Ông giúp đỡ không chỉ riêng chúa Nguyễn dựng nghiệp lớn với 9 đời chúa, 13 đời vua, mà vạch đường cho chúa Trịnh biết cách “thờ Phật ăn oản”, cho nhà Mạc chạy về “ẩn tại Cao Bằng”. Từ đâu Trạng Trình tiên đoán về thế sự và các vùng đất “ẩn long” hoặc sẽ “vạn đại dung thân” chính xác như thế?
Nhà tiên tri bên sông Tuyết Hàn
Có thể nói, ngoài tài năng thiên phú “bất khả tư nghì” ra, ông còn được “đề dẫn” từ lúc trẻ bởi hai nhân vật lớn trong đời ông: người mẹ và người thầy của ông.
Có thể nói, ngoài tài năng thiên phú “bất khả tư nghì” ra, ông còn được “đề dẫn” từ lúc trẻ bởi hai nhân vật lớn trong đời ông: người mẹ và người thầy của ông.
Về người mẹ, thân mẫu của Trạng là bà
Nhữ Thị Thục (con gái của quan thượng thư Nhữ Văn Lan) là người tinh
thông về khoa chiêm tinh và dịch lý, đã tự chấm lấy lá số tương lai và
biết mình sẽ sinh quý tử. Nhưng muốn vậy, bà cần phải kết duyên với một
người nào đó có cung mệnh tương ứng nên đợi chờ mãi đến ngưỡng cửa của
tuổi 30 vẫn chưa lấy ai.
Cuối cùng bà quyết định tự tìm đến
ông đồ nho nhà nghèo Nguyễn Văn Định để kết duyên, vì bà đã nhìn ra nơi
ông đồ ở chốn thôn dã này là người sẽ cùng bà sinh ra một nhân tài.
Tương truyền trong đêm hợp hôn có trăng sáng, bà ra ngoài trời lấy một
cây trúc cắm giữa sân và dặn ông Văn Định khi nào ánh trăng chiếu xuống
không còn thấy bóng dưới gốc trúc nữa mới được vào phòng hoa chúc.
Nhưng ông Văn Định không đợi được, đã
vội vào ăn nằm với bà khi dưới gốc trúc vẫn còn một chút bóng soi, nên
bà trách chồng và bảo nôn nóng như thế chỉ sinh được người con đỗ Trạng,
chứ không gầy nên nghiệp đế. Người con đó là Nguyễn Bỉnh Khiêm sinh năm
1491, đỗ Trạng nguyên năm 1535 thời Mạc, làm quan đến Thượng thư Bộ
Lại, Thái phó, là thầy dạy học của thái tử Mạc Phúc Hải, được phong tước
Trình Tuyền hầu, Trình Quốc công, nên người đời thường gọi Trạng Trình
và những tiên tri của ông được tập hợp với tựa: Trình Quốc công sấm ký…
Về người thầy, Nguyễn Bỉnh Khiêm theo
học với Bảng nhãn Lương Đắc Bằng – là một vị quan lớn thanh liêm, chính
trực, từ quan rời kinh đô Thăng Long về quê nhà Thanh Hóa mở trường dạy
học, Nguyễn Bỉnh Khiêm cũng theo thầy về xứ Thanh. Thầy Lương Đắc Bằng
nắm giữ bộ Thái ất thần kinh và đã truyền cho Nguyễn Bỉnh Khiêm
yếu chỉ của bộ sách đó, cùng những ứng dụng trong lĩnh vực chiêm tinh
và tiên đoán liên quan đến khoa địa lý và phong thủy.
Sau này, khi biết trước sự nhiễu
nhương của thời cuộc bên ngoài và đầu mối suy sụp trong nội tình nhà
Mạc, Trạng Trình đã dâng sớ xin chém 18 kẻ lộng hành nhưng vua Mạc không
chấp thuận, ông treo mũ từ quan về quê, dựng am Bạch Vân bên bờ sông
Tuyết Hàn.
Chính ở đó, về sau các vua Mạc, chúa
Trịnh và cả chúa Nguyễn đều lần lượt phái sứ giả đến yết kiến để xin cố
vấn về các giải pháp trước mắt, hoặc tiên tri chỉ dẫn về những điều hệ
trọng liên quan đến sự sống còn của họ trong tương lai…
Cảnh sinh hoạt của một nhóm người Đàng Trong
Vùng đất vương gia như sấm truyền
Nguyễn Hoàng là con trai của Nguyễn Kim. Nguyễn Kim là người có công lớn đã tập hợp quân tướng khởi nghĩa chống nhà Mạc cướp ngôi và giúp nhà Lê giành được đất Thanh Hóa, Nghệ An – lập nên triều Lê trung hưng.
Nguyễn Hoàng là con trai của Nguyễn Kim. Nguyễn Kim là người có công lớn đã tập hợp quân tướng khởi nghĩa chống nhà Mạc cướp ngôi và giúp nhà Lê giành được đất Thanh Hóa, Nghệ An – lập nên triều Lê trung hưng.
Sau Nguyễn Kim bị tướng nhà Mạc đầu
độc chết, quyền hành về tay con rể là Trịnh Kiểm. Trịnh Kiểm lo sợ các
con trai của Nguyễn Kim (là Nguyễn Uông và Nguyễn Hoàng) tranh mất quyền
của mình nên đã tìm cách ám hại Nguyễn Uông trước. Thấy vậy Nguyễn
Hoàng rất lo sợ, xem mình như chim cá trong lồng son, có ngày sẽ bị ám
hại như anh mình (Nguyễn Uông). Vì thế Nguyễn Hoàng đã bí mật sai sứ giả
tìm cách lặn lội ra ngoài Bắc, đến yết kiến Trạng Trình xin sấm giải.
Trạng Trình dạy: “Hoành Sơn nhất đái, vạn đại dung thân”.
Vâng theo lời ấy, Nguyễn Hoàng nhờ chị
ruột là Nguyễn Thị Ngọc Bảo (vợ Trịnh Kiểm) xin với Trịnh Kiểm cho mình
vượt Hoành sơn vào trấn thủ vùng Thuận Hóa để tránh xa “dao thớt” của
người anh rể họTrịnh.
Lính Đàng Trong
|
Được Trịnh Kiểm đồng ý và vua Lê cho
phép, Nguyễn Hoàng đem gia quyến rời Thanh Hóa năm 34 tuổi (Mậu Ngọ
1558) và cùng tùy tướng của mình chỉ huy hàng nghìn quân bản bộ vượt
biển để lại dải Hoành sơn phía sau, tiến về phương Nam ở phía trước, vào
thẳng cửa Yên Việt, đóng dinh ở gò Phù Sa, xã Ái Tử, huyện Vũ Xương,
thuộc địa phận tỉnh Quảng Trị ngày nay.
Những thập niên đầu trên vùng đất mới,
Nguyễn Hoàng ra sức khai hoang lập ấp, ổn định dân tình, giữ quan hệ
thuận thảo với vua Lê, chúa Trịnh ngoài Bắc, được vua Lê sắc phong làm
Thái phó và giao toàn quyền quyết định mọi việc ở vùng Thuận Hóa, định
lệ nộp thuế 400 cân vàng bạc và 500 tấn lúa hằng năm.
Nguyễn Hoàng mất năm Quý Sửu 1613, thọ
89 tuổi, trấn thủ đất Thuận Hóa – Quảng Nam trong 56 năm (được truy
tôn: Thái tổ Gia dụ hoàng đế), có 10 người con trai, trước khi mất dặn
lại con cháu phải hết sức giữ gìn đất Thuận Quảng.
Vì đó là nơi phía Bắc có Hoành Sơn với
thế núi chắn ngang che chở, phía Nam có Hải Vân hùng vĩ là yết hầu đưa
sinh khí vào “vùng đất vương gia” (tức kinh thành Phú Xuân- Huế sau
này). Có giữ vững Thuận Quảng mới mong dựng nên cơ nghiệp muôn đời như
sấm ký của Trạng Trình truyền lại “Hoành sơn nhất đái, vạn đại dung thân”.
Theo các nhà viết sử có uy tín như Trần Trọng Kim “núi Hoành sơn tức núi Đèo Ngang ở Quảng Bình”
vốn là một nhánh của dãy Trường Sơn đột nhiên kéo đâm ra sát biển. Đứng
từ đỉnh cao nhất của Hoành Sơn (khoảng 250m) nhìn bao quát sẽ thấy hiện
lên dưới tầm mắt màu xanh ngút ngàn của rừng núi phía Tây, biển rộng
mênh mông trải dài như tấm thảm xanh về phía Đông, thấp thoáng những hòn
đảo nhỏ nhô lên mặt nước như đang chầu về “sơn lâm”.
Con đường xuyên Đèo Ngang thời trước
nằm trên đường thiên lý, cách Đồng Hới khoảng 80 cây số, chạy ngoằn
ngoèo qua các sườn đồi cheo leo, men theo vực sâu, đưa người hành trình
theo chiều dọc từ hướng Bắc vào Nam. Nhìn dưới góc độ phong thủy, Hoành
Sơn đi vào các tài liệu nghiên cứu về địa lý xưa và cả thời nay.
Ngay các tác giả người nước ngoài như học giả Léopold Cadière, chủ bút tạp chí Bulletin des Amis du Vieux Hue,
khi luận về các chi tiết phong thủy ứng dụng xây kinh thành Huế đã nhắc
đến “Hoành Sơn che chở” từ xa đối với nhà Nguyễn. Những nhà sử học, địa
lý học khi viết đến lịch sử triều Nguyễn đều nhắc “Hoành Sơn” thời khởi
nghiệp.
Cảnh sinh hoạt vui chơi ( đá cầu) tại một làng Đàng Trong
Nhà phong thủy học Cao Trung khi luận về long mạch trong Tả Ao địa lý toàn thư đã đưa “Hoành Sơn” vào nội dung phân tích và nêu rõ hai phần trong khoa địa lý gồm: Loan đầu và Lý khí.
Phần Loan đầu là những gì mắt ta nhìn thấy trên đất đai của toàn thể
một cuộc đất kết, hoặc một dòng nước thuận nghịch, một thế núi quanh co.
Nếu cơ nghiệp chúa Trịnh mở đầu với
mối liên hệ về một cuộc đất thuộc vùng “thủy” (nước), thì cơ nghiệp chúa
Nguyễn mở đầu với mối liên hệ thuộc vùng “sơn” (núi). Nói về “sơn”, cụ
Tả Ao diễn giải nếu thấy núi hình thành theo dạng “một vòng bọc lại” (nhất trùng bão khóa) rồi “một vòng mở ra” (nhất trùng khai) thì ở đó có đất công hầu. Nếu lại thấy một dạng núi “vòng ôm” (nhất sơn loan bão) rồi “ngoảnh lại” (nhất sơn cố) là ở đó có đất công khanh.
Trong tập Địa lý gia truyền, cụ Tả Ao cũng chỉ rõ nếu thấy núi cao bao quanh một vùng thì hãy tìm huyệt ở chỗ thấp (chúng sơn cao tầm đê) – còn chung quanh đều thấp thì hãy tầm huyệt ở chỗ cao (chúng sơn đê tầm cao).
Đối chiếu và liên tưởng tới trường hợp
“Hoành Sơn”, những chỉ dẫn phong thủy và địa lý nêu tổng quát ở trên
cũng cho ta thấy qua phần “loan đầu” (có thể nhìn trực tiếp bằng mắt để
đoán định), sau đó đến phần “lý khí” (liên quan đến lý học, thiên văn)
chắc hẳn những gì nêu trong Thái ất thần kinh đã được vận dụng
bởi nhà văn hóa, nhà tiên tri lừng danh nhất trong lịch sử Việt Nam:
Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm. Nhờ vậy, cộng với khả năng thiên phú,
Trạng Trình đã chỉ đúng con đường phải đi cho chúa Nguyễn.
Nguồn: Tạp chí Duyên Dáng Việt Nam - Bài: Giao Hưởng – Ảnh: Tư liệu Trần Đình Sơn
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét