Thứ Năm, 3 tháng 4, 2014

An Lăng – Những tình cờ lịch sử

An Lăng là nơi an nghỉ cuối cùng của cả ba nhà vua: Dục Đức – Thành Thái – Duy Tân và là một cuộc đất chứa đựng những tình cờ lịch sử vượt khỏi tầm nhìn của các nhà dịch lý và phong thủy học cung đình.
Vua Duy Tân với “Đệ nhất giai phi” Mai Thị Vàng
Cuộc đất An Lăng nằm khiêm tốn và yên ắng về phía hữu ngạn sông Hương bỗng trở mình sống động từ ngày có sự biến kinh thành (1884) và một khu lăng mộ được dựng lên ngoài dự tính của hoàng gia (1889). Những điều “ngoài dự kiến” tiếp đó có thể bắt đầu từ chuyện hôn nhân của hoàng tử Vĩnh San.
Hoàng tử Vĩnh San tức vua Duy Tân (ở ngôi từ 1907-1916) là con vua Thành Thái (ở ngôi từ 1889-1907) – hai cha con nhà vua mỗi vị đều có một mối nhân duyên ở Kim Long ngoài dự định ban đầu của hoàng gia. Về vua Thành Thái đã biết đến trong các số DDVN trước. Về vua Duy Tân, cuộc hôn nhân của nhà vua với “đệ nhất giai phi” Mai Thị Vàng – con gái của thầy dạy học Mai Khắc Đôn – đã thành giai thoại trong pho “tình sử” Kim Long. Theo tài liệu của cụ Phạm Khắc Hòe được một số tác giả như nhà văn Nguyễn Đắc Xuân tham khảo và kể lại qua cuốn Chuyện nội cung các vua (NXB Thuận Hóa 1999), thì vào cuối năm 1915 khi vua Duy Tân sắp lên 16 tuổi, mẹ của vua là bà Nguyễn Thị Định muốn “nạp phi” (cưới vợ cho vua) nên các thái giám đã lập một danh sách chừng 25 mỹ nữ con nhà danh giá kèm theo ảnh dâng lên để vua lựa chọn.
Roi-Duy-Tan 1907
Vua Duy Tân lúc nhỏ
Nhưng Duy Tân tìm cách hoãn đi hoãn lại chưa muốn chọn ai. Bị mẹ thúc hối, nhà vua mỉm cười thưa: “Con đã có người ưng ý rồi!”. Hỏi người “ưng ý” ấy hiện ở đâu. Vua đáp ở Cửa Tùng. Mẹ vua sai sắm sửa thuyền rồng cùng con ra Cửa Tùng cốt để nhìn mặt cô dâu. Song đến đó suốt năm ngày liền vẫn chẳng thấy ai ra mắt cả. Mẹ vua có vẻ thất vọng hỏi thị vệ thì được nghe đáp: “Không hiểu sao mấy hôm nay mỗi lần ra bãi tắm, vua rất say mê việc đào bới cát, có khi đào rất sâu (…) ngài bảo: ta đang đãi cát tìm vàng đây!”. Nghe vậy mẹ vua càng băn khoăn, không hiểu thực hư thế nào, mới hỏi nữa, vua đáp mình đào bới cát chính là để tìm người ưng ý đã nói. Mẹ quở vua điên rồi à. Vua nói không, thật đó, nếu ở đây không tìm được vàng thì về kinh thành Huế sẽ tìm được thôi. Rồi lần lần vua hé lộ tâm tư với hoàng mẫu, bà mừng nói: “Rứa thì ả hiểu rồi. Người yêu của con là Mai Thị Vàng con gái quan phụ đạo Mai Khắc Đôn chứ gì?”. Vua thưa đúng thế. Và sau đó lễ nạp phi được tiến hành gấp gáp và trọng thể tại bộ Lễ vào 12 tháng chạp Ất Mão nhằm 16.1.1916 (có tài liệu ghi 26 tháng chạp Bính Thìn, nhằm 30.1.1916). Cưới nhau chưa bao lâu, vua Duy Tân tham gia lãnh đạo cuộc khởi nghĩa của Việt Nam Quang Phục Hội do Thái  Phiên và Trần Cao Vân tổ chức nhưng thất bại và bị Pháp bắt đày sang đảo Réunion. Lúc bấy giờ bà quý phi Mai Thị Vàng đã có thai ba tháng cùng đi với vua Duy Tân sang Réunion.
Duy-Tan nam 30 tuoi
Vua Duy Tân năm 30 tuổi
Mẹ vua và em ruột nhà vua mới 12 tuổi (Mệ Cưởi) cũng đi theo. Hai năm sau, cả ba người không hợp khí hậu và thủy thổ nên đã chia tay nhà vua để về lại kinh thành Huế. Từ đó quý phi Mai Thị Vàng mặc dầu được vua Duy Tân viết thư xin Hội đồng gia tộc chứng nhận và cho phép bà Mai Thị Vàng được đi bước nữa nhưng “bà hoàng quý phi cương quyết giữ tiết với chồng, bà thường ngâm câu: Gìn vàng giữ ngọc cho hay – Cho đành lòng kẻ chân mây cuối trời. Đến năm 1929, cựu hoàng Duy Tân lấy vợ (…) nhiều người khuyên bà Vàng nên lấy chồng (bà mới 30 tuổi) nhưng bà vẫn không nghe, thường nói: Đá dù nát – Vàng chẳng phai, Tử sinh vẫn giữ lấy lời tử sinh” (Nguyễn Viết Kế).  
Một ngoại lệ về phong thuỷ thời Nguyễn
Các vua nhà Nguyễn hết sức cẩn trọng trong việc tìm đất để xây lăng, vì thế các quan chuyên trách về địa lý phải tuân thủ những yêu cầu nghiêm ngặt về phong thủy để chọn lựa. Đại để một cuộc đất cát tường phải hội đủ các điều cốt yếu sau. Phải có Tiền án: tức một ngọn đồi hoặc ngọn núi nằm xa xa về phía trước để ngăn chặn tà khí, cũng như tránh các thế lực ma quỷ dòm ngó. Phải có Minh đường là khoảng đất rộng thoáng trước khu lăng mộ để mọi người đủ chỗ đến chiêm bái đông đúc và để tầm nhìn của nhà vua có thể phóng vào không gian rộng mở. Phải có Hậu chẩm là núi đồi nhô cao phía sau để làm chỗ gối đầu cho vua yên nghỉ. Phải có Thủy tụ là nơi nước tụ về biểu hiện của quyền lực và phú quý đời đời sẽ thuộc về dòng dõi của hoàng đế đương triều một cách đương nhiên như các dòng nước ngày đêm vẫn không ngừng “chảy vào chỗ trũng”. Phải có một không gian bao trùm toàn thể khu lăng mộ theo dáng Rồng cuộn hổ ngồi với các dãy núi xa xa chạy lại ôm lấy cuộc đất để biểu lộ “cái tâm” của tự nhiên sẵn sàng phục tùng chầu bái. Cứ theo các điều kiện đó mà nhà vua sai các quan chuyên trách và các thầy giỏi về dịch lý phong thủy học dò tìm đất xây lăng. Nhưng riêng lăng Dục Đức – nơi cải táng vua Thành Thái và Duy Tân – thì lại nằm ngoài ý định và quy trình chọn đất, mà khá tình cờ, không có những khởi động ban đầu cần thiết. Đó là do lăng Dục Đức được xây nên từ một tình cảnh lịch sử hết sức bề bộn. Nguyên vua Dục Đức (ông nội vua Duy Tân) sau 3 ngày  lên  ngôi đã bị truất phế và giam đói trong ngục cho đến chết. Thi hài của ông được cuốn vội vàng trong một chiếc chiếu dùng làm quan tài để đưa đi chôn vào một đêm mưa gió, khi khiêng gần đến chùa Tường Quang thì dây chằng bị đứt khiến “quan tài” rớt xuống đất và lăn vào một vũng nước. Người ta cho rằng đó là nơi “thiên táng” (trời chỉ cho chỗ chôn) nên giữa đêm khuya đã lấp đất lại, đắp thành một ngôi mộ như đã trình bày trong kỳ trước. Về sau, năm 1889 con ruột của vua Dục Đức lên ngôi là vua Thành Thái đã xây nơi ấy thành một khu lăng mộ và dựng điện Long Ân để thờ cha mình.
Lang Duc Duc 1_resize
Lăng Dục Đức
Theo mô tả của Trần Ngọc Bảo trong cuốn Từ điển ngôn ngữ – văn hóa du lịch Huế xưa, NXB Thuận Hóa 2005, điện Long Ân xây theo kiểu “trùng thiềm điệp ốc – gồm 5 gian 2 chái sơn son thếp vàng, chạm trổ công phu”. Mộ vua Dục Đức và hoàng hậu Từ Minh đặt song song nhau “theo kiểu càn khôn hiệp đức hay song táng”. Nằm giữa mộ vua và hoàng hậu có một tòa nhà hình vuông mỗi cạnh 8 mét (nhà Huỳnh Ốc) trên mái lợp ngói hoàng lưu ly (màu vàng) và có “một bệ đá dùng làm nơi bày lễ cúng”. Và trong khu vực lăng có mộ vua Thành Thái (lên ngôi năm 1889) là người đã “canh tân đất nước, lập trường Quốc Học, dưới thời Thành Thái đã xây cầu Trường Tiền, lập chợ Đông Ba, mở đường Nam Giao tàn lộ, thành lập thị xã Huế”. Vì chống Pháp ông bị Pháp đưa đi an trí tại Vũng Tàu năm 1909, sau đó đưa sang đảo Réunion, đến năm 1947 vua Thành Thái “được về nước và đã sống ở Sài Gòn đến khi mất vào năm 1954, mộ vua giống như mộ dân thường không lớn như lăng mộ các vua đời trước”. Còn vua Duy Tân tử nạn máy bay tại Trung Phi năm 1945, an táng tại nghĩa trang Baiki và cải táng về An Lăng năm 1987.
Một ghi nhận khác cho biết lúc đầu khu vực lăng “chỉ là một ngôi mộ đất nhỏ bình thường (1883-1888) nếu không nói là tầm thường, chẳng được mấy ai hương khói”. Nhưng về sau nơi đó “có đầy đủ quy cách kiến trúc của lăng tẩm một ông vua (…) rộng 56.144m2 với 20 công trình kiến trúc lớn nhỏ; chia ra hai khu vực lăng và tẩm nằm cách nhau khoảng 100m” (1) với la thành bao bọc. Riêng khu lăng mộ rộng 3.445m2 có hai mộ của vua Dục Đức và hoàng hậu Từ Minh xây bằng đá Thanh được “thiết trí theo nguyên tắc nam tả nữ hữu – những hình ảnh tam sư hý cầu và song phượng đắp nổi ở hai bình phong sau hai ngôi mộ cho thấy rõ hơn về nguyên tắc đó (…). Đáng lưu ý nhất là trên mặt tấm bình phong xây trước mộ nhà vua, có đắp nổi hai chữ “hỷ” ghép lại với nhau, đọc thành “song hỷ”; và đối xứng với nó là hình ảnh chữ “thọ” cách điệu hoa lá thành hình tròn viên mãn được đắp nổi ở tấm bình phong trước ngôi mộ bên kia. Hỷ là vui mừng. Thọ là sống lâu. Ở chỗ chôn người chết mà lại vui mừng và sống lâu, đó không phải là một điều lạ sao. Nó bắt nguồn từ quan niệm sống gởi thác về của người Đông phương thuở trước” (2).
Lang Duc Duc 2_resize

Lăng Dục Đức
Ngày nay, lăng Dục Đức cùng hệ thống lăng tẩm nhà Nguyễn nằm trong quần thể di tích Huế đã trở thành di sản thế giới với nhiều tài liệu minh chứng, đánh giá và tôn vinh có từ ngót gần cả trăm năm trước. Chẳng hạn Toàn quyền Albert Sarraut trong một lần diễn thuyết tại Paris ở Đại học đường Nữ giới (Université des Annales) vào tháng 12.1916, đã nhấn mạnh: “Muốn hiểu tâm hồn người Việt Nam, muốn biết sức mạnh cổ điển trong nước lấy việc phụng sự tổ tiên làm gốc, muốn thấu được tôn chỉ cao thượng của tư tưởng người nước Nam, muốn tưởng tượng được cái vẻ rực rỡ trong lịch sử văn minh dân ấy, thì tất phải hằng giờ đi dạo chơi thơ thẩn trong mấy chốn bồng lai tiên cảnh là những lăng tẩm của các vị đế vương nước ấy…” (3).Vậy là trong giá trị lăng tẩm mà Albert Sarraut đề cập tới trên, lăng Dục Đức đã gắn liền với những tình cờ lịch sử để vượt qua khỏi giai đoạn dò tìm cuộc đất phong thủy đắc địa và tự khẳng định cho mình một vẻ đẹp riêng.
 (1)  và (2): Phan Thuận An – Quần thể di tích Huế, NXB Trẻ 2007.
(3) Phạm Quỳnh dịch – Thượng Chi văn tập, NXB Văn học 2006.
Theo Tạp chí Duyên Dáng Việt Nam – Bài: Giao Hưởng – Ảnh: Tư liệu

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét