Thứ Năm, 26 tháng 6, 2014

'Hậu duệ Hai Bà Trưng' trên đảo Sumatra

Các nhà nghiên cứu ở Indonesia tán thành giả thuyết người Minangkabau đến từ Việt Nam. Nhiều đoạn phim quảng bá du lịch cho đảo Sumatra đã tuyên bố tổ tiên người Minangkabau là người Việt đã di cư đến Nam Dương bằng thuyền, nhằm nhấn mạnh sự độc đáo của nền văn hóa Minangkabau.
Theo giả thuyết nhà nghiên cứu độc lập Trương Thái Du đưa ra, sau thất bại của cuộc khởi nghĩa Hai Bà Trưng, vào cuối năm 43 một bộ phận người Việt đã lên thuyền ra khơi và dạt vào Eo biển Malacca nhờ gió mùa Đông Bắc. Tiếp đó, họ định cư tại khu vực phía Tây đảo Sumatra và trở thành dân tộc Minangkabau ngày nay. Ảnh: Cô dâu và chú rể người Minangkabau trong đám cưới.
Tộc người này theo chế độ thị tộc mẫu hệ giống như người Việt cổ. Người nữ giữ quyền thừa kế trong thị tộc gọi là Turun Cicik, em gái của Turun Cicik nằm trong hàng thừa kế thứ hai gọi là Turun Nyi. Hai danh xưng này rất giống tên gọi của hai chị em Trưng Trắc, Trưng Nhị. Ảnh: Phụ nữ Minangkabau trong trang phục truyền thống.
Kiến trúc truyền thống Minangkabau là những ngôi nhà mái cong vút như cặp sừng trâu, có đường nét giống với nhà sàn hình thuyền trên trống đồng Đông Sơn, được gọi là Rumah Gadang.
Rumah Gadang được thiết kế theo kiểu giống nhà sàn, phần sàn nhà cách mặt đất độ gần 2m, bên trong được chia làm ba phần thông thoáng nhau không có vách ngăn cách, gian chính ngay giữa nhà là gian tiếp khách, còn lại là khu giường ngủ và bếp. Nhà kho chứa nông sản được xây cất riêng, cũng có mái cong như nhà chính.
Những ngôi nhà Rumah Gadang vừa là nơi cư trú, vừa là nơi gặp gỡ hội họp trong gia đình và tiến hành những hoạt động nghi thức cộng đồng. Chúng được truyền đời từ mẹ, sang con gái, và cứ thế nối tiếp đời nọ đến đời kia.
Một nét độc đáo khác thể hiện giá trị văn hóa đặc sắc trong xây dựng là những chi tiết trang trí được thể hiện tinh xảo bằng lối chạm khắc, phối màu sặc sỡ phủ kín quanh nhà từ chân cột lên đến nóc mái. Nhà của trưởng làng – một phụ nữ – thường là ngôi nhà lớn nhất, điêu khắc đẹp nhất.
Người Minangkabau có sự tích về kiểu kiến trúc “sừng trâu” của Rumah Gadang như sau: Ngày xưa có một mối bất hòa giữa người Minangkabau và người Java, và hai bên thỏa thuận chọi trâu để phân định. Người Java đưa ra một con trâu khổng lồ, trong khi người Minangkabau lại dùng một con nghé con, bị bỏ đói nhiều ngày và trên đầu buộc con dao sắc...
Khi vào trận con nghé đói tưởng trâu là mẹ mình, lập tức rúc vào bụng trâu để bú. Con trâu mộng đã bị hạ gục vì dao đâm thủng bụng, và người Minangkabau chiến thắng. Cũng theo sự tích này Minang nghĩa là chiến thắng, kabau là trâu.
Sự tích kể trên tương đồng gần như hoàn toàn với một giai thoại dân gian nổi tiếng của người Việt Nam về chuyện Trạng Quỳnh dùng nghé đấu với trâu chiến của sứ giả Trung Hoa. Phải chăng đây là hai dị bản của một câu chuyện đã có từ thời các cư dân Việt cổ?
Người Minangkabau ngày nay theo đạo Hồi, nhưng tín ngưỡng nguyên bản của họ là thuyết vật linh (thờ linh vật, tin rằng vạn vật có linh hồn). Theo nhiều nhà nghiên cứu, thuyết vật linh là tín ngưỡng đầu tiên của dân tộc Việt, trước khi các đạo Nho, đạo Lão và đạo Phật du nhập. Ảnh: Một điệu múa truyền thống của người Minangkabau.
Cư dân Minangkabau sinh sống bằng nghề trồng lúa từ lâu đời, và họ cũng có tục ăn trầu nhuộm răng cùng nhiếu nét văn hóa khác gần gũi với người Việt.
Các nhà nghiên cứu ở Indonesia cũng tán thành giả thuyết người Minangkabau đến từ Việt Nam. Nhiều đoạn phim quảng bá du lịch cho đảo Sumatra đã tuyên bố tổ tiên người Minangkabau là người Việt đã di cư đến Nam Dương bằng thuyền, nhằm nhấn mạnh sự độc đáo của nền văn hóa Minangkabau.
Ngày nay có hơn 4 triệu người Minangkabau sinh sống tại tỉnh Tây Sumatra, trong khi có hơn 3 triệu người khác sinh sống rải rác tại nhiều thành thị của Indonesia và bán đảo Mã Lai. Nam giới Minangkabau nổi tiếng là những nhà kinh doanh giỏi do phải đi lập nghiệp xa và giao nhà cửa cho người phụ nữ quản lý.
Theo KIẾN THỨC

Shwedagon - kỳ quan Phật giáo của người Miến Điện

Bọc 60 tấn vàng và trang trí bằng hàng nghìn viên kim cương, hồng ngọc, chùa Shwedagon được đánh giá là một kiệt tác nghệ thuật khổng lồ của nhân loại.
Nằm trên đồi Singuttara, chùa Shwedagon hay Chùa Vàng ở Yangoon được coi là ngôi chùa linh thiêng nhất của đất nước Myanmar.
Từ chân đồi có 4 lối leo lên chùa. Mỗi lối lên có một cặp chinthe (sư tử thần) hết sức bề thế canh gác.
Chùa Shwedagon bao gồm 1.000 đơn thể chùa bao quanh tòa tháp trung tâm. Tòa tháp vàng khổng lồ này cao tới 99m chính là tâm điểm của ngôi chùa, gồm 3 phần chính: đáy tháp, thân tháp và đỉnh tháp. Quanh bảo tháp còn có 64 ngôi tháp nhỏ.
Tòa bảo tháp này được bao bọc bằng 60 tấn vàng lá. Đó là những tấm vàng cực mỏng được các thợ thủ công chế tác bằng kỹ thuật truyền thống. Các tín đồ mua các tấm vàng dâng nhà chùa để dát vào tháp. Việc dát này bắt đầu có từ thời Hoàng hậu Shin Sawbu.
Phần đỉnh tháp được nạm 5.448 viên kim cương và 2.317 viên hồng ngọc. Trên cùng là cánh hình cờ và ở vị trí cao nhất là búp kim cương gắn một viên kim cương 76 carat (15 g).
Nội thất và các bức tượng bên trong chùa cũng được dát vàng lộng lẫy.
Các chi tiết kiến trúc của chùa được chế tác rất tinh xảo.
Theo truyền thuyết và theo ghi chép của các nhà sư, ngôi chùa có từ trước khi Phật qua đời, nghĩa là có cách đây 2.500 năm. Tuy nhiên các nhà khảo cổ học cho rằng công trình được xây lần đầu vào khoảng thời gian từ thế kỷ 6 đến thế kỷ 10.
Ban đầu, tòa tháp chính của chùa chỉ cao khoảng hơn 20m nhưng sau đó liên tục được xây bổ sung và đến thế kỷ 18 đã đạt chiều cao 99m như hiện tại.
Trong quá trình tồn tại, chùa Shwedagon đã phải trải qua nhiều thời khắc lịch sử đen tối. Năm 1608, một toán quân Bồ Đào Nha đã cướp phá chùa. Tháng 5/1824, quân Anh xâm lược Myanma đã chiếm đóng và biến ngôi chùa thành một pháo đài, tới hai năm sau mới rút đi.
Trong chiến tranh Anh-Miến thứ hai, quân Anh lại chiếm đóng chùa và lần chiếm đóng này kéo dài tới 77 năm, đến tận năm 1929. Trong khoảng thời gian này, người dân vẫn được vào lễ chùa.
Những trận động đất cũng nhiều lần gây thiệt hại lớn cho chùa. Hai trận động đất vào năm 1768 và 1970 đã khiến đỉnh tháp bị rơi, khiến chính quyền phải tiến hành sửa chữa.
Từ lâu chùa Shwedagon trở thành nơi hành hương của các tín đồ Phật giáo Myanma. Theo quy định, khi vào chùa phải cởi giày dép. Người Myanmar thường đi vòng quanh tháp theo chiều quay của kim đồng hồ.
Trong chùa có 7 bồn nước tương ứng với 7 hành tinh và với 7 ngày trong tuần. Đó là nơi những người có sinh nhật trùng vào ngày đó tới tưới nước tắm cho tượng Phật.
Ngày nay, chùa Shwedagon đã trở thành địa điểm du khách quốc tế không thể bỏ qua mỗi khi đến thành phố Yangoon của Myanmar.
Theo KIẾN THỨC

Wat Rong Khun - kỳ quan Phật giáo trắng tinh như cổ tích

Với màu trắng tinh khiết và lối kiến trúc độc đáo, ngôi chùa đã trở thành biểu tượng văn hóa của đất nước Phật giáo Thái Lan.

Nằm ở Ban Rong Khun, cách trung tâm thành phố Chiang Rai ở miền Bắc Thái Lan 13km về phía Nam, Wat Rong Khun hay Chùa Trắng là một công trình tôn giáo mới được xây dựng những năm gần đây.
Với màu trắng tinh khiết và lối kiến trúc độc đáo, ngôi chùa đã trở thành biểu tượng văn hóa của đất nước Phật giáo Thái Lan.
Người thiết kế ngôi chùa là Chalermchai Kositpipat - một họa sĩ kiêm kiến trúc sư Thái Lan, người đã ấp ủ ý nguyện xây dựng một ngôi chùa chỉ toàn màu trắng để biểu trưng cho sự thanh cao của đạo Phật.
Từ năm 1997, khi chọn được khu đất rộng chừng 3ha tại tỉnh Chiang Rai, Chalermchai đã bắt đầu hiện thực hóa ý tưởng của mình với công trình Wat Rong Khun.
Sau gần 2 thập niên xây dựng, Wat Rong Khun đã hiện ra trong một màu trắng tinh khôi, cùng sự pha trộn kỳ lạ của kiến trúc truyền thống và siêu thực, gây ấn tượng mạnh mẽ đối với những ai đến đây.
Về tổng thể, Wat Rong Khun giống như một công trình hiện ra từ thế giới cổ tích với những đường nét kiến trúc huyền ảo.
Để đi đến gian chính điện của ngôi chùa, du khách sẽ phải đi qua một cây cầu đặc biệt, phía bên dưới là hàng trăm bàn tay đang vươn lên cao.
Những bàn tay này là tượng trưng cho vô số linh hồn trầm luân trong bể khổ đang khát khao được giải thoát. Cây cầu đi trên những bàn tay là biểu tượng của sự vượt qua kiếp luân hồi để đi tới cõi Niết bàn.
Bao quanh ngôi chính điện là các hồ cá nằm giữa thảm cỏ xanh, nơi đặt những tác phẩm điêu khắc được chính họa sĩ Chalermchai thiết kế.
Mỗi bức tượng là một biểu tượng mang ý nghĩa tâm linh khác nhau của người Thái.
Các họa tiết trang trí trên mái ngôi chùa được tạo tác rất kỳ công.
Tất cả được khảm hàng nghìn tấm gương nhỏ lấp lánh dưới ánh mặt trời.
Những tấm gương này tượng trưng cho trí tuệ của Đức Phật “sáng chói khắp thế giới và lan ra toàn vũ trụ”.
Không chỉ có vẻ ngoài ấn tượng, Wat Rong Khun còn gây bất ngờ với cách bài trí bên trong. Thay cho những hình ảnh Phật giáo truyền thống, các tác phẩm nghệ thuật đương đại đã được vẽ lên các vách tường. Những bức tranh này thể hiện nhiều biểu tượng văn hóa đại chúng như siêu nhân, phi thuyền… và cả những sự kiện quốc tế nóng bỏng như vụ khủng bố 11/9.
Những tác phẩm này như nhắc nhở người xem về tính chất vô thường, bất ổn và đầy khổ ải của thế giới, mà con người chỉ có thể vượt qua để đạt được hạnh phúc bằng con đường của Phật.
Đến thời điểm hiện tại, dù diện mạo của Wat Rong Khun đã định hình khá rõ nét nhưng ngôi chùa vẫn còn đang trong giai đoạn xây dựng và sẽ tiếp tục được hoàn thiện trong nhiều năm tới.
Theo kế hoạch, khi hoàn thành, toàn thể công trình sẽ gồm 9 tòa nhà bao gồm chính điện, chùa, bảo tàng, hội trường tu viện, nơi giảng dạy, gian hàng cùng các phòng tiện nghi được xây dựng trên tổng diện tích 12.000m vuông.
Đây sẽ là một trung tâm thiền định, nơi mọi người có thể học tập và thực hành Phật giáo, thấm thía lời dạy của Đức Phật.
Dù chưa xây xong, Wat Rong Khun đã trở thành một ngôi chùa nổi tiếng thế giới, thu hút hàng trăm nghìn lượt khách tham quan mỗi năm.
Đây sẽ là điểm đến không thể bỏ qua đối với du khách ghé thăm đất nước Thái Lan.
Theo KIẾN THỨC