Thật thiếu sót
nếu không nhắc đến phong thủy ở vùng đất Gò Công – nơi sinh ra hai người
đẹp nổi danh nhất của vương triều Nguyễn là hoàng thái hậu Từ Dụ và
hoàng hậu Nam Phương – với câu chuyện còn lưu truyền đến nay về “gò đất kết” Sơn Quy…
Sơn Quy là tên do nhà Nguyễn đặt cho một cái gò có hình dạng như
chiếc mai con rùa nổi lên trên đất Gò Công thuở xưa, ở địa phận huyện
Tân Hòa, nay thuộc tỉnh Tiền Giang. Dân chúng quen gọi cuộc đất Sơn Quy
ấy bằng hai tiếng bình dị dễ nhớ là Gò Rùa.Điểm lành tuôn nước ngọt ngào
Gò này gắn liền với câu chuyện phong thủy liên quan đến gia thế và cuộc sống đức độ của một bậc mẫu nghi thiên hạ là hoàng thái hậu Từ Dụ (vợ vua Thiệu Trị và là mẹ của vua Tự Đức). Tương truyền sau ngày bà ra đời vào năm Gia Long thứ 8 (1810) nước ở Gò Rùa bỗng trở nên ngọt hơn so với nước thường bị mặn quanh vùng. Dân chúng đồn đãi rồi rủ nhau đến đó múc gánh về dùng và lấy làm lạ về thứ nước ngày càng ngọt, uống vào thấy khỏe ra. Cây cỏ quanh gò cũng trở nên tươi tốt hơn lên và đơm hoa trổ trái bất thường. Vì cớ đó đã truyền đi trong dân gian câu ca: Điềm lành tuôn nước ngọt ngào – Lại thêm phước đức vun cao Gò Rùa (Lệ thủy trình tường thoại – Quy khâu trúc phước cơ). Vậy đó là điềm gì? Và phước đức của ai?
Người quanh vùng để tâm hỏi han như trên và được các kỳ lão giải thích đại khái mỗi lần vùng đất nào có đổi thay về khí sắc nước nôi như vậy ắt đã có một nhân vật kỳ đặc nào đấy vừa xuất sinh ở đó. Mà ở Gò Rùa thì nhà danh giá phải kể đến vợ chồng cụ thượng thư Phạm Đăng Hưng. Theo một số tài liệu, dòng họ Phạm Đăng ở Gò Công vốn từ ngoài Trung đã theo dòng người Việt đổ về phía Nam khai phá vào khoảng thế kỷ 17. Trong những vị đi tiên phong đến vùng đất mới có cụ Phạm Đăng Xương – một nhà nho uy tín đương thời – người gốc ở vùng Phú Xuân, huyện Hương Trà (Thừa Thiên – Huế ngày nay) đã “dẫn cả gia đình vào định cư ở Gò Rùa (giồng Sơn Quy – Gò Công), tại đây cụ chiêu mộ dân chúng khai phá đất hoang, mở mang sản xuất, khiến nơi này ngày càng thịnh vượng” (1).
Lăng mộ cụ Phạm Đăng Hưng nằmg trong di tích quốc gia Lăng Hoàng Gia
Song song với việc ổn định cuộc sống ban đầu ấy, cụ Phạm Đăng Xương
đã thâu nhận rất nhiều môn sinh trong vùng để dạy học tạo nên thế hệ trí
thức đầu tiên quanh “đất kết” Gò Rùa. Mọi người tôn kính gọi cụ là “Kiến Hòa tiên sinh”. Con
trai của cụ là Phạm Đăng Long nối bước làm nghề dạy học. Từ đó trải
nhiều đời về sau, họ Phạm Đăng trở thành dòng họ kỳ cựu trên đất Gò
Công, với những ngôi mộ cổ táng ở Gò Rùa mà các thầy địa lý thời ấy đã
chỉ. Trong số các ngôi mộ đó có một ngôi đặc biệt đã được chôn ở vị trí
đại cát và thoáng đãng nhất trên gò. Đến đời thượng thư Phạm Đăng Hưng
(ông ngoại vua Tự Đức), đã nhờ các thầy địa lý đến gò Sơn Quy để thẩm
định một lần nữa thế đất phong thủy mà các đời trước đã chọn để chôn cất
người quá vãng. Các thầy địa lý quả quyết gò Sơn Quy là một gò đất tốt,
sẽ mang lại hưng vượng cho con cháu của những người nằm dưới mộ. Tuy
nhiên phía sau gò Sơn Quy bị trống trải, không có được một dãy đồi ôm
che, thiếu hậu chẩm. Thêm nữa bên phải và bên trái cuộc đất Sơn Quy
thiếu các dãy đồi từ xa “triều về” nên cái thế “tả hữu phú chi” không
có. Nghĩa là sự hưng vượng chỉ phát lên mạnh mẽ một đời rồi ngưng lại
chứ không “truyền đời” cho các chi nhánh về sau được. Một điều nữa, theo
các thầy địa lý đương thời đã dựa theo cuộc đất ở gò Sơn Quy thì họ
Phạm phát mạnh về phái nữ (âm thịnh) và chỉ thịnh thời trẻ đến trung
niên mà thôi, hậu vận sẽ gặp phải không ít trắc trở và buồn lo. Điều đó
ứng vào người con gái cụ thượng thư Phạm Đăng Hưng tức cô Phạm Thị Hằng
(hoàng thái hậu Từ Dụ) ra sao, chúng ta có thể tham khảo và kiểm chứng
qua vài nét chính đã xảy ra trong đời của bà dưới đây.
Đức Quốc Công Tự Gò Công nằm trong di tích Lăng Hoàng Gia
Hoàng hậu duy nhất sống quan 10 đời vuaTheo đoán định về thế đất Gò Rùa như trên, thì hoàng thái hậu Từ Dụ sẽ lên đến tuyệt đỉnh phú quý vào thời thanh xuân. Từ năm 12 tuổi bà đã nổi tiếng là người con có hiếu. Khi mẹ bà bệnh nặng bà đã kề cận bên giường săn sóc từng miếng cơm hớp nước, đến phút cuối khi mẹ qua đời bà đã kêu khóc ngày đêm không dứt. Nghe tiếng bà là người con hiếu để và đoan trang hiền thục nên lúc bà 14 tuổi đã được Thuận Thiên Cao hoàng hậu (vợ vua Gia Long) tuyển bà rời Gò Công ra kinh thành Huế để vào cung hầu hoàng trưởng tử Miên Tông (tức vua Thiệu Trị về sau). Vua Thiệu Trị lên ngôi được 3 năm đã tấn phong bà làm Quý phi (1846). Năm sau (1847) trước khi qua đời, vua Thiệu Trị bảo các quan trong triều rằng Quý phi (Phạm Thị Hằng) là người vợ đầu của vua (nguyên phối) đã có công “giúp trẫm suốt 7 năm trong công việc nội chính, vì thế trẫm đã có ý muốn lập Quý phi làm hoàng hậu nhưng tiếc thay không còn kịp nữa”. Thiệu Trị mất, vua Tự Đức nối ngôi (1848) liền sai triều thần bưng kim sách và kim bảo đến dâng bà để tôn hiệu Hoàng thái hậu. Bà là người nhân từ, ai có lỗi bà ôn tồn chỉ bảo, thậm chí nhận thay lỗi cho người ấy. Sử sách triều Nguyễn và các tài liệu liên quan đều ca ngợi đức độ của bà: “Sống trong lầu vàng điện ngọc nhưng bà Từ Dụ rất cần kiệm – thấy vua Tự Đức (con của mình) trần thiết (bày biện) những đồ vật quý giá trong cung Diên Thọ cho mình, bà không bằng lòng bảo vua: những thứ này đều do trăm họ dâng nộp, mình không làm đặng sự chi lợi ích cho nước thì thôi, sao dám vọng phi (lạm dụng)?. Vua Tự Đức phải đem cất hết những đồ đạc quý giá ấy vào kho” (2).
Sống trên đỉnh cao nhất của quyền quý nhưng rốt cuộc bà lại không được vui vì con trai duy nhất của bà (là vua Tự Đức) đã chết trước bà – mà lại không có người nối dõi. Tiếp đó là quân Pháp tràn vào với một loạt bi kịch trong nội bộ hoàng tộc, kẻ bị giam đói chết, người bị lưu đày xa xứ. Tuy vẫn còn ngồi trên ngôi cao nhưng thực chất quyền hành đều nằm trong vòng chi phối của ngoại bang. Trong giai đoạn chua xót đó của lịch sử nước nhà, cũng là những tháng ngày cay đắng suy tàn dần của vương triều Nguyễn, thì ở xa xa về phía Nam cây cối ở Gò Rùa đang xanh tươi đột nhiên héo tàn dần rất rõ nét vào năm 1859 (Kỷ Mùi). Lạ thay, nước giếng ngọt ngày nào năm đó bỗng trở mặn liên tiếp trong gần một tuần. Và rồi trong tuổi về già, với biết bao biến cố buồn thương dồn dập, hoàng thái hậu Từ Dụ mắt bị mờ và tai bị điếc. Bà qua đời năm 1901, thọ 92 tuổi, để lại một tấm gương sáng về lòng từ ái thương người và mẫu mực đức độ nên tên của bà ngày nay đã được dùng để đặt tên cho một bệnh viện phụ sản nổi danh ở Việt Nam là Bệnh viện Từ Dũ tại TP. Hồ Chí Minh.
Như vậy, bà Từ Dụ là hoàng hậu duy nhất trong lịch sử vương triều Việt Nam đã sống qua 10 đời vua, kể từ lúc bà sinh ra thời vua Gia Long, vào cung thời vua Minh Mạng, làm vợ vua Thiệu Trị, là mẹ vua Tự Đức, trở thành hoàng thái hậu chứng kiến bi kịch triền miên của các triều Dục Đức, Hiệp Hòa, Kiến Phúc, Hàm Nghi, Đồng Khánh và Thành Thái. Bà sống thời thanh xuân rực nắng và thời trung niên cũng như về già hiu hắt phai màu như cỏ cây úa vàng dần trên “gò đất kết” Sơn Quy thuở nào.
Cũng tương tự như bà, sau này hoàng hậu Nam Phương – vợ vua Bảo Đại, cũng sinh ra tại đất “địa linh nhân kiệt” Gò Công – Tiền Giang, cũng sống thời huy hoàng lúc trưởng thành, để rồi rơi vào cảnh cô đơn lúc cuối đời. Điều đó rất rõ ràng khi ta liên tưởng đến đám cưới của hoàng hậu Nam Phương rộn rịp thuở nào trái hẳn với cảnh Nam Phương sống một mình nơi xứ người và phải nhận những tin tức về mối giao du của cựu hoàng Bảo Đại với những người tình mới nhất của ngài mà chúng tôi sẽ đề cập ở kỳ sau.
Nam Phương Hoàng Hậu
(1) Nguyễn Phúc Nghiệp – Nam Bộ xưa và nay (nhiều tác giả), Tạp chí Xưa và Nay, NXB TP. HCM, 1998, trang 340.
(2) Nguyễn Viết Kế – Kể chuyện các đời vua nhà Nguyễn, NXB Đà Nẵng 2001.
Theo Tạp chí Duyên Dáng Việt Nam – Bài: Giao Hưởng – Ảnh: Tư liệu
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét