quan Âm... Ước tính hiện tại,
toàn đạo có khoảng gần 3 triệu tín đồ trong cả nước, sinh hoạt tại 38
tỉnh thành, tập trung chủ yếu ở Nam Bộ.
Với kiến trúc độc đáo, thể hiện một sự
dung hòa của nhiều yếu tố tâm linh từ Đông sang Tây, Tòa Thánh Tây Ninh
không chỉ là nơi hành hương của các tín đồ đạo Cao Đài mà còn thu hút
một lượng lớn du khách trong và ngoài nước tới tham quan mỗi năm.
Nếu muốn quan sát cách hành lễ của các
tín đồ đạo Cao Đài, du khách nên đến tham quan Tòa Thánh vào khoảng 12
giờ trưa, giờ Tòa Thánh tổ chức Thánh lễ.
Được nghe những bài Thánh ca của đạo Cao
Đài vang lên trên nền nhạc được diễn tấu bằng các loại nhạc cụ truyền
thống là trải nghiệm khó quên đối với mỗi du khách khi ghe thăm Tòa
Thánh Tây Ninh.
Theo KIẾN THỨC
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét